Xuất bản thông tin

null Mẫu thẻ bảo hiểm y tế mới sử dụng từ ngày 01/4/2021

Trang chủ Tab Thông tin

Mẫu thẻ bảo hiểm y tế mới sử dụng từ ngày 01/4/2021

Từ ngày 01/4/2021, thẻ bảo hiểm y tế mẫu mới sẽ được sử dụng trên toàn quốc theo Quyết định số 1666/QĐ-BHXH của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về việc ban hành mẫu thẻ bảo hiểm y tế. Nội dung được đề cập trong thông tin công tác khoa giáo kỳ này.

TIN TỨC - SỰ KIỆN

1. Mẫu thẻ bảo hiểm y tế mới sử dụng từ ngày 01/4/2021

 Từ ngày 01/4/2021, thẻ BHYT mẫu mới sẽ được sử dụng trên toàn quốc theo Quyết định số 1666/QĐ-BHXH của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về việc ban hành mẫu thẻ BHYT.

Hiện ngành BHXH Việt Nam đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị, đảm bảo việc in, cấp thẻ BHYT theo mẫu mới kịp thời, đúng quy định nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân. Theo Quyết định số 1666/QĐ-BHXH quy định BHXH Tỉnh sử dụng hết phôi cũ thì mới thực hiện cấp theo mẫu mới. Do đó, tại Đồng Tháp hiện phôi thẻ cũ vẫn còn, nên việc người tham gia BHYT khi cấp mới, cấp lại thẻ BHYT từ ngày 01/4/2021 vẫn còn cấp lại theo mẫu cũ. Dự kiến số phôi thẻ cũ sử dụng đến hết tháng 9/2021. Tuy nhiên, một số tỉnh, thành trên cả nước đã có phát sinh cấp thẻ BHYT theo mẫu mới từ ngày 01/4/2021, do vậy BHXH Tỉnh đã có thông tin đến cơ sở khám chữa bệnh (KCB) tiếp nhận người tham gia BHYT có thẻ BHYT theo mẫu mới từ ngày 01/4/2021. Căn cứ kế hoạch số 349 của BHXH Việt Nam, BHXH Tỉnh đã chủ động thống kê báo cáo và chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực cho việc cấp thẻ BHYT theo mẫu mới như: ép slassic, máy in chuyên dụng,... để thực hiện khi bắt đầu cấp thẻ BHYT theo mẫu mới, dự kiến từ ngày 01/10/2021.

Mẫu thẻ BHYT mới này có những thay đổi theo hướng mang lại nhiều tiện ích hơn cho người sử dụng, đặc biệt trong quá trình đề nghị cấp thẻ, bảo quản và sử dụng thẻ để thực hiện KCB BHYT. Qua đó, đảm bảo tốt nhất quyền lợi về BHYT cho người tham gia theo đúng quy định của pháp luật, một số điểm nổi bật như: Thẻ BHYT mẫu mới có kích thước nhỏ gọn như thẻ căn cước công dân và một số loại thẻ ATM của các ngân hàng, được ép plastic sau khi in, tiện lợi khi bảo quản, sử dụng, có thể để được vào ví để mang theo bên mình. Mã số thẻ chỉ còn 10 chữ số. Cơ sở KCB nhập hoặc ghi ít ký tự hơn khi làm hồ sơ tiếp nhận, tra cứu thông tin thẻ và làm hồ sơ điều trị bệnh. Mặt sau của thẻ BHYT mẫu mới có hướng dẫn cụ thể về cách sử dụng thẻ BHYT... Mã số trên thẻ là mã số sổ BHXH.

 Từ ngày 01/4/2021, thẻ BHYT mẫu mới được sử dụng song hành với các mẫu thẻ BHYT cũ. Do đó, thẻ BHYT theo mẫu cũ vẫn có giá trị sử dụng cho đến khi người tham gia được cơ quan BHXH cấp theo mẫu mới. Quyền lợi của người tham gia BHYT khi đi KCB không thay đổi khi sử dụng thẻ BHYT mới hoặc thẻ BHYT cũ. Dù đổi thẻ BHYT mẫu mới, nhưng những thông tin về quyền lợi BHYT của người tham gia đã được lưu trên hệ thống để phục vụ cho việc thực hiện KCB BHYT. Vì vậy, người tham gia được cấp thẻ BHYT mẫu mới hay mẫu cũ thì đều có thể sử dụng để KCB BHYT và hưởng các quyền lợi theo đối tượng mà mình tham gia.

2. Triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa và đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường

 Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa trả lời cử tri tỉnh Đồng Tháp về những giải pháp hiệu quả ngăn chặn bạo lực học đường (BLHĐ), bảo mẫu hành hạ trẻ em, không để xảy ra các vụ việc như thời gian qua. Theo đó, để phòng ngừa và đẩy lùi tình trạng BLHĐ, Bộ GD&ĐT đã và đang thực hiện nhiều giải pháp: Tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, có kiểm tra và đánh giá các quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống BLHĐ, Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025”; tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em và các văn bản khác có liên quan... Chỉ đạo các cơ quan quản lý giáo dục các cấp, các cơ sở giáo dục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, gia đình học sinh và cộng đồng, kịp thời phát hiện, thông báo, tố giác, ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vi BLHĐ; phối hợp với chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành, các tổ chức có liên quan xây dựng kế hoạch, tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục trong việc bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, phòng, chống BLHĐ; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục pháp luật; kiến thức, kỹ năng về phòng, chống BLHĐ cho học sinh; phát huy vai trò của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đội TNTP Hồ Chí Minh trong việc xây dựng nền nếp, kỷ cương trường học. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng trường học dân chủ, an toàn, lành mạnh thân thiện; xây dựng và triển khai bộ Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục bảo đảm các giá trị cốt lõi: Nhân ái, Tôn trọng, Trách nhiệm, Hợp tác, Trung thực trong mối quan hệ của mỗi thành viên trong cơ sở giáo dục đối với người khác, đối với môi trường xung quanh và đối với chính mình... Tăng cường phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong quản lý giáo dục học sinh; phát huy vai trò của gia đình trong quản lý giáo dục học sinh. Thường xuyên thông tin hai chiều giữa nhà trường và gia đình về hoạt động của nhà trường, tình hình học tập, rèn luyện, các dấu hiệu bất thường để phối hợp triển khai các biện pháp giáo dục học sinh; nhà trường hỗ trợ, cung cấp cho cha mẹ học sinh kiến thức, kỹ năng trong việc đồng hành, giáo dục giúp con tiến bộ. Nâng cao năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, chuẩn nghề nghiệp giáo viên và yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới; bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ cán bộ quản lý giáo viên, nhân viên về đạo đức nhà giáo, tư vấn tâm lý, năng lực kiểm soát cảm xúc cá nhân và kỹ năng ứng xử, giải quyết các tình huống sư phạm...

3. Hướng dẫn bổ sung nội dung công tác khoa giáo và văn hoá - văn nghệ năm 2021

Ngày 25/01/2021, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã ban hành Hướng dẫn số 05-HD/BTGTU về Hướng dẫn nhiệm vụ trọng tâm công tác khoa giáo và văn hóa - văn nghệ năm 2021, kèm theo Danh mục các văn bản của Trung ương và của Tỉnh uỷ tiếp tục thực hiện. Sau khi tiếp nhận Hướng dẫn số 173-HD/BTGTW ngày 01/02/2021 và Hướng dẫn số 02-HD/BTGTU ngày 04/3/2021 của Ban Tuyên giáo Trung ương về công tác khoa giáo và văn hoá văn nghệ năm 2021, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã ban hành Công văn số 162-CV/BTGTU ngày 17/3/2021 hướng dẫn bổ sung nội dung công tác khoa giáo và văn hoá  - văn nghệ năm 2021. Theo đó, đối với công tác khoa giáo, ngoài các nội dung đã được đề cập trong Hướng dẫn số 05-HD/BTGTU, các địa phương, đơn vị cần chú ý một số vấn đề như: 

Tích cực, chủ động tham mưu với cấp ủy tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận và các văn bản của Đảng về lĩnh vực khoa giáo, tập trung vào những văn bản mới được ban hành trong năm 2021. Trong đó, nhấn mạnh các định hướng phát triển giáo dục và đào tạo, phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững đất nước được nêu trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng; tuyên truyền về đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông mới; các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với dịch bệnh, đặc biệt là dịch Covid-19. Đẩy mạnh tuyên truyền về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tuyên truyền thực hiện bình đẳng giới, kế hoạch hóa gia đình, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, già hóa dân số, nâng cao chất lượng dân số; xây dựng gia đình Việt Nam trong tình hình mới; phát triển thể dục thể thao quần chúng...

Tiếp tục thực hiện các văn bản:

Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 30/05/1998 của Bộ Chính trị khóa khóa VIII về tăng cường công tác chính trị tư tưởng; củng cố tổ chức đảng, đoàn thể quần chúng và công tác phát triển đảng viên trong các trường học gắn với thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.

Chỉ thị số 54-CT/TW, ngày 30/11/2005 của Ban Bí thư khóa IX về tăng cường lãnh đạo công tác phòng chống HIV/AIDS trong tình hình mới; Công văn số 28-CV/TU ngày 10/3/2006 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TW. Thông báo kết luận số 27-TB/TW ngày 09/5/2011 của Ban Bí thư khoá XI về việc sơ kết Chỉ thị số 54-CT/TW và Công văn số 108-CV/TU ngày 08/7/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về thực hiện Thông báo Kết luận số 27-TB/TW.

Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư khoá X về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới; Công văn số 415-CV/TU ngày 24/3/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW và Thông báo Kết luận số 154-TB/TW ngày 20/02/2014 của Ban Bí thư khóa XI về việc sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư khóa X.

Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 07/9/2009 của Ban Bí thư khóa X về đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới; Công văn số 509-CV/TU ngày 20/10/2009 thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW; Công văn số 893-CV/TU ngày 22/4/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn Tỉnh; Công văn số 363-CV/TU ngày 15/8/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác bảo hiểm y tế trên địa bàn Tỉnh.

4. Tăng cường thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn Tỉnh

Thực hiện Công văn số 152-CV/TU ngày 04/3/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ “về việc tăng cường thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn Tỉnh”, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã ban hành Công văn số 165-CV/BTGTU ngày 18/3/2021 định hướng tuyên truyền về việc tăng cường thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn Tỉnh. Theo đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đề nghị các cấp uỷ, đơn vị, địa phương trong Tỉnh thực hiện tốt một số nội dung sau:

Các cấp uỷ, đơn vị, địa phương trong Tỉnh: Tiếp tục quán triệt và tuyên truyền sâu rộng các văn bản tại Công văn số 152-CV/TU ngày 04/3/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; đổi mới công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chính sách, chế độ BHXH, BHYT tạo sự đồng thuận trong quá trình tổ chức thực hiện.

Đề nghị Bảo hiểm xã hội Tỉnh: Chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí về các nội dung liên quan đến chính sách BHXH, BHYT. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp như: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền miệng, tuyên truyền trực quan...

Sở Thông tin và Truyền thông: Phối hợp với BHXH Tỉnh cung cấp thông tin cho báo chí tại các kỳ Hội nghị giao ban báo chí. Đôn đốc, theo dõi các cơ quan báo chí trong việc thông tin, tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT; kiểm tra và xử lý kịp thời đối với các trường hợp đăng tin, bài, hình ảnh có nội dung xuyên tạc, làm sai lệch ý nghĩa nhân văn của chính sách BHXH, BHYT của Đảng, Nhà nước ta.

Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội Tỉnh: Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trong hệ thống tăng cường công tác tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tích cực tham gia BHXH, BHYT.

Báo Đồng Tháp, Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp, Cổng Thông tin điện tử Đồng Tháp và các trang thông tin điện tử ngành, địa phương: Tăng cường đưa tin, bài, phóng sự, xây dựng các chuyên mục hỏi - đáp tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân về nghĩa vụ và quyền lợi khi tham gia BHXH, BHYT; giới thiệu, biểu dương những tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác BHXH, BHT; tạo sự quan tâm, đồng thuận của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với chính sách BHXH, BHYT.

Ban tuyên giáo (tuyên huấn) các huyện uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ: Tham mưu cấp uỷ tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện tốt Công văn số 152-CV/TU ngày 04/3/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp. Chủ động nắm tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, kịp thời tham mưu biện pháp định hướng tuyên truyền, góp phần đảm bảo tốt an ninh trật tự tại địa phương.

5. Đổi mới hoạt động Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Tỉnh

Ngày 15/3/2021, UBND Tỉnh ban hành văn bản số: 146/UBND-KT về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị.

Theo đó, yêu cầu Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Tỉnh (Liên hiệp Hội) tiếp tục kiện toàn cơ cấu tổ chức, bộ máy của Liên hiệp Hội và các tổ chức thành viên theo hướng tinh gọn, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; chú trọng tập hợp, đoàn kết và vận động trí thức khoa học và công nghệ; đề ra nhiều hình thức phù hợp để tôn vinh trí thức, khuyến khích và thúc đẩy sáng tạo khoa học và công nghệ; vận động trí thức tham gia nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; nâng cao năng lực tư vấn, phản biện và giám định xã hội cho cán bộ, chuyên gia của các Hội thành viên...

Chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan và Liên hiệp Hội xác định các loại đề tài, dự án cần tư vấn, phản biện và giám định xã hội theo quy định tại Quyết định 1273/QĐ-UBND-HC ngày 02/11/2016 của UBND Tỉnh ban hành Quy định về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội.

Các sở, ngành Tỉnh và UBND huyện, thành phố tích cực phối hợp với Liên hiệp Hội về các hoạt động khoa học và công nghệ; đặc biệt, đối với các sở, ngành có chương trình phối hợp hoạt động giữa Bộ, ngành Trung ương và Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam.

6. Triển khai cài đặt Ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số

Ngày 17/3/2021 UBND Tỉnh ban hành Công văn số 102/UBND-THVX về việc tuyên truyền, triển khai cài đặt Ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với BHXH Tỉnh thực hiện việc tuyên truyền, cài đặt ứng dụng VssID cho người lao động thuộc đơn vị quản lý.

Trong đó, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp BHXH Tỉnh thực hiện các hình thức tuyên truyền, nội dung tập trung về ý nghĩa, tầm quan trọng trong việc triển khai cài đặt ứng dụng VssID.

UBND huyện, thành phố chỉ đạo việc tổ chức thực hiện triển khai, hướng dẫn cài đặt Ứng dụng VssID trên địa bàn; chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện tuyên truyền, vận động công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn thực hiện việc cài đặt ứng dụng VssID trên thiết bị di động cá nhân.

UBND Tỉnh đề nghị các doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan BHXH tổ chức triển khai, hướng dẫn cài đặt ứng dụng VssID cho người lao động tại đơn vị.

Việc triển khai cài đặt ứng dụng VssID nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện cho người tham gia BHXH, BHYT tiếp cận thông tin, thực hiện các dịch vụ công một cách tiện lợi, dễ dàng, nhanh chóng  nhất.

7. Xử lý rác thải hướng đến không phát thải và tuần hoàn kinh tế

 UBND tỉnh Đồng Tháp vừa đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, phê duyệt triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thiết thuộc Chương trình phối hợp thực hiện trong năm 2021. Đó là nhiệm vụ “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ xây dựng mô hình thu gom, tái chế và xử lý rác thải sinh hoạt hướng đến không phát thải, tuần hoàn kinh tế tại vùng cù lao huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp”. UBND Tỉnh cam kết dành tối thiểu 10% kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ nêu trên.

Theo thống kê, rà soát của ngành chuyên môn, chỉ riêng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trung bình tại địa bàn vùng cù lao huyện Thanh Bình là khoảng 12 tấn/ngày đêm. Thành phần chính của chất thải rắn này gồm thực phẩm, bao bì, túi nylon, giấy, carton, thủy tinh, lon nhôm thiếc... Đây là nguồn gây ô nhiễm môi trường như: ô nhiễm nguồn nước, không khí, ô nhiễm đất trồng, phát tán dịch bệnh. Do đó, thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ xây dựng mô hình thu gom, tái chế và xử lý rác thải sinh hoạt hướng đến không phát thải, tuần hoàn kinh tế tại vùng cù lao huyện Thanh Bình” sẽ góp phần bảo vệ môi trường tại địa bàn cù lao khó khăn về giao thông; không gây ô nhiễm môi trường thứ cấp khi vận chuyển rác về khu tập trung của Tỉnh để xử lý. Chất thải hữu cơ sẽ ủ phân compost phục vụ cho cây trồng, phần nhựa và nylon sẽ được tái chế thích hợp, các chất rắn không tái chế được sẽ được đóng rắn và phục vụ cho ngành xây dựng hướng đến không phát thải và tuần hoàn kinh tế trong xử lý môi trường.

CHÍNH SÁCH - VĂN BẢN MỚI

1. Từng bước xây dựng quốc gia có khả năng quản lý rủi ro thiên tai

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 379/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm chủ động phòng, chống thiên tai (PCTT), thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tổn thất về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân; từng bước xây dựng quốc gia có khả năng quản lý rủi ro thiên tai, cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai, tạo điều kiện phát triển bền vững kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, trong đó tập trung bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân khi bão, lũ, giảm 50% thiệt hại về người do lũ quét, sạt lở đất so với giai đoạn 2011 - 2020; thiệt hại về kinh tế do thiên tai thấp hơn giai đoạn 2011 - 2020, không vượt quá 1,2% GDP.

Tổ chức, lực lượng làm công tác PCTT được kiện toàn theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; phương tiện, trang thiết bị PCTT và tìm kiếm cứu nạn tiên tiến, hiện đại, ngang tầm với các quốc gia hàng đầu trong khu vực.

Phấn đấu 100% cơ quan chính quyền các cấp, tổ chức và hộ gia đình được tiếp nhận đầy đủ thông tin và hiểu biết kỹ năng PCTT; lực lượng làm công tác PCTT được đào tạo, tập huấn, trang bị đầy đủ kiến thức và trang thiết bị cần thiết; 100% tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đảm bảo các yêu cầu theo phương châm “4 tại chỗ”;...

Để đạt mục tiêu đã đề ra, nhiệm vụ, giải pháp chung thực hiện Chiến lược là hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về PCTT bảo đảm đồng bộ, thống nhất, minh bạch, khả thi; nâng cao nhận thức về thiên tai, rủi ro thiên tai, tăng cường quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn; nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng với thiên tai...

Về nhiệm vụ và giải pháp đối với từng vùng, với vùng đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ: sẽ thực hiện các giải pháp phòng, chống lũ triệt để, chủ động phòng, chống bão, ngập lụt, hạn hán. Vùng miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ sẽ chủ động phòng tránh lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt; ứng phó, thích nghi với mưa đá, rét hại. Vùng duyên hải miền Trung (từ Quảng Bình đến Bình Thuận) chủ động phòng, tránh, thích nghi với thiên tai, trọng tâm là chủ động phòng, chống bão, lũ, ngập lụt, hạn hán, sạt lở đất và sạt lở bờ sông, bờ biển. Vùng Tây Nguyên và Đông Nam bộ sẽ tập trung phòng, chống hạn hán, lũ, ngập lụt, bão. Còn vùng đồng bằng sông Cửu Long thì chủ động “sống chung với lũ và hạn hán, xâm nhập mặn”, thích ứng, khai thác lợi thế để phát triển bền vững.

Đối với các đô thị lớn, cần tập trung phòng, chống ngập úng do mưa lớn và triều cường; trên biển và hải đảo, chủ động phòng, tránh bão, áp thấp nhiệt đới đảm bảo an toàn cho người, tàu thuyền, các hoạt động kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng.

2. Phát triển thể dục thể thao toàn diện về quy mô và chất lượng

UBND Tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 89/KH-UBND ngày 23/3/2021 phát triển thể dục thể thao tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025 hướng đến mục tiêu phát triển thể dục thể thao toàn diện cả về quy mô và chất lượng; khuyến khích và tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia hoạt động và phát triển sự nghiệp thể dục thể thao.

Theo đó, kế hoạch tập trung đổi mới và hoàn thiện hệ thống tuyển chọn, đào tạo vận động viên tài năng thể thao, gắn kết đào tạo các tuyến, các lớp kế cận một cách đồng bộ; thống nhất quản lý phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp theo hướng tiên tiến, bền vững, phù hợp với đặc điểm thể chất và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, nâng cao thành tích thi đấu, giữ vững vị trí hạng 1-3 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và hạng 15 so với cả nước.

Bên cạnh đó, Tỉnh sẽ quan tâm đến việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, sân bãi thể dục thể thao, tạo điều kiện cơ bản đảm bảo cho thể dục thể thao quần chúng phát triển bền vững. Đến năm 2025, phấn đấu các trường học, xã, phường, thị trấn có đủ cơ sở vật chất thể dục thể thao phục vụ việc sinh hoạt và tập luyện của học sinh, sinh viên và nhân dân.

Kế hoạch cũng đề cập vấn đề khuyến khích các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng hạ tầng văn hoá, thể dục thể thao, phát triển nâng cao chất lượng dịch vụ văn hoá, thể dục thể thao đáp ứng nhu cầu luyện tập, sinh hoạt, thi đấu của quần chúng nhân dân.

3. Giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến đào tạo nghề 9.107 lao động nông thôn

UBND Tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 92/KH-UBND ngày 24/3/2021 đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025 với chỉ tiêu đào tạo nghề cho khoảng 9.107 lao động nông thôn (bình quân đào tạo khoảng 1.821 lao động/năm); góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt 79%, trong đó tỷ lệ qua đào tạo nghề là 57% và tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng số lao động xã hội đến năm 2025 đạt 40%.

Theo đó, mục tiêu Kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động ở nông thôn, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; đồng thời đảm bảo chất lượng và hiệu quả, sau khi học xong ít nhất có 80% lao động có việc làm ổn định và tăng thu nhập. Tổng nhu cầu kinh phí là khoảng hơn 09 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho địa phương thực hiện (từ nguồn vốn sự nghiệp thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới hàng năm).

Giai đoạn 2017 - 2020, Tỉnh có 5.746/5.873 lao động tham gia học nghề được cấp chứng chỉ (đạt 97,84%); tỷ lệ lao động có việc làm hoặc tự tạo việc làm sau tham gia học nghề là 5.688 lao động (đạt tỷ lệ 96,85%), đạt và vượt so với kế hoạch. Bên cạnh đó, các ngành tỉnh tổ chức 12 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 437 giáo viên, giảng dạy nghề nông nghiệp và cán bộ làm công tác quản lý dạy nghề tại địa phương. Nhờ vậy, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý tại địa phương được cập nhật, bổ sung kịp thời kiến thức về kinh tế nông nghiệp và kỹ năng dạy nghề theo quy định, góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KHOA GIÁO CẤP HUYỆN

Tại 10 xã, phường trên địa bàn Thành phố Cao Lãnh vừa được UBND Thành phố đầu tư kinh phí lắp đặt dụng cụ tập luyện thể dục, thể thao ngoài trời giai đoạn 1 nhằm tạo điều kiện để người dân có nơi vui chơi, rèn luyện thân thể. Có 63 thiết bị gồm: tập lưng, bụng; tập chân, tay phối hợp; tập đi bộ trên không; xà kép tập tay, ngực; xà đơn 2 bậc…, được lắp đặt trên vỉa hè đường Lê Duẩn, phường Mỹ Phú; khuôn viên bờ kè Hòa Đông, xã Hòa An; hoa viên khu dân cư Quảng Khánh, xã Mỹ Trà; Trung tâm Văn hóa học tập cộng đồng xã Mỹ Tân; khuôn viên Tượng đài tập kết năm 1954 tại Cao Lãnh thuộc Phường 6…. Tổng kinh phí lắp đặt các thiết bị trên 700 triệu đồng, từ nguồn ngân sách UBND Thành phố. Người dân đến những địa điểm trên có thể chọn dụng cụ tập luyện theo nhu cầu và sở thích của mình, góp phần nâng cao sức khỏe, thúc đẩy phong trào thể dục thể thao trên địa bàn.

Sáng ngày 27/3/2021, trên địa bàn thành phố Sa Đéc diễn ra Lễ phát động Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2021-2030 và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân 2021, có trên 450 người đến từ các cơ quan, đoàn thể, trường học, đơn vị quân đội, công an, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố. Chương trình gồm có: Màn đồng diễn Thể dục Dưỡng sinh, đọc lời kêu gọi toàn dân tập thể dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khai mạc và phát động Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2021 -2030. Sau đó, toàn thể lực lượng dự lễ bước vào Đi bộ và Chạy đồng hành hưởng ứng với lộ trình 1,2 km qua các tuyến đường ngay trung tâm thành phố (như đường Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Sinh Sắc; Nguyễn Hữu Cảnh, An Dương Vương…).

Hội Chữ thập đỏ thành phố Hồng Ngự vừa tổ chức khai giảng lớp chữ nổi Braille, kết hợp dạy nghề nông thôn (đan giỏ xách nhựa, đan võng, thảm lau chân) cho 07 học viên là hội viên Người mù trên địa bàn Thành phố nhằm tạo điều kiện cho hội viên Hội người mù trên địa bàn thành phố Hồng Ngự biết đọc, biết viết, có công ăn việc làm xoá đi những mặc cảm, hoà nhập với cộng đồng.

Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Tháp Mười vửa kiểm tra việc triển khai thực hiện các Quyết định phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 ở một số điểm trên địa bàn thị trấn Mỹ An. Đoàn đã kiểm tra việc thực hiện các quyết định phòng chống dịch ở trường học, cơ sở kinh doanh, Công ty TNHH Tỷ Thạc, UBND thị trấn Mỹ An. Tại Công ty TNHH Tỷ Thạc, đoàn đã kiểm tra số lượng người lao động làm việc tập trung, điều kiện vệ sinh cá nhân, sử dụng khẩu trang nơi làm việc, các phương tiện phòng chống dịch, phương án ứng phó, việc bố trí dung dịch sát khuẩn và thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tại đơn vị. Hiện tại, công ty TNHH Tỷ Thạc có trên 4.000 lao động và có nhiều chuyên gia nước ngoài. Qua kiểm tra, giám sát, đoàn đánh giá chỉ số nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 ở Công ty thấp. Đoàn cũng nhắc nhở đơn vị, tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, bố trí các điểm rửa tay và dung dịch sát khuẩn hợp lý, thường xuyên nhắc nhở công nhân đảm bảo việc đeo khẩu trang, kịp thời báo cáo ngành chức năng khi có người nước ngoài đến Công ty.

PHÒNG KHOA GIÁO VÀ VĂN HÓA - VĂN NGHỆ