Xuất bản thông tin

null Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm

Chi tiết bài viết Tab Thông tin

Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm

Uỷ ban nhân dân Tỉnh vừa ban hành văn bản chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm việc quản lý an toàn thực phẩm; tăng cường hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Nội dung được đề cập trong thông tin công tác khoa giáo kỳ này.

Ảnh: Phòng KG&VHVN

TIN TỨC - SỰ KIỆN KHOA GIÁO

1. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Nội dung trên được Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Nguyễn Tôn Hoàng chỉ đạo tại Hội nghị Đảng đoàn Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, liên hiệp các hội và Ban Thường vụ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Tỉnh quý 1/2020. Trong quý, các đơn vị đã chủ động, tham gia phòng, chống dịch bệnh và tập trung tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức phòng, chống theo khuyến cáo của ngành y tế; kêu gọi cộng đồng chung tay đóng góp vào Quỹ phòng, chống dịch bệnh. Ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của các đơn vị trong công tác phòng, chống dịch, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ yêu cầu thời gian tới, các đơn vị tập trung tuyên truyền, vận động người dân phòng, chống dịch bệnh; nắm chắc tình hình nhân dân trước, trong và sau đại hội đảng bộ các cấp; tổ chức lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến góp ý vào các dự thảo văn kiện đại hội đảng bộ các cấp; tập trung tuyên truyền kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó Đồng Tháp là 01 trong 05 điểm cầu truyền hình của cả nước tổ chức lễ kỷ niệm.

2. Chuẩn bị các điều kiện cho học sinh đi học trở lại từ ngày 04/5

UBND Tỉnh đã thống nhất cho học sinh các khối lớp: 6, 7, 8, 10, 11 và học viên, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trung tâm dạy nghề, trung cấp nghề, trường cao đẳng) đi học trở lại từ ngày 04/5; học sinh mầm non và tiểu học đi học trở lại từ ngày 11/5. Theo đó, Sở GD&ĐT, Sở LĐ,TB&XH hướng dẫn các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh vệ sinh, tiêu độc khử trùng lớp học, trang thiết bị phục vụ học tập; phải đeo khẩu trang, trang bị thiết bị đo thân nhiệt, nước rửa tay sát khuẩn nhanh. Tuỳ tình hình thực tế, các cơ sở giáo dục thực hiện giảm, giãn số học sinh, học viên, sinh viên trong phòng học; bố trí lệch giờ học, ăn trưa, sinh hoạt tập thể; chia ca, kết hợp học trực tuyến; thường xuyên theo dõi sức khoẻ học sinh, học viên, sinh viên, giáo viên, trường hợp phát hiện có biểu hiện sốt, ho, khó thở cần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế và cơ quan y tế địa phương.

Trước đó, UBND Tỉnh có văn bản chỉ đạo tất cả học sinh khối 9, 12 của tỉnh đi học trở lại vào ngày 27/4. Để chuẩn bị các điều kiện cho học sinh trở lại trường, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thực hiện vệ sinh môi trường, khử khuẩn trường học và những trang thiết bị, dụng cụ cần thiết tại nhà vệ sinh; thực hiện đúng quy định về giãn cách học sinh trong lớp học (tối thiểu 1,5m), chia đôi số học sinh mỗi lớp để tổ chức dạy học, sắp xếp học sinh ngồi so le nhau để đảm bảo giãn cách; các căn tin nơi trường học phải đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, sắp xếp lại thời khóa biểu và phân công giáo viên dạy trong thời gian này một cách hợp lý.

3. Đẩy mạnh thực hiện quản lý an toàn thực phẩm trong thời gian tới

UBND Tỉnh vừa ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm; tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, kể cả về hình sự các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các qui định về an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân lơ là, thiếu trách nhiệm trong quản lý an toàn thực phẩm.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi và giảm tối đa thời gian, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đẩy mạnh thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm; biểu dương các điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn; công khai tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm bị xử lý theo quy định. Riêng Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chú trọng các cơ sở cung cấp thực phẩm cho nhiều người, thức ăn đường phố; đẩy mạnh việc kiểm tra công tác quản lý an toàn thực phẩm của các huyện, thị xã, thành phố theo quy định.

4. Một số hoạt động về lao động việc làm, dạy nghề, giảm nghèo từ đầu năm đến nay

Công tác lao động việc làm: Đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 12.192 lao động được giải quyết việc làm, trong đó có 648 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (thị trường lao động đến làm việc gồm: Nhật Bản 588, Đài Loan 14, Hàn Quốc 01, thị trường khác 45 lao động); lao động trúng tuyển đang học tiếng - giáo dục định hướng và chờ xuất cảnh là 763 người; ra quyết định cho 1.490 người hưởng trợ cấp thất nghiệp, với tổng số tiền 10.398 triệu đồng. Thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp dự kiến tuyển hơn 1.000 lao động đi làm việc tại Nhật Bản theo các lĩnh vực cơ khí, điện công nghiệp, điện lạnh, trang trí nội thất, đóng gói kiểm tra, linh kiện ô tô, sắp xếp hàng hóa sân bay, đóng gói chế biến thủy sản, đơn hàng nông nghiệp, in ấn... thu nhập trung bình khoảng 28 triệu đồng/tháng, thời gian làm việc 3 năm, nếu làm tốt sẽ tiếp tục được gia hạn thêm 2 năm. Chi phí lao động xuất cảnh được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, thị xã, thành phố cho vay tín chấp từ 90 - 100%, mỗi lao động sau khi xuất cảnh được hỗ trợ 4.700.000 đồng.

 Công tác giáo dục nghề nghiệp: Rà soát, thống kê trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo và cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN); triển khai, hướng dẫn, tuyên truyền công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đến các cơ sở GDNN; hướng dẫn các cơ sở GDNN thực hiện ứng dụng CNTT trong tổ chức đào tạo trước bối cảnh dịch bệnh; tổng hợp, lấy ý kiến các cơ sở GDNN về nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế, chính sách trong giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh tác động của dịch bệnh báo cáo về Tổng cục GDNN; triển khai, hướng dẫn các đơn vị thực hiện các quy định hệ thống đảm bảo chất lượng cơ sở GDNN; hướng dẫn xếp hạng lại đối với các Trường Trung cấp theo hướng dẫn của Bộ LĐ,TB&XH...

Công tác giảm nghèo: Thực hiện kiểm tra, giám sát, đánh giá Chương trình mục tiêu giảm nghèo; phối hợp với địa phương hỗ trợ gạo và tiền cho đối tượng là người bán vé số tạm nghỉ do Covid-19 cho 1.400 hộ (đợt 1); trình UBND Tỉnh phê duyệt dự án mô hình giảm nghèo xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự giai đoạn 2020 - 2023.

5. Tăng cường các biện pháp phòng, chống đuối nước trẻ em

 Năm 2019, trên địa bàn Tỉnh có 19 em tử vong do đuối nước, giảm 10 em so cùng kỳ. Đáng chú ý, trong những ngày gần đây, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra 03 vụ, 04 trẻ em bị tử vong do đuối nước. Nguyên nhân là do sự bất cẩn của người lớn trông giữ trẻ tại gia đình.

Để tăng cường các biện pháp phòng, chống đuối nước trẻ em, Sở LĐ,TB&XH đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm chỉ đạo trong hệ thống bảo vệ trẻ em các địa phương thường xuyên rà soát địa bàn, phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ ở gia đình, cộng đồng; kịp thời có các biện pháp can thiệp hiệu quả để phòng, chống tại nạn thương tích, đuối nước trẻ em trên địa bàn; tăng cường tuyên truyền, cảnh báo với nhiều hình thức phù hợp nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ trẻ em trong gia đình ở cộng đồng, góp phần góp phần tạo môi trường an toàn thân thiện với trẻ em, bảo vệ trẻ em phòng tránh tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh.

6. Thành lập Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và Bảo trợ trẻ em tỉnh

Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và Bảo trợ trẻ em tỉnh Đồng Tháp được thành lập trên cơ sở hợp nhất Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh Đồng Tháp và Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Đồng Tháp. Sở LĐ,TB&XH là cơ quan thường trực Quỹ. Đây là tổ chức trực thuộc UBND Tỉnh, có tư cách pháp nhân, con dấu và được mở tài khoản theo quy định của pháp luật; chịu sự quản lý của UBND Tỉnh và các sở, ngành liên quan về chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và Bảo trợ trẻ em tỉnh Đồng Tháp có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, chủ trì thực hiện hoặc tham mưu UBND Tỉnh chỉ đạo với các đơn vị có liên quan phối hợp vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp xây dựng nguồn Quỹ; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về mục đích, ý nghĩa của Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và Bảo trợ trẻ em tỉnh.

Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và Bảo trợ trẻ em tỉnh Đồng Tháp có trách nhiệm tổ chức thăm hỏi, động viên, trao tặng, hỗ trợ, giúp đỡ đối với gia đình chính sách, người có công với cách mạng, trẻ em thuộc gia đình nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em lang thang cơ nhỡ và những trẻ em, gia đình khác thuộc diện được hỗ trợ từ nguồn Quỹ này.

MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KHOA GIÁO CẤP HUYỆN

UBND và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tân Hồng phối hợp với UBND xã Tân Hộ Cơ vừa đưa vào hoạt động cây “ATM gạo” trên địa bàn xã biên giới. Hàng ngày, cây “ATM gạo” cung cấp gạo miễn phí cho người dân bị ảnh hưởng trong mùa dịch bệnh Covid-19, nhất là các hộ nghèo, hộ khuyết tật trên địa bàn xã biên giới Tân Hộ Cơ. Tại đây, mỗi người dân khó khăn được nhận 2kg gạo/lần/ngày.  Thông qua công tác vận động, các tấm lòng hảo tâm trong và ngoài địa phương đã ủng hộ được hơn 5 tấn gạo, tạo điều kiện để cây “ATM gạo” duy trì hoạt động đến tháng 5/2020.

Ngoài ra, tại xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự và tại chùa Bửu An tự, thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười cũng đưa vào hoạt động cây ATM gạo, góp phần phục vụ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ bán vé số bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trên địa bàn.

Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, từ ngày 24 – 29/4, tại số 110, đường Điện Biên Phủ, khóm Mỹ Trung, phường Mỹ Phú, thành phố Cao Lãnh, UBND phường phối hợp Công ty Cổ phần truyền thông và sự kiện Nhân Kiệt Media và các mạnh thường quân tổ chức máy ATM gạo vì người nghèo. Máy hoạt động buổi sáng từ 8 - 10 giờ, chiều từ 14 - 17 giờ hỗ trợ người nghèo, người già, người khuyết tật. Mỗi người được nhận 2kg gạo/ngày. Người đến nhận gạo giữ khoảng cách 2m, đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn. Tính đến nay, trên địa bàn Thành phố có hai 2 ATM gạo, đặt ở phường 2 và phường Mỹ Phú.

Còn trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cây “ATM gạo” nghĩa tình chung tay chia sẻ khó khăn mùa dịch bệnh, như: thị xã Hồng Ngự, thành phố Sa Đéc…

Đầu năm đến nay, huyện Cao Lãnh tập trung tuyên truyền, vận động người lao động tham gia học nghề, tạo nguồn cho công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Toàn huyện hiện có 90 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, mỗi lao động có thu nhập trung bình từ 15 triệu – 25 triệu đồng/tháng, có khoảng 150 lao động đang học định hướng và chờ xuất cảnh. Thời gian qua, UBND huyện phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp, các công ty tuyển dụng nắm bắt thông tin, định hướng đào tạo cho lao động địa phương, quan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ lao động khi đăng ký tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

CHÍNH SÁCH – VĂN BẢN MỚI

1. 07 công việc người lao động Việt Nam bị cấm làm ở nước ngoài

Nghị định số 38/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 03/4/2020, có hiệu lực từ ngày 20/5/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo đó, có 7 công việc người lao động trong nước không được đến làm việc ở nước ngoài: Công việc massage làm việc tại các nhà hàng, khách sạn hoặc các trung tâm giải trí; công việc phải tiếp xúc thường xuyên với chất nổ, chất độc hại trong luyện quặng kim loại màu (đồng, chì, thủy ngân, bạc, kẽm), mangan, điôxit thủy ngân; công việc tiếp xúc với nguồn phóng xạ hở, khai thác quặng phóng xạ các loại. Ngoài ra, còn các công việc liên quan sản xuất, bao gói phải tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất axit nitơric, natri sunfat, các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ, diệt chuột, sát trùng, chống mối mọt có độc tính mạnh; công việc săn bắt thú dữ, cá sấu, cá mập; công việc thường xuyên ở nơi thiếu không khí, áp suất lớn (dưới lòng đất, lòng đại dương); công việc liệm, mai táng tử thi, thiêu xác chết, bốc mồ mả.

2. Người Việt Nam đi lao động tại Hàn Quốc phải ký quỹ 100 triệu đồng

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 12/2020/QĐ-TTg ngày 31/3/2020 thực hiện thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (gọi tắt là Chương trình EPS). Theo Quyết định, người lao động trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS phải ký quỹ để đảm bảo thực hiện đúng hợp đồng, về nước đúng thời hạn sau khi chấm dứt hợp đồng lao động. Mức ký quỹ là 100 triệu đồng. Thời hạn ký quỹ là 5 năm 6 tháng. Trong 35 ngày làm việc kể từ ngày ký hợp đồng đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS với Trung tâm Lao động ngoài nước, người lao động phải ký quỹ tại Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn nơi đăng ký thường trú. Quyết định có hiệu lực từ ngày 15/5/2020

3. Hủy toàn bộ kết quả của thí sinh bị đình chỉ thi tại kỳ thi THPT Quốc gia 2020

Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư số 08/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BGDĐT ngày 25/01/2017 được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 04/2018/TT-BGDĐT ngày 28/02/2018 và Thông tư số 03/2019/TT-BGDĐT ngày 18/3/2019 của Bộ GD&ĐT. Một trong những nội dung mới đáng chú ý của Quy chế là quy định việc đình chỉ thi tại khoản 10 Điều 1. Cụ thể: Thí sinh bị đình chỉ thi phải nộp bài thi, đề thi, giấy nháp cho cán bộ coi thi và ra khỏi phòng thi ngay sau khi có quyết định; thí sinh bị đình chỉ thi chỉ được ra khỏi khu vực thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài thi tự luận và sau khi hết thời gian làm bài thi trắc nghiệm. Ngoài ra, thí sinh bị đình chỉ thi sẽ bị hủy kết quả toàn bộ các bài thi của kỳ thi năm đó (quy định mới). Thông tư có hiệu lực từ ngày 08/5/2020.

PHÒNG KHOA GIÁO VÀ VĂN HÓA - VĂN NGHỆ