Xuất bản thông tin

null Triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19

Chi tiết bài viết Tab Thông tin

Triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19

Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các ngành liên quan phân nhóm đối tượng, nhóm công việc để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động và người dân kịp thời, không để chậm trễ, thiếu minh bạch và xảy ra tiêu cực. Nội dung được đề cập trong thông tin công tác khoa giáo kỳ này.

Ảnh: Phòng KG&VHVN

TIN TỨC - SỰ KIỆN

1. Hoạt động của các ngành trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Tỉnh từ đầu tháng 4 năm 2020 đến nay

Công tác chỉ đạo của UBND Tỉnh

- Nhận định tình hình dịch bệnh còn phức tạp, diễn biến khó lường, Chủ tịch UBND Tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương nâng cao cảnh giác, không chủ quan, lơ là với dịch bệnh; đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm Công văn số 172/UBND-THVX và Công văn số 177/UBND-THVX. Trong đó:

Tăng cường truyền thông, nhắc nhở người dân chấp hành quy định phòng, chống dịch, nhất là biện pháp cách ly y tế.

Yêu cầu mọi người dân đeo khẩu trang khi ra ngoài, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết.

Khuyến cáo người cao tuổi, người có các bệnh lý nền và các đối tượng có nguy cơ cao, hạn chế tối đa việc ra ngoài; bảo đảm thực hiện giãn cách xã hội.

Bộ đội Biên phòng siết chặt kiểm soát qua lại biên giới nhằm hạn chế xâm nhập nguồn nhiễm từ ngoài vào.

Chính quyền địa phương và người đứng đầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh trên địa bàn, phạm vi mình quản lý; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.

Tuyên truyền, khuyến khích người dân thực hiện khai báo y tế tự nguyện toàn dân (NCOVI)

Hoạt động của một số ngành liên quan

02 tuần qua, các ngành liên quan đã triển khai thực hiện tốt tinh thần Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020, Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND Tỉnh về phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, một số hoạt động nổi bật của các ngành như sau:

Công an Tỉnh tiếp tục theo dõi thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch bệnh Covid-9 trên địa bàn Tỉnh từ ngày 01/4 đến 22/4/2020; phối hợp với ngành y tế và chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, cảnh báo và xử lý theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp chưa cấp hành và gây khó khăn cho hoạt động phòng, chống dịch.

Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý và trang thiết bị cho khu cách ly y tế tập trung, cử lực lượng chiến sĩ tích cực theo dõi, chăm sóc sức khỏe, bảo đảm ăn uống, ngủ nghỉ cho người theo dõi cách ly; tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp xâm nhập biên giới trái phép.

Từ ngày 01/4 đến ngày 14/4/2020, Sở Y tế ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trong việc phòng, chống dịch bệnh (gồm các Công văn: Tăng cường triển khai ứng dụng khai báo y tế NCOVI; Tăng cường công tác kiểm tra về phòng, chống dịch bệnh Covid-19; Phòng và kiểm soát lây nhiễm Covid-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Tăng cường kỷ luật truyền thông phòng, chống dịch bệnh COVID-19; Phòng chống lây lan dịch Covid- 19 ra cộng đồng...); duy trì tổ chức Hội nghị trực tuyến với các đơn vị trực thuộc để điều hành phòng, chống dịch. Phòng Y tế huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội, bố trí, sắp xếp người bệnh đến khám ngồi chờ giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét, mang khẩu trang, rửa tay thường xuyên… Các cơ sở hành nghề y quản lý danh sách người bệnh đến khám hằng ngày, thời gian khám, địa chỉ, số điện thoại liên hệ, để khi phát hiện có người nghi ngờ hoặc xác định nhiễm Covid-19 lập tức khoanh vùng, cách ly ngay những người tiếp xúc gần.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh kiểm tra các hoạt động việc cưới, việc tang, liên hoan tại địa phương; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý vi phạm việc chấp hành các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh trong các hoạt động liên quan dịch bệnh, chú trọng kiểm tra việc khai báo tình hình khách quốc tế đến lưu trú, hướng dẫn các cơ sở thực hiện thủ tục kiểm tra y tế khách du lịch.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu việc tạm dừng tiếp nhận người nghiện ma tuý vào cai nghiện tại Cơ sở điều trị nghiện; tiếp tục nắm tình hình lao động nước ngoài, lao động người Đồng Tháp, khách du lịch, du học sinh…trở về hoặc đi qua vùng có dịch tại các doanh nghiệp, cơ sở, hộ dân trên địa bàn để có biện pháp theo dõi, cách ly. Phối hợp các ngành, đơn vị liên quan vận động nhằm hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch bệnh (nổi bật là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xổ số kiến thiết tỉnh Đồng Tháp tổ chức tặng quà, nhu yếu phẩm cho hơn 1.400 hộ bán vé số trên địa bàn Tỉnh có hoàn cảnh khó khăn trong thời điểm tạm dừng bán để phòng, chống dịch bệnh).

Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu UBND Tỉnh quyết định cho học sinh, sinh viên, học viên toàn Tỉnh nghỉ học đến ngày 04/5 (từ tháng 02/2020 đến nay, đã có 9 lượt quyết định tạm nghỉ học); chỉ đạo nghiêm việc không tổ chức dạy thêm, học thêm trong thời gian này; thường xuyên chỉ đạo các trường tổ chức vệ sinh, khử trùng lớp học và tuyên truyền, quán triệt đội ngũ giáo viên, học sinh, học viên không chia sẻ thông tin không chính thống, chưa được kiểm chứng về dịch bệnh trên mạng xã hội. 

Từ ngày 07/4 đến nay, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh đã phát động kinh phí ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và tiếp nhận được hơn 4,8 tỷ đồng từ các cơ quan, đơn vị, tổ chức tôn giáo, doanh nghiệp, người lao động, nhân dân để phòng, chống dịch bệnh và hạn hán. Phối hợp vận động chăm lo cho người lao động gặp khó khăn, thu nhập thấp do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhất là người nghèo, người bán vé số dạo (nổi bật là công tác phối hợp vận động trao tặng gạo, tiền mặt cho 1.400 người bán vé số và triển khai điểm mô hình “Cơm trưa đồng hành”, trợ giá từ 10.000 – 15.000 đồng/suất tại thành phố Cao Lãnh, huyện Châu Thành, huyện Cao Lãnh) và phối hợp kiểm soát địa bàn cơ sở, khai báo y tế, vận động người dân thực hiện tốt biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

- Tình hình dịch bệnh trên địa bàn Tỉnh được kiểm soát tốt và chưa ghi nhận trường hợp dương tính với Covid-19. Số liệu tính từ đầu tháng 02/2020 đến ngày 19/4/2020, Tỉnh tiếp nhận 1030 trường hợp (tiến hành cách ly y tế đủ 14 ngày có 930 trường hợp, hiện còn cách ly y tế 100 trường hợp). Đã lấy mẫu xét nghiệm 937 trường hợp, có kết quả 894 (890 âm tính, 04 dương tính), chờ kết quả: 43.

- Tại các điểm cách ly hiện tại, có khoảng 876 người trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch, gồm cán bộ y tế, công an, quân sự, dân phòng, phụ nữ, thanh niên; có 85 cán bộ y, bác sỹ, điều dưỡng... chủ yếu ở các bệnh viện tham gia hoạt động chuyên môn phòng, chống dịch; 353 đội ngũ y tá phục vụ các khu cách ly y tế tập trung; tham gia theo dõi sức khỏe cho người cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú 364 người.

2. UBND Tỉnh triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh

Đầu năm đến nay, toàn Tỉnh có gần 395.000 người thuộc đối tượng hỗ trợ của Nghị quyết số 42/NQ-CP (chưa thống kê đối tượng là hộ kinh doanh cá thể). Trong đó, hơn 7.700 lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên; gần 6.800 người không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; trên 23.700 lao động tự do bị mất việc làm; gần 5.500 lao động bán vé số phải tạm ngừng công việc; 8.500 người có công, 65.800 đối tượng bảo trợ xã hội; trên 12.500 hộ nghèo, hơn 25.200 hộ cần nghèo thuộc đối tượng cần trợ giúp theo Nghị quyết. Riêng 03 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh có gần 2.200 lao động thất nghiệp, tăng gấp đôi so với cùng kỳ, trong đó, gần 1.500 người đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Để thực hiện tốt Nghị quyết số 42/NQ-CP, UBND Tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương phân nhóm đối tượng, nhóm công việc để thực hiện kịp thời, không thực hiện chậm trễ, thiếu minh bạch, không trục lợi và không để tiêu cực xảy ra; phối hợp chặt chẽ trong thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng do Covid-19. Thanh tra tỉnh và cấp huyện tăng cường công tác hậu kiểm, chống tiêu cực trong thực hiện chính sách. UBND cấp huyện chỉ đạo cấp xã tiếp nhận phản ánh, kiến nghị liên quan thực hiện chính sách. Văn phòng UBND Tỉnh tham mưu quy định và theo dõi chế độ báo cáo tiến độ thực hiện.

3. Phấn đấu năm 2020, toàn tỉnh có thêm 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Chỉ tiêu trên được thể hiện tại Kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2020 do UBND Tỉnh ban hành. Kế hoạch đề ra một số chỉ tiêu cụ thể như:

Huyện Tháp Mười được công nhận huyện đạt chuẩn NTM; huyện Cao Lãnh, Châu Thành phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ huyện đạt NTM. Duy trì các kết quả xã đạt chuẩn, hướng đến xây dựng xã NTM nâng cao.

Phấn đấu có ít nhất 3 xã NTM đạt chuẩn nâng cao, hướng đến kiểu mẫu (xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười; xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh; xã Định Yên, huyện Lấp Vò).

Đối với chỉ tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn: tỷ lệ hộ nghèo còn 1,28%; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ≥ 90%...

Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 70/117 xã (đạt 59%) được công nhận đạt chuẩn NTM, tăng 16 xã so năm 2018; 08 xã đạt 19 tiêu chí (đã tổ chức thẩm tra, chuẩn bị thông qua Hội đồng cấp tỉnh); 39 xã đạt từ 13 - 18 tiêu chí.

4. Triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2020

Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh vừa có Công văn số: 1281/CV-BCĐ, ngày 15/4/2020 về triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2020. Năm 2020, “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” với chủ đề “Nghiêm chỉnh chấp hành chính sách, pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm” diễn ra trên phạm vi toàn quốc từ ngày 15/4 - 15/5/2020.

Theo Công văn, các cơ quan, đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức phổ biến triển khai Tháng hành động bằng hình thức phù hợp, đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Tăng cường triển khai chiến dịch truyền thông, bảo đảm an toàn thực phẩm; tổ chức tuyên truyền và huy động hệ thống loa truyền thanh cấp xã tham gia tuyên truyền chính sách pháp luật, kiến thức về an toàn thực phẩm, đồng thời cảnh báo đến người tiêu dùng về những tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm vi phạm các quy định của pháp luật. Tổ chức thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm và thông tin đến người dân kết quả thanh tra, kiểm tra, chú trọng công khai tên các cơ sở thực hiện tốt, các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm về an toàn thực phẩm nhằm biểu dương và răn đe, ngăn chặn các hành vi trái pháp luật.

5. Nỗ lực của các ngành về định hướng lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng

Đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh có 4.783 lao động được giải quyết việc làm, trong đó có 512 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 51,2% kế hoạch năm; lao động trúng tuyển đang học ngoại ngữ, giáo dục định hướng và chờ xuất cảnh là 763 lao động. Sở LĐ,TB&XH đã tham mưu UBND Tỉnh ban hành Chương trình việc làm giai đoạn 2016 - 2020; triển khai Nghị quyết số 237/2019/NQ-HĐND ngày 02/4/2019 của HĐND Tỉnh về Quy định chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và tham gia Chương trình du học vừa học, vừa làm tại Đài Loan trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Sở Tài chính có văn bản hướng dẫn cụ thể và tuyên truyền các hoạt động triển khai cho vay đối với người lao động  đối với thị trường cho vay theo đặc thù của địa phương.

Các địa phương tập trung tuyên truyền đến người dân, người lao động có nhu cầu tìm việc làm, trong đó, tập trung tư vấn nghề, giải quyết việc làm, đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp cập nhật thường xuyên tình hình lao động đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; tuyên truyền về thị trường lao động trên hệ thống website của Trung tâm; tiếp tục phối hợp các địa phương tư vấn, giới thiệu, vận động người lao động học nghề, tìm kiếm việc làm và tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vào thời điểm thích hợp.

CHÍNH SÁCH – VĂN BẢN MỚI

1. Nghị quyết hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn do COVID-19

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Theo đó, người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1,8 triệu đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 01/4/2020 và không quá 3 tháng.

Người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 50% lao động tham gia BHXH trở lên so với thời điểm cơ quan có thẩm quyền công bố dịch (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tối đa không quá 12 tháng. Cho phép người lao động được gửi hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp qua đường bưu điện, thông báo về việc tìm kiếm việc làm hàng tháng được thực hiện dưới hình thức gián tiếp (gửi thư điện tử, fax, qua đường bưu điện…) trong thời gian từ ngày 01/4/2020 đến khi công bố hết dịch mà không phải xin xác nhận UBND xã, phường, thị trấn về việc xảy ra dịch bệnh trên địa bàn.

2. Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm trong tình hình mới

Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) trong tình hình mới vừa được ban hành ngày 13/4/2020 nhằm tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo đảm ATTP. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các cấp thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm quản lý ATTP; tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, kể cả về hình sự các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các qui định về ATTP, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân lơ là, thiếu trách nhiệm trong quản lý ATTP.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi và giảm tối đa thời gian, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về ATTP; biểu dương các điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn; công khai tổ chức, cá nhân vi phạm ATTP bị xử lý theo quy định. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Chương trình phối hợp bảo đảm ATTP của Chính phủ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; ưu tiên nguồn lực cho công tác bảo đảm ATTP theo đúng quy định...

MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KHOA GIÁO CẤP HUYỆN

UBND phường An Lộc, thị xã Hồng Ngự vừa đưa vào hoạt động cây “ATM gạo” miễn phí đặt tại trụ sở UBND phường. Hằng ngày, cây “ATM gạo” (Cây “ATM gạo” sức chứa khoảng 300kg gạo, ước tổng kinh phí khoảng 10 triệu đồng, do UBND phường An Lộc vận động 01 mạnh thường quân trên địa bàn phường hỗ trợ) phục vụ miễn phí cho các hộ dân thuộc diện hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, trung bình mỗi người nhận 02kg gạo/01 lần/ngày. Sau khi hoạt động, đông đảo hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường đã đến nhận gạo trong niềm phấn khởi. Thời gian tới, UBND phường An Lộc vận động các nhà hảo tâm tiếp tục ủng hộ gạo để hỗ trợ cho bà con nghèo qua hết đợt dịch. Đây là cây “ATM gạo” miễn phí đầu tiên trên địa bàn thị xã Hồng Ngự.

Cây ATM gạo miễn phí thứ hai trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp dành cho người nghèo cũng vừa chính thức hoạt động tại Thành phố Sa Đéc, đặt tại chùa Hải Huệ, đường Lý Thường Kiệt, phường 1. Thời gian phát gạo từ 14 giờ - 16 giờ, bắt đầu từ ngày 21/4, sau đó cứ mỗi ngày hai buổi sẽ hoạt động đều đặn, buổi sáng từ 8 giờ - 10 giờ, buổi chiều từ 14 giờ - 16 giờ. Cây ATM gạo này do Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đồng hành cùng UBND Phường 1 và Hội Chữ Thập đỏ thành phố Sa Đéc thành lập.

Đầu năm đến nay, UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Cao Lãnh đã vận động hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng để xây dựng và sửa chữa nhà cho các gia đình chính sách; vận động tổ chức, cá nhân hỗ trợ 900 triệu đồng xây dựng 19 căn nhà. Ngoài ra, tổ chức thăm hỏi, tặng hơn 20.000 phần quà với số tiền hơn 2 tỷ đồng; tổ chức thăm hỏi, giúp đỡ gia đình chính sách neo đơn, sửa chữa nhà ở, viếng nghĩa trang liệt sĩ huyện. Qua công tác vận động, tư vấn, từ đầu năm 2020 đến nay đã có hơn 2.000 lượt lao động có việc làm trong và ngoài tỉnh, 73 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, mỗi lao động có thu nhập mỗi tháng từ 15 triệu - 25 triệu đồng.

Hưởng ứng hoạt động kỷ niệm nhân Ngày người khuyết tật (NKT) Việt Nam (18/4) và ngày Quốc tế NKT (03/12), UBND huyện Hồng Ngự đã xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án trợ giúp NKT trên địa bàn Huyện năm 2020.  Theo đó, UBND huyện và các ngành liên quan sẽ thực hiện một số mục tiêu: 95% NKT tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; tạo điều kiện cho 90% trẻ em khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục; tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho khoảng 40% NKT trong độ tuổi lao động và còn khả năng lao động; 100% NKT được trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu; 100% cán bộ làm công tác trợ giúp NKT được tập huấn, nâng cao năng lực quản lý, chăm sóc, hỗ trợ NKT...

Tại huyện Châu Thành, tính đến nay, các cơ sở Hội phụ nữ đã tham gia may hơn 84.055 khẩu trang vải, phát 80.269 khẩu trang cho người dân tại các khu vực chợ, khu hành chính trên địa bàn. Trước khi phát khẩu trang vải miễn phí cho người dân, các cấp Hội đã tận dụng các loại giấy để làm túi đựng khẩu trang nhằm hạn chế sử dụng túi nilon, nhiều hội viên tự tay thiết kế nhiều mẫu mã, túi giấy đựng khẩu trang rất bắt mắt; vận động nhà in hỗ trợ hơn 13.000 túi giấy và in nội dung tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh trên túi nhằm kết hợp cấp phát khẩu trang, gắn với tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa bệnh cho người dân.

PHÒNG KHOA GIÁO VÀ VĂN HÓA - VĂN NGHỆ