Xuất bản thông tin

null Đảm bảo các điều kiện cho thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020

Chi tiết bài viết Tab Thông tin

Đảm bảo các điều kiện cho thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020

Để chuẩn bị tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Sở GD&ĐT Đồng Tháp phối hợp các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan kiểm tra cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ kỳ thi; xây dựng kế hoạch an toàn giao thông, an ninh trật tự ở khách sạn, nhà nghỉ,  đảm bảo phương tiện đi lại cho thí sinh. Nội dung được đề cập trong thông tin công tác khoa giáo kỳ này.

TIN TỨC - SỰ KIỆN

1. Năm học 2020 - 2021, sẽ không tổ chức tựu trường trước ngày 01-9

Đó nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị giám đốc sở GD&ĐT năm 2020 thảo luận về một số nội dung liên quan đến triển khai thực hiện Chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông mới, chuẩn bị tổng kết năm học 2019-2020 và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2020-2021. Bộ GD&ĐT thống nhất toàn quốc khai giảng năm học mới vào ngày 05-9. Đồng thời kiên quyết không để xảy ra tình trạng lạm thu.

Năm học 2020 - 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình SGK giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1, các địa phương đã hoàn thành việc chọn SGK đối với lớp 1, tiếp tục hoàn thiện tài liệu giáo dục địa phương. Năm học tới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị ngành GD&ĐT các cấp chủ động lựa chọn SGK lớp 2 và lớp 6 sau khi được Bộ GD&ĐT thẩm định, phê duyệt. Các địa phương phối hợp chặt chẽ với các nhà xuất bản, nhà phân phối để cung cấp đầy đủ SGK cho học sinh, tuyệt đối không để tình trạng thiếu SGK trong năm học mới. Tiếp tục nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông; chú trọng vào đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá học sinh; cách quản trị nhân lực và quản trị tài chính. Chú trọng phát triển kỹ năng mềm cho học sinh để các em được phát triển toàn diện.

2. Một số hoạt động đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo nghị quyết của Quốc hội

Sở GD&ĐT đã hoàn thành cơ bản đề cương, chuẩn bị biên soạn 2 tài liệu giáo dục địa phương (1 cho cấp tiểu học, 1 cho cấp THCS và THPT). Dự kiến cuối tháng 8/2020, tài liệu sẽ biên soạn xong, đưa vào thử nghiệm dạy học. Đến tháng 12/2020 sẽ hoàn chỉnh và thực hiện thủ tục đề nghị Bộ GD&ĐT phê duyệt đưa vào giảng dạy. Hiện tại, các cơ sở giáo dục tiểu học đã thực hiện xong việc chọn sách giáo khoa; Sở GD&ĐT đã tổng hợp kết quả báo cáo UBND Tỉnh và Bộ GD&ĐT (có 45/46 đầu sách giáo khoa lớp 1 do Bộ GD&ĐT duyệt được các cơ sở giáo dục chọn). Đến nay, có gần 3.000 giáo viên, cán bộ quản lý được tập huấn cốt cán về chương trình giáo dục phổ thông 2018 (đạt 21,5%). Trong tháng 7 và 8/2020, Sở GD&ĐT sẽ triển khai tập huấn đại trà cho giáo viên, cán bộ quản lý kết hợp giữa hình thức trực tiếp và online) đảm bảo 100% giáo viên dạy lớp 1 được tập huấn).

Nhìn chung, việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa của tỉnh thực hiện đúng hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, UBND Tỉnh. Tổng kinh phí thực hiện được bố trí gần 2.000 tỷ đồng (xây dựng cơ bản 1.900 tỷ đồng; sách giáo khoa, thiết bị dạy học hơn 235 tỷ đồng; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên hơn 23 tỷ đồng).

3. Đảm bảo cơ sở vật chất và điều kiện thuận lợi cho thí sinh trong thời gian dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020

Toàn tỉnh dự kiến tổ chức 30 điểm thi, với tổng số 13.367 thí thí sinh gồm THPT và Giáo dục thường xuyên, trong đó có khoảng 500 TS tự do. Các em thí sinh dự thi tại 574 phòng thi.

Đến nay, các điểm thi được chọn qua khảo sát, kiểm tra đều đảm bảo đủ cơ sở vật chất, phòng thi, đồ dùng cần thiết, trang thiết bị phục vụ kỳ thi. Sở GD&ĐT phối hợp các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan chỉ đạo, bố trí các điểm thi tạo điều kiện thuận lợi về giao thông đi lại, nơi ăn nghỉ cho thí sinh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập các đoàn kiểm tra, khảo sát tình hình thực tế, chủ động giải quyết các vấn đề đảm bảo tổ chức kỳ thi theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh; chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội địa phương tìm hiểu số lượng học sinh tại các điểm thi có nhà ở xa, khó khăn về điều kiện đi lại để có phương án hỗ trợ kịp thời.

Đối với các huyện, thị xã, thành phố có nhiều điểm thi, lãnh đạo địa phương chú ý các phương án, kế hoạch về an toàn giao thông, an ninh trật tự ở các khách sạn, nhà nghỉ, nơi công cộng. Các huyện, thị xã nơi có các bến đò ngang, Ban An toàn giao thông tỉnh, các huyện, thị xã thông tin, tuyên truyền, xây dựng kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng cho công tác hỗ trợ thí sinh đi lại trong những ngày thi. Giáo viên các điểm trường, cơ sở giáo dục cũng chủ động xây dựng nội dung, triển khai các hoạt động hỗ trợ thí sinh của trường khi các em chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

4. Tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp năm 2020 cho học sinh trung học phổ thông

Báo Tuổi trẻ, Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ,TB&XH), Sở GD&ĐT Đồng Tháp, Trường ĐH Đồng Tháp vừa phối hợp tổ chức chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp năm 2020 cho học sinh các trường THPT trên địa bàn tỉnh. Tại buổi tư vấn tuyển sinh, đại diện Bộ GD&ĐT, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT, hình thức xét tuyển ĐH, CĐ năm 2020; tình hình thị trường lao động hiện nay và nhu cầu tuyển dụng trong thời gian tới. Ngoài ra, thành viên Ban Tư vấn còn trực tiếp giải đáp thắc mắc của các em về chọn ngành, nghề và cơ hội việc làm sau khi ra trường.

Các hoạt động nhằm giúp học sinh tiếp cận thông tin, hiểu rõ các quy định về kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2020. Từ đó giúp các em có định hướng chọn ngành, nghề phù hợp với năng lực của bản thân sau khi tốt nghiệp THPT.

 

5. Tăng cường vận động phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT sau dịch bệnh Covid-19

Đến cuối tháng 6/2020, toàn Tỉnh có 1.384.217 người tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Đặc biệt, đầu năm đến nay, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng 3.969 người, nâng tổng số người tham gia toàn tỉnh lên 8.752 người. Đây là một trong những điểm sáng về công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện thông qua hoạt động phối hợp với Bưu điện Tỉnh tổ chức hội nghị tuyên truyền phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, thực hiện livestream qua ứng dụng Facebook, tổ chức lễ ra quân, diễu hành tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện trên phạm vi toàn tỉnh...

Từ nay đến cuối năm 2020, BHXH Tỉnh phấn đấu phát triển đạt 101.241 người tham gia BHXH bắt buộc, 19.309 người tham gia BHXH tự nguyện, 92.516 người tham gia BHTN, 1.418.548 người tham gia BHYT, đạt 90% dân số. Triển khai các giải pháp giải quyết những tồn tại, vướng mắc, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chịu tác động của dịch bệnh Covid-19. Chỉ đạo BHXH cấp huyện tham mưu UBND huyện, thị, thành phố tăng cường chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT; đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị trích nộp BHXH, BHYT, BHTN, giảm nợ đọng, phấn đấu thu đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 2020.

6. Tiếp tục xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại bãi rác Đập Đá

Năm 2020, UBND Tỉnh giao Sở TN&MT làm chủ đầu tư, triển khai phương án khẩn cấp xử lý sự cố ô nhiễm môi trường nước thải tại Khu xử lý rác thải Đập Đá (huyện Cao Lãnh). Đến nay, đã thực hiện xử lý được khoảng 65% khối lượng công việc, cụ thể: đã xử lý cạn phần nước ô nhiễm tồn đọng tại khu đất 1,3ha; tiến hành gia cố bờ đê xung quanh các ô rác hiện hữu, tiến hành phủ bạt che phủ phần rác hiện hữu tại các ô rác để hạn chế nước mưa lẫn nước rỉ rác rò rỉ ra môi trường xung quanh. Hiện nay, Sở TN&MT đang khẩn trương xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực nêu trên.

Ngoài ra, UBND Tỉnh đã tạm thời đình chỉ hoạt động đối với Nhà máy xử lý và tái chế rác thải Đập Đá của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển công nghệ xử lý môi trường Cửu Long để công ty thực hiện các biện pháp khắc phục vi phạm, khi nào bảo đảm các điều kiện về môi trường mới xem xét, cho hoạt động trở lại.

CHÍNH SÁCH – VĂN BẢN MỚI

1. Mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Mức đóng và phương thức đóng BHXH vào Quỹ bảo BHTN lao động, bệnh nghề nghiệp được quy định rõ tại Nghị định số 58/2020/NĐ-CP ban hành ngày 27/5/2020 của Chính phủ. Theo Nghị định, người sử dụng lao động hằng tháng đóng trên quỹ tiền lương đóng BHXH cho người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 và khoản 2 Điều 2 Luật BHXH, trừ trường hợp lao động là người giúp việc gia đình, theo một trong các mức sau:

a- Mức đóng bình thường bằng 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH; đồng thời được áp dụng đối với người lao động là cán bộ, công chức, viên chức và người thuộc lực lượng vũ trang thuộc các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, quân đội, công an, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng ngân sách nhà nước.

b- Mức đóng bằng 0,3% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH được áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nếu bảo đảm các điều kiện sau:

- Trong vòng 03 năm tính đến thời điểm đề xuất không bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và BHXH.

- Thực hiện việc báo cáo định kỳ tai nạn lao động và báo cáo về an toàn, vệ sinh lao động chính xác, đầy đủ, đúng thời hạn trong 03 năm liền kề trước năm đề xuất.

- Tần suất tai nạn lao động của năm liền kề trước năm đề xuất phải giảm từ 15% trở lên so với tần suất tai nạn lao động trung bình của 03 năm liền kề trước năm đề xuất hoặc không để xảy ra tai nạn lao động tính từ 03 năm liền kề trước năm đề xuất.

2. Mỗi khóm thuộc phường, thị trấn sẽ được bố trí 02 nhân viên y tế

HĐND Tỉnh vừa thống nhất thông qua Nghị quyết quy định số lượng, chế độ, chính sách đối với nhân viên y tế khóm thuộc các phường, thị trấn trên địa bàn Tỉnh. Theo đó, mỗi khóm thuộc phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh được bố trí 02 nhân viên y tế. Mức bồi dưỡng theo tháng đối với nhân viên y tế khóm là 447.000 đồng/người/tháng. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách địa phương bảo đảm từ nguồn kinh phí sự nghiệp y tế hằng năm.

Trước đó, ngày 10/7/2012, HĐND Tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 82/2012/NQ-HĐND về việc thông qua Đề án xây dựng hệ thống nhân viên y tế khóm, ấp giai đoạn 2012 - 2016 trên địa bàn Tỉnh, sau đó là Nghị quyết số 66/2016/NQ-HĐND ngày 03/8/2016 có sửa đổi, bổ sung điểm 2 c (bổ sung nhiệm vụ cho nhân viên y tế khóm, ấp là: Quản lý, bảo vệ chăm sóc trẻ em dưới 16 tuổi), khoản 1 mục IV của Đề án xây dựng hệ thống nhân viên y tế ấp giai đoạn 2012 - 2016 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.  Do đó, để đảm bảo tính hợp pháp, là cơ sở để thực hiện liên tục chính sách hỗ trợ đối với nhân viên y tế khóm trên địa bàn tỉnh, UBND Tỉnh nhận thấy, việc trình HĐND Tỉnh xem xét ban hành Nghị quyết này nhằm tiếp tục duy trì hỗ trợ đối với nhân viên y tế khóm là hết sức cần thiết. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 01/8/2020.

 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KHOA GIÁO CẤP HUYỆN

Từ khi triển khai Đề án 939 về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trên địa bàn huyện Tháp Mười duy trì được 33/34 mô hình, sản phẩm khởi nghiệp của hội viên. Đầu năm đến nay, các cấp Hội đã vận động thêm 10 sản phẩm, gồm: trang trí tiệc (thị trấn Mỹ An), khô cá lóc (Mỹ Quí); nước nha đam hoa cúc (Mỹ Đông); trồng và bán hoa lan (Phú Điền); chanh đào mật ong (Đốc Binh Kiều); rau câu dừa (Trường Xuân); muối ớt sấy (Mỹ Hòa); làm chậu kiểng (xã Mỹ An); làm nhang (Thanh Mỹ); dưa ngó sen (Tân Kiều) đăng ký mới trong năm 2020, nâng số sản phẩm khởi nghiệp toàn huyện lên 43 mô hình, sản phẩm. Đặc biệt, dự án sữa sen, sữa sen bột (thị trấn Mỹ An); sản phẩm cóc ngào (Đốc Binh Kiều); dưa kiệu (Tân Kiều) đã đăng ký tham gia cuộc thi khởi nghiệp với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo – kết nối thành công” trong năm 2020.

Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện thành phố Sa Đéc vừa tổ chức tôn vinh 122 tập thể, gia đình, cá nhân hiến máu tình nguyện năm 2020. Đầu năm đến nay, phong trào hiến máu tình nguyện của Thành phố có nhiều chuyển biến tích cực, thu hút được nhiều người tham gia. Qua 6 đợt hiến máu tình nguyện, đã thu được 1.130 đơn vị máu, đạt 101% chỉ tiêu; tỷ lệ người tham gia hiến máu nhắc lại từ 3 lần, 5 lần trở lên ngày càng tăng. Dịp này, có 14 tập thể, 10 gia đình và 98 cá nhân tham gia hiến máu 5 lần đến 15 lần nhận được giấy khen của Ban chỉ đạo vận động hiến máu Tỉnh và Thành phố.

Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thanh Bình phối hợp các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội các xã, thị trấn triển khai xây dựng nhiều mô hình tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình, nổi bật là mô hình CLB Gia đình phát triển bền vững được duy trì sinh hoạt thường xuyên tại các xã, thị trấn. Hàng năm, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện cấp, phát trên 500 tài liệu tuyên truyền về phòng,chống chống bạo lực gia đình cho các CLB Gia đình phát triển bền vững; tổ chức tập huấn cho Ban chủ nhiệm CLB, cán bộ làm công tác gia đình tại xã, thị trấn kỹ năng tuyên truyền, xử lý các vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình; phối hợp các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội thành lập, duy trì hoạt động 165 địa chỉ tin cậy, 26 đường dây nóng, 55 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình tại các khóm, ấp thực hiện tư vấn, hỗ trợ, che chở nạn nhân bị bạo lực gia đình nếu có xảy ra.

Thư của Bí thư Tỉnh ủy gửi học sinh lớp 12 năm học 2019-2020

Chỉ còn vài tuần nữa là tới kỳ thi tốt nghiệp THPT, hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Với kết quả sau 12 năm học tập, mỗi cháu sẽ lựa chọn cho bản thân một hướng đi nghề nghiệp yêu thích phù hợp với năng lực.

Đại dịch Covid-19 đang tiếp tục gây ra khủng hoảng kinh tế trên thế giới. Nhiều nước và Việt Nam đang và sẽ tiếp tục phải giải quyết nhiều vấn đề lớn, phức tạp, kéo dài và liên quan đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Các biện pháp giãn cách xã hội, đóng cửa biên giới sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đến nước ta trong thời gian tới. Những khó khăn này tạo ra nhiều thách thức, song có cả những cơ hội to lớn cho quá trình chuyển đổi và phát triển kinh tế.

Ưu tiên tạo việc làm đang là lựa chọn mà các quốc gia, khu vực và toàn thế giới hướng đến. Thất nghiệp đang là thách thức lớn nhất đối với mọi nền kinh tế trong bối cảnh hơn 200 triệu người trên thế giới thất nghiệp, trong đó tỷ lệ thất nghiệp của người ở lứa tuổi thanh niên là đặc biệt nghiêm trọng. Nếu không giải quyết được thách thức này sẽ khó thúc đẩy sản xuất, phục hồi kinh tế và tạo sự ổn định cho phát triển.

Nhờ chống dịch thành công, nước ta có không ít lợi thế trong việc phục hồi kinh tế, với chủ trương thực hiện “nhiệm vụ kép”: Vừa tiếp tục phòng, chống dịch, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chúng ta kiểm soát tốt dịch bệnh, là cơ sở để gia tăng hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hút lao động, hạn chế lao động ngừng việc, mất việc. Tuy nhiên, một số ngành như dịch vụ, du lịch, ngành công nghiệp tiếp tục bị ảnh hưởng do xuất nhập khẩu gián đoạn.

Trong nước, xu hướng cắt giảm lao động sau Covid-19 do thiếu nguyên liệu, đơn hàng đang ảnh hưởng xấu đến người lao động. Gần 14.000 doanh nghiệp bị ảnh hưởng do Covid-19, khoảng 8.400 doanh nghiệp có khả năng dừng hoạt động do thiếu nguyên liệu, đơn hàng, phải cắt giảm lượng lớn lao động. 6 tháng đầu năm đã có hơn 327.000 lao động ở TP.Hồ Chí Minh bị thôi việc.

Đến thời điểm này, các nước vẫn ngưng tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam đến làm việc, đang căng sức phòng, chống dịch Covid-19. Nếu theo diễn biến dịch bệnh thì tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài lúc này sẽ khó khăn do các nước chưa mở cửa tiếp nhận. Tuy nhiên, phải thấy rằng, trong khó khăn sẽ có cơ hội mà nếu chúng ta không có tâm thế chuẩn bị sẽ không nắm bắt kịp. Đài Loan vừa cho phép tiếp nhận lao động Việt Nam đến làm việc, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đã có nhiều thông tin khả quan về tình hình dịch bệnh, sẽ sớm mở cửa tiếp nhận lao động nước ngoài trở lại làm việc. Nhu cầu lao động nước ngoài, đặc biệt là lao động Việt Nam sẽ lớn hơn nhiều lần để đáp ứng hoạt động sản xuất gia tăng sau dịch bệnh.

Nhiều năm qua, tỉnh Đồng Tháp chúng ta luôn là tỉnh dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, nhiều bạn trẻ sau khi học xong THPT đã mạnh dạn tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, làm giàu cho bản thân, gia đình và cả cơ hội lập nghiệp sau khi về nước. Người lao động đi làm việc ở nước ngoài không chỉ là kiếm tiền để xóa đói giảm nghèo mà còn có cơ hội tiếp thu kỹ thuật, tác phong làm việc để khi trở về lập nghiệp, khởi nghiệp. “Đi làm thuê, về làm chủ” là khẩu hiệu của quê hương xứ Sen hồng và cũng là chương trình hành động của tỉnh trong những năm tới. Đây cũng là một trong những giải pháp hiệu quả để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Các cháu học sinh lớp 12 thân mến!

Thế giới đang thay đổi rất nhanh, mỗi cá nhân nếu không có suy nghĩ và thái độ làm việc phù hợp sẽ không bắt kịp với tình hình mới. Chúng ta không thể ngồi chờ dịch bệnh hết hẳn mới đăng ký tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Muốn tận dụng được cơ hội thì phải sẵn sàng đầy đủ để nắm bắt ngay thời cơ khi hết dịch bệnh. Ngay trong thời gian dịch bệnh, Đồng Tháp đang có gần 1.500 lao động đang học giáo dục định hướng chờ xuất cảnh. Với các cháu có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài hãy mạnh dạn đăng ký tham gia học giáo dục định hướng, ngoại ngữ để sẵn sàng nắm bắt cơ hội. Trong thời gian này, ngoài học ngoại ngữ, giáo dục định hướng, mỗi cháu hãy đăng ký học một nghề phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài để có cơ hội việc làm vững chắc và thu nhập tốt hơn.

“Chung sức đắp nền xây khát vọng, đồng lòng kiến tạo vững tương lai”, bác mong rằng tất cả các cháu, thế hệ những người chủ tương lai sẽ tiếp nối những truyền thống tốt đẹp vẻ vang của cha anh, làm rạng danh vùng Đất Sen hồng.

Chúc các cháu đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi sắp tới, gặt hái nhiều thành công trên con đường lập nghiệp.

Thân chào các cháu!

Bác Lê Minh Hoan

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp