Xuất bản thông tin

null Đột phá

Trang chủ Nghiên cứu

Đột phá

Với xuất phát điểm thấp, cả nước nói chung và mỗi địa phương, đơn vị, hộ gia đình, cá nhân nói riêng đều mong ước có những bước tiến nhanh, mạnh. Nguyện vọng ấy rất chính đáng. Từ luồng tư duy chủ đạo này đã góp mặt vào hầu hết văn bản của tổ chức hay cá nhân về từ ngữ “Đột phá”. Nhưng nếu hiểu không đầy đủ hoặc lạm dụng sẽ làm nên những chuyện lệch lạc hoặc chỉ là những câu từ mỹ miều. Cân nhắc về ngữ nghĩa của từ ngữ này có lẽ không lãng phí.

Cách hiểu đơn giản nhất, từ “đột phá” là từ ghép của “đột” và “phá”. Đột là đột ngột, bất ngờ; phá là phá vỡ một cái gì đó. Đột phá là phá vỡ một cách đột ngột. Từ này được dùng phổ biến trong lĩnh vự quân sự để nói về việc phá vỡ vòng vây, “chọc thủng, phá vỡ một số đoạn trong hệ thống phòng ngự của đối phương”. Nó cũng có thể diễn đạt về sự nhảy vọt của một lĩnh vực nào đó trong khoa học tự nhiên, trong y học... Trước đây, với cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, nền kinh tế rơi vào khủng hoảng buộc nhiều đơn vị, nhiều người tìm cách thoát ra, “vượt rào” để làm cho sản xuất “bung ra” có thể được hiểu như là sự đột phá. Theo đó, đột phá để tạo ra bước phát triển, bước ngoặt là một hiện thực và là mong ước khi quốc gia, đơn vị, hộ gia đình hay một cá nhân nào đó đang lâm vào thế bế tắt, bước đường cùng. Và trong bối cảnh ấy, đột phá hay là chết. Trên thực tế, mỗi cá nhân, hộ gia đình, đơn vị hay đất nước đều có những thời đoạn rơi vào trạng thái buộc phải đột phá. Cuộc hôn nhân lâm vào bế tắt buộc phải ly hôn để tìm được hạnh phúc mới; không cam chịu sống đời nghèo túng nên rời nơi “chôn nhao cắt rốn”; một chính sách kìm hãm sự phát triển cần được loại bỏ để tạo ra động lực mới… 

Như vậy, từ đột phá chỉ sử dụng trong những trường hợp hạn hữu. Có thể diễn đạt một cách cầu kỳ là: Rất cần đột phá nhưng không mong muốn phải đột phá. Ý nghĩa của từ “đột phá” sẽ không còn “đột phá” nếu bị lạm dụng hoặc sử dụng không đúng chỗ. Được biết, trong tự phê và phê bình của một số cá nhân và tập thể có đề cập đến thiếu sót, khuyết điểm về việc chưa có những giải pháp đột phá. Tự phê và phê bình kiểu này thì có cũng như không. Bởi vì có hay không tình thế cần đột phá và việc tìm ra giải pháp nào để được gọi là đột phá là điều rất khó. Như thế, gọi là khuyết điểm chỉ nhận cho đủ ưu và khuyết chứ không đặt thành vấn đề để bị xử lý kỷ luật. Gần đây, trong hầu hết các văn kiện trình đại hội đảng bộ đều có đề cập những đột phá. Xem kỹ ra, những cái gọi là đột phá chẳng qua chỉ là những điểm cần tập trung giải quyết. Các điểm trong văn kiện thường được lựa chọn là điều chỉnh quy hoạch; phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông; phát triển đô thị, công nhiệp, thương mại - dịch vụ và du lịch; xây dựng nông thôn mới nâng cao; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng hệ thống chính trị hoặc xây dựng cơ sở đảng…Phần lớn vấn đề là tiếp tục nâng cao, đẩy mạnh, cải tiến, hoàn thiện… cho nó tốt hơn. Điều đáng lo ngại hơn là, việc không hiểu đầy đủ “đột phá” có thể kích hoạt những hành động thái quá. Cả động cơ trong sáng hay ngược lại đều có thể dẫn đến sự bất chấp thực tế, không tuân thủ quy luật khách quan và đôi khi “lách luật”. Cây này trồng không được thì chặt đi để trồng cây khác; ruộng đất không nuôi cá được thì lập vườn; trong cơ quan có nhiều nhân viên quá thì tinh giảm; trong hệ thống có nhiều tổ chức thì sáp nhập... “Đột phá” đi, thí điểm đi sai rồi sửa; “Ai nên khôn chẳng dại đôi lần”… có thể được biện hộ cho cách suy nghĩ này. Xem xét chiều sâu của vấn đề, các tổ chức trong hệ thống chính trị và xã hội đang cần là sự ổn định, bền vững, luôn vận động tiến lên để có cuộc sống chất lượng cao với tính đa dạng và phong phú của nó hơn là những “đột phá”.

Đột phá vừa mang tính quy luật, vừa là mong muốn rất chính đáng của con người trong những hoàn cảnh nhất định. Nhưng, nó không phải là cái thường xuyên và càng không phải là sự đảo lộn bất hợp lý. Những bước tiến dần và thầm lặng để hun đúc, nâng niu cho đời những quả ngọt lại êm dịu nhưng mãnh liệt biết dường nào.

Nguyễn Văn Biết