Xuất bản thông tin

null Thông báo kết quả giám sát đối với BTGTU Sa Đéc về việc tham mưu cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW

Chi tiết bài viết Tab Thông tin

Thông báo kết quả giám sát đối với BTGTU Sa Đéc về việc tham mưu cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW

Thực hiện Chương trình giám sát năm 2021, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã giám sát đối với Ban Tuyên giáo Thành uỷ Sa Đéc về việc tham mưu cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư khoá XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới”. Nội dung được đề cập trong thông tin công tác khoa giáo kỳ này.

TIN TỨC - SỰ KIỆN

1. Thông báo kết quả giám sát đối với Ban Tuyên giáo Thành uỷ Sa Đéc về việc tham mưu cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW

Thực hiện Chương trình giám sát năm 2021, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã giám sát đối với Ban Tuyên giáo Thành uỷ Sa Đéc về việc tham mưu cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư khoá XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.

Đoàn giám sát do đồng chí Lê Thị Kim Loan, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ làm Trưởng Đoàn đã đến thăm Cơ sở sản xuất hủ tiếu Kim Ứng, Khóm Tân Thuận, Phường An Hoà và Quán Phở Việt, Khóm 5, Phường 1; Sau đó Đoàn giám sát có cuộc làm việc với lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành uỷ Sa Đéc, Giám đốc Trung tâm y tế Thành phố Sa Đéc, Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Sa Đéc và cán bộ tuyên giáo Phường 4.

Trong những năm qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm được cấp uỷ đảng, chính quyền, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố Sa Đéc quan tâm thực hiện và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm thường xuyên được củng cố, kiện toàn, có phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Công tác phối hợp liên ngành trong thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm thực hiện theo quy định của pháp luật. Phần lớn các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn chấp hành nghiêm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm; người dân có ý thức trong việc lựa chọn, sử dụng thực phẩm sạch, an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Nhiều mô hình sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp sạch đã được hình thành, đầu tư xây dựng, làm cơ sở để nhân rộng, phát triển chuỗi giá trị trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn. Các hoạt động thông tin, tuyên truyền ngày càng nâng dần về chất lượng; đã huy động được sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, chính trị - xã hội và nhân dân trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, một số nơi các cấp uỷ, chính quyền quan tâm chưa đúng mức công tác tuyên truyền, vận động người dân sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm an toàn.  Hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm có mặt còn hạn chế. Việc quản lý chất lượng, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm ở tuyến xã còn hạn chế.

Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đề nghị một số nhiệm vụ cần tập trung trong thời gian tới: Tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan tham mưu Thành uỷ, Uỷ ban nhân dân Thành phố Sa Đéc lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện nhiều giải pháp đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới, sát với điều kiện thực tế của địa phương. Tham mưu chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp các ngành liên quan kịp thời thông tin những quy định mới về an toàn thực phẩm; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành đầy đủ, nghiêm túc pháp luật, các quy định về an toàn thực phẩm; kịp thời biểu dương các cá nhân, tập thể, đơn vị điển hình trong thực hiện pháp luật về an toàn thực phẩm. Tham mưu chỉ đạo nâng cao trách nhiệm của các cơ sở, doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, chế biến bảo quản thực phẩm an toàn. Vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm cam kết không vận chuyển, kinh doanh hàng thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm. Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành. Tiếp tục củng cố, kiện toàn, tăng cường đầu tư nguồn lực, đảm bảo kinh phí và các điều kiện cho công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

2. Chấn chỉnh tình trạng học sinh không đảm bảo chuẩn kiến thức và kỹ năng

Ngày 08/4/2021, Báo Tuổi trẻ online có đăng bài Học sinh lớp 6 không đọc được chữ… Nội dung bài báo phản ánh một số học sinh lớp 6 của Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Tân Mỹ (huyện Thanh Bình) còn yếu về kiến thức, kỹ năng.

Việc học sinh chưa đảm bảo chuẩn kiến thức và kỹ năng xảy ra tại các cơ sở giáo dục do cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Tuy nhiên, nguyên nhân chính xuất phát từ việc các cơ sở giáo dục thực hiện chưa tốt việc dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả dạy học; thậm chí, có cơ sở giáo dục còn gây áp lực cho giáo viên bằng chỉ tiêu thi đua không phù hợp. Thực trạng này tuy chỉ là hiện tượng cá biệt, nhưng đã ảnh hưởng đến toàn ngành và gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Để chấn chỉnh thực trạng học sinh không đảm bảo chuẩn kiến thức và kỹ năng tối thiểu của từng lớp theo quy định của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT đã có văn bản về việc chấn chỉnh tình trạng học sinh không đảm bảo chuẩn kiến thức và kỹ năng. Theo đó, Sở GD&ĐT yêu cầu Trưởng phòng các Phòng GD&ĐT, Hiệu trưởng các trường THPT và Thủ trưởng các cơ sở Giáo dục thường xuyên triển khai thực hiện ngay các công việc sau:

Kiểm tra, rà soát, thống kê số học sinh, học viên còn yếu về kiến thức, kỹ năng tối thiểu, báo cáo về Phòng GD và ĐT (đối với các trường Tiểu học, Trung học cơ sở) và Sở GD&ĐT (đối với các trường THPT, cơ sở GD&ĐT) trước ngày 15/4/2021. Chỉ đạo các tổ chuyên môn, giáo viên bộ môn: nghiêm túc phân tích nguyên nhân của việc học sinh còn yếu về kiến thức kỹ năng, trong đó phân tích kỹ nguyên nhân về phía nhà trường (như: tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá, bồi dưỡng học sinh yếu kém,…). Từ đó, có biện pháp khắc phục cụ thể, khả thi, phù hợp.

Tổ chức kèm cặp, bồi dưỡng học sinh, học viên yếu bằng các biện pháp, hình thức phù hợp để các em từng bước củng cố lại kiến thức, kỹ năng chưa đạt. Phối hợp chặc chẽ với cha mẹ học sinh trong việc quản lý giờ giấc học tập, việc tự học ở nhà, động viên, khích lệ tinh thần, động cơ, thái độ học tập tích cực của con em. Các cơ sở giáo dục không giao chỉ tiêu học sinh lên lớp cho giáo viên và không sử dụng tiêu chí này làm điều kiện “cứng” hay “khống chế” trong đánh giá, xếp loại và xét thi đua khen thưởng giáo viên vào cuối năm học.

Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên, kiểm tra định kỳ, cuối kỳ của học sinh, học viên theo quy định của Bộ GD&ĐT. Kiên quyết không để học sinh, học viên chưa đảm bảo chuẩn kiến thức và kỹ năng tối thiểu của từng khối lớp theo quy định của Bộ GD&ĐT được lên lớp. Phân tích, đánh giá kết quả kiểm tra định kỳ, giữa kỳ, cuối từng học kỳ, đối chiếu với kết quả đánh giá thường xuyên của giáo viên, tìm nguyên nhân (nếu có chênh lệch) và đề ra biện pháp chấn chỉnh, khắc phục. Tổ chức nghiêm túc việc khảo sát chất lượng học sinh, học viên đầu năm học để phân loại học sinh, học viên yếu kém và có biện pháp kèm cặp, bồi dưỡng phù hợp với từng đối tượng.

3. Lãnh đạo UBND Tỉnh làm việc với Sở GD&ĐT về 3 vấn đề liên quan đến ngành

Ngày 13/4, ông Đoàn Tấn Bửu - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh và đại diện HĐND Tỉnh, các sở, ngành đã đến làm việc với Ban giám đốc Sở GD&ĐT về các vấn đề sách giáo khoa (SGK) lớp 6, bạo lực học đường (BLHĐ), đánh giá chuẩn kiến thức, kỹ năng tối thiểu đối với học sinh (HS).

Liên quan đến chương trình SGK lớp 2, lớp 6. Đến nay, Sở GD&ĐT đã hoàn thiện các bước triển khai, thực hiện kế hoạch về lựa chọn SGK các cấp học, tổ chức hội thảo, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, UBND Tỉnh. Ngành GD&ĐT cần chấp hành tốt việc chỉ đạo, tiếp tục hoàn thành các nội dung theo quy định, xây dựng nhóm kỹ thuật tại trường để nắm và thông tin các vấn đề có liên quan trong quá trình thực hiện.

Đối với vấn đề BLHĐ, Sở GD&ĐT chỉ đạo các phòng chuyên môn tăng cường công tác quán triệt, chỉ đạo, phân tích nguyên nhân, đề ra các giải pháp ngăn ngừa tình trạng BLHĐ. Trong đó chú trọng công tác phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội, giáo dục kỹ năng sống… Nhưng thực tế vấn đề BLHĐ vẫn còn xảy ra ở một số điểm trường, gây hoang mang cho HS, phụ huynh HS. Ngành GD&ĐT cần hoàn thiện lại hệ thống đường dây nóng, đặt nặng trách nhiệm của phụ huynh HS và cộng đồng trong công tác phối hợp với nhà trường về giáo dục HS. Các trường có danh sách đối với các trường hợp HS cá biệt để lực lượng Công an hỗ trợ giáo dục, tuyên truyền.

Về vấn đề chuẩn kỹ năng và kiến thức tối thiểu đối với HS tại huyện Thanh Bình được báo chí nêu và tạo dư luận trong thời gian gần đây. Vụ việc tại huyện Thanh Bình, theo báo cáo của Ban giám hiệu nhà trường, nhà trường đã phát hiện số HS yếu kém này, phân công giáo viên kèm cặp, giúp đỡ nhưng hiệu quả chưa cao, mức độ chuyển biến của HS chưa tốt, chưa có sự tiến bộ. Khắc phục và chấn chỉnh vấn đề trên, Sở GD&ĐT đã làm việc trực tiếp với lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Thanh Bình và có văn bản chỉ đạo toàn ngành thực hiện ngay việc rà soát, thống kê số HS, học viên còn yếu kỹ năng tối thiểu; nghiêm túc thực hiện việc đánh giá kiểm tra định kỳ, cuối kỳ đối với HS của từng khối lớp theo quy định của Bộ GD&ĐT. Đối với việc đánh giá chuẩn kỹ năng và kiến thức tối thiểu đối với HS, ngành GD&ĐT khẩn trương thực hiện các giải pháp cụ thể, báo cáo UBND Tỉnh trong tháng 5/2021. Việc đánh giá phải đảm bảo tính thực chứng, khách quan, đúng sự thật, không đặt nặng thành tích, có các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ HS yếu, kém, tránh tổn thương các em….

4. Đồng Tháp: 55 nhà giáo được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú”

Ngày 01/4/2021, Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 445/QĐ-CTN về việc phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú” cho 917 nhà giáo trên cả nước vì đã có công trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo của dân tộc. Trong đó, tỉnh Đồng Tháp có 55 nhà giáo được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú”, chiếm 6% tổng số cá nhân được phong tặng của cả nước và hơn 7% số cá nhân được phong tặng của khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong số này, có 44 giáo viên trực tiếp giảng dạy; 10 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, 01 cán bộ quản lý tại cơ quan quản lý giáo dục; 23 nhà giáo nam, 32 nhà giáo nữ. Ngành học mầm non có 03 cá nhân; cấp tiểu học có 24 cá nhân; cấp trung học cơ sở có 24 cá nhân và cấp trung học phổ thông có 03 cá nhân; 01 chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo.

Qua 15 đợt phong tặng, tỉnh Đồng Tháp đã có 133 nhà giáo được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú”.

5. 76 giáo viên đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi các khối lớp 1, 2, 3 cấp tỉnh năm học 2020 - 2021

Hội thi Giáo viên (GV) dạy giỏi các khối lớp 1, 2, 3 cấp Tiểu học năm học 2020 - 2021 thu hút sự tham gia của 130 GV của 12 huyện, thành phố. Các Phòng GD&ĐT đều tổ chức hội thi cấp huyện, chọn GV ưu tú bồi dưỡng tham gia hội thi cấp tỉnh. Các GV thực hiện 2 phần thi: trình bày giải pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy của cá nhân và thực hành giảng dạy trên lớp. Hầu hết GV tham gia hội thi nhiệt tình, có năng lực và chuẩn bị chu đáo các nội dung dự thi. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng đồ dùng dạy học trong giảng dạy có hiệu quả,… góp phần làm nên thành công cho hội thi.

Sau gần 2 tháng diễn ra Hội thi, Sở GD&ĐT đã tổ chức tổng kết, trao giấy chứng nhận và khen thưởng cho 76 GV đạt danh hiệu GV dạy giỏi cấp Tiểu học năm học 2020 - 2021. Trong đó, 3 GV gồm: Lê Thị Diễm Khang (Trường Tiểu học Tân Phú Trung, huyện Châu Thành); Nguyễn Thị Mỹ Phượng (Trường Tiểu học Phong Mỹ 3, huyện Cao Lãnh) và Nguyễn Thị Thúy Loan (Trường Tiểu học Mỹ Hòa 2, huyện Tháp Mười) đạt danh hiệu Viên phấn Vàng GV cấp Tiểu học năm học 2020 - 2021.

6. Khai mạc phiên Giao dịch việc làm lần thứ 4/2021

Sở LĐ,TB&XH, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Đồng Tháp vừa tổ chức phiên Giao dịch việc làm (GDVL) lần 4/2021 với sự tham dự của đại diện Sở LĐ,TB&XH, Phòng LĐ,TB&XH các huyện, thành phố, 15 công ty, doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài Tỉnh, các đơn vị trường trung cấp, cao đẳng, HS, sinh viên (SV), người lao động (LĐ). Tại phiên GDVL, HS được xem nội dung truyền thông về hoạt động tư vấn nghề, việc làm. Phiên GDVL lần này, các đơn vị tuyển dụng có nhu cầu tuyển hơn 5.500 LĐ phổ thông, LĐ qua đào tạo, 1.000 LĐ tham gia chương trình đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Các đơn vị trường trung cấp, cao đẳng có nhu cầu tuyển hơn 700 HS, SV. Dịp này, các em HS đến từ các huyện, thành phố đã tham quan các cơ sở đào tạo, giảng dạy của Trung tâm DVVL Đồng Tháp và gặp gỡ các đơn vị tư vấn. Phiên GDVL là hoạt động kết nối mang lại cơ hội học nghề cho HS, việc làm cho người LĐ tại địa phương. Dự kiến trong tháng 4, Trung tâm DVVL Đồng Tháp tổ chức các phiên GDVL di động tại huyện Tam Nông và thành phố Hồng Ngự.

7. Bảo đảm an toàn thực phẩm tại khu vực trường học

Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm tại khu vực trường học trên địa bàn Tỉnh, Sở Y tế vừa đề nghị Sở GD và ĐT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các đơn vị y tế tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục kiến thức về bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong các trường học.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, phòng y tế và trung tâm y tế huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn bảo đảm ATTP đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại khu vực xung quanh trường học, các bếp ăn tập thể trường học, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn có ký hợp đồng với nhà trường... Đồng thời, hướng dẫn nhà trường phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm thực phẩm được tặng miễn phí, hoặc trong chương trình giới thiệu, quảng cáo, bán, nhân đạo do các tổ chức, cá nhân thực hiện trong khu vực trường học (nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng, quá trình vận chuyển, bảo quản...), báo cáo kịp thời cho cơ quan chức năng có thẩm quyền tại địa phương để xác minh, xử lý khi phát hiện hay nghi ngờ sản phẩm không đảm bảo ATTP.

8. Người dân tham gia hưởng ứng phong trào hiến máu tình nguyện

Hưởng ứng sự kiện Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện (HMTN), ngày 07/4, tại Nhà Văn hóa lao động tỉnh Đồng Tháp, Ban Chỉ đạo vận động HMTN tỉnh Đồng Tháp phối hợp Bệnh viện Huyết học truyền máu thành phố Cần Thơ tổ chức Chương trình HMTN năm 2021. Tham gia hiến máu đợt này có khoảng 300 người là đoàn viên công đoàn và người lao động, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ các huyện, thành phố, đoàn viên thanh niên công an tỉnh, sinh viên, học viên các trường đại học, cao đẳng... trên địa bàn Tỉnh. Việc tổ chức Chương trình HMTN được thực hiện bảo đảm các quy trình về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Người đến hiến máu được đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang theo quy định. Đặc biệt, Ban tổ chức đã chia nhỏ số lượng người hiến máu thành từng đợt theo từng khung giờ để hạn chế tập trung đông người. Kết quả, có 431 đơn vị máu được hiến.

Được biết, trong năm 2020 đã có trên 13.000 lượt người hiến máu, với gần 16.000 đơn vị máu. Riêng 3 tháng đầu năm 2021, đã có 5.777 đơn vị máu được hiến tặng. Kế hoạch năm 2021, tỉnh phấn đấu vận động ít nhất 20.000 lượt người tham gia hiến máu tình nguyện và tiếp nhận trên 18.500 đơn vị máu, dự kiến đáp ứng đạt 90% số lượng máu cho nhu cầu cấp cứu và điều trị.

9. Đổi mới đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn

Giai đoạn 2017 - 2020, toàn Tỉnh tổ chức 226 lớp đào tạo nghề nông nghiệp với 5.873 LĐ nông thôn theo học. Trong đó, tập trung các lĩnh vực như: trồng trọt 148 lớp, chăn nuôi 43 lớp, thủy sản 32 lớp và lĩnh vực khác 3 lớp. LĐ có việc làm hoặc tự tạo việc làm sau tham gia học nghề là 5.688 người, đạt 96,85% (kế hoạch có ít nhất 80% LĐ sau đào tạo nghề có việc làm ổn định). Bên cạnh đó, các ngành tỉnh tổ chức 12 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 437 giáo viên giảng dạy nghề nông nghiệp và cán bộ làm công tác quản lý dạy nghề tại địa phương. Nhờ vậy, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý tại địa phương được cập nhật, bổ sung kịp thời kiến thức về kinh tế nông nghiệp và kỹ năng dạy nghề theo quy định, góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho LĐ nông thôn. Qua học nghề, LĐ nông thôn nắm bắt được những kiến thức, kỹ thuật mới, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Đào tạo nghề nông nghiệp trong giai đoạn vừa qua tập trung nhiều vào đào tạo kỹ thuật sản xuất trên lĩnh vực nông nghiệp, việc giới thiệu các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi, ứng dụng công nghệ cao, chế biến và bảo quản nông sản còn hạn chế. Tỉnh sẽ đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐ nông thôn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn thực hiện quá trình tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Theo đó, tập trung đào tạo nghề phục vụ cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cơ giới hóa đồng bộ, chế biến, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chứng nhận an toàn; nghề về quản trị trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã và các dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Bên cạnh đó, phát huy vai trò quản lý nhà nước của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trên cơ sở phối hợp, kết hợp giữa các cơ quan chuyên môn của Tỉnh và địa phương trong định hướng, tổ chức thực hiện, tăng cường kiểm tra giám sát đào tạo nghề nông nghiệp; nâng cao vai trò của các cơ sở đào tạo nghề trong việc xác định danh mục nghề, xây dựng chương trình, giáo trình và tổ chức đào tạo phù hợp với yêu cầu thực tiễn của quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Giai đoạn 2021 - 2025, Tỉnh phấn đấu đào tạo nghề cho khoảng 9.107 LĐ nông thôn (bình quân đào tạo khoảng 1.821 LĐ/năm), góp phần nâng tỷ lệ LĐ qua đào tạo đến năm 2025 đạt 79%, trong đó tỷ lệ qua đào tạo nghề là 57% và tỷ lệ LĐ nông nghiệp trong tổng số LĐ xã hội đến năm 2025 đạt 40%.

CHÍNH SÁCH - VĂN BẢN MỚI

1. Sửa đổi liên quan đến đình chỉ thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT

Bộ GD và ĐT vừa ban hành Thông tư số 05/2021/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT ban hành kèm theo Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/4/2021.

Thông tư này có sửa đổi, bổ sung liên quan đến đình chỉ thi. Theo đó, đình chỉ thi đối với các thí sinh vi phạm một trong các lỗi: Đã bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo một lần nhưng trong giờ thi bài thi đó vẫn tiếp tục vi phạm quy chế thi ở mức khiển trách hoặc cảnh cáo; Mang vật dụng trái phép theo quy định vào phòng thi/phòng chờ hoặc khi di chuyển giữa phòng thi và phòng chờ; Đưa đề thi ra ngoài phòng thi hoặc nhận bài giải từ ngoài vào phòng thi; Viết, vẽ vào tờ giấy làm bài thi của mình những nội dung không liên quan đến bài thi; Có hành động gây gỗ, đe dọa những người có trách nhiệm trong kỳ thi hay đe dọa thí sinh khác; Không tuân thủ hướng dẫn của cán bộ giám sát hoặc người quản lý phòng chờ khi di chuyến trong khu vực thi và trong thời gian ở phòng chờ.

Cán bộ coi thi lập biên bản, thu tang vật (nếu có) và báo cáo trưởng điểm thi quyết định hình thức đình chỉ thi. Nếu trưởng điểm thi không nhất trí thì báo cáo trưởng ban coi thi quyết định.

Thí sinh bị đình chỉ thi phải nộp bài thi, đề thi, giấy nháp cho cán bộ coi thi, phải ra khỏi phòng thi ngay sau khi có quyết định và chỉ được rời khỏi khu vực thi khi hết thời gian của buổi thi. Thí sinh bị đình chỉ thi năm nào sẽ bị hủy kết quả toàn bộ các bài thi/môn thi trong kỳ thi năm đó.

2. Vi phạm quy định về xử lý chất thải chăn nuôi bị phạt đến 20 triệu đồng

Nghị định số 14/2021/NĐ-CP ngày 01/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi chính thức có hiệu lực từ ngày 20/4/2021. Trong đó, Nghị định quy định mức phạt tiền đối với vi phạm quy định về xử lý chất thải chăn nuôi trang trại. Theo đó, hành vi vi phạm quy định về xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia bị phạt tiền với các mức phạt như sau: Từ 1-3 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ, từ 3-5 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô vừa, từ 5-7 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trạng quy mô lớn.

Hành vi vi phạm quy định về xử lý nước thải chăn nuôi không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về nước thải chăn nuôi cho cây trồng bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ, từ 5-7 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô vừa, từ 7-10 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn (*).

Hành vi vi phạm quy định về xử lý khí thải từ hoạt động chăn nuôi không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải chăn nuôi sẽ bị phạt tiền với mức phạt như (*) nêu trên.

Mức phạt tiền quy định nêu trên là mức phạt tiền được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KHOA GIÁO CẤP HUYỆN

Hiện nay, nhiều xã, phường trên địa bàn Thành phố Cao Lãnh đang mở lớp phổ cập bơi phòng chống đuối nước trẻ em. Mỗi lớp có khoảng 30 em từ 7 - 15 tuổi. Trong 12 buổi các em được huấn luyện viên hướng dẫn thực hành kỹ năng tự làm nổi trong nước, kỹ thuật bơi cơ bản. Tùy theo mỗi địa phương, có thể tổ chức dạy bơi tại bể bơi của Khu liên hợp Thể dục thể thao tỉnh Đồng Tháp hay hồ bơi trong trường học. Đối với các trường học có hồ bơi, đưa môn bơi vào chương trình giảng dạy ngoại khóa và chính khóa, đảm bảo tỷ lệ học sinh của trường biết bơi đạt trên 80%. Theo kế hoạch năm 2021, Thành phố Cao Lãnh sẽ mở 108 lớp phổ cập bơi cho khoảng 2.700 trẻ em từ 7 - 15 tuổi. Dự kiến cuối tháng 9 sẽ kết thúc các lớp phổ cập bơi. Thông qua các lớp phổ cập bơi này, nhằm nâng cao nhận thức của người dân và toàn xã hội về lợi ích của việc học bơi, góp phần hạn chế nguy cơ đuối nước ở trẻ em.

Huyện Tam Nông là địa phương được tỉnh Đồng Tháp chọn làm điểm để đưa Nghiệp đoàn Kumasan Kyodo Kumiai - Nhật Bản đến trực tiếp phỏng vấn tuyển lao động trên địa bàn Huyện, dự kiến tổ chức vào ngày 26/4/2021. Nghiệp đoàn Kumasan Kyodo Kumiai của Nhật Bản sẽ trực tiếp phỏng vấn lao động của Huyện sang làm việc trong lĩnh vực thực phẩm, nông nghiệp sạch tại Nhà máy thực phẩm ITOHAMU với mức lương cơ bản từ 28 triệu đồng/ tháng. Huyện đã đề ra chỉ tiêu có 48 lao động trúng tuyển đơn hàng này. Đây là một đơn hàng tốt được Nghiệp đoàn Kumasan Kyodo Kumiai tin tưởng vào năng lực, phẩm chất của lao động huyện Tam Nông. Đây cũng là cơ hội để lao động nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế xã hội và giúp cho Huyện đạt và vượt chỉ tiêu trong công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2021. Địa phương sẽ tập trung vận động các lao động đủ điều kiện, nhất là bộ đội xuất ngũ tham gia, chú ý tuyên truyền chính xác về tình hình và diễn biến của dịch Covid-19 để người lao động và gia đình an tâm mạnh dạn đăng ký.

Chào mừng kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2021), kỷ niệm 135 năm Ngày Quốc tế Lao động (01/5/1886 - 01/5/2021), UBND huyện Lai Vung sẽ tổ chức giải Việt dã truyền thống huyện Lai Vung lần thứ XXX dự kiến diễn ra vào ngày 29/4/2021 tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh Huyện. Đối tượng tham gia gồm tất cả cán bộ CNVC và quần chúng nhân dân trong Huyện.

Sở LĐ,TB&XH, Trung tâm DVVL Đồng Tháp, Phòng LĐ,TB&XH huyện Tháp Mười vừa tổ chức phiên GDVL chuyên đề Xuất khẩu lao động và Đào tạo tại Trường Trung cấp Tháp Mười. Đến dự có đại diện lãnh đạo Sở LĐ,TB và XH, Trung tâm DVVL Đồng Tháp, Phòng LĐ,TB và XH huyện Tháp Mười, 20 công ty, doanh nghiệp, trường trung cấp, cao đẳng và hơn 400 HS đến từ các Trường THPT Tháp Mười, THPT Đốc Binh Kiều, THPT Trường Xuân, THPT Phú Điền, Trường THCS Thị trấn Mỹ An... Tại phiên GDVL di động, các em HS THPT, THCS tham quan trực tiếp bàn tư vấn của các công ty, doanh nghiệp, nghiệp đoàn trong và ngoài nước về tuyển dụng đào tạo, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Các em HS được đại diện Sở LĐ,TB và XH, các công ty, đơn vị tư vấn chuyên sâu về môi trường làm việc, nhu cầu tuyển dụng, các chế độ chính sách và hướng dẫn các bước ghi thông tin, dự phỏng vấn trực tiếp với các đơn vị có nhu cầu tuyển dụng. Ngoài ra, HS còn tham quan các mô hình đào tạo nghề tại Trường Trung cấp Tháp Mười. Phiên GDVL di động được tổ chức, tạo điều kiện cho các em HS THPT, THCS tiếp xúc với ngành, nghề đào tạo, chương trình đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại; đảm bảo công tác hướng nghiệp đúng đối tượng HS THCS, THPT.

PHÒNG KHOA GIÁO VÀ VĂN HÓA - VĂN NGHỆ