Xuất bản thông tin

null Đồng Tháp: Tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 2 từ ngày 27/4

Chi tiết bài viết Tab Thông tin

Đồng Tháp: Tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 2 từ ngày 27/4

Từ ngày 27/4, Đồng Tháp bắt đầu tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 2 tại 165 điểm, gồm: 09 Bệnh viện, Trung tâm kiểm soát bệnh tật và 12 Trung tâm Y tế huyện, thành phố, 143 Trung tâm Y tế xã, phường, thị trấn trong tỉnh nhằm chủ động dự phòng và tạo miễn dịch chủ động cho nhân viên y tế và các lực lượng ưu tiên trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 bằng vắc xin Astra Zeneca. Nội dung được đề cập trong thông tin công tác khoa giáo kỳ này.

TIN TỨC - SỰ KIỆN

1. Đồng Tháp: Tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 2 từ ngày 27/4

Từ ngày 27/4, Đồng Tháp bắt đầu tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 2 tại 165 điểm, gồm: 09 Bệnh viện, Trung tâm kiểm soát bệnh tật và 12 Trung tâm Y tế huyện, thành phố, 143 Trung tâm Y tế xã, phường, thị trấn trong tỉnh nhằm chủ động dự phòng và tạo miễn dịch chủ động cho nhân viên y tế và các lực lượng ưu tiên trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 bằng vắc xin Astra Zeneca. Trong đợt này, vẫn thực hiện tiêm cho các nhóm đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ, gồm: lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch; đối tượng ngoại giao, hải quan, xuất nhập cảnh; người cung cấp dịch vụ thiết yếu và giáo viên 03 huyện, thành phố biên giới. Dự kiến số lượng thuộc diện tiêm chủng đợt này là trên 21.000 người. Quá trình triển khai trước, trong và sau tiêm được ngành y tế thực hiện chặt chẽ, đúng quy định. Đặc biệt, việc khám sàng lọc trước tiêm và theo dõi xử lý phản ứng sau tiêm được thực hiện nghiêm túc, có sự giám sát, theo dõi và xử lý kịp thời, đảm bảo mục tiêu an toàn tiêm chủng.

Tính đến chiều ngày 27/4, tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19 của Astra Zeneca đợt 2 tại 18 địa điểm: Bệnh viện Quốc tế Thái Hòa (Cao Lãnh và Hồng Ngự), Bệnh viện Đa khoa khu vực Hồng Ngự, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp, Bệnh viện Phương Châu Sa Đéc, Bệnh viện Quân Dân Y, Bệnh viện Đa khoa khu vực Tháp Mười, Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc; Trung tâm Y tế: Tháp Mười, Hồng Ngự, huyện Cao Lãnh, thành phố Cao Lãnh, thành phố Sa Đéc, Tân Hồng, Lấp Vò, Lai Vung, thành phố Hồng Ngự; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật với tổng số 4.326 người được tiêm.

Trước đó, trong tháng 3/2021, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Tháp tổ chức tiêm vắc xin Astra Zeneca đợt 1 an toàn cho cán bộ, nhân viên đang làm việc tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hồng Ngự với 350 liều theo phân bổ của Bộ Y tế.

2. Cử tri tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục có chương trình giám sát chặt chẽ hơn việc biên soạn sách giáo khoa mới

Bộ GD&ĐT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Tháp gửi tới sau kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV bổ sung tại Công văn số 451/BDN ngày 30/12/2020 của Ban Dân nguyện. Theo đó, cử tri tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Bộ GD&ĐT cần tiếp tục có chương trình giám sát chặt chẽ hơn việc biên soạn sách giáo khoa (SGK) mới theo lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 mới được triển khai từ năm học 2021-2022; đánh giá lại việc soạn thảo, phát hành điều chỉnh những sai sót trong sách giáo khoa vừa qua, đặc biệt sách giáo khoa lớp 1 và công bố kết quả để nhân dân an tâm.

Bộ GD&ĐT có Công văn số 828/BGDĐT-GDT ngày 03/3/2021 gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nêu rõ: Triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã phê duyệt 05 bộ sách giáo khoa lớp 1, gồm: 04 bộ sách thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, bộ sách Cánh Diều thuộc Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh để các địa phương, cơ sở giáo dục lựa chọn đưa vào giảng dạy. Tất cả các SGK được Bộ GD&ĐT phê duyệt đều được các nhà trường tổ chức cho giáo viên, tổ bộ môn nghiên cứu để xuất, thành lập hội đồng đánh giá và quyết định lựa chọn phù hợp với điều kiện triển khai thực hiện tại trường. Điều này cho thấy thành công bước đầu của chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK, ngăn ngừa sự độc quyền trong xuất bản, phát hành SGK.

Trước những phản ánh từ đội ngũ giáo viên, phụ huynh học sinh và dư luận xã hội về việc SGK môn Tiếng Việt lớp 1 thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông mới còn gặp một số khó khăn trong quá trình tổ chức dạy và học; một số ngữ liệu trong SGK môn Tiếng Việt lớp 1 chưa phù hợp, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 4090/BGDĐT-TH yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định SGK (Hội đồng thẩm định) và các Nhà xuất bản có SGK môn Tiếng Việt lớp 1 thực hiện rà soát, kiểm tra các nội dung dư luận phản ánh và báo cáo về Bộ. Hiện nay, các Hội đồng thẩm định, tác giả và các nhà xuất bản đã và đang tiếp tục triển khai các bước thực hiện, gửi báo cáo về Bộ GD&ĐT những nội dung theo quy định để thực hiện điều chỉnh, bổ sung trong các lần tái bản.

Mặc dù việc chỉnh sửa, hiệu đính SGK vẫn được thực hiện như đối với các SGK trước đây nhưng việc để xảy ra bức xúc trong dư luận xã hội về một số điểm chưa phù hợp trong SGK trong thời gian vừa qua có trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, Hội đồng thẩm định, các Nhà xuất bản và các tác giả. Bộ GD&ĐT tiếp thu và trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, giáo viên và cử tri cả nước đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu, chỉ ra những nội dung chưa phù hợp trong SGK và mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý để SGK ngày càng hoàn thiện, góp phần triển khai thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Bộ GD&ĐT tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm quá trình xã hội hóa việc biên soạn, phát hành SGK lớp 1 theo quy định tại Nghị quyết số 122/2020/QH14 của Quốc hội; tiếp tục chỉ đạo việc biên soạn, thẩm định SGK từ lớp 2 đến lớp 12 bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới theo lộ trình quy định.

3. Triển khai công tác tuyển sinh lớp 10 năm học 2021 - 2022 và kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021

Sở GD&ĐT vừa tổ chức hội nghị trực tuyến với các đơn vị trực thuộc Sở về triển khai công tác thi tuyển sinh (TS) lớp 10 năm học 2021 - 2022, thi tốt nghiệp THPT và TS đại học năm 2021.

Đối với lớp 10 chuyên, thí sinh dự thi 2 vòng (gồm sơ tuyển và thi tuyển), ngày thi từ ngày 1-3/6/2021. Đối với lớp 10 THPT, thí sinh dự thi với hình thức thi tuyển cho tất cả các trường THPT, THCS-THPT trong Tỉnh (ngoại trừ Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao) tổng số trường thi tuyển là 41 trường, thời gian thi từ ngày 01-02/6/2021.

Đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 sẽ được tổ chức thành 1 Hội đồng thi do Sở GD&ĐT chủ trì, dành cho tất cả các thí sinh đăng ký dự thi tại tỉnh Đồng Tháp. Thời gian diễn ra kỳ thi từ ngày 06/7/2021 - 08/7/2021, thí sinh làm các bài thi và các môn thi thuộc thành phần của bài thi tổ hợp. Lãnh đạo Sở GD&ĐT đã trả lời các ý kiến của đại diện các đơn vị trường, quán triệt các văn bản đến toàn ngành đối với nội dung TS lớp 10 chuyên và lớp 10 THPT, thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Đồng thời chỉ đạo cán bộ quản lý các đơn vị trường thông tin, tuyên truyền đến phụ huynh học sinh nắm các thông tin, nghiêm túc thực hiện các nội dung theo phân công về mốc thời gian, kế hoạch công việc, các dữ liệu liên quan đến thí sinh phải thực hiện chính xác, nghiêm túc, đảm bảo quyền lợi thí sinh.

4. Tổng kết Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp THPT lần thứ X năm học 2020 - 2021

Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp THPT tỉnh Đồng Tháp lần thứ X năm học 2020-2021 diễn ra từ ngày 29/3 - 14/4/2021 với sự tham gia của 193 giáo viên từ 42 trường THPT trong Tỉnh, dự thi ở 12 bộ môn Toán, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Tin học, Tiếng anh, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân, Thể dục, Giáo dục quốc phòng. Thí sinh tham dự trải qua 2 phần thi, phần thi thực hành tiết dạy diễn ra từ ngày 29/3 - 01/4/2021 và phần thi báo cáo biện pháp diễn ra từ ngày 13/4 - 14/4/2021. Ban tổ chức đã trao Giấy chứng nhận cho 96 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, trong đó có 06 giáo viên đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi - Viên phấn vàng.

5. Triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2021

Từ ngày 15/4 - 15/5/2021, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh Đồng Tháp triển khai “Tháng hành động vì ATTP” năm 2021 với chủ đề “Đảm bảo ATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong tình hình bình thường mới”.

Theo kế hoạch, “Tháng hành động vì ATTP” năm 2021 tập trung tăng cường công tác thông tin, truyền thông các vấn đề liên quan đến ATTP. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm trên địa bàn Tỉnh, tăng cường giám sát, hậu kiểm nhằm giảm thiểu ngộ độc do thực phẩm không an toàn. Nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về ATTP và giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; kịp thời xử lý các sự cố mất ATTP.

Ngoài ra “Tháng hành động” năm 2021 còn là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về ATTP trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm ATTP...

6. Tăng cường phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong trường học

Sở GD&ĐT vừa yêu cầu Trưởng các Phòng GD&ĐT, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh về việc đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm, trong đó nhấn mạnh nội dung “05 chìa khoá vàng để có thực phẩm an toàn”. Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm; lựa chọn và sử dụng thực phẩm bảo đảm an toàn, nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, dùng đúng thực phẩm bảo vệ sức khỏe; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực 03 bước, lưu mẫu thức ăn theo đúng quy định. Đồng thời, các cơ sở giáo dục cần tăng cường vệ sinh trường học để phòng, chống các bệnh truyền nhiễm; chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh trong trường học, đặc biệt là trong giai đoạn thời tiết giao mùa dễ bùng phát dịch bệnh.

Tăng cường phối hợp chặt chẽ với gia đình và chính quyền địa phương trong việc giáo dục, hướng dẫn trẻ em, học sinh thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Cụ thể, các em học sinh cần rửa tay đúng cách bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, tổ chức các hoạt động vệ sinh môi trường tại trường học, ăn chín, uống chín, thay đổi thói quen, phong tục tập quán có nguy cơ dẫn đến mất vệ sinh, an toàn thực phẩm. Các nhà trường phải đảm bảo dinh dưỡng phù hợp với độ tuổi, thể trạng của trẻ em, học sinh v.v...

Phối hợp với ngành y tế địa phương và các ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, huy động sự tham gia của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường nhằm giám sát công tác vệ sinh trường học, an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục; phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm về an toàn thực phẩm, điều kiện vệ sinh trong trường học nhằm đảm bảo sức khỏe cho trẻ em, học sinh.

Cùng với đó, triển khai thực hiện “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2021 diễn ra từ ngày 15/4 - 15/5 trên phạm vi toàn Tỉnh với chủ đề “Đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong tình hình bình thường mới”.

7. Thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật

UBND Tỉnh vừa chỉ đạo các sở, ngành, UBND huyện, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch số 207/KH-UBND ngày 10/8/2017 của UBND Tỉnh về việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng trên địa bàn Tỉnh giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025. Đồng thời chủ động tổ chức thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV trên địa bàn quản lý. Bố trí nguồn kinh phí của địa phương để tự lựa chọn đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý đúng theo quy định. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn quản lý bể chứa, khu vực lưu chứa, hướng dẫn, quản lý hoạt động thu gom, chuyển giao cho đơn vị có chức năng vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Song song đó, tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân thu gom vỏ chai, bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, để đúng nơi quy định.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn UBND các huyện, thành phố tổ chức lưu chứa, vận chuyển và xử lý bao gói, thuốc BVTV sau sử dụng đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường.

CHÍNH SÁCH - VĂN BẢN MỚI

1. Chỉ thị về tăng cường chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2021

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị về tăng cường chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2021.

Chỉ thị nêu rõ, để Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2021 (Kỳ thi và tuyển sinh) năm 2021 được triển khai an toàn, nghiêm túc, khách quan, chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện những công việc trọng tâm sau:

Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm toàn diện về Kỳ thi, trực tiếp thực hiện các khâu: ban hành các văn bản chỉ đạo, quy chế, hướng dẫn và triển khai kế hoạch tổ chức Kỳ thi và tuyển sinh đại học; chịu trách nhiệm về đề thi; cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời các quy định, thông tin cần thiết về Kỳ thi và tuyển sinh; xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác tổ chức thi thống nhất toàn quốc và chấm thi trắc nghiệm bằng máy tính, bảo đảm an toàn.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND cấp tỉnh, trực tiếp là Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức Kỳ thi trên địa bàn, bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng, bao gồm: tổ chức đăng ký dự thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi, thanh tra, kiểm tra, công bố kết quả thi và phúc khảo bài thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức Kỳ thi tại địa phương; bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để tổ chức Kỳ thi; bảo đảm các quy định phòng dịch, vệ sinh, an toàn thực phẩm, an ninh, trật tự.

Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, ăn nghỉ cho thí sinh và người thân ở tất cả các điểm tổ chức thi; vận động, hỗ trợ các thí sinh là con em hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa, thí sinh khuyết tật, thí sinh cư trú tại các vùng chịu ảnh hưởng thiên tai tham dự Kỳ thi; không để thí sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về điều kiện kinh tế hay đi lại.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho Kỳ thi.

Thanh tra Chính phủ chỉ đạo Thanh tra các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cử người tham gia Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và các đoàn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi của địa phương.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác về Kỳ thi và tuyển sinh.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, Tổng Công ty bưu điện Việt Nam theo chức năng nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm tích cực phối hợp, chủ động tham gia cùng với Bộ GD&ĐT và UBND cấp tỉnh triển khai tổ chức Kỳ thi; bảo đảm các điều kiện về cấp điện, bưu chính viễn thông, giao thông vận chuyển, khám chữa bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống thiên tai, dịch bệnh và thực hiện tốt những công việc được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất, kiến nghị trong kế hoạch phối hợp tổ chức Kỳ thi.

Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chỉ đạo các cấp bộ Đoàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham gia công tác bảo đảm trật tự, an toàn cho Kỳ thi tại địa phương theo chỉ đạo chung của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.

Các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp công bố công khai đề án, phương thức tuyển sinh trước khi thí sinh đăng ký dự Kỳ thi; chuẩn bị các điều kiện để thực hiện tuyển sinh bảo đảm công bằng, minh bạch; điều động, phân công cán bộ, giảng viên các cơ sở giáo dục đại học tham gia công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tại các địa phương theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.

2. Từ ngày 15/5/2021, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ học nghề

Từ ngày 15/5/2021, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ được hỗ trợ học nghề theo Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, đối tượng áp dụng theo Quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:

Người lao động được hỗ trợ học nghề theo quy định tại Điều 55 Luật Việc làm (sau đây gọi chung là người lao động). Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức được thực hiện hoạt động giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo nghề nghiệp cho người lao động (sau đây gọi chung là cơ sở đào tạo nghề nghiệp).

Sở LĐ,TB&XH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cơ quan BHXH; trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập và các cơ quan có liên quan đến việc hỗ trợ học nghề cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Mức hỗ trợ học nghề: Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4.500.000 đồng/người/khóa đào tạo. Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1.500.000 đồng/người/tháng.

Trường hợp người lao động tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tạo nghề nghiệp thì số ngày lẻ được tính theo nguyên tắc: Từ 14 ngày trở xuống tính là nửa tháng và từ 15 ngày trở lên được tính là một tháng.

Hồ sơ đề nghị học nghề và giải quyết hỗ trợ học nghề được thực hiện theo quy định tại Điều 24 và Điều 25 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 61/2020/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ). Hằng tháng, cơ sở đào tạo nghề nghiệp thực hiện các thủ tục thanh, quyết toán kinh phí hỗ trợ học nghề theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 61/2020/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).

MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KHOA GIÁO CẤP HUYỆN

Phòng GD&ĐT Thành phố Cao Lãnh vừa tổ chức tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho Cán bộ quản lý giáo dục thành phố năm 2021. Tiến sĩ Trần Thanh Nguyện - Giảng viên chính trường Quản lý giáo dục TP.Hổ Chí Minh chia sẻ hai nội dung gồm: Phát triển năng lực lãnh đạo chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới và Nâng cao năng lực quản lý giáo dục ở trường học, trong đó cập nhật kiến thức, kỹ năng quản lý cho cán bộ quản lý trường học. Lớp Tập huấn nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của câu lạc bộ cán bộ quản lý các trường học trên địa bàn thành phố, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới và phát triển toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp.

Phòng GD&ĐT huyện Tân Hồng tổ chức Hội thi “Bé vui giao thông” năm học 2020 - 2021, có 160 cháu 5 tuổi đến từ 16 trường Mầm non, mẫu giáo trong toàn Huyện tham gia. Các đội dự thi 2 phần. Phần thứ nhất “Văn nghệ” với các bài hát, hò, vè, tiểu phẩm,... nội dung về an toàn giao thông, tuyên truyền mọi người chấp hành đúng Luật giao thông. Phần thứ hai “Hỏi nhanh - Đáp đúng” bằng cách trả lời câu hỏi của Ban tổ chức về giao thông trong Chương trình giáo dục mầm non. Hội thi được tổ chức hằng năm, là sân chơi lành mạnh, bổ ích, giúp các trẻ phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, ý thức chấp hành Luật giao thông, chuẩn bị cho trẻ em vào lớp một. Hội thi còn là cơ sở để Phòng GD và ĐT Huyện đánh giá công tác quản lý, giáo dục rèn luyện, chăm sóc trẻ tại các trường Mầm non, Mẫu giáo trong Huyện, đồng thời tuyển chọn đội có thành tích xuất sắc để bồi dưỡng, rèn luyện chuẩn bị tham gia “Ngày hội giao lưu của bé” do Tỉnh tổ chức trong thời gian tới.

Ngày 20/4, tại UBND xã Phú Ninh, Sở LĐ,TB&XH, Trung tâm Dịch vụ việc làm Tỉnh và UBND huyện Tam Nông tổ chức Phiên Giao dịch việc làm di động chuyên đề Xuất khẩu lao động và đào tạo. Tại đây, người lao động và các em học sinh được tham quan trực tiếp bàn tư vấn của các công ty, doanh nghiệp, nghiệp đoàn trong và ngoài nước về tuyển dụng, đào tạo, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; đồng thời được tư vấn chuyên sâu về môi trường làm việc, nhu cầu tuyển dụng, các chế độ chính sách và hướng dẫn các bước ghi thông tin, dự phỏng vấn trực tiếp với các Công ty, doanh nghiệp, nghiệp đoàn và các đơn vị có nhu cầu tuyển dụng. Phiên giao dịch việc làm di động được tổ chức, tạo điều kiện cho người lao động và các em học sinh nắm bắt được các ngành, nghề đào tạo, chương trình đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại; đảm bảo công tác giải quyết việc làm và hướng nghiệp đúng đối tượng.

Ngày 22/4, huyện Tam Nông tổ chức khai mạc Đại hội Thể dục thể thao cấp xã năm 2021 tại xã Phú Thọ, với sự tham gia của 250 vận động viên đến từ 7 đơn vị, gồm: 5 ấp, công đoàn cơ sở xã Phú Thọ và đơn vị ngành giáo dục xã. Trong thời gian 02 ngày, các vận động viên sẽ thi đấu 06 môn thể thao hiện đại và dân tộc, gồm: kéo co, nhảy bao bố, đẩy gậy, cờ tướng, bóng đá và bóng chuyền.

Ngày 26/4, tại huyện Tam Nông, Sở LĐ,TB&XH, UBND huyện Tam Nông phối hợp tổ chức sàn giao dịch việc làm, giới thiệu Nghiệp đoàn Kumasan Kyodo Kumiai (Nhật Bản) trực tiếp đến phỏng vấn tuyển lao động (LĐ). Tại buổi phỏng vấn, hơn 100 LĐ đến từ 12 xã, thị trấn của Huyện đã gặp gỡ đại diện Nghiệp đoàn Kumasan Kyodo Kumiai ghi các thông tin và trực tiếp đặt các câu hỏi về yêu cầu tuyển dụng, nơi làm việc, thu nhập... Nghiệp đoàn Kumasan Kyodo Kumiai trực tiếp phỏng vấn LĐ của huyện Tam Nông sang Nhật Bản làm việc trong lĩnh vực thực phẩm, nông nghiệp sạch tại Nhà máy thực phẩm ITOHAMU với số lượng tuyển chính thức hơn 40 LĐ.

UBND huyện Thanh Bình vừa ban hành Kế hoạch số 99/KH-UBND ngày 16/4/2021 về việc thực hiện Chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước cho trẻ em giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021 - 2025 bao gồm: Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi chưa biết bơi được dạy bơi an toàn đạt 80%; Mở 01 lớp đào tạo, bồi dưỡng hướng dẫn viên dạy bơi an toàn; Mở ít nhất 350 lớp, dạy cho ít nhất 8.750 trẻ em biết bơi; Tổ chức 05 hội thi bơi lặn và cứu đuối cấp huyện. Huyện phấn đấu 2 lần đạt hạng 3 toàn đoàn Hội thi bơi, lặn và cứu đuối cấp tỉnh; phấn đấu Huyện xây dựng hồ bơi 25 mét; Phấn đấu 100% trường Tiểu học và Trung học cơ sở có hồ bơi và đưa môn bơi vào chương trình giảng dạy ngoại khóa, tự chọn cho học sinh. Tổng kinh phí thực hiện kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 hơn 1,441 tỷ đồng.

Đối với cấp huyện, Chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em sẽ được thực hiện hàng năm. Trong đó, có giao chỉ tiêu mở lớp, phân bổ kinh phí cho các xã, thị trấn; tuyên truyền, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước cho trẻ em, gia đình, trường học, cộng đồng; tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện kế hoạch hàng năm tại các xã, thị trấn và tuyên dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân tham gia thực hiện tốt công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em trong cộng đồng.

Đối với cấp xã, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương theo từng nhóm đối tượng; tuyên truyền về lợi ích của chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em, nhằm nâng cao nhận thức cho gia đình và trẻ em chưa biết bơi; đẩy mạnh xã hội hóa, tranh thủ sự ủng hộ của các cá nhân, tổ chức có năng lực và trách nhiệm xã hội nhằm huy động thêm nguồn lực hỗ trợ cho chương trình. Các địa phương tăng cường công tác phối hợp với các Trường tiểu học, Trung học cơ sở và các ngành có liên quan để khảo sát số trẻ em trong độ tuổi từ 7 - 15 chưa biết bơi hàng năm để có kế hoạch thực hiện.

Hội Người cao tuổi (NCT) huyện Tháp Mười vừa tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm nhiệm kỳ 2016 - 2021. Trong nhiệm kỳ qua, các cấp Hội NCT Huyện luôn quan tâm kiện toàn tổ chức, kết nạp trên 5.200 hội viên mới, nâng tổng số hội viên NCT của huyện hiện nay lên trên 15.500 hội viên. Công tác chăm sóc và phát huy vai trò NCT được triển khai đồng bộ. Với phương châm sống vui, sống khỏe, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội; các cơ sở Hội đã thành lập 32 Câu lạc bộ người cao tuổi hoạt động trên các lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, thể dục dưỡng sinh, Liên thế hệ giúp nhau, chăm sóc NCT, có trên 670 thành viên tham gia sinh hoạt. Bên cạnh đó Hội NCT đã phát động phong trào thi đua “Tuổi cao - Gương sáng”, các mô hình chăm sóc NCT. Trong nhiệm kỳ các cấp hội NCT trong Huyện đã tổ chức chúc thọ, thăm hỏi ốm đau cho trên 4.000 lượt NCT; tặng trên 10.000 phần quà, hỗ trợ xây dựng 200 căn nhà với tổng số tiền trên 6,1 tỷ đồng. Ngoài ra, Hội NCT Huyện đã tổ chức tang lễ, phúng viếng cho trên 1.820 người cao tuổi qua đời với tổng số tiền trên 7,7 tỷ đồng. Tùy vào mức vận động của từng địa phương mà mỗi hội viên NCT qua đời, gia đình nhận tiền phúng viếng từ 2 triệu đến trên 30 triệu đồng/hội viên. Trong thời gian tới Hội NCT các cấp trong huyện tiếp tục quan tâm thực hiện tốt các chính sách đối với NCT, phát huy vai trò của NCT trên các lĩnh vực xã hội, thực hiện tốt công tác chăm sóc NCT, duy trì và nhân rộng các mô hình, phong trào thi đua “ Tuổi cao gương sáng”; NCT tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, xây dựng Hội vững mạnh.

PHÒNG KHOA GIÁO VÀ VĂN HÓA - VĂN NGHỆ