Xuất bản thông tin

null Nhiệm vụ, giải pháp năm học 2020-2021 của ngành Giáo dục

Chi tiết bài viết Tab Thông tin

Nhiệm vụ, giải pháp năm học 2020-2021 của ngành Giáo dục

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ vừa ký ban hành Chỉ thị số 666/CT-BGDĐT về nhiệm vụ, giải pháp năm học 2020 - 2021 của ngành Giáo dục. Theo đó, có 09 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, 05 giải pháp cơ bản được triển khai thực hiện trong năm học. Nội dung được đề cập trong thông tin công tác khoa giáo kỳ này.

Ảnh: Phòng KG&VHVN

TIN TỨC - SỰ KIỆN

1. Nhiệm vụ, giải pháp năm học 2020-2021 của ngành Giáo dục

Ngày 24/8/2020, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã ký ban hành Chỉ thị số 666/CT-BGDĐT về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2020 - 2021 của ngành Giáo dục.

Trong năm học 2020 - 2021, ngành Giáo dục tập trung thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ðảng, Quốc hội, các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về GD&ĐT, đặc biệt là hoàn thiện cơ chế, chính sách về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; triển khai Luật Giáo dục näm 2019 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Tập trung triển khai Kế hoạch thực hiện Kết luận số 51-KL/TW ngày 30/5/2019 Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; Kế hoạch thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; tiếp tục tập trung nguồn lực thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng lộ trình.

Bộ trưởng chỉ thị toàn ngành Giáo dục tiếp tục tập trung thực hiện 09 nhóm nhiệm vụ chủ yếu trong năm học này, bao gồm:

1. Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GD&ĐT trong cả nước;

2. Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp;

3. Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả của giáo dục thường xuyên, giáo dục dân tộc; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, bảo đảm an toàn trường học; công tác giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên;

4. Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo;

5. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý giáo dục, thực hiện chuyển đổi số trong GD&ĐT;

6. Đẩy mạnh phân cấp và thực hiện tự chủ đối với các cơ sở giáo dục;

7. Hội nhập quốc tế trong GD&ĐT;

8. Tăng cường cơ sở vật chất, bảo đảm chất lượng các hoạt động GD&ĐT;

9. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

và 05 giải pháp cơ bản trong năm học này, bao gồm:

1. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính về GD&ĐT;

2. Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ quản lý giáo dục, đổi mới công tác quản lý; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; ngăn chặn, xử lý nghiêm những tiêu cực trong hoạt động GD&ĐT;

3. Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GD&ĐT;

4. Tăng cường công tác khảo thí, đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục;

5. Đẩy mạnh công tác truyền thông về GD&ĐT

Giám đốc các Sở GD&ĐT sẽ tham mưu với UBND tỉnh, thành phố ban hành văn bản chỉ đạo về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm học 2020-2021 ở địa phương và tổ chức triển khai kế hoạch, trong đó lưu ý các giải pháp bảo đảm chất lượng giáo dục trong bối cảnh dịch Covid-19 có thể còn diễn biến phức tạp. Riêng đối với những địa phương phải thực hiện giãn cách, cách ly xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, sẽ tổ chức việc dạy và học trực tuyến qua Internet và trên truyền hình với phương châm “Tạm dừng đến trường, không dừng học”, nhằm thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo kế hoạch năm học.

2. Khoảng hơn 350.000 học sinh các cấp học trong tỉnh bước vào năm học mới 2020 - 2021

Sở GD&ĐT đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các cơ sở giáo dục trong tỉnh tổ chức Lễ khai giảng năm học mới (2020 - 2021) vào ngày 05/9 ngắn gọn, trang trọng, ý nghĩa, đảm bảo an toàn (thời gian không quá 45 phút); thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của UBND Tỉnh và khuyến nghị của ngành y tế; tạo ra không khí vui tươi, phấn khởi trong ngày “Toàn dân đưa trẻ đến trường”. Sở GD&ĐT cũng lưu ý, lãnh đạo, giáo viên, nhân viên, học sinh, đại biểu có biểu hiện ho, sốt, khó thở không đến trường tham dự khai giảng. Cha mẹ học sinh không đưa con vào trong trường học, không tụ tập đông người phía ngoài cổng trường. Đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tổ chức khai giảng theo hình thức “Ngày hội đến trường của bé” tại các lớp học (không tổ chức tập trung toàn trường); hình thức tổ chức linh hoạt, sáng tạo phù hợp sức khỏe của trẻ, tạo ấn tượng tốt cho trẻ trong ngày đầu năm học mới.

3. Tăng cường các biện pháp truyền thông phòng, chống dịch Covid-19

Ngày 03/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành Kế hoạch tăng cường thực hiện các biện pháp truyền thông phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp nhằm tuyên truyền vận động người dân nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, thực hiện tốt các quy định của Nhà nước, của các cơ quan chuyên môn trong phòng, chống dịch bệnh; tạo dư luận xã hội mạnh mẽ, biểu dương và nhân rộng các điển hình trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Các hoạt động trọng tâm gồm: Triển khai các văn bản chỉ đạo và chuyên môn; tổ chức tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19; giám sát, đánh giá nguy cơ khủng hoảng truyền thông; biểu dương, khen thưởng các tấm gương điển hình trong công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt ở tuyến đầu chống dịch.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Tỉnh:

- Yêu cầu Tổ truyền thông phòng, chống dịch Covid-19 Tỉnh định kỳ hằng tháng họp và đánh giá công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh Covid-19; thông tin kịp thời cho các cơ quan truyền thông về các biện pháp, giải pháp của các cơ quan, đơn vị trong công tác phòng, chống dịch bệnh để người dân nắm bắt, chia sẻ và nghiêm túc chấp hành những quy định.

- Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh và các tổ chức thành viên chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 đến các đoàn viên, hội viên và nhân dân; hướng dẫn hệ thống Mặt trận các cấp thực hiện quy trình tiếp nhận thông tin phòng, chống dịch Covid-19 tại cộng đồng, tuyên truyền sâu rộng đến từng địa bàn, khu dân cư, từng đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân để mọi người nhận rõ tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, phổ biến ý thức dự phòng của người dân trong bảo vệ, nâng cao sức khỏe và biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

4. Phấn đấu học sinh, sinh viên tham gia BHYT chiếm khoảng 20% dân số toàn tỉnh

Kết thúc năm học 2019-2020, toàn Tỉnh có 280.887/288.592 học sinh (HS) tham gia BHYT, chiếm 97,33%, tăng so với năm học 2018-2019 là 3.775 HS. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 7.705 em chưa tham gia BHYT, tương ứng 2,67%.

Năm học 2020-2021, để đạt mục tiêu bao phủ 100% HS, sinh viên (SV) tham gia BHYT, BHXH Tỉnh tiếp tục phối hợp với Sở GD&ĐT vận động, tuyên truyền HS,SV tham gia BHYT; hướng dẫn các trường học thực hiện công tác thu và trích chuyển kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu kịp thời, đúng quy định nhằm nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe HS tại trường. Đồng thời tích cực tham mưu UBND, HĐND Tỉnh tiếp tục hỗ trợ mức đóng BHYT cho HS,SV năm học 2020 - 2021. Thực tế, đã nhiều trường học có cách làm hay, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, vận động HS tham gia BHYT.

5. Tạm dừng tiếp nhận người nghiện ma túy vào cai nghiện tại Cơ sở điều trị nghiện

Cơ sở (CS) Điều trị nghiện (tọa lạc tại xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh) có quy mô tiếp nhận, quản lý, cai nghiện cho 300 học viên (HV) so với quản lý, cai nghiện hơn 380 HV hiện nay. Do vậy, việc tiếp nhận, bố trí nơi ở và điều trị cai nghiện thêm số HV mới đang gặp khó khăn, hơn nữa trong tình hình diễn biến của dịch Covid-19 trong nước bùng phát trở lại.

Để thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của UBND Tỉnh về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh và xuất phát từ tình hình thực tế tại CS Điều trị nghiện, Sở LĐ,TB&XH có Công văn trình UBND Tỉnh xin chủ trương tạm dừng nhận người nghiện ma túy vào cai nghiện tại CS Điều trị nghiện. UBND Tỉnh đã thống nhất chủ trương cho tạm dừng tiếp nhận người nghiện ma túy vào cai nghiện tại CS và tạm dừng các hoạt động thăm gặp đối với HV theo đề nghị của Sở LĐ-TB&XH. Việc tiếp nhận HV và thăm nuôi hoạt động trở lại bình thường khi có chủ trương mới.

CHÍNH SÁCH – VĂN BẢN MỚI

1. Thời gian nghỉ hè của giáo viên phổ thông là 8 tuần

Từ ngày 01/9/2020, Nghị định số 84/2020/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Luật Giáo dục 2019 chính thức có hiệu lực thi hành. Theo đó, thời gian nghỉ hè hàng năm của giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt là 8 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hàng năm (quy định hiện hành là 2 tháng).

Trường hợp đột xuất, khẩn cấp để phòng chống thiên tai, dịch bệnh hoặc trường hợp cấp bách, thời gian nghỉ hè của giáo viên do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định theo thẩm quyền.

Ngoài thời gian nghỉ hè, giáo viên được nghỉ lễ, Tết và các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ luật Lao động.

Căn cứ kế hoạch thời gian năm học do Bộ GD&ĐT ban hành và điều kiện cụ thể của địa phương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thời điểm nghỉ hè của giáo viên ở cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn.

2. Nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau đến năm 2025.

Đề án được triển khai tại tất cả các địa phương trong cả nước nhằm duy trì và tiếp tục nhân rộng câu lạc bộ, huy động sự tham gia của người cao tuổi, Hội Người cao tuổi, các cấp các ngành và cộng đồng để nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người cao tuổi; chăm sóc sức khỏe, xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo vệ quyền lợi người cao tuổi. Đồng thời, góp phần thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ theo Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới và Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi.

Đề án đặt mục tiêu về số lượng, đến năm 2025 có ít nhất 95% các tỉnh/thành phố trong cả nước có câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau; có thêm ít nhất 3.000 câu lạc bộ mới được xây dựng với 150.000 thành viên, trong đó có hơn 100.000 thành viên là người cao tuổi. Chú trọng việc nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau đối với các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu sổ, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động và quản lý 100% câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau đã xây dựng trong giai đoạn 2016 - 2020 và các câu lạc bộ mới được xây dựng.

3. Sửa đổi tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg ngày 31/8/2018 quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Cụ thể, về tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi tiêu chuẩn thứ 8 về bài báo khoa học. Theo đó, giáo sư phải có bài báo khoa học quy định tại các khoản 4,6,7 và điểm c khoản 9 Điều 5 Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg. Phó giáo sư có bài báo khoa học quy định tại các khoản 4,5,6 Điều 6 Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg. Bài báo khoa học được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín.

Đối với các chuyên ngành thuộc ngành Khoa học quân sự và ngành Khoa học an ninh liên quan đến bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh thì bài báo khoa học công bố trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín được thay thế bằng các bài báo khoa học công bố trên các tạp chí khoa học uy tín của ngành Khoa học quân sự và ngành Khoa học an ninh (bài báo thay thế).

Đối với chức danh giáo sư, bài báo khoa học và bài báo thay thế được tính từ thời điểm sau khi ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư.

Đối với chức danh phó giáo sư, bài báo khoa học và bài báo thay thế được tính từ thời điểm sau khi ứng viên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.

Quy định trên có hiệu lực từ ngày 31/8/2020.

MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KHOA GIÁO CẤP HUYỆN

Thành phố Sa Đéc hiện có 550 người nhiễm HIV/AIDS, Trung tâm Y tế thành phố phối hợp với các ngành hữu quan triển khai nhiều hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV; chăm sóc, hỗ trợ, giám sát HIV/AIDS; dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con đạt nhiều kết quả quan trọng.

Theo đó, mạng lưới tuyên truyền viên đồng đẳng, cộng tác viên thường xuyên giúp cho nhóm người có hành vi nguy cơ cao (nghiện chích ma túy, người bán dâm...), những người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận được với các dịch vụ dự phòng, dịch vụ chăm sóc, khám, hỗ trợ xã hội, hỗ trợ họ tái hòa nhập cộng đồng; đặc biệt là bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối. Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trên địa bàn đã làm giảm đáng kể trẻ em bị nhiễm HIV được sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HIV, thành lập Khoa điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone (thuộc Trung tâm Y tế TP.Sa Đéc). Tính đến nay, cơ sở đã tiếp nhận, điều trị miễn phí cho hàng trăm bệnh nhân. Riêng chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai 9/9 xã, phường của thành phố đã làm giảm sự lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.

Từ năm 2016 đến nay, UBND huyện Hồng Ngự đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành huyện và UBND các xã, thị trấn trên địa bàn triển khai thực hiện các chương trình, dự án về việc làm, tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề, xuất khẩu lao động… đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo đó, tổng số lao động được giải quyết việc làm 13.901/7.500 lao động (đạt 185%) so với kế hoạch đề ra, trong đó đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là 547/400 lao động đạt tỷ lệ 136,7%. Trong giai đoạn (từ năm 2016 – 2020), toàn huyện có 717 lượt hộ vay vốn từ nguồn Quỹ quốc gia giải quyết việc với số tiền gần 25,7 tỷ đồng. Đối với nguồn vốn được phân bổ từ Quỹ giải quyết việc làm của tỉnh chủ yếu tập chung cho các xã nông thôn mới, các xã biên giới. Qua các dự án hỗ trợ cho vay, số lao động được giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Từ đầu năm 2020 đến nay, mặc dù chịu ảnh hưởng lớn về tình hình dịch bệnh Covid-19, thị trường các nước có nhu cầu tuyển dụng lao động chựng lại, tuy nhiên huyện Lai Vung vẫn đưa 113 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 113% chỉ tiêu tỉnh giao, vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 đề ra. Hiện Huyện vẫn còn 87 lao động đang học tiếng và giáo dục định hướng tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Tháp chờ ngày xuất cảnh. Thời gian tới, Huyện tiếp tục tập trung tuyên truyền, vận động đối với các thanh niên có nhu cầu đi lao động, nhất là học sinh các trường THPT, bộ đội xuất ngũ, nhắc nhở các gia đình có con em trở về nước khi hết hợp đồng,…

            PHÒNG KHOA GIÁO VÀ VĂN HÓA - VĂN NGHỆ