Xuất bản thông tin

null Những vấn đề đặt ra đối với tổ chức bộ máy ban tuyên giáo địa phương

Chi tiết bài viết Tin tức

Những vấn đề đặt ra đối với tổ chức bộ máy ban tuyên giáo địa phương

Sau Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, đội ngũ cán bộ ban tuyên giáo ở địa phương có sự biến động nhất định. Tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động của ban tuyên giáo cấp tỉnh, huyện chưa có sự đồng bộ, thống nhất. Công tác tuyên giáo ở xã, phường, thị trấn có nhiều mô hình triển khai khác nhau. Điều này đã ảnh hưởng trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, liên hệ công tác, trao đổi kinh nghiệm giữa các ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, huyện ủy, quận ủy trên cả nước.

Hội nghị giao ban công tác tuyên giáo 6 tháng cuối năm 2019 các cụm tỉnh, thành uỷ trong cả nước, trực tiếp là tại cụm các tỉnh, thành uỷ Tây Nam Bộ do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp tổ chức

ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, TỔ CHỨC BỘ MÁY BAN TUYÊN GIÁO CẤP TỈNH

Hiện nay, số lượng cán bộ tuyên giáo công tác tại 63 ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy trên cả nước là: 1.528 đồng chí (với chỉ tiêu được phân bổ là 1.643 người), đạt 93%. Về cơ bản, đội ngũ cán bộ tuyên giáo cấp tỉnh trên cả nước được đào tạo cơ bản, đảm bảo về số lượng, chất lượng, cơ cấu, có trình độ lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu(1); kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng, giữ vững quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Phần lớn cán bộ tuyên giáo có kinh nghiệm, am hiểu các lĩnh vực công tác tuyên giáo; có ý thức trách nhiệm cao, năng động, sáng tạo; có ý tưởng nâng cao chất lượng công tác, đổi mới nội dung, phương pháp trong quá trình triển khai thực hiện các lĩnh vực công tác tuyên giáo, phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước và địa phương. Cán bộ trong độ tuổi từ 31 đến 40 tuổi chiếm số lượng lớn (42,45%) cho thấy thời gian công tác còn dài, đang trong thời kỳ sung sức và đạt độ “chín” để cống hiến. Cán bộ lãnh đạo tương đối trẻ, năng động, sáng tạo, đã kinh qua nhiều vị trí công tác nên công tác chỉ đạo, điều hành quản lý vững vàng.

Trình độ chuyên môn trên đại học: 643 đồng chí (42,1%); đại học: 845 đồng chí (55,3%); cao đẳng: 23 đồng chí (2,27%). Trình độ lý luận chính trị cao cấp và cử nhân: 930 đồng chí (60,86%); trung cấp: 433 đồng chí (28,34%); sơ cấp: 99 đồng chí (6,48%); chưa qua đào tạo: 66 đồng chí (4,32%). Độ tuổi dưới 30 tuổi: 33 đồng chí (1,12%); từ 31 - 40 tuổi: 648 đồng chí (42,45%); từ 41 - 50 tuổi: 604 đồng chí (39,53%); trên 50 tuổi: 243 đồng chí (15,9%). Cán bộ đã tham gia lớp bồi dưỡng công tác tuyên giáo: 1.153 đồng chí (75,46%). Lãnh đạo cấp phòng, chuyên viên và nhân viên: 1.318 đồng chí. Lãnh đạo Ban có 210 đồng chí, trong đó, nam: 164 đồng chí (78%); nữ: 46 đồng chí (22%); trưởng ban: 63 đồng chí (45 nam, 18 nữ); Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng: 2 đồng chí (Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Giang, Khánh Hòa); Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy: 63 đồng chí; Tỉnh ủy viên: 29 đồng chí.

Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW về “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”, Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Quy định số 04-QĐi/TW, ngày 25/7/2018 về “Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh ủy, thành ủy” (Quy định 04), Ban Thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy đã ban hành Đề án về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị. Theo đó, ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy chú trọng thực hiện sắp xếp theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm tối đa đầu mối phòng(2).

Trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, các ban tuyên giáo đã làm tốt công tác tư tưởng, vận động cán bộ, đảng viên hiểu đúng tinh thần Nghị quyết của Đảng, có nghiên cứu vận dụng linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của cơ quan, từng bước đảm bảo các yêu cầu về tiêu chuẩn, chức danh, vị trí việc làm, chức năng, nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, Quy định 04 của Ban Bí thư Trung ương mới chỉ nêu chung: “Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy xem xét quyết định có thể thành lập một số phòng chuyên môn của ban tuyên giáo tỉnh ủy như: Phòng Lý luận chính trị và Lịch sử Đảng; phòng Tuyên truyền - Báo chí - Xuất bản; phòng Khoa giáo. Ngoài ra, theo tình hình thực tế địa phương, có thể lập thêm các phòng khác nhưng không quá 5 phòng”, nên khi thực hiện sắp xếp phòng, các tỉnh, thành ủy trên cả nước thực hiện không thống nhất, mỗi địa phương thực hiện một cách làm khác nhau(3). Đến nay, các ban tuyên giáo đều thực hiện việc sắp xếp, kiện toàn các phòng chức năng, đảm bảo đủ số lượng lãnh đạo và chuyên viên cho mỗi phòng, cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ của ban, tuy có sự khác nhau về cách sáp nhập. Có 49 ban tuyên giáo có Phòng Lý luận chính trị và Lịch sử Đảng; 28 ban tuyên giáo có Phòng Tuyên truyền - Báo chí - Xuất bản; 27 ban tuyên giáo có Phòng Khoa giáo. Số còn lại được ghép không thống nhất, như: ghép khoa giáo với tổng hợp thành Phòng Khoa giáo Tổng hợp; ghép khoa giáo với văn hóa, văn nghệ thành Phòng Khoa giáo, Văn hóa, Văn nghệ; ghép khoa giáo với lịch sử Đảng thành Phòng Khoa giáo và Lịch sử Đảng; ghép thông tin với tổng hợp thành Phòng Thông tin Tổng hợp; ghép thông tin với tuyên truyền thành Phòng Thông tin Tuyên truyền; ghép thông tin với khoa giáo thành Phòng Thông tin Khoa giáo; ghép thông tin công tác tuyên giáo thành Phòng Tuyên truyền Thông tin công tác tuyên giáo. Một số ban tuyên giáo ghép văn hóa với dư luận xã hội thành Phòng Văn hóa và Dư luận xã hội… Một số ban tuyên giáo giữ nguyên Phòng Tổng hợp, Phòng Tuyên truyền, Phòng Dư luận xã hội, Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo

ĐỘI NGŨ CÁN BỘ TUYÊN GIÁO CẤP HUYỆN

Cả nước hiện nay có 705 ban tuyên giáo quận, huyện, thị xã, với tổng biên chế được phân bổ là 3.816 đồng chí. Tổng số cán bộ tuyên giáo cấp huyện hiện nay là 3.714 đồng chí (97,33%).

Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tuyên giáo cấp huyện được bố trí cơ bản phù hợp với chuyên ngành đào tạo, có kiến thức về công tác xây dựng Đảng, có khả năng tham mưu cụ thể hóa quan điểm, đường lối của Đảng, các nghị quyết của cấp ủy các cấp để vận dụng vào thực tiễn công tác; đã trải qua nhiều vị trí, giữ các chức vụ công tác khác nhau (các phòng, ban, ngành của quận, huyện, thị ủy; Bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn), có kinh nghiệm và kiến thức thực tiễn, lãnh đạo, điều hành các hoạt động của cơ quan đạt kết quả, chất lượng; có tinh thần, trách nhiệm, tâm huyết trong công việc, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới được cấp ủy, chính quyền các cấp ghi nhận, đánh giá cao.

Trình độ chuyên môn trên đại học: 966 đồng chí (26%); đại học: 2.633 đồng chí (70,9%); cao đẳng: 108 đồng chí (2,91%). Trình độ lý luận chính trị cao cấp và cử nhân: 2.043 đồng chí (55%); trung cấp: 1.418 đồng chí (38,2%); sơ cấp: 186 đồng chí (5%); chưa qua đào tạo: 67 đồng chí (1,8%). Giới tính nam: 2.027 đồng chí (54,6%); nữ: 1.687 đồng chí (45,4%). Độ tuổi dưới 30 tuổi: 131 đồng chí (3,53%); từ 31 - 40 tuổi: 1.494 đồng chí (40,22%); từ 41 - 50 tuổi: 1.426 đồng chí (38,4%); trên 50 tuổi: 666 đồng chí (17,85%). Cán bộ đã tham gia lớp bồi dưỡng công tác tuyên giáo: 2.312 đồng chí (62,3%).

Thực hiện Quy định 208-QĐ/TW về “Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trung tâm chính trị cấp huyện”, đến nay, phần lớn các địa phương đã triển khai thực hiện mô hình trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm chính trị. Qua một thời gian triển khai cho thấy, mô hình này vừa góp phần tinh giản được biên chế, vừa trực tiếp tăng cường sự lãnh đạo của ban thường vụ huyện ủy đối với hoạt động của trung tâm chính trị huyện, tạo thuận lợi trong chỉ đạo, điều hành đối với công tác bồi dưỡng, giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở; việc phối hợp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng chính trị thuận lợi hơn; vai trò, trách nhiệm của cấp ủy được phát huy.

Tuy nhiên, hiện nay một số huyện có những mô hình hoạt động riêng, cụ thể: Một là, sáp nhập trung tâm bồi dưỡng chính trị vào ban tuyên giáo như tỉnh Nam Định, Tây Ninh, Quảng Nam, riêng Thừa Thiên Huế đang triển khai mô hình ở 1 huyện. Từ năm 2017, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc triển khai thực hiện mô hình này, tuy nhiên, sau 2 năm thực hiện, các huyện đang tiến hành tái kiện toàn ban tuyên giáo và trung tâm chính trị cấp huyện. Hai là, sáp nhập Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận thành Ban Tuyên giáo - Dân vận. Cụ thể, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc mỗi địa phương có 1 huyện(4) thí điểm mô hình tuyên giáo - dân vận. Việc sáp nhập dựa trên quan điểm công tác tuyên giáo và dân vận có cùng chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục cán bộ, đảng viên, nhân dân. Theo báo cáo của 3 địa phương, đến nay mô hình thí điểm ban tuyên giáo - dân vận đã dần đi vào ổn định, việc thực hiện một đầu mối lãnh đạo tạo thuận lợi trong điều hành, đề ra giải pháp và thống nhất thực hiện nhiệm vụ, hạn chế chồng chéo trong phân công một số nhiệm vụ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương ngày 1-8-2018

ĐỘI NGŨ CÁN BỘ TUYÊN GIÁO XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN

Cho đến nay, trong hệ thống các văn bản của Đảng chưa có quy định về ban tuyên giáo xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, đội ngũ này đang từng bước được củng cố, kiện toàn, nhất là sau Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Cả nước hiện có 19 tỉnh thành lập ban tuyên giáo đảng ủy xã tại tất cả các địa phương, có quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Nhiều tỉnh ủy đã ban hành quy định, hướng dẫn, xây dựng đề án thành lập ban tuyên giáo đảng ủy xã, cơ chế hoạt động và coi đây là một cấp trong hệ thống tuyên giáo. Mô hình ban tuyên vận xã, phường, thị trấn được triển khai thực hiện ở tỉnh Lào Cai (từ năm 212) và Hậu Giang (từ năm 2018). 42 tỉnh còn lại chưa có mô hình ban tuyên giáo đảng ủy xã đồng bộ, chưa có sự chỉ đạo thống nhất từ ban tuyên giáo cấp tỉnh và cấp huyện mà phụ thuộc vào sự chỉ đạo của đảng ủy xã nên có nhiều mô hình khác nhau.

Trong những năm qua, ban tuyên giáo đảng ủy xã, phường, thị trấn đóng vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ tuyên giáo xã đã phát huy được vai trò tiền phong trong công tác tư tưởng tại cơ sở. Các thành viên của ban tuyên giáo xã, phường, thị trấn hầu hết là cán bộ lãnh đạo trong ban thường vụ, ban chấp hành đảng bộ và trưởng các ngành, đoàn thể nên hoạt động tuyên truyền, nắm bắt dư luận, tâm trạng, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân tương đối thuận lợi. Cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của cán bộ ban tuyên giáo xã, phường, thị trấn ngày càng được quan tâm.

Cán bộ tuyên giáo cấp xã có độ tuổi từ 30 đến 50 tuổi chiếm số lượng lớn. Số lượng cán bộ nam chiếm khoảng 2/3. Đa số có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, trong đó trình độ cao đẳng và đại học chiếm số lượng lớn; các địa phương lớn, có điều kiện phát triển thì số cán bộ có trình độ trên đại học khá nhiều. Phần lớn cán bộ tuyên giáo cấp xã có trình độ lý luận chính trị từ sơ cấp trở lên, trong đó trình độ trung cấp chiếm số lượng lớn; tại các tỉnh miền núi còn một số xã vùng sâu, vùng xa, cán bộ chưa được đào tạo về lý luận chính trị.

NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

Một là, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả”, rất nhiều tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương đã triển khai việc sắp xếp lại tổ chức, bộ máy của các cơ quan tham mưu giúp việc, trong đó có ban tuyên giáo. Tuy nhiên, do đặc thù riêng của từng địa phương nên việc sắp xếp tổ chức, bộ máy và giao biên chế đối với ban tuyên giáo cấp tỉnh giữa các địa phương rất đa dạng, không thống nhất trong toàn quốc nên phần nào gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, liên hệ công tác, trao đổi kinh nghiệm giữa các ban tuyên giáo; sự chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn và phối hợp giữa các vụ, đơn vị chức năng của Ban Tuyên giáo Trung ương với các phòng của ban tuyên giáo các tỉnh, thành ủy còn chồng chéo.

Hai là, tại cấp huyện, do đặc thù riêng của từng địa phương và nhiều lý do khác, số lượng biên chế giao cho ban tuyên giáo cấp huyện còn ít, trong khi địa bàn một số huyện miền núi rộng, khối lượng và yêu cầu của công tác tuyên giáo trong tình hình mới ngày càng cao.

Mô hình tuyên giáo - dân vận đang triển khai tại một số huyện còn có sự lúng túng, thiếu cán bộ, chưa được tập huấn, đào tạo bài bản, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả công tác; chưa có sự đồng bộ từ Trung ương, tỉnh đến huyện nên cùng lúc có sự chỉ đạo của 2 ban cấp trên và thêm nhiệm vụ do cấp ủy cấp huyện giao. Vì vậy, nếu không bố trí, sắp xếp khoa học, hài hòa sẽ gây ra sự lúng túng, chồng chéo giữa công tác tuyên giáo với dân vận.

Ba là, việc thực hiện mô hình bí thư đảng ủy kiêm trưởng ban tuyên giáo đảng ủy xã đạt hiệu quả tốt. Bởi, công tác tư tưởng là công tác hàng đầu của Đảng, nên đồng chí bí thư là trưởng ban chỉ đạo công tác tư tưởng trong toàn đảng bộ sẽ phát huy được vai trò hạt nhân chính trị và sự lãnh đạo của cấp ủy đối với ban tuyên giáo xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, qua thống kê cho thấy, cơ cấu, tổ chức và mô hình hoạt động của tuyên giáo xã, phường, thị trấn còn nhiều điểm khác biệt. Điều này phụ thuộc nhiều vào sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo của ban tuyên giáo cấp tỉnh và cấp huyện. Ở địa phương nào, cấp ủy, chính quyền và tuyên giáo cấp trên quan tâm chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, giám sát thì ở đó hoạt động của tuyên giáo cơ sở thống nhất và hiệu quả. Ngược lại, địa phương nào chưa dành sự quan tâm thỏa đáng thì nơi đó có nhiều mô hình hoạt động khác nhau, dẫn đến không thống nhất, không tạo được động lực để cán bộ say mê, tâm huyết trong công tác tuyên giáo. Hiện nay đại đa số cán bộ tuyên giáo ở xã, phường, thị trấn đều là cán bộ kiêm nhiệm, nên chưa dành được nhiều thời gian cho công tác tuyên truyền; chưa có chế độ phụ cấp cho cán bộ làm công tác tuyên giáo cơ sở để khích lệ và nâng cao trách nhiệm đối với cán bộ bán chuyên trách, kiêm nhiệm.

Bốn là, công tác tuyên giáo là một lĩnh vực rộng, đa chiều, có những vấn đề nhạy cảm, phức tạp, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. Điều đó đòi hỏi đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo phải luôn chủ động, sáng tạo, nỗ lực và nâng cao khả năng dự báo để thực hiện tốt công tác tham mưu, bảo đảm tính nhạy bén, kịp thời giúp cấp ủy xử lý, giải quyết các vấn đề phát sinh tại địa phương, cơ quan, đơn vị góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội.

Từ những vấn đề đặt ra, trong thời gian tới, công tác tuyên giáo địa phương cần giải quyết tốt các vấn đề sau:

Thứ nhất, quan tâm nghiên cứu đánh giá hiệu quả thực tiễn về tổ chức bộ máy, cơ cấu ban tuyên giáo ở các cấp, đảm bảo tinh gọn, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong mọi điều kiện. Thường xuyên xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác tuyên giáo ở các cấp, nhất là ở cấp cơ sở có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, tâm huyết với nghề. Coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ làm công tác tuyên giáo ở các cấp bảo đảm phát huy được sở trường của cán bộ, sử dụng đúng người, đúng việc.

Thứ hai, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Quyết định số 238-QĐ/TW về “Quy chế phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan nhà nước cùng cấp trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, nhân dân quan tâm”, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành tuyên giáo với chính quyền, đoàn thể, các cơ quan chức năng trong việc triển khai nhiệm vụ. Thường xuyên quan tâm lựa chọn, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu.

Thứ ba, đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động của ban tuyên giáo các cấp, phù hợp với thực tiễn và xu hướng vận động, phát triển đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chú trọng tăng cường trang bị về lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng, pháp luật của Nhà nước; giáo dục, bồi dưỡng ý thức gương mẫu, lòng say mê và tâm huyết nghề nghiệp, gắn kết thường xuyên, chặt chẽ công tác tuyên giáo với thực tiễn; có kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thời kỳ 4.0 và chuyển đổi số.

Thứ tư, quan tâm toàn diện, thỏa đáng đối với công tác tuyên giáo, từ cơ chế, chính sách, phương tiện kỹ thuật, điều kiện làm việc, nhất là đội ngũ cán bộ chuyên trách nhằm thu hút người giỏi vào làm việc trong ngành tuyên giáo của Đảng và tạo động lực để cán bộ tuyên giáo yên tâm, say mê công tác./.

Phạm Thu Hà - Trần Thị Thu Hằng

Ban Tuyên giáo Trung ương

(1) 100% lãnh đạo cấp ban có trình độ cao cấp, cử nhân lý luận chính trị; tỷ lệ chuyên viên có trình độ cao cấp, cử nhân lý luận chính trị là 60,86%, trung cấp là 28,34%, sơ cấp là 6,48%. Có 4,32% chưa qua đào tạo là những đồng chí làm công tác phục vụ.

(2) Có địa phương giảm 1/2 đầu mối phòng so với trước khi tiến hành sắp xếp (Yên Bái, Tuyên Quang, Bình Thuận...); có địa phương giảm ít nhất là 1 đầu mối phòng (Thái Nguyên...).

(3) Cụ thể: 17 ban tuyên giáo có 3 phòng chuyên môn; 31 ban tuyên giáo có 4 phòng chuyên môn; 13 ban tuyên giáo có 5 phòng chuyên môn; 2 ban tuyên giáo có 6 phòng chuyên môn.

(4) Hà Tĩnh thí điểm tại huyện Kỳ Anh, Vĩnh Phúc thí điểm tại huyện Vĩnh Tường, Quảng Trị thí điểm tại thị xã Quảng Trị