Xuất bản thông tin

null Triển khai thực hiện quy định về đánh giá, xếp loại “Đơn vị học tập” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Chi tiết bài viết Tab Thông tin

Triển khai thực hiện quy định về đánh giá, xếp loại “Đơn vị học tập” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Sở GD&ĐT phối hợp với Hội Khuyến học Tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Thông tư số 22/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT và Kế hoạch số 278/KH-UBND của UBND Tỉnh nhằm thống nhất thực hiện có hiệu quả việc học tập, bồi dưỡng nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Đồng thời đánh giá kết quả công tác hàng năm của cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong năm 2021 và những năm tiếp theo góp phần xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp trong thời gian tới. Nội dung được đề cập trong thông tin công tác khoa giáo kỳ này.

TIN TỨC - SỰ KIỆN

1. Triển khai thực hiện quy định về đánh giá, xếp loại “Đơn vị học tập” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Sở GD&ĐT phối hợp với Hội Khuyến học (KH) Tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Thông tư số 22/2020/TT-BGDĐT ngày 06/8/2020 của Bộ GD&ĐT và Kế hoạch số 278/KH-UBND ngày 23/11/2020 của UBND Tỉnh với sự tham dự của lãnh đạo Sở GD&ĐT, Hội KH Tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành tỉnh, nhằm thống nhất thực hiện có hiệu quả việc học tập, bồi dưỡng nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Đồng thời đánh giá kết quả công tác hàng năm của cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong năm 2021 và những năm tiếp theo góp phần xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp trong thời gian tới.

Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe đại diện Sở GD&ĐT triển khai Thông tư số 22/2020/TT-BGDĐT ngày 06/8/2020 của Bộ GD&ĐT quy định về đánh giá, xếp loại đơn vị học tập, bao gồm: tiêu chí, quy trình, tổ chức thực hiện. Đồng thời, đại diện Sở GD&ĐT cũng thông tin nội dung Kế hoạch số 278/KH-UBND ngày 23/11/2020 của UBND Tỉnh triển khai thực hiện quy định về đánh giá, xếp loại “Đơn vị học tập” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Theo Kế hoạch số 278/KH-UBND ngày 23/11/2020 của UBND Tỉnh, việc đánh giá, xếp loại “Đơn vị học tập” thực hiện theo phương thức chấm điểm, tổng số điểm tối đa cho tất cả các tiêu chí là 100 điểm. Có 4 mức xếp loại: loại tốt (85 - 100 điểm); loại khá (70 - dưới 85 điểm); loại trung bình (50 - dưới 70 điểm); loại chưa đạt (các trường hợp còn lại). Việc kiểm tra, đánh giá kết quả xây dựng “Đơn vị học tập” các cấp phải đảm bảo công khai, công bằng, minh bạch, khách quan, đúng tiêu chí, xếp loại theo quy định tại Thông tư số 22/2020/TT-BGDĐT ngày 06/8/2020 của Bộ GD&ĐT.

Dịp này, Hội KH Tỉnh tặng giấy khen cho 25 đơn vị đạt danh hiệu “Đơn vị học tập” cấp tỉnh năm 2020; trong đó có Chi hội Khuyến học Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ.

2. Những kết quả đạt được trong công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ năm 2020

Năm 2020, các cấp Hội trong Tỉnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ (CTĐ) như: xây dựng, củng cố tổ chức Hội, duy trì thực hiện các hoạt động nhân đạo xã hội, hoạt động phòng ngừa, ứng phó thiên tai thảm họa. Nổi bật, các cấp Hội đã vận động thực hiện Tháng Nhân đạo, phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, chương trình ngân hàng bò. Qua đó, đã tặng gần 59.000 suất quà Tết, trao 23 con bò, cất mới 586 căn nhà CTĐ cho hộ nghèo, khó khăn; nhiều mô hình nhân đạo như: chợ nhân đạo, quầy hàng không đồng, bếp ăn tình thương,… trợ giúp hàng ngàn lượt người nghèo. Ngoài ra, các cấp Hội còn vận động Nhân dân hiến máu tình nguyện được gần 16.000 đơn vị máu; xây dựng mới 54 cây cầu nông thôn, sửa chữa trên 108km đường nông thôn;... Tổng trị giá hoạt động của các cấp Hội năm 2020 là 151,688 tỷ đồng (tăng 503 triệu đồng so với năm 2019), đã giúp đỡ cho hơn 547.000 lượt người.

Năm 2021, Hội CTĐ Tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ: tổ chức thành công Đại hội CTĐ các cấp; tiếp tục thực hiện các phong trào, cuộc vận động giúp người nghèo; tổ chức các đợt vận động hiến máu tình nguyện cung cấp lượng máu cứu người;… Hội CTĐ Tỉnh và các cơ sở Hội tiếp tục quan tâm tuyên truyền về chức năng, vai trò của các hoạt động an sinh xã hội, cứu trợ nhân đạo của Hội để người dân, tổ chức mạnh thường quân góp sức hỗ trợ để hoạt động đạt hiệu quả hơn; củng cố, xây dựng lực lượng tình nguyện viên CTĐ cấp cơ sở để thực hiện các phong trào CTĐ ở địa phương; tổ chức thực hiện các chiến dịch hiến máu tình nguyện, phong trào Tết vì người nghèo, duy trì và nhân rộng các mô hình nhân đạo hiệu quả như: bếp ăn tình thương, quầy hàng không đồng,… để thực hiện tốt công tác Hội và phong trào CTĐ, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

3. Nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn đến năm 2025

Ban Đại diện Hội Người cao tuổi (NCT) Tỉnh vừa tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Quyết định 1533 và triển khai Quyết định 1336 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ (CLB) Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn đến năm 2025.

Ban Đại diện Hội NCT Tỉnh và các cấp Hội trên địa bàn Tỉnh đã tích cực chủ động triển khai thực hiện Quyết định số 1533/QĐ-TTg, ngày 02/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2016 – 2020. Đến nay, toàn Tỉnh đã thành lập được 40 CLB Liên thế hệ tự giúp nhau (đạt 111%) với hơn 2.136 thành viên, trong đó có 1.404 thành viên là NCT (chiếm 65,73%). Tổng số tiền quỹ của các CLB huy động được hơn 1,3 tỷ đồng, hầu hết từ nguồn vận động xã hội hóa. Đa số các CLB Liên thế hệ tự giúp nhau hoạt động tương đối tốt, chú trọng các hoạt động chăm sóc sức khỏe và đời sống tinh thần cho NCT, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng và phát huy vai trò của NCT trong xã hội. Bên cạnh đó, Ban Chủ nhiệm các CLB quan tâm hỗ trợ các thành viên trong CLB vay vốn để phục vụ sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng thu nhập cho NCT.

Tại Hội nghị, lãnh đạo Sở LĐ,TB&XH thông tin về việc triển khai Quyết định 1336 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn đến năm 2025; Kế hoạch số 296/KH-UBND ngày 24/12/2020 của UBND Tỉnh về nhân rộng mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Theo Kế hoạch số 296/KH-UBND, đến năm 2025 sẽ xây dựng thêm 30 CLB Liên thế hệ tự giúp nhau với trên 1.500 thành viên; mỗi CLB vận động nguồn quỹ ban đầu ít nhất từ 20 triệu đồng trở lên; duy trì, nâng chất lượng hoạt động và quản lý đối với 100% CLB Liên thế hệ tự giúp nhau được thành lập giai đoạn 2016 - 2020 và các CLB mới được thành lập; phấn đấu mỗi CLB Liên thế hệ tự giúp nhau đảm bảo về cơ cấu thành phần,...

4. Chương trình đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn

 Từ năm 2017 đến nay, Chương trình “Đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng” không chỉ đạt mục tiêu về chất lượng lao động mà còn đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn. Nguồn thu nhập của người lao động Đất Sen hồng ở nước ngoài đã góp phần cải thiện đời sống gia đình, giúp nhiều gia đình trở nên khá giàu, nhiều lao động sau khi về nước tiếp tục khởi nghiệp thành công, trở thành các chủ doanh nghiệp, tạo việc làm cho một bộ phận lao động khác, đóng góp vào sự phát triển và ổn định kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Đồng Tháp luôn có nhiều đột phá và liên tiếp dẫn đầu Đồng bằng sông Cửu Long về đi làm việc ở nước ngoài. Kết quả đạt được luôn là những con số kỷ lục, liên tiếp 03 năm liền số lao động xuất cảnh gấp đôi so với kế hoạch đề ra, vượt ngưỡng 2.000 lao động/năm. Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19 nhưng tỉnh Đồng Tháp vẫn hoàn thành chỉ tiêu, với 1.104 lao động đã xuất cảnh, vượt 10,4 % kế hoạch năm.

Năm 2021 và những năm tiếp theo, đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng tiếp tục được xác định là kênh giải quyết việc làm hiệu quả, vừa mang lại lợi ích to lớn về kinh tế, vừa góp phần bảo đảm an sinh xã hội bền vững.

Trong 05 năm tới, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ XI đã đề ra mục tiêu đưa 7.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài, với mức phấn đấu hằng năm có ít nhất 1.500 lao động xuất cảnh. Để thực hiện được mục tiêu này, Tỉnh uỷ, HĐND Tỉnh, UBND Tỉnh sẽ tiếp tục xem xét, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ về đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người lao động và các đơn vị thực hiện. Trong công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của Đồng Tháp đã đến lúc phải xây dựng thương hiệu, tạo uy tín bằng việc nâng cao chất lượng lao động, đào tạo nâng cao trình độ tay nghề, giáo dục định hướng nhận thức cho người lao động; quản lý và bảo vệ tốt quyền lợi, hạn chế thấp nhất rủi ro có thể xảy ra đối với người lao động.

CHÍNH SÁCH - VĂN BẢN MỚI

1. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin giai đoạn 2021 - 2025

Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 06/01/2021 phê duyệt Đề án "Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin giai đoạn 2021 - 2025".

Mục tiêu tổng quát của Đề án là đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng về an toàn thông tin (ATTT) cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, tổ chức Nhà nước; hỗ trợ các cơ quan, tổ chức của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội đào tạo, tập huấn về ATTT khi có đề nghị từ các cơ quan, tổ chức này; xây dựng và phát triển đội ngũ chuyên gia ATTT để bảo vệ cho các hệ thống thông tin của Đảng và Nhà nước.

Mục tiêu cụ thể là tổ chức 6000 lượt đào tạo ngắn hạn về kiến thức, kỹ năng ATTT của người dùng cho các công chức, viên chức và người lao động có sử dụng thiết bị công nghệ thông tin khi làm việc tại các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế của nhà nước; lựa chọn và tổ chức đào tạo 200 chuyên gia ATTT để bảo vệ cho các hệ thống thông tin của Đảng và Nhà nước; đưa 150 giảng viên, nghiên cứu viên đi đào tạo, bồi dưỡng cập nhật về ATTT ở nước ngoài, trong đó có tối thiểu 70 tiến sĩ; đào tạo 5000 thạc sĩ, kỹ sư, cử nhân ATTT;...

Một trong các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án là đào tạo ngắn hạn về ATTT theo hình thức tập trung, trực tuyến hoặc kết hợp giữa tập trung và trực tuyến về ATTT cho các cơ quan, tổ chức Nhà nước; hỗ trợ các cơ quan, tổ chức của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội đào tạo, tập huấn về ATTT khi có đề nghị từ các cơ quan, tổ chức này. Đào tạo 200 chuyên gia ATTT để bảo vệ cho các hệ thống thông tin của Đảng và Nhà nước. Chuẩn hóa kỹ năng ATTT trong các cơ quan Nhà nước…

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

2. Quy định mới về tuổi nghỉ hưu

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 135/2020/NĐ-CP quy định về tuổi nghỉ hưu, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường theo khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động được quy định cụ thể như sau:

Kể từ ngày 01/01/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

3. Phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 (Quyết định số 23/QĐ-TTg, ngày 07/01/2021) nhằm mục tiêu bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em, phát triển toàn diện trẻ em; tạo lập môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện cho trẻ.

Chương trình đề ra bốn mục tiêu chính về: phát triển toàn diện trẻ em, chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ em; bảo vệ trẻ em; giáo dục, văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em; sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em, với 24 chỉ tiêu cụ thể.

Chương trình chỉ rõ nhiệm vụ và giải pháp thực hiện như: Tăng cường sự chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp của các bộ, ngành, địa phương đối với việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình; hoàn thiện pháp luật, chính sách bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em; phát triển hệ thống dịch vụ đáp ứng thực hiện quyền trẻ em có sự lồng ghép và phối hợp giữa các dịch vụ y tế, giáo dục, tư pháp và các dịch vụ an sinh xã hội; ưu tiên hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em; tăng cường truyền thông, giáo dục về kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền, bổn phận của trẻ em; vận động xã hội thực hiện các mục tiêu về trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em; bảo đảm nguồn lực thực hiện quyền trẻ em và các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em; ưu tiên bố trí nguồn lực về bảo vệ trẻ em; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra; xây dựng cơ sở dữ liệu theo dõi, đánh giá việc thực hiện pháp luật, chính sách, chương trình, mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em…

4. Ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng thuộc lĩnh vực giáo dục

UBND Tỉnh vừa ban hành Quyết định số 02/2021/QĐ-UBND ngày 08/01/2021 về việc Ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Quyết định này áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công lập, bao gồm: Cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục). Tiêu chuẩn, định mức sử dụng thiết bị trong các cơ sở giáo dục cụ thể như sau:

Tiêu chuẩn thiết bị: Thiết bị có trong danh mục thiết bị dạy học do Bộ GD&ĐT ban hành; Thiết bị không có trong danh mục thiết bị dạy học theo quy định của Bộ GD&ĐT (Thiết bị, đồ dùng nhà ăn, nhà bếp, khu ở nội trú phục vụ việc nuôi dưỡng chăm sóc trẻ và học sinh; Thiết bị phục vụ cho công tác thi và tuyển sinh, đánh giá, kiểm định chất lượng; Máy tính, phương tiện kết nối mạng máy tính, các phần mềm hỗ trợ dạy, học...).

Định mức thiết bị: Đối với thiết bị có trong danh mục thiết bị dạy học do Bộ GD&ĐT ban hành thì căn cứ quy mô học sinh, số lớp và các quy định trong danh mục thiết bị dạy học do Bộ GD&ĐT ban hành để xác định số lượng, đảm bảo đủ thiết bị phục vụ cho hoạt động dạy và học, giáo dục và chăm sóc trẻ trong các cơ sở giáo dục. Đối với thiết bị không có trong danh mục thiết bị dạy học theo quy định, cần căn cứ phù hợp với nội dung chương trình và các hoạt động giáo dục; theo định hướng phát triển của cơ sở giáo dục để đạt được các mức độ đạt chuẩn về cơ sở vật chất và thiết bị trong từng giai đoạn; quy mô học sinh, số lớp; đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy và học; nhu cầu sử dụng thực tế; điều kiện về cơ sở vật chất để lắp đặt, bảo quản và khai thác sử dụng thiết bị.. 

MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KHOA GIÁO CẤP HUYỆN

Liên đoàn Taekwondo tỉnh Đồng Tháp phối hợp Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh thành phố Sa Đéc tổ chức kỳ thi thăng đẳng năm 2021 từ huyền đai nhất đẳng đến tam đẳng Taekwondo quốc gia cho 78 huấn luyện viên, hướng dẫn viên và võ sinh Taekwondo trong Tỉnh. Tại kỳ thi, các võ sĩ phải trải qua các phần kiểm tra kỹ thuật căn bản, các bài quyền, đối luyện tự vệ, song đấu tự do, công phá, thể lực theo quy định của Liên đoàn Taekwondo Việt Nam. Qua đó, có 68 huấn luyện viên, hướng dẫn viên và võ sinh Taekwondo được công nhận thăng đẳng từ huyền đai nhất đẳng đến tam đẳng.

Qua 4 năm thực hiện công tác đưa người lao đông đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2017-2020, công tác đưa người lao đông đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo họp đồng của huyện Hồng Ngự đạt và vượt chỉ tiêu Tỉnh giao, lao động được xuất cảnh, chủ yếu ở thị trường 05 nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Ba Lan, Malaysia. Bên cạnh đó, công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn Huyện còn thực hiện các đề án hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước như: BHYT, nhà ở, tín dụng và các mô hình, nhằm giúp cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo một cách bền vững, tính đến thời điểm hiện tại tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,98%.

Năm 2020, công tác Khuyến học - Khoa học lịch sử huyện Tân Hồng triển khai thực hiện khá toàn diện, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động trong các phong trào và mô hình điển hình về khuyến học, duy trì mô hình tổ nhân dân tự quản, lồng ghép nội dung sinh hoạt khuyến học, gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập… Hội Khuyến học - Khoa học lịch sử Huyện tiếp nhận sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm ủng hộ số tiền trên 6,5 tỷ đồng, qua đó cấp 144 suất học bổng; đồng thời trao xe đạp, góc học tập tủ sách, tập, viết, quần áo... kịp thời hỗ trợ gần 28.000 suất quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, công tác phát triển hội viên luôn được chú trọng, toàn Huyện hiện có 20.794 hội viên, chiếm 24,28% so dân số, trong đó phát triển mới 605 hội viên. Năm 2021, Hội Khuyến học - Khoa học lịch sử Huyện tiếp tục đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm như: tập trung tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhiệm vụ của Hội; củng cố tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động hiệu quả, nâng cao chất lượng Tổ Dân phòng khuyến học; gắn phong trào nuôi heo đất ở hội viên, hộ gia đình và trường học, dòng họ, cơ quan và Tổ dân phòng khuyến học. Song song đó, thực hiện nhân rộng các mô hình Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Cộng đồng học tập, Đơn vị học tập; xây dựng và phát triển quỹ khuyến học các cấp.

Trong năm 2020, bếp ăn tình thương Trung tâm y tế huyện Lấp Vò đã phục vụ 122.448 xuất cơm, 73.760 xuất cháo, 133.236 lít nước, tổng giá trị hơn 966.000.000 đồng. Nguồn kinh phí trên là nhờ sự đóng góp của các nhà hảo tâm, các mạnh tường quân trong và ngoài huyện đóng góp. Ngoài việc phục vụ Bếp ăn, một số Tổ chức còn hỗ trợ tiền, gạo cho người bệnh nghèo có hoàn cảnh khó khăn; thực hiện tốt công tác hiến máu nhân đạo và mổ mắt từ thiện cũng như nhiều hoạt động xã hội khác... Năm 2021, bếp ăn tình thương trung tâm y tế Huyện tiếp tục hỗ trợ những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang nằm viện tại Trung tâm y tế; nâng cao chất lượng phục vụ cơm, cháo, nước cho bệnh nhân; thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại Bếp ăn; tăng cường vận động các mạnh thường quân tiếp tục hỗ trợ tiền, vật phẩm nhằm đảm bảo cho hoạt động Bếp ăn tình thương liên tục hiệu quả...

Năm 2020, huyện Cao Lãnh đã mở được 25/20 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, với 529 học viên tham gia học nghề, đạt 125% kế hoạch. Tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề đạt từ 75 - 80%, thu nhập trung bình từ 60.000 - 200.000 đồng/ngày, góp phần tích cực vào việc thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững trên địa bàn. Thực hiện điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, nông, lâm, ngư nghiệp, kết quả điều tra đến nay có 935 hộ nghèo, chiếm 1,76%; hộ cận nghèo 2.823, chiếm 5,32%. Tuy bị ảnh hưởng nhiều do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng các ngành, các cấp từ huyện đến cơ sở đã tích cực tuyện truyền, vận động học sinh, sinh viên, bộ đội xuất ngũ tham gia các chương trình tuyển sinh lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, đến nay có 161/200 lao động xuất cảnh, đạt 80,5% kế hoạch, trong đó Nhật Bản 144, Đài Loan 06, Ba Lan 11; hiện có 99 lao động đã trúng tuyển chờ ngày xuất cảnh. Tiếp tục thực hiện và duy trì các mô hình giảm nghèo hiệu quả của Hội, đoàn thể Huyện và cấp xã. Phối hợp tốt với Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội Huyện trong giải ngân nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, tập trung vào hiệu quả của việc tạo việc làm mới thông qua nguồn vốn ưu đãi. Qua đó, giúp các hộ nghèo, học sinh, sinh viên vay vốn sản xuất, có điều kiện để tham gia đi lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Năm 2020, huyện Lai Vung thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giải quyết việc làm góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Huyện đã giải quyết việc làm cho lao động, nhất là lao động nông thôn, đạt 69% tỷ lệ lao động qua đào tạo, lao động được đào tạo nghề đạt 50%, đào tạo nghề nông thôn đạt 106%. Công tác xuất khẩu lao động là nhiệm vụ quan trọng trong giải quyết việc làm, là kênh thoát nghèo bền vững. Trong năm, có 132/99 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đạt 132% chỉ tiêu Tỉnh giao. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, tạo việc làm luôn được quan tâm thực hiện, các đối tượng người có công, bảo trợ xã hội; hộ nghèo, cận nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt có đủ điều kiện vui Xuân đón Tết cổ truyền của dân tộc với tổng số tiền trên 4,4 tỷ đồng. Trong năm 2021, Huyện tiếp tục thực hiện công tác an sinh xã hội, tạo việc làm cho người dân, trong đó giải quyết 4.000 lao động nông thôn, mở 12 lớp đào tạo nghề trong toàn Huyện, đưa 150 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, phấn đấu vận động trên 520 triệu đồng quỹ bảo trợ trẻ em.

PHÒNG KHOA GIÁO VÀ VĂN HÓA - VĂN NGHỆ