Xuất bản thông tin

null Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 02 năm 2021

Trang chủ Tài liệu sinh hoạt chi bộ

Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 02 năm 2021

PHẦN A: SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

Ban Biên tập xin giới thiệu tóm tắt nội dung bài viết: Tạo “sức đề kháng” và “tự miễn dịch” trước thông tin xấu độc của TS. Trần Doãn Tiến đăng trên Tạp chí Tuyên giáo, mục Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng:

Internet và các tiện ích, công nghệ của tự bản thân nó đã và đang phát triển với tốc độ nhanh chưa từng có trong lịch sử. Kéo theo sự phát triển đó là quá trình phát triển mạnh mẽ của các mạng xã hội. Tất nhiên đi liền với nó là tính chất hai mặt, bao gồm cả tích cực và tiêu cực.

1. Mặt tích cực là sự phong phú, đa dạng, nhiều màu, nhiều vẻ của các thông tin được cập nhật liên tục với lượng dữ liệu khổng lồ, giúp ích cho công chúng khai thác, tìm kiếm thông tin. Mặt tiêu cực của nó là các thông tin xấu độc, trong đó rất đáng quan ngại là các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng và chế độ. Với tính đặc thù tự bản thân mạng Internet khó có thể kiểm soát, ngăn chặn các thông tin xấu độc.

Cuộc đấu tranh địch - ta trên không gian mạng của trận địa tư tưởng tuy thầm lặng nhưng ngày càng khốc liệt hơn. Đối phó, đấu tranh, ngăn chặn các quan điểm sai trái trên mạng xã hội là lâu dài. Chúng ta cũng cần khách quan, nhìn nhận nó theo hướng tăng cường đối phó, đấu tranh, ngăn chặn để giảm thiểu tác hại, chứ không thể tiêu diệt nó một cách triệt để. Chính vì vậy, “vắc xin” quan trọng là cần cung cấp thông tin chính thống để nâng cao nhận thức, tri thức giúp cộng đồng mạng đủ sức nhận thức, phân biệt đúng - sai, tích cực - tiêu cực, xấu - tốt, từ đó, đủ sức đề kháng, dần dần hình thành cơ chế “tự miễn dịch” trước  thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch.

2. Câu hỏi đặt ra là giải pháp nào để nâng cao “sức đề kháng”, “tự miễn dịch” để đẩy lùi, giảm thiểu tác hại từ các quan điểm sai trái, thông tin xấu độc? Trong khuôn khổ bài viết này, có thể tiếp cận vấn đề dưới góc độ tuyên truyền ở một số giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền, giúp cộng đồng mạng nhận diện rõ bản chất của các quan điểm sai trái, thù địch. Nhiệm vụ của báo chí chính thống là tạo dòng thông tin chủ đạo, chi phối để cộng đồng mạng nhận diện rõ bản chất các quan điểm sai trái; làm cho mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân - với tư cách công dân mạng có thể nhận thức, nhận diện thông tin xấu độc, hiểu rõ thế nào là quan điểm sai trái, thế nào là quan điểm thù địch.

Thứ hai, phát huy vai trò dẫn dắt, chi phối thông tin chính thống của hệ thống báo chí và mạng xã hội của Việt Nam để cộng đồng mạng nâng cao nhận thức, đủ sức “đề kháng” trước các quan điểm sai trái, thù địch.

 Khi đã nhận thức đúng - sai của thông tin xấu độc, sai trái, thù địch thì mỗi công dân mạng sẽ có nhãn quan chính trị, tự giác phòng chống và chủ động đấu tranh, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù  địch.

Thứ ba, các cơ quan chức năng cần ban hành hệ thống văn bản có tính pháp quy, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan báo chí tham gia đấu tranh, phòng chống quan điểm sai trái, thù địch.

Hiện nay, hiệu quả cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch còn không ít hạn chế, yếu kém. Chủ yếu mới là lực lượng chuyên trách tham gia đấu tranh. Để làm tốt công tác tuyên truyền trên mặt trận đấu tranh này, bản thân các cơ quan báo chí cũng cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Xây dựng hệ thống tổ chức đấu tranh chống quan điểm sai trái trên mạng Internet từ Trung ương đến cấp tỉnh, thành phố, bao gồm đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo, am hiểu về thực tiễn.

Tổ chức lực lượng trong các cơ quan chính quyền, cơ quan quân đội, công an các cấp và trong các tổ chức chính trị, xã hội... thực hiện thường xuyên nhiệm vụ đấu tranh chống quan điểm sai trái trên mạng Internet. Thường xuyên đổi mới phương thức, phương tiện đấu tranh hiện đại, nhất là các tiện ích mới nhằm thu hút công chúng mạng tham gia chia sẻ, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Mặt khác, để đẩy lùi, giảm thiểu tối đa tác động từ các thông tin sai trái, thù địch, chúng ta cũng rất cần đổi mới, mở rộng các hình thức, phương tiện đấu tranh. Tăng cường lãnh đạo, quản lý nhà nước đối với hệ thống báo điện tử. Sớm khắc phục tình trạng sai tôn chỉ mục đích, đưa quá nhiều mảng tối của đời sống chính trị, tạo “mảnh đất” để các thế lực thù  địch, cơ hội chính trị dễ dàng lợi dụng, khai thác thông tin, nói xấu chế độ. Các báo điện tử, trang tin điện tử chú trọng đổi mới, xây dựng giao diện app mobile cho điện thoại di động, tạo điều kiện cho số đông cư dân mạng, nhất là giới trẻ thường xuyên truy cập Internet qua mạng di động có thể sử dụng dễ dàng trong việc khai thác, tìm kiếm thông tin chính thống.

Thứ tư, cần sớm có chủ trương, giao các cấp ủy Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội ban hành quy tắc tham gia mạng xã hội. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm và cơ chế khen thưởng, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên… khi tham gia mạng xã hội. Quy định rõ nhiệm vụ của đảng viên, đoàn viên, hội viên tham gia đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, thù địch. Ban hành nghị định với các chế tài cụ thể đối với các hành vi đồng phạm, chủ động phát tán, a dua nói xấu Đảng, bôi nhọ lãnh đạo, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Mặt khác, toàn bộ hệ thống chính trị cần vào cuộc để thực hiện tốt Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XII. Nêu cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, toàn thể cán bộ, đảng viên, công dân tham gia đấu tranh chống quan điểm sai trái trên mạng Internet. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, cổ vũ các tầng lớp nhân dân chủ động tiến công, tự giác đấu tranh, phản bác đối với các thông tin xấu độc, sai trái, thù địch phát tán trên mạng.

Tăng cường tuyên truyền, cổ vũ, nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể; giữa Trung ương và địa phương nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp các lực lượng trên mặt trận tư tưởng, văn hóa trong cuộc đấu tranh chống các hoạt động “diễn biến hòa bình”, chống quan điểm sai trái.

Chú trọng việc tổ chức để các đoàn thể quần chúng như Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp... tham gia đấu tranh trên mạng Internet đối với những quan điểm và hành động sai trái của các phần tử cơ hội chính trị và các thế lực thù địch. Phối hợp có hiệu quả giữa các lực lượng, binh chủng trong lĩnh vực bảo vệ an ninh tư tưởng chính trị, đặc biệt là về tư tưởng chính trị trên mạng Internet.

Thứ năm, để khuyến khích tinh thần yêu nước, dũng cảm tham gia đấu tranh trên không gian mạng, các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu, tạo cơ chế, khuyến khích việc thành lập các tổ chức dưới dạng tự nguyện xung kích. Nếu các tổ chức tình nguyện tham gia đấu tranh trên mạng xã hội xuất hiện càng nhiều, chúng ta càng có lực lượng lớn đủ sức đẩy lùi các quan điểm sai trái, thông tin xấu độc. Chính vì vậy, các đoàn thể chính  trị - xã  hội cũng cần nghiên cứu, có cơ chế khen thưởng để cổ vũ, động viên, tập hợp nhiều học sinh, sinh viên, thanh niên tích cực tham gia đấu tranh chống quan điểm sai trái trên  mạng xã  hội.

Phần B: THÔNG TIN THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

I- TIN TRONG TỈNH

1. Tuần Lễ Văn hóa Du lịch Đồng Tháp kết thúc tốt đẹp

Tuần Lễ Văn hóa Du lịch Đồng Tháp năm 2021 diễn ra từ ngày 22- 27/01/2021, được tổ chức tại Công viên Sa Đéc, với chủ đề “Sa Đéc – Phố và hoa”. Tuần lễ thu hút trên 200 nghìn lượt khách đến tham quan trải nghiệm, doanh thu du lịch ước đạt trên 10 tỷ đồng. Tại tuần lễ có các hoạt động phong phú, hấp dẫn với nhiều hội nghị, cuộc thi như: Hội nghị Tổng kết liên kết phát triển du lịch giữa thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, Hội nghị giới thiệu sản phẩm du lịch, cuộc thi trang trí cổng rào đẹp, cuộc thi “Bến xuân” làm thuyền hoa đẹp, Hội thi làm bánh dân gian... Công tác tuyên truyền quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng được thực hiện thường xuyên, đặc biệt có 2 hãng truyền thông quốc tế đã đưa tin về Làng hoa Sa Đéc là AFP - hãng thông tấn quốc tế lâu đời nhất ở Pháp và The Telegraph - tờ báo hàng ngày quốc gia Anh. Trong khuôn khổ Tuần lễ Văn hoá Du lịch, Ủy ban nhân dân Tỉnh đã tổ chức công bố quyết định công nhận 6 điểm du lịch tại thành phố Sa Đéc gồm: Khu vui chơi giải trí miệt vườn Happy Land Hùng Thy, Cách đồng Hoa Hồng Sa Đéc, Vườn hồng Tư Tôn, Hoa kiểng Sa Đéc, Vườn hoa và Nghỉ dưỡng Sa Nhiên (Sa Nhiên Garden & Homestay), vườn kiểng Ngọc Lan. Tại tuần lễ Văn hóa Du lịch, nhiều biên bản hợp tác, liên kết phát triển du lịch; xúc tiến, quảng bá du lịch trong thời gian tới đã được ký kết.

2. Phát động “Phong trào thi đua bảo đảm trật tự an toàn giao thông”

Với mục tiêu góp phần kéo giảm từ 5 - 10% số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông hàng năm; tiếp tục thực hiện Năm an toàn gaio thông theo chủ đề của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”, Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch số: 28/KH-UBND ngày 22/01/20 phát động “Phong trào thi đua bảo đảm trật tự an toàn giao thông” giai đoạn 2021 - 2025. Đối tượng thực hiện là tập thể, cá nhân thuộc cơ quan thành viên Ban An toàn giao thông Tỉnh, Ban An toàn giao thông huyện, thành phố trên địa bàn Tỉnh. Thời gian thực hiện từ nay đến hết ngày 31/12/2025 với chủ đề thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2021 - 2025.

II- TIN TRONG NƯỚC

1. Một số kết quả chủ yếu Hội nghị lần thứ 15, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII

Từ ngày 16 - 17/01/2021, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã họp Hội nghị lần thứ 15. Với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm cao, Hội nghị đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và kết thúc sớm hơn so với kế hoạch. Hội nghị xem xét, thông qua một số nội dung chủ yếu sau: (1) biểu quyết thông qua danh sách nhân sự đề cử bổ sung một số đồng chí lần đầu tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, bổ sung một số đồng chí Ủy viên Trung ương khóa XII thuộc trường hợp “đặc biệt” tái cử khóa XIII và một số đồng chí lần đầu thuộc trường hợp “đặc biệt” tham gia Ủy viên Trung ương chính thức; thông qua nhân sự là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII thuộc trường hợp “đặc biệt” tái cử khóa XIII và danh sách đề cử các đồng chí vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước nhiệm kỳ khóa XIII với số phiếu tập trung cao. (2) thống nhất cao với dự kiến danh sách Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký và Ban Thẩm tra tư cách đại biểu Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. (3) thông qua các báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII, về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; cho ý kiến về Báo cáo tổng kết công tác tài chính đảng nhiệm kỳ 2016 -2020. (4) yêu cầu Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội và các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương, nghiêm túc rà soát lại toàn bộ các khâu chuẩn bị phục vụ Đại hội, để bảo đảm Đại hội XIII của Đảng thành công tốt đẹp.

Từ kết quả của Hội nghị Trung ương lần thứ 15, trong thời gian tới, công tác tuyên truyền cần chú trọng một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, thông tin, tuyên truyền đến đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về kết quả Hội nghị Trung ương lần thứ 15, trong đó tuyên truyền đậm nét các ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu khai mạc, bế mạc Hội nghị, tạo sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận của nhân dân trước thềm Đại hội XIII của Đảng.

Hai là, tiếp tục tuyên truyền khẳng định sự chuẩn bị kỹ lưỡng, khoa học, thận trọng của Ban Chấp hành Trung ương trong việc chuẩn bị các nội dung cho Đại hội XIII, nhất là quá trình chuẩn bị các văn kiện và công tác nhân sự cho Đại hội.

Ba là, tiếp tục đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, phản động, các đối tượng cơ hội chính trị về Đại hội XIII, tạo niềm tin, sự đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào thành công của Đại hội XIII của Đảng.

2. Tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Ðể chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nhân dân đón mừng năm mới 2021 và vui xuân, đón Tết Nguyên đán Tân Sửu lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 48-CT/TW về việc tổ chức Tết năm 2021. Trong đó, yêu cầu tập trung thực hiện nghiêm túc 6 nhiệm vụ: (1) Thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19; đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. (2) Phát huy truyền thống văn hóa đoàn kết, "tương thân, tương ái" của dân tộc, quan tâm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong dịp Tết, bảo đảm mọi nhà, mọi người đều được vui xuân, đón Tết. (3) Thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo đúng tinh thần Chỉ thị số 41 của Ban Bí thư khóa XI. (4) Tiếp tục thực hiện nghiêm Quy định số 08 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức. (5) Tăng cường công tác dự báo và quản lý thị trường, ổn định giá cả, bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ, đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trước, trong và sau Tết… (6) Chú trọng công tác quốc phòng, an ninh. Nắm chắc tình hình, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Ngày 21/12/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 44/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Để thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị 48-CT/TW của Ban Bí thư, Chỉ thị 44/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, công tác tuyên truyền tập trung một số nội dung sau:

Thứ nhất, tuyên truyền nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm mà Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong thời gian tổ chức đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Thứ hai, tuyên truyền các hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước thăm hỏi và động viên các tầng lớp nhân dân, nhất là các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, các hộ nghèo, các gia đình bị ảnh hưởng do thiên tai, bão, lũ, các đơn vị lực lượng vũ trang và lực lượng khác làm nhiệm vụ trong những ngày Tết, nhất là ở biên giới, hải đảo, vùng khó khăn, phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm mọi người dân đón Tết vui tươi, đầm ấm, lành mạnh, an toàn.

Thứ ba, tuyên truyền công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai của các cơ quan chức năng trong việc bảo đảm an toàn cho các hoạt động vui xuân đón Tết, đặc biệt chú trọng việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội và công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

III- HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI, TIN THẾ GIỚI

1. Công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta năm 2020; nhiệm vụ, giải pháp năm 2021

- Kết quả đạt được: (1) Việt Nam đã giữ vững đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, xử lý hài hòa, khéo léo, cân bằng các mối quan hệ. (2) xử lý hiệu quả các vấn đề liên quan tới độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững an ninh quốc gia. (3) phát huy tốt những lợi thế thành công trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thúc đẩy mạnh mẽ vai trò, uy tín và vị thế của ta trên trường quốc tế. (4) tiếp tục khai thác, huy động các điều kiện, nguồn lực cho phát triển kinh tế (thúc đẩy phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do và hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU; ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)...). (5) đối ngoại Đảng đã thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo, triển khai nhiều biện pháp linh hoạt, thích ứng hiệu quả với bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực. (6) công tác đối ngoại nhân dân được triển khai chủ động, tích cực, hiệu quả, thích ứng nhanh với bối cảnh tình hình thực tế, tiếp tục củng cố, tăng cường quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác với nhân dân các nước, bạn bè và đối tác quốc tế.

- Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm công tác năm 2021:

(1) Triển khai tích cực, hiệu quả đường lối đối ngoại của Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam. (2) Xử lý khôn khéo, hài hoà quan hệ với các nước lớn, đặc biệt là với Mỹ và Trung Quốc. Tích cực triển khai Chỉ thị 25-CT/TW của Ban Bí thư khoá XII về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. Tiếp tục đảm nhiệm tốt vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc. (3) Tiếp tục thúc đẩy, phối hợp với các nước, tạo cục diện thuận lợi trên vấn đề Bin Đông; nâng cao cảnh giác, chủ động có các phương án đối phó với các khả năng diễn biến của tình hình Biển Đông trong thời gian tới. (4) Chủ động khai thác xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu về cả quy mô và chất lượng. Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài có trọng tâm, trọng điểm, có chọn lọc, ưu tiên các dự án có hàm lượng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, quản trị hiện đại, thân thiện với môi trường, phục vụ cho chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam.

2. Về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020

Ngày 07/01/2021, các nhà lập pháp Mỹ đã hoàn thành nhiệm vụ theo luật định, chính thức xác nhận chiến thắng cho ông Joe Biden sau khi kiểm phiếu bầu Tổng thống nước Mỹ của Cử tri đoàn vào ngày 14/12/2020. Những khiếu nại liên quan tới kết quả bầu cử tại các bang chiến địa như: Pennsylvania, Arizona… cũng đều bị bác bỏ. Việc lưỡng viện Quốc hội Mỹ xác nhận được toàn bộ số phiếu đại cử tri của các bang, khép lại cuộc chiến pháp lý và những tranh cãi liên quan giữa 2 ứng cử viên thuộc 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa, mở ra một chương mới trong lịch sử nước Mỹ. Người dân Mỹ và nhiều nước trên thế giới đang kỳ vọng về các chính sách đối nội và đối ngoại của chính quyền Tổng thống mới đắc cử của nước Mỹ sẽ góp phần làm cho tình hình chính trị thế giới ổn định hơn.

Để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân có nhận thức đúng về vấn đề bầu cử Tổng thống Mỹ, thời gian tới, công tác tuyên truyền cần chú ý:

Một là, tiếp tục tuyên truyền để người dân nhận thức đúng về vấn đề bầu cử Tổng thống Mỹ. Đây là vấn đề nội bộ của nước Mỹ, của cử tri Mỹ. Vì vậy, ai thắng cử cũng là sự lựa chọn của nước Mỹ và người dân Mỹ.

Hai là, từ mâu thuẫn, xung đột căng thẳng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, cần đẩy mạnh tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức được những thành tựu to lớn của Việt Nam trên con đường xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng một nước Việt Nam ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Ba là, tiếp tục đấu tranh với những âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng. Trước thềm Đại hội XIII của Đảng, các thế lực thù địch, phản động sẽ gia tăng các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước. Công tác tuyên truyền cần góp phần giúp cán bộ, đảng viên và Nhân dân nâng cao khả năng “miễn dịch” tin xấu, độc; chủ động phòng ngừa các luận điệu xuyên tạc; vững niềm tin theo Đảng, theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn./.

                                                       Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp