Xuất bản thông tin

null Chung tay vì việc nghĩa

Trang chủ Học tập và làm theo lời Bác (Tư tưởng HCM)

Chung tay vì việc nghĩa

Một lần gặp bác đến liên hệ công việc tại Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đồng Tháp, tôi vô cùng cảm động trước hình ảnh một cụ già gần 80 tuổi nhưng khỏe mạnh chầm chậm dắt chiếc xe đạp cũ kỹ của thập niên 60, 70 bởi ba tôi cũng có một chiếc như thế. Bác tên Lê Quang Trinh, bà con thường gọi là bác Chín Trinh, sinh năm 1940, số nhà 30, tổ 20, đường Nguyễn Công Trứ, khóm 3, phường 4 thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Giọng nói bác rất khẳng khái, mạch lạc từng câu, từng chữ. Bác rất dí dỏm khi trò chuyện với chúng tôi. Bác nhờ tôi soạn tài liệu chuẩn bị buổi họp mặt Ngày gia đình Việt Nam cho Hội Cựu giáo chức phường Hòa Thuận, vì chủ đề ngày gia đình Việt Nam luôn gắn liền với Hội Phụ nữ. Tôi sợ bác mắt yếu nhìn chữ không rõ, tôi in chữ to và in một mặt giấy, bác phê bình ngay: “Các cháu in như vầy là lãng phí”, phải học tập theo gương Bác Hồ, phải thực hành tiết kiệm. Bác thật giản dị với chiếc áo sơ mi trắng tay ngắn vai đã sờn, quần màu nâu xám đã bạc màu, đôi dép mũ đã mòn, chiếc xe đạp cũ đã gắn bó với bác hơn chục năm nay. Tôi mời bác uống nước cho đỡ mệt, vì bác chạy xe đạp giữa buổi trưa ngoài trời đổ nắng. Hớp xong ngụm nước, Bác ra về nhưng vẫn không quên dặn dò chị em tôi: “Các cháu phải thật tiết kiệm vì trong cuộc sống còn rất nhiều mảnh đời bất hạnh cần được giúp đỡ”. Sau này tìm hiểu tôi mới biết bác không chỉ là Chủ tịch Hội Cựu giáo chức phường Hòa Thuận thành phố Cao Lãnh mà bác còn tham gia hoạt động từ thiện xã hội ở địa phương và là Phó Trưởng ban Quỹ  khuyến học Lê Văn Huỳnh gần 10 năm nay.

Tôi đến thăm bác trong dịp đầu năm 2020; trước sân nhà, những cánh mai vàng đong đưa trước gió như mùa xuân vẫn còn e ấp đâu đây. Khuôn viên nhà bác thật sạch sẽ thoáng mát. Trước thềm nhà bác sắp xếp từng đôi dép ngay ngắn. Bác đang lom khom nhặt từng lá cây rơi trước sân. Trông thấy tôi, bác vội bước ra mở cửa rào, mang ra hai chai nước mát từ trong tủ lạnh mời tôi uống. Nghe tôi hỏi thăm tình hình sức khỏe và hoạt động Quỹ khuyến học của dòng tộc, nét mặt bác tươi hẳn lên, đến kệ sách lấy tờ báo. Giở tờ báo ra, bên trong có bốn năm tờ giấy A4 màu xanh in nhiều bài viết. Tôi ngạc nhiên không hiểu ý bác thế nào, thì bác lấy ra một mẩu chuyện tặng tôi. Mặc dù cao tuổi nhưng bác vẫn cố gắng đọc hết cho tôi nghe câu chuyện “Bức thư từ Liên Xô…”. Tôi chú ý nghe kỹ từng câu từng chữ, bác bảo tôi nên tham khảo các câu chuyện này. Về nhà tôi đọc những mẩu chuyện còn lại. À, thì ra bác có ẩn ý nhắc nhở tôi phải học tập theo gương Bác Hồ về tình yêu quê hương đất nước, về cách sống tiết kiệm, tình thương yêu học trò nhất là học trò nghèo…

Là con thứ Tám trong gia đình có chín anh chị em, bác tốt nghiệp Đại học Nông – Lâm – Súc Sài Gòn, làm việc ở Bộ Canh Nông (chính quyền Sài Gòn cũ). Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng năm 1975, bác được chuyển về làm Phó Ty Canh nông (bây giờ là Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp). Một thời gian sau, bác xin chuyển về dạy tiếng Anh trường trung học cơ sở Tân Thuận Đông bởi bác rất giỏi ngoại ngữ. Năm 1992 bác chính thức nghỉ hưu. Vì sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà, bác tiếp tục tham gia Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh trường trung học cơ sở Nguyễn Thị Lựu và trung học cơ sở Nguyễn Chí Thanh đã được 10 năm. Sau đó bác nghỉ ở nhà tham gia công tác từ thiện xã hội và Quỹ khuyến học Lê Văn Huỳnh cho đến nay.

Có thời gian là giáo viên trực tiếp giảng dạy, tham gia Hội cha mẹ học sinh nên bác thấu hiểu được sự thiếu thốn, chật vật của gia đình nghèo, nhất là học trò vùng quê. Cha mẹ lo cho con cái ăn, cái mặc đã khó huống gì nói đến việc mua sắm dụng cụ học tập, phương tiện cho các em đến trường. Xuất phát từ ý nghĩa đó, bác họp bàn bạc với anh chị em con cháu dòng tộc họ Lê đồng sáng lập Quỹ khuyến học Lê Văn Huỳnh. Bà Lê Thị Huệ (bà Năm Vạn) là Trưởng ban, bác là Phó Trưởng ban kiêm thủ quỹ. Thấy việc làm có ý nghĩa, một số con cháu ngoài dòng tộc cũng tự nguyện tham gia đóng góp.

Bác đưa cho tôi xem hai quyển album được bao bìa cẩn thận và nhờ một giáo viên dạy Mỹ thuật, Trường trung học cơ sở Nguyễn Chí Thanh nắn nót từng câu từng chữ ngoài bìa “Lễ ra mắt Quỹ khuyến học Lê Văn Huỳnh” và “Lễ trao học bổng Lê Văn Huỳnh”. Tôi thật xúc động vì bác lưu giữ những hình ảnh rất đầy đủ trong các hoạt động theo từng năm học. Tôi hỏi Bác: “Động lực nào thúc đẩy bác thành lập Quỹ khuyến học này và sao lại mang tên học bổng Lê Văn Huỳnh”? Bác tươi cười: “Lê Văn Huỳnh là tên cha tôi. Hồi trẻ ông làm nghề thợ mộc. Hễ tủ, giường, bàn, ghế nhà, cửa của ai bị hư hỏng là cha đến sửa giúp. Cha mẹ tôi sống rất thân thiện, tình cảm nên được bà con yêu mến. Mẹ là nội trợ, chuyên làm bánh bò, bánh da lợn nuôi con ăn học. Các anh chị em đi học, một buổi về nhà đội bánh đi bán phụ mẹ lo cuộc sống gia đình. Sống trong gia đình thiếu thốn, nghèo khó, noi gương cha mẹ nên tôi quyết định thành lập Quỹ khuyến học Lê Văn Huỳnh để ghi nhớ công ơn cha mẹ một đời vất vả nuôi các con nên người”.

Được thành lập năm 2011 đến tháng 8 năm 2019, Quỹ khuyến học Lê Văn Huỳnh đã huy động được số tiền gần 1,3 tỷ đồng; tính đến nay đã hỗ trợ 700 suất học bổng cho học sinh vượt khó học giỏi ở các cấp học như: đại học, cao đẳng, trung học phổ thông, trung học cơ sở, tiểu học... ở các xã: Nhị Mỹ (huyện Cao Lãnh), Tân Thuận Đông, Tân Thuận Tây (thành phố Cao Lãnh). Trong số đó có hoàn cảnh của em Tiết Lê Tâm (số nhà 368, Nguyễn Thái Học phường Hòa Thuận thành phố Cao Lãnh): Nhà có hai anh em, Tâm là con nhỏ, cha mất sớm, gia đình không ruộng đất, mẹ em phải tảo tần mua bán nước giải khát, thu nhập không đủ trang trải cho gia đình. Năm 2015, em học ngành Điều dưỡng trường Cao đẳng Y tế Đồng Tháp. Hoàn cảnh gia đình luôn thiếu trước, hụt sau, có lúc mẹ tưởng chừng không còn khả năng cho em theo học. Cứ đầu năm học, bác Chín Trinh lại mang số tiền 5 triệu đồng đến nhà trao tặng em. Với số tiền trên phần nào đã giúp em lo chi phí học tập. Cuối năm 2018, em tốt nghiệp và xin vào làm việc tại Bệnh viện Quốc tế Thái Hòa. Tính đến nay gần 12 tháng, lương mỗi tháng từ 5 đến 6 triệu đồng, đỡ đần cho mẹ.

Lật từng trang trong quyển sổ theo dõi Quỹ khuyến học, bác ghi chép rất cẩn thận, theo dõi từng năm số thành viên tham gia, trong đó có chị Lê Thị Nga cháu họ bác và chồng chị Nga (anh Nguyễn Hồng Cơ đang sinh sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh); mỗi năm, gia đình anh chị đóng góp vào quỹ trên 100 triệu. Từ việc làm ý nghĩa trên đã lan tỏa đến nhiều người như: người thân của anh Nguyễn Hồng Cơ quê ở Hưng Yên, chị dâu cả của bác… ủng hộ học bổng Lê Văn Huỳnh và quỹ vì người nghèo địa phương gần 200 triệu đồng. Mắt bác sáng lên khi nhắc đến sự đóng góp của con cháu trong dòng tộc họ Lê cũng như các nhà tài trợ có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp đỡ người nghèo ở địa phương.

Nhận xét về ông Lê Quang Trinh, đồng chí Lê Thị Hòa - Bí thư Đảng ủy phường Hòa Thuận cho biết: “Bác Chín là người mẫu mực, sống đức độ, thân thiện, chan hòa và tôn trọng mọi người. Với vai trò là Chủ nhiệm Hội Cựu giáo chức phường Hòa Thuận thành phố Cao Lãnh, hàng năm, bác vận động các nhà tài trợ trong và ngoài Tỉnh hỗ trợ các cụ 75 tuổi được biểu dương với số tiền trên 20 triệu đồng, mỗi phần quà 100.000 đến 150.000 đồng. Ngoài ra, bác còn thường xuyên góp ý cán bộ lãnh đạo và cán bộ tiếp dân nếu chưa đúng mực, kịp thời chấn chỉnh để phục vụ tốt nhân dân”.

Khi hỏi về những dự định sắp tới, bác nói: “Còn khỏe lúc nào thì bác tham gia công tác từ thiện xã hội lúc ấy. Bác rất vui vì mỗi năm đã giúp nhiều học sinh nghèo vượt khó học giỏi, để các cháu không phải bỏ học giữa chừng, Quỹ khuyến học Lê Văn Huỳnh sẽ tiếp tục đồng hành với học sinh nghèo vượt khó học giỏi. Đây là việc làm thấm đượm nghĩa tình, chan chứa tình yêu thương của những tấm lòng vàng, là nét đẹp trong đời sống văn hóa cộng đồng, bởi “Chung tay vì việc nghĩa, nhận kết quả tự hào”. Đó cũng là phương châm cũng như lời kêu gọi của bác đối với các nhà hảo tâm, các nhà mạnh thường quân trong và ngoài Tỉnh góp phần phát huy hiệu quả và nhân rộng mô hình “Gia đình học tập, dòng họ học tập, xã hội học tập”, chung tay xây dựng quê hương đất Sen hồng ngày càng giàu mạnh.

Kim Chi