Xuất bản thông tin

null Hội nghị tuyên truyền bảo vệ môi trường, phát triển bền vững ứng phó biến đổi khí hậu tại khu vực phía Nam

Chi tiết bài viết Tab Thông tin

Hội nghị tuyên truyền bảo vệ môi trường, phát triển bền vững ứng phó biến đổi khí hậu tại khu vực phía Nam

Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa tổ chức Hội nghị “Đối thoại chính sách về môi trường và phát triển bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu” và “Hướng dẫn, phổ biến kỹ năng, kinh nghiệm truyền thông về môi trường” tại thành phố Cần Thơ. Nội dung được đề cập trong thông tin công tác khoa giáo kỳ này.

Ảnh: Phòng KG&VHVN

TIN TỨC - SỰ KIỆN

1. Tuyên truyền bảo vệ môi trường, phát triển bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu cho các bộ, ngành, địa phương tại khu vực phía Nam

02 hội nghị do Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tại thành phố Cần Thơ. Đông đảo cán bộ tuyên truyền, các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, địa phương khu vực phía Nam tham dự, trong đó tỉnh Đồng Tháp (đại diện có Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Tài nguyên và Môi trường, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Tỉnh). Tại Hội nghị “Đối thoại chính sách về môi trường và phát triển bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu”, đại biểu được nghe triển khai chuyên đề: “Môi trường và phát triển bền vững”, “Tác động biến đổi khí hậu đến ĐBSCL và cách tiếp cận tổng hợp hướng tới phát triển bền vững”, “Truyền thông về thích ứng biến đổi khí hậu ở ĐBSCL” do các chuyên gia, nhà khoa học của Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ, lãnh đạo Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Nam trình bày.

 Trong khuôn khổ hội nghị “Hướng dẫn, phổ biến kỹ năng, kinh nghiệm truyền thông về môi trường”, chiều cùng ngày, các bộ, ngành, địa phương khu vực phía Nam, các đại biểu cùng nhau tiếp cận thông tin, thảo luận về nội dung “Thay đổi nhận thức, yếu tố then chốt trong công tác truyền thông bảo vệ môi trường” và chuyên đề “Tương tác đa chiều trong hoạt động truyền thông bảo vệ môi trường hiện nay” với ông Trần Phong, Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Nam và Nhà báo Nguyễn Thu Hà, Phó Trưởng Ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam.

Các thông tin tại hội nghị rất thiết thực, là dịp để đại biểu trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm mới của địa phương  về công tác quản lý, thực thi chuyên môn, nghiệp vụ về tài nguyên và môi trường; kiến thức, kỹ năng, phương pháp của người làm công tác truyền thông; dự báo các vấn đề mới trong thực tiễn có thể phát sinh và giải pháp ứng phó...

2. Tuyên dương 102 giáo viên, sinh viên, học sinh có thành tích xuất sắc năm học 2019 - 2020

Ngày 27/9, tại hội trường Sở GD&ĐT, UBND Tỉnh tổ chức lễ tuyên dương giáo viên, sinh viên, học sinh có thành tích xuất sắc năm học 2019 - 2020. Năm học 2019 - 2020, toàn tỉnh có 102 giáo viên, sinh viên, học sinh trên địa bàn tỉnh được tuyên dương vì có thành tích xuất sắc trong các cuộc thi như: giáo viên đạt giải cấp Quốc gia trong cuộc thi học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi văn hóa cấp Quốc gia; đạt giải cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020; đạt giải cao trong cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia…. Buổi lễ diễn ra nhanh chóng, ngắn gọn và hiệu quả, góp phần phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ban tổ chức chỉ trao tặng Bằng khen của UBND Tỉnh, biểu trưng, vòng hoa cho các giáo viên, sinh viên, học sinh có thành tích đặc biệt. Các cá nhân có thành tích cao khác sẽ được cơ sở tổ chức tuyên dương trong đợt kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 (năm 2020).

Dịp này, Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm tài trợ số tiền 630 triệu đồng cho Quỹ khuyến học Nguyễn Sinh Sắc với mong muốn góp phần vào việc khuyến học, khuyến tài của cộng đồng.

3. Rà soát, đánh giá đúng thực chất công tác phân luồng học sinh

UBND Tỉnh rà soát, đánh giá thực hiện Đề án Hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh giai đoạn 2019 – 2025. UBND Tỉnh yêu cầu tiếp tục tăng cường công tác phối hợp giữa ngành lao động với ngành giáo dục và các đơn vị có liên quan một cách kịp thời, đồng bộ, hiệu quả.

Hàng năm, Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp Sở LĐ,TB&XH rà soát, cập nhật hoàn chỉnh bộ dữ liệu thống kê số học sinh tốt nghiệp THCS, THPT chưa vào học các trường THPT, GDTX và các trường trung cấp trở lên, làm cơ sở đánh giá và đề ra giải pháp cụ thể, hiệu quả.

Sở LĐ,TB&XH rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, từ đó đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, chương trình, giáo trình,… nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, tạo niềm tin cho xã hội, học sinh, phụ huynh và thu hút người học.

Tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng liên kết đào tạo của các cơ sở GDTX và giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo đánh giá kết quả năm 2019, học sinh tốt nghiệp THPT chưa vào học các trường trung cấp trở lên là 3.778 học sinh (đã rà soát được 3.683 học sinh); học sinh tốt nghiệp THCS chưa vào học tại các trường THPT, GDTX và học nghề là 3.039 học sinh (rà soát được 2.647 học sinh). Qua rà soát, ngành chức năng và địa phương đã vận động, tư vấn cho các em tham gia học nghề và định hướng tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Nhìn chung, tỷ lệ phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề, GDTX, THPT còn thấp so với mục tiêu đề ra. Đa số các em học sinh không còn ở tại địa phương, phần lớn gia đình các em gặp nhiều khó khăn về kinh tế và công tác quan tâm quản lý, giáo dục của gia đình đối với các em chưa thật sự sâu sát, nên việc rà soát, nắm thông tin các em còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, tính thuyết phục về tư vấn cho học sinh, phụ huynh hiểu đúng, lựa chọn học nghề phù hợp với khả năng, điều kiện của bản thân và gia đình các em chưa thực sự phát huy hiệu quả.

4. Tuyển dụng 650 lao động đi làm việc tại Nhật Bản

UBND Tỉnh tổ chức họp trực tuyến  đến 12 điểm cầu cấp huyện, thị xã, thành phố (điểm cầu cấp huyện, thị xã, thành phố có đại diện lãnh đạo UBND huyện, thị xã, thành phố và các thành viên trong Ban Chỉ đạo việc làm, giảm nghèo địa phương) để phân bổ chỉ tiêu tuyển lao động đi làm việc có thời hạn theo hợp đồng tại Nhật Bản, đợt 2 năm 2020.

9 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh đưa 789 lao động xuất cảnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng tại các thị trường: Nhật Bản, Ba Lan, Hàn Quốc và Đài Loan. Trong tháng 10/2020, các Công ty TNHH Sen Đại Dương, Công ty TNHH Nhật Huy Khang, Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Công nghiệp và Vận tải Tracodi phối hợp với các Nghiệp đoàn: Kobe, Business Fronter, Kyoei, Gunma,... đến Đồng Tháp tuyển dụng 650 lao động đi làm việc có thời hạn theo hợp đồng tại Nhật Bản, trên các lĩnh vực như: chế biến, đóng gói thực phẩm; đóng gói công nghiệp; chế biến vật liệu sắt; bảo trì máy; lắp ráp điện tử;... Đây là những đơn vị gắn bó lâu dài với tỉnh trong công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở Nhật Bản trong thời gian qua.

Với nhu cầu tuyển dụng 650 lao động lần này đã mở ra một cơ hội tốt cho lao động trong tỉnh, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương. UBND Tỉnh đã phân bổ chỉ tiêu đơn hàng tuyển dụng 650 lao động cho các địa phương tuyên truyền, vận động lao động tham dự tuyển dụng.

5. Duy trì các hoạt động chăm sóc người cao tuổi

Toàn Tỉnh hiện có 151.525 hội viên Người cao tuổi (NCT), đạt 79,29% so với tổng số NCT trong tỉnh, trong đó có 15.377 hội viên dưới 60 tuổi. Phát huy truyền thống “Kính lão, trọng thọ”, Ban đại diện Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh và các cấp Hội cơ sở phối hợp với các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội địa phương duy trì thực hiện các hoạt động hỗ trợ NCT khó khăn như: tặng quà, cất nhà tình thương,... đã giúp NCT khó khăn được chăm sóc, có cuộc sống tốt hơn, đồng thời phát huy được vai trò NCT tại địa phương.

Các cấp Hội NCT còn quan tâm, xem xét hỗ trợ cất nhà tình thương đối với những NCT có hoàn cảnh neo đơn không nơi nương tựa, NCT có nhà ở bị xiêu vẹo, hỗ trợ vay vốn, kiến thức chăn nuôi, trồng trọt và mua bán nhỏ giúp NCT cải thiện kinh tế gia đình, góp phần nâng cao đời sống… Bên cạnh đó, dựa vào uy tín, kinh nghiệm sống của NCT, các cấp Hội NCT còn đẩy mạnh phát huy vai trò NCT trên các lĩnh vực đời sống, tích cực tham gia tuyên truyền, vận động bà con phòng, chống dịch Covid-19…

Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế NCT 01/10/2020 với chủ đề “Chung tay chăm sóc và phát huy vai trò của NCT”, Sở LĐ,TB&XH tham mưu UBND Tỉnh xây dựng kế hoạch chúc thọ, mừng thọ và tặng quà NCT thể hiện sự quan tâm, chăm lo NCT trong tỉnh. UBND Tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố sẽ thành lập đoàn đến thăm, tặng quà và chúc thọ NCT.

CHÍNH SÁCH - VĂN BẢN MỚI

1. Giáo viên tiểu học được chấm 0 điểm bài kiểm tra

Theo Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về đánh giá học sinh tiểu học có hiệu lực từ 20/10/2020.Học sinh tiểu học sẽ được đánh giá bằng 02 hình thức là đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ.

Đánh giá định kỳ được thực hiện bằng điểm số kết hợp với nhận xét. Bài kiểm tra được giáo viên sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang điểm 10, không cho điểm thập phân và được trả lại cho học sinh. Điểm của bài kiểm tra định kỳ không dùng để so sánh học sinh này với học sinh khác. (Quy định trước đây: Bài kiểm tra được giáo viên sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang 10 điểm, không cho điểm 0, không cho điểm thập phân…).

Giáo viên tiểu học được chấm 0 điểm bài kiểm tra từ 20/10/2020.

2. Giáo viên tiểu học không được phê bình học sinh trước lớp 

Theo Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về việc ban hành Điều lệ Trường tiểu học. Nếu như trước đây, học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập và rèn luyện thì tuỳ theo mức độ vi phạm, giáo viên có thể nhắc nhở, phê bình hoặc thông báo với gia đình thì nay, tuỳ theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp kỷ luật sau:

- Nhắc nhở, hỗ trợ giúp đỡ trực tiếp để học sinh tiến bộ hơn;

- Thông báo cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.

Đặc biệt, giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh.

3. Thêm nhiều công việc yêu cầu nghiêm về an toàn lao động

Theo Thông tư số 06/2020/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐ,TB&XH đã bổ sung nhiều công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động, gồm:

- Trực tiếp sản xuất, chế biến vật liệu xây dựng, sành, sứ, thủy tinh, nhựa;

- Cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp;

- Trực tiếp làm công việc chặt, cưa, xẻ gỗ, khai thác, chế biến gỗ công nghiệp; bốc xếp thủ công thường xuyên vật nặng từ 30 kg trở lên;

- Trực tiếp nấu, chế biến thực phẩm tại các bếp ăn tập thể từ 300 suất ăn một ngày trở lên…

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 05/10/2020.

MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KHOA GIÁO CẤP HUYỆN

Hội Chữ thập đỏ thành phố Sa Đéc phối hợp Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đồng Tháp mở lớp tập huấn sơ cấp cứu năm 2020 cho các đội thanh niên xung kích, chốt cứu nạn trên địa bàn Thành phố nhằm giúp cho cán bộ, hội viên, tình nguyện viên và thanh niên xung kích Chữ thập đỏ cơ sở có thêm kiến thức, kỹ năng cơ bản để kịp thời sơ cấp cứu, cứu hộ, cứu nạn trong quá trình đảm nhận nhiệm vụ, công tác tại địa phương, đơn vị.

Thành phố Sa Đéc vừa được Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là “Thành phố học tập toàn cầu”. TP.Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) và TP.Vinh (tỉnh Nghệ An) là hai thành phố của Việt Nam được công nhận là “Thành phố học tập toàn cầu” trong đợt này cùng với 53 thành phố khác ở 27 Quốc gia. Riêng TP.Vinh được đánh giá là một trong những trung tâm đào tạo và giáo dục lớn nhất tại khu vực miền Trung. Đến nay, tổng số thành phố trong mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu của UNESCO là 230 tại 64 Quốc gia. Thành phố đã chứng minh được việc thực hành và các chính sách học tập suốt đời hiệu quả có thể hỗ trợ phát triển các thành phố mang tính bao hàm, an toàn, có sức bật và bền vững”. Thành phố được xem là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa với bề dày lịch sử hàng trăm năm thành lập và tinh thần hiếu học.

Đến tháng 9/2020, thị xã Hồng Ngự có hơn 6.000 lao động được đào tạo nghề, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt hơn 70%, trong đó đào tạo nghề đạt gần 50%. Các lớp đào tạo nghề được khảo sát và tổ chức gắn với nhu cầu tại địa phương, đào tạo nghề theo địa chỉ. Người lao động sau đào tạo nghề tìm được việc làm đạt trên 70%, tập trung tại các công ty, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn; tự tạo việc làm trong thời gian nhàn rỗi. Đến tháng 9/2020, toàn Thị xã có hơn 300 lao động đã sang nước ngoài làm việc, trong đó tập trung tại thị trường Nhật Bản, Đài Loan và các thị trường khác. Qua khảo sát, trên 90% lao động có thu nhập ổn định, tích lũy các khoản thu nhập và gởi về cho gia đình, một số lao động có mong muốn tiếp tục tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

Sở Công thương phối hợp Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Thanh Bình tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) cho cán bộ phụ trách công tác ATTP lĩnh vực công thương xã, thị trấn và các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Các cơ sở được cập nhật những quy định mới về ATTP như Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 02/02/2018 về việc Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP; Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh rượu; Nghị định số 17/2020/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà  nước của Bộ Công thương;… giải đáp các thắc mắc, cập nhật thêm các quy định mới về ATTP góp phần nâng cao kiến thức để áp dụng vào việc sản xuất thực phẩm.

Huyện Cao Lãnh tổ chức lễ phát động Tháng Khuyến học ở 17 xã, thị trấn trên địa bàn với gần 2.000 đại biểu tham dự với tổng số tiền vận động được hơn 01 tỷ đồng để trao 808 suất học bổng và 2.167 phần quà là xe đạp, trang phục, dụng cụ phục vụ học tập cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn; dịp này 86 học sinh, sinh viên được tập thể, cá nhân nhận đỡ đầu học bổng hàng năm.

PHÒNG KHOA GIÁO VÀ VĂN HÓA - VĂN NGHỆ