Xuất bản thông tin

null Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 3 năm 2021

Trang chủ Tài liệu sinh hoạt chi bộ

Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 3 năm 2021

PHẦN A: SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

Ban Biên tập xin giới thiệu tóm tắt nội dung bài viết: Dấu ấn Hồ Chí Minh trong Tổng tuyển cử đầu tiên” của TS. Trần Thị Phúc An, Trường Đại học Mỏ - Địa chất đăng trên Tạp chí Xây dựng Đảng, mục Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Sau Cách mạng Tháng Tám, giữa muôn vàn khó khăn thù trong giặc ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã quyết định và khẩn trương thực hiện Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là một sự kiện quan trọng trong lịch sử dân tộc, lần đầu tiên toàn dân được hưởng quyền làm chủ, tự do lựa chọn, bầu ra những người đại diện, xứng đáng thay mặt Nhân dân gánh vác công việc chung của đất nước.

1. Quyết tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc tiến hành Tổng tuyển cử, bảo vệ nền độc lập và xây dựng chế độ mới

Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để bảo vệ độc lập, tự do là phải củng cố và tăng cường chính quyền của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, thực hiện quyền dân chủ của Nhân dân. Ngày 03/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Trước chúng ta đã bị chế độ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do, dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống”. Sắc lệnh số 14/SL về việc tổ chức Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội (Quốc hội) ký ngày 08/9/1945 nêu rõ: “Xét trong tình thế hiện giờ sự triệu tập quốc dân đại hội không những có thể thực hiện được mà lại rất cần thiết để cho toàn dân tham gia vào công cuộc củng cố nền độc lập và chống ngoại xâm”. Đây là văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đầu tiên chuẩn bị cho Tổng tuyển cử bầu cơ quan quyền lực cao nhất, nhằm bảo vệ vững chắc thành quả của Cách mạng Tháng Tám, từng bước hoàn chỉnh việc xây dựng và củng cố chính quyền, bảo đảm mọi quyền lợi của Nhân dân, nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với chế độ mới.

Tuy nhiên, vừa mới ra đời, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lâm vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Nạn đói do phát-xít Nhật gây ra làm hơn hai triệu đồng bào bị chết, tài chính đất nước kiệt quệ. Nạn mù chữ cùng những hủ tục mê tín, lạc hậu, tệ nạn xã hội do chế độ cũ để lại chưa được khắc phục. Nhân dân và chính quyền cách mạng phải đương đầu chống lại những âm mưu, hành động bao vây, câu kết của các thế lực đế quốc, phản động quốc tế nhằm thủ tiêu nền độc lập mà dân tộc Việt Nam vừa giành được. Trong hoàn cảnh ấy, chuẩn bị tiến tới Tổng tuyển cử thực chất là một cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh giai cấp và dân tộc vô cùng cam go, phức tạp. Trong cuộc đấu tranh này, Đảng và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà đứng đầu là Hồ Chí Minh vừa kiên quyết đấu tranh vạch trần và chống lại những hành động phá hoại của các thế lực phản động, vừa thực hiện sách lược nhân nhượng, hòa giải, sáng suốt, mềm dẻo, khéo léo trong cách ứng xử để tiến tới Tổng tuyển cử. Chỉ có Tổng tuyển cử dân chúng mới có dịp thể hiện ý muốn của họ; chỉ có Chính phủ được lập ra bởi Tổng tuyển cử mới là đại diện chân chính và trung thành của toàn thể quốc dân. Chỉ có Tổng tuyển cử mới có thể mang đến cho nước Việt Nam một Hiến pháp mới ấn định rõ ràng quyền lợi của quốc dân và của Chính phủ, phá tan được những nghi ngờ đối với chính quyền nhân dân. Hồ Chí Minh khẳng định: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà… Do Tổng tuyển cử mà bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân.

Vậy nên khẩu hiệu cuộc Tổng tuyển cử thứ nhất của nước Việt Nam ta phải là: Kháng chiến đến cùng để hoàn toàn độc lập!”. Chủ trương này đã trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong toàn bộ quá trình chỉ đạo chuẩn bị và tổ chức Tổng tuyển cử.

2. Hồ Chí Minh - người tạo hành lang pháp lý cho thành công của Tổng tuyển cử

Sau khi quyết định tổ chức Tổng tuyển cử, Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu khẩn trương ban hành gần 10 sắc lệnh về bầu cử. Đó là những quyết sách của Hồ Chí Minh trong quá trình xây dựng Chính phủ, từ lâm thời đến chính thức, thể hiện bản lĩnh về ý thức độc lập dân tộc, trí tuệ và ứng phó chính trị của Người.

Việc Hồ Chí Minh đề nghị, chỉ đạo tổ chức Tổng tuyển cử thể hiện quyết định dũng cảm, đúng đắn và quyết liệt, lòng tin tuyệt đối của Người vào Nhân dân. Với việc ban hành các sắc lệnh đầu tiên về bầu cử, Hồ Chí Minh đã tạo cơ sở pháp lý cho sự thành công của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên. Đó chính là nghệ thuật chớp thời cơ, vượt qua tình thế hiểm nghèo của một lãnh tụ thiên tài, có bản lĩnh chính trị sắc bén, nghệ thuật tổ chức linh hoạt, sáng tạo.

3. Hồ Chí Minh vận động Nhân dân thực hiện quyền bầu cử

Nhằm mục đích nêu rõ giá trị của cuộc Tổng tuyển cử, giải thích thể lệ Tổng tuyển cử cho công dân Việt Nam hiểu về quyền hạn và bổn phận của mình trong khi chọn và cử đại biểu vào Quốc hội, Hồ Chí Minh có nhiều bài viết đăng trên các báo để tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân các công việc liên quan đến bầu cử.

Hồ Chí Minh động viên Nhân dân trực tiếp đi bầu cử. Với lời lẽ giản dị, xúc động, lời kêu gọi toàn dân đi bầu cử của Hồ Chí Minh đã thấm vào trái tim của từng người Việt Nam, khích lệ, động viên toàn thể quốc dân đồng bào vui vẻ, hứng khởi đi thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của một dân tộc tự do, độc lập.

Không chỉ thể hiện quan điểm, tư tưởng về một chế độ bầu cử tự do, dân chủ, ngay từ những ngày đầu diễn ra cuộc Tổng tuyển cử, Hồ Chí Minh đã đề ra tiêu chuẩn của người đại biểu Quốc hội. Cùng với tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ giá trị của bầu cử, Hồ Chí Minh động viên, kêu gọi những người có tài, có đức ra ứng cử, đóng góp sức lực cho đất nước. Nhờ có quan điểm đúng đắn trong việc tìm kiếm, thu hút và trọng dụng nhân tài, Chính phủ do Hồ Chí Minh đứng đầu đã thu hút được rất nhiều người có tài, có đức tham gia chính quyền để xây dựng và bảo vệ đất nước trong những ngày đầu đầy khó khăn, thử thách.

Ngày 06/01/1946, cuộc Tổng tuyển cử đã diễn ra thắng lợi trong cả nước, bất chấp bom đạn của thực dân Pháp và sự phá hoại của các lực lượng phản động. Với lòng yêu nước nồng nàn, ý chí sắt đá nhằm bảo vệ nền độc lập dân tộc, cuộc Tổng tuyển cử đã thành công rực rỡ. Đây là một sự kiện quan trọng trong lịch sử dân tộc khi lần đầu tiên toàn thể Nhân dân được hưởng quyền làm chủ, độc lập, tự do của mình.

Cuộc Tổng tuyển cử đã chứng tỏ ý thức sâu sắc của Hồ Chí Minh về tầm quan trọng của một Chính phủ dân cử hợp pháp và quyết tâm biến nó thành một một chính quyền của Nhân dân vững mạnh. Thực tiễn lịch sử và sự phát triển của cách mạng Việt Nam là bằng chứng sinh động minh chứng bản lĩnh và thiên tài Hồ Chí Minh trên cương vị trọng trách lãnh đạo cao nhất của Đảng và cách mạng Việt Nam. Bản lĩnh ấy thể hiện ý chí của Hồ Chí Minh: tất cả vì độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc của Nhân dân.

Phần B: THÔNG TIN THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

I- TIN TRONG TỈNH

1. Nhiệm kỳ 2021 - 2026: Đồng Tháp bầu 58 đại biểu Hội đồng nhân dân Tỉnh

Sáng ngày 12/02/2021, Ủy ban bầu cử tỉnh Đồng Tháp tổ chức phiên họp lần thứ hai để kiểm tra tiến độ công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tại cuộc họp, Ủy ban bầu cử thống nhất thông qua Quyết định về số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Theo đó, tổng số đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân Tỉnh là 16, tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân Tỉnh được bầu là 58, so với nhiệm kỳ 2016 - 2021, giảm 04 đơn vị và giảm 05 đại biểu. Về số lượng bầu cử đại biểu Quốc hội, Ủy ban bầu cử Tỉnh thống nhất là 10 thành viên, số lượng Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân Tỉnh có từ 11 đến 13 thành viên.

2. Tỉnh công nhận thêm 14 điểm du lịch cộng đồng

Ngày 17/02/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số: 202/QĐ-UBND-HC phê duyệt danh sách 14 điểm phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2021. Theo đó, thành phố Sa Đéc có 5 điểm được công nhận gồm: Ẩm thực hoa hồng Thi Thơ; Điểm tham quan, du lịch Du thuyền vượt cạn; Điểm tham quan, du lịch sinh thái Hương Quê; điểm dừng chân bán hàng đặc sản và homestay Lối Xưa; Điểm tham quan vườn kiểng Mai Vàng. Thành phố Hồng Ngự có Khu ẩm thực và homestay Hoàng Yến; Homestay Tư Lù; Khu sinh thái Ao Nhà. Huyện Hồng Ngự có Điểm du lịch sinh thái Tiên Dịnh; Điểm tham quan du lịch Vườn Nho Ba Tuấn. Huyện Tam Nông có Homestay Hoàng Anh Tam Nông. Huyện Tân Hồng có du lịch sinh thái Vườn Dừa. Huyện Châu Thành có Điểm tham quan vườn cây ăn trái Phú Bình. Huyện Tháp Mười có Điểm tham quan du lịch sinh thái Hòa Đồng.

3. Tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp tuyển sinh quân sự vào các học viện, trường trong Quân đội năm 2021

Ngày 04/02/2021, Ban Tuyển sinh quân sự của Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh ban hành Kế hoạch Tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp tuyển sinh quân sự vào các học viện, trường trong Quân đội năm 2021. Theo đó, đối tượng tuyển sinh là học sinh lớp 12 (năm học 2020 - 2021) đang theo học tại các trường THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên trên địa bàn Tỉnh; có thể mở rộng thêm đối tượng học sinh lớp 10, 11 để tuyên truyền định hướng cho các em đăng ký TSQS các năm tiếp theo; nam nữ thanh niên ngoài Quân đội đã học xong lớp 12 (kể cả quân nhân đã xuất ngũ và công dân hoàn thành nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân); Hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ, có thời gian phục vụ 12 tháng trở lên (tình từ thàng 4/2021); Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng phục vụ trong quân đội đủ 12 tháng trở lên (tính đến tháng 9/2021)

Thời gian từ tháng 01/2021 09/2021: Tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tháng 02, 03, 04/2021: Ban Tuyển sinh quân sự cấp huyện và cơ quan, đơn vị tổ chức tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp trực tiếp tại các trường THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên, cơ quan, đơn vị.

II- TIN TRONG NƯỚC

1. Tăng cường công tác quản lý lễ hội năm 2021 trong bối cảnh “Bình thường mới”

Bước vào mùa lễ hội đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại và có diễn biến phức tạp. Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, trong đó tập trung một số giải pháp sau:

 * Đối với các tỉnh tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, nguy cơ lây nhiễm thấp: (1) Thực hiện nghiêm công tác quản lý nhà nước về lễ hội theo quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP, đặc biệt cần thống kê, phân loại lễ hội các cấp để có biện pháp quản lý phù hợp; (2) Giảm quy mô; thời gian tổ chức lễ hội; thay đổi hình thức tổ chức các hoạt động hội trong lễ hội; (3) Đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế. Yêu cầu bắt buộc đối với người dân phải đeo khẩu trang khi tham gia các hoạt động lễ hội, thăm quan di tích; (4) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của nhân dân và du khách trong việc thực hiện các quy định về tổ chức lễ hội, phòng, chống dịch bệnh Covid-19; (5) Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tại địa phương để thường xuyên cập nhật, theo dõi tình hình dịch bệnh, kịp thời thông tin đầy đủ, chính xác đến người dân và du khách; tổ chức tập huấn các biện pháp phòng dịch; (6) Trong trường hợp dịch Covid-19 bùng phát, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng; căn cứ tình hình thực tế, chỉ đạo thực hiện nghiêm biện pháp tạm ngừng tổ chức lễ hội theo quy định tại Điều 8, Nghị định số 110/2018/NĐ-CP.

* Đối với tỉnh có nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ: (1) Thực hiện dừng hẳn khai mạc, tổ chức các loại hình lễ hội tập trung đông người trên địa bàn đến khi tình hình dịch bệnh được khống chế; (2) Tăng cường cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, xây dựng nhiều biện pháp để ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; (3) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về  phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế và các quy định của nhà nước về phòng, chống dịch bệnh; (4) Phát huy vai trò, trách nhiệm của gia đình, dòng họ trong việc phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân tự giác chấp hành các yêu cầu, biện pháp phòng, chống dịch, tham gia khai báo y tế tự nguyện, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ cho gia đình, bản thân, cộng đồng; (5) Thực hiện đầy đủ hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch tại các di tích gắn với hoạt động lễ hội; (6) Tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch bệnh, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm.

Để thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về lễ hội năm 2021, góp phần bảo đảm an toàn cho người dân trong mùa lễ hội năm nay, công tác tuyên truyền cần chú trọng một số nội dung sau:

Thứ nhất, thông tin, tuyên truyền đầy đủ đến các tầng lớp nhân dân các chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc dừng hẳn các hoạt động lễ hội để tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19nhằm đảm bảo an toàn về sức khỏe cho nhân dân.

Thứ hai, thông tin, tuyên truyền các biện pháp cụ thể trong công tác quản lý lễ hội đối với các tỉnh đã kiểm soát được dịch Covid-19, nguy cơ lây nhiễm thấp và đối với các tỉnh có nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ để vừa đảm bảo được nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, vừa nâng cao ý thức tự giác và tính chủ động của người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Thứ ba, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống. Tuyên truyền vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân thay đổi hành vi tham gia lễ hội để bảo đảm an toàn, tiết kiệm, chủ động phòng, chống nguy cơ lây lan của dịch bệnh.

2. Một số kết quả ngành nông nghiệp Việt Nam qua 35 năm đổi mới

Qua 35 năm đổi mới, khu vực nông nghiệp - nông thôn và đời sống nông dân đã có những bứt phá. Đặc biệt, sau 12 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngành Nông nghiệp đã đạt được những kết quả rất quan trọng: Tốc độ tăng trưởng GDP nông nghiệp đạt khá cao, bình quân khoảng 5,5%/năm trong giai đoạn 1986 - 2010... Nông sản Việt Nam đã đến trên 196 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU...

Bên cạnh những thuận lợi, cơ hội, nông nghiệp, nông dân và nông thôn nước ta hiện nay còn một số khó khăn, thách thức: Những hạn chế, yếu kém nội tại của nền nông nghiệp sản xuất nhỏ, chậm được khắc phục; biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và trên người, đặc biệt là dịch bệnh xuyên biên giới xâm nhiễm và gây thiệt hại lớn...

Để đạt được mục tiêu chung của toàn ngành Nông nghiệp trong thời gian tới, ngành nông nghiệp cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau: (1) Tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; (2) Phát triển mạnh công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, ngành, nghề và dịch vụ ở nông thôn; (3) Đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; (3) Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn; (4) Bảo vệ tài nguyên, môi trường, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; (5) Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; nâng cao năng lực, hiệu quả hội nhập quốc tế.

Để góp phần lan tỏa những kết quả đạt được của ngành Nông nghiệp qua 35 năm đổi mới, công tác tuyên truyền cần chú trọng một số vấn đề sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền những kết quả nổi bật của ngành Nông nghiệp đạt được qua 35 năm đổi mới.

Thứ hai, thông tin kịp thời cho các tầng lớp nhân dân về những khó khăn, thách thức hiện nay mà ngành Nông nghiệp phải đối mặt, nhất là vấn đề biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và trên người, ô nhiễm môi trường…, từ đó nâng cao nhận thức cho người dân trong việc chủ động chuyển đổi các mô hình sản xuất phù hợp, hạn chế tối đa những thiệt hại do tác động của các yếu tố nói trên gây ra.

Thứ ba, tuyên truyền các giải pháp trọng tâm phát triển ngành Nông nghiệp trong thời gian tới, chú trọng nội dung nâng cao năng lực, hiệu quả hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế, uy tín ngành Nông nghiệp nước ta trên trường quốc tế.

III- HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI, TIN THẾ GIỚI

1. Thế giới cần đoàn kết và hành động để ứng phó biển đổi khí hậu

Trước vấn đề cấp thiết toàn cầu hiện nay là phục hồi bền vững sau đại dịch Covid-19 và ứng phó với biến đổi khí hậu, tại Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến về Thích ứng với Biến đổi khí hậu diễn ra từ ngày 25-26/01/2021, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các nước đoàn kết và hành động một cách nhanh chóng, quyết đoán, tham vọng hơn, đồng thời khẳng định mục tiêu trọng tâm trong năm 2021 là xây dựng liên minh toàn cầu về trung hòa khí thải carbon thông qua các biện pháp chấm dứt trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch, định giá carbon, không xây thêm các nhà máy điện chạy bằng than, đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Hưởng ứng lời kêu gọi, lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị cam kết cùng nỗ lực để hạn chế nền nhiệt toàn cầu tăng dưới ngưỡng 2 độ C vào cuối thế kỷ 21 so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Mỹ quay lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có thông điệp quan trọng gửi Hội nghị. Trong thông điệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các quốc gia cần nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, tăng cường khả năng chống chịu của tất cả các ngành, lĩnh vực trước các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; thúc đẩy quan hệ đối tác nhiều bên, khuyến khích, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, các nhà khoa học, cộng đồng dân cư và các tổ chức phi chính phủ vào các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu... Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cam kết Việt Nam sẽ tiếp tục tích cực tham gia vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm biến thách thức do biến đổi khí hậu thành cơ hội phát triển bền vững cho tất cả mọi người, không để ai bị bỏ lại phía sau. Các đề xuất của Việt Nam cùng Thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị đã được các đại biểu tham dự trân trọng, đánh giá cao.

Để góp phần nâng cao nhận thức của người dân đối với vấn đề biến đổi khí hậu trên toàn cầu nói chung cũng như Việt Nam nói riêng, công tác tuyên truyền cần chú ý một số nội dung sau:

Một là,thông tin, tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân về vấn đề biến đổi khí hậu trên toàn cầu hiện nay; những tác động tiêu cực của vấn đề biến đổi khí hậu đối với đời sống người dân nhằm góp phần nâng cao nhận thức và hành động trong việc chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó.

Hai là,thông tin, tuyên truyền kết quả Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến về Thích ứng với Biến đổi khí hậu; nỗ lực và cam kết của các nước trong việc hạn chế tối đa các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Ba là, tuyên truyền nhấn mạnh Thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi Hội nghị; các nỗ lực của Chính phủ, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng của Việt Nam trong việc chủ động ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu trong thời gian qua.

Bốn là, phổ biến, giáo dục ý thức, trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ môi trường trong các tầng lớp nhân dân; vận động nhân dân xây dựng lối sống thân thiện với môi trường, tiêu dùng bền vững, giữ gìn vệ sinh chung, tiến tới xây dựng xã hội hài hòa, thân thiện với môi trường.

2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua Luật Cảnh sát biển nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa

Ngày 29/01/2021, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc ngày 22/01/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua Luật Cảnh sát biển nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

Trong việc ban hành và triển khai văn bản pháp luật quốc gia liên quan đến biển, các quốc gia có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp quốc tế, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển phù hợp với Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và sẽ kiên quyết, kiên trì các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ các quyền hợp pháp, chính đáng đó. Việt Nam yêu cầu các nước liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, có trách nhiệm thực thi một cách thiện chí luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, không có hành động làm gia tăng căng thẳng, tích cực đóng góp vào việc tạo dựng lòng tin, gìn giữ hòa bình, ổn định, thúc đẩy trật tự quốc tế trên biển và an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông.

                                                       Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp