Xuất bản thông tin

null Tìm hiểu đặc trưng người Đồng Tháp

Trang chủ Nghiên cứu

Tìm hiểu đặc trưng người Đồng Tháp

Theo triết thuyết Mác - Lênin, con người vừa là sản phẩm vừa là chủ thể của xã hội. Theo đó, xã hội như thế nào sản sinh con người như thế ấy và chính họ tạo dựng nên bộ mặt xã hội. Với tư duy này, các cơ quan lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã và đang đặt vấn đề về Đồng Tháp là đất Sen hồng và người Đồng Tháp thì “thuần khiết như hồn sen”. Nhận thức được nét chung ấy đã khó và việc tìm ra được đặc trưng cụ thể của người Đồng Tháp lại càng khó hơn. Nhưng, việc làm sáng rõ vấn đề sẽ định hướng được suy nghĩ và hành động của mỗi người trong việc tạo dựng chân dung người Đồng Tháp.

Khi đặt vấn đề về người Đồng Tháp, chúng ta phải trả lời câu hỏi có hay không có “người Đồng Tháp”. Cứ ngỡ câu hỏi là ngớ ngẩn nhưng ngẫm ra là khó. Nói có thì không chắc mà bảo không thì rõ là sai. Người Đồng Tháp hay người Việt Nam ở trong tỉnh Đồng Tháp. Tương tự như vậy, người Việt Nam ở Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ, ở một nơi nào đó trong nước hay ở đâu đó nước ngoài. Gọi là người Việt Nam bởi nó phân biệt rõ với người ở một quốc gia khác do ngôn ngữ, nét văn hóa được hun đúc qua hàng nghìn năm thể hiện qua thể trạng và cách hành xử. Sống trong cộng đồng người, ta dễ dàng phân biệt ai là người Việt Nam, người Lào, người Cam-pu-chia, người Thái Lan, người Trung Quốc… vì có những đặc điểm riêng của nó. Dĩ nhiên, người ở châu lục khác khó xác định người thuộc nước nào trong vùng châu Á.

Sự bàn luận trên đây để đi đến nhận thức chung là có hay không về người Đồng Tháp. Nếu có, nét đặc trưng nào của người Đồng Tháp để phân biệt với người Việt Nam ở một tỉnh khác. Nếu không, mọi nỗ lực để xây dựng nên đặc điểm riêng dường như là không thể. Nhưng rõ ràng, người Việt Nam ở Đồng Tháp - nói chuẩn hơn là cả vùng đồng bằng sông Cữu Long và miền Nam - có dáng dấp riêng trong nhận thức và sinh hoạt. Là người Việt Nam, người Đồng Tháp có tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, hy sinh, nhân nghĩa, cần mẫn, đoàn kết, khoan dung. Nhưng từ “tứ xứ” hội tụ với người bản địa cùng chung sống vùng đất mới khai phá đầy khắc nghiệt (“muỗi kêu sáo thổi, đĩa lềnh bánh canh”) với những cánh đồng “cò bay thẳng cánh” và sông nước mênh mang, người Đồng Tháp thể hiện đậm đặc chất chân quê, phóng khoáng, nghĩa tình (“trọng nghĩa khinh tài”), độ lượng. Có thể liệt kê thêm nhiều nét tính cách khác nữa. Nhưng, điểm nổi trội, nét nổi bật  mới chính là điểm cần tìm ra để tập trung định hướng vun đắp và để trả lời câu hỏi anh là ai. Khi quan sát so sánh, ai cũng trân quý tính kỷ luật của người Nhật Bản, “tinh thần thép” của đội bóng đá nước Đức. Đặc trưng căn bản nhất của người Việt Nam ở Đồng Tháp phải chăng là nét “chân quê”. Có thể ai đó lo ngại về sự thấp kém đối với nhận định này vì nghĩ đến “hai lúa”, quê mùa và được hiểu lầm đi kèm dốt nát. Không phải thế. Chân quê ở đây là chân thật và tốt bụng. Chân thật là một trong ba giá trị (chân, thiện, mỹ) cao quý nhất và có tính phổ quát nhất của loài người. Ai cũng yêu quý và tôn trọng sự thật. Người chân thật tốt bụng sống bất cứ ở đâu cũng được trân trọng. Trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, chữ tín được đặt vị trí hàng đầu. Do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, giá trị cao quý này chưa được suy tôn đúng mức. Giờ đây, nó cần được mổ xẻ để hạt kim cương này thêm lấp lánh. Phải chăng, người Việt Nam ở Đồng Tháp chân quê (“thuần khiết như hồn sen”) là một trong những nét của “bản sắc văn hóa đặc trưng của địa phương” mà Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp đã đề cập. Thật ra, bản thân sen đã nói lên sự tinh khiết (“gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”). Trong những năm qua, người Đồng Tháp không chỉ “trọng nghĩa” mà còn biết “nghênh tài”, biết phát huy giá trị của “đất quê”, khai phóng tiềm năng bản địa,… Và, sự tìm kiếm này là đúng thì cần được định hình cho một kế hoạch cụ thể trong thời gian tới góp phần xây dựng nên người Đồng Tháp thời kỳ mới.

Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng có nêu định hướng: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới” (tr43). Đây sẽ là một nội dung cho những ai quan tâm bàn luận và là tiền đề cho Đảng bộ Đồng Tháp xây dựng, phát triển nét trân quý của người Việt Nam ở Đồng Tháp.

Nguyễn Văn Biết