Xuất bản thông tin

null Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 6 năm 2020

Chi tiết bài viết Tài liệu sinh hoạt chi bộ

Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 6 năm 2020

PHẦN A: SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

Nội dung bài viết “Câu chuyện các chỉ số” của tác giả Xích Lô:

Vậy là, năm nay Đồng Tháp quê mình đoạt “cú đúp Á quân” trong các chỉ số xếp hạng Quốc gia. Vừa xếp thứ 2/63 tỉnh, thành về chỉ số “Hiệu quả quản trị và Hành chính công” cấp tỉnh (PAPI), vừa về Nhì trong chỉ số “Năng lực cạnh tranh” cấp tỉnh (PCI). Ông bà mình đúc kết “Phúc bất trùng lai”, nhưng xứ Sen hồng thì vẫn “trùng lai” rồi còn gì?!? “Vui sao nước mắt lại trào”, PCI hơn mười năm liên tục nằm trong tốp cao của cả nước không vui sao được?!?

Hổng vui sao được? Hổng tự hào sao được? Chỉ số xếp hạng là của Quốc gia mà, đâu phải “trong nhà đóng cửa mà khen nhau đâu, vuốt ve nhau đâu”? Đó là cảm nhận của người dân và cộng đồng doanh nghiệp đối với cung cách lãnh đạo, điều hành, quản trị của cả một bộ máy chứ đâu của một cá nhân nào, ngành nào?!? Tự hào là tự hào chung của cả bộ máy! Thành tích là thành tích chung của cả hệ thống! Năng động là năng động chung của đội ngũ lãnh đạo và từng cán bộ, công chức, viên chức. Đó là, hệ quả của một phương châm nhất quán từ nhiều năm làm trụ cột cho cải cách hành chính của Tỉnh: “Lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả công việc của bộ máy công quyền”!!!

Nhớ lại trước đây cũng không lâu lắm đâu, nhắc đến Đồng Tháp, nhiều người còn dùng những hình ảnh không khỏi nặng lòng. Nào là, “xứ bưng biền”! Nào là “nơi khuất nẻo”! Nào là “vùng trũng”! Mà nghĩ lại cũng đâu có sai! Trước kia “bưng biền thiệt”, “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tựa bánh canh” mà! Không “khuất nẻo” sao được khi mà không có đường “Cái quan” đúng nghĩa nào đi ngang qua! Còn “vùng trũng” thì đúng là “trũng” cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, ngập sâu nhất, hạ tầng yếu kém, “nắng bụi, mưa bùn”! Xuất phát điểm là vậy, mà giờ thì khác rồi nghen! Các chỉ số xếp hạng cấp Quốc gia, từ cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, môi trường kinh doanh, quản trị công, đặc biệt là năng lực cạnh tranh thì luôn đứng ở nhóm đầu nhiều năm liên tục đó!

Giờ đây nhắc đến quê mình thì nhiều người đã biết đến một “Đồng Tháp - Thuần khiết như hồn Sen”, với biểu tượng Bé Sen vui tươi, rạng rỡ. Giờ nhắc đến quê mình, nhiều lãnh đạo Trung ương hay nhắc đến một địa phương luôn năng động, có nhiều ý tưởng đổi mới, sáng tạo. Giờ nhắc đến quê mình, trên các phương tiện truyền thông thường đề cập đến các mô hình: “Cà phê doanh nghiệp - doanh nhân”, “Hội quán”, “Tổ nhân dân tự quản”... Giờ nhắc đến quê mình, nhiều người gắn với hình ảnh “một địa phương khởi nghiệp”, với nhiều sản phẩm khai thác từ tài nguyên bản địa cùng với khát vọng tuổi trẻ xứ Sen, xứ Sếu. Người quê mình giờ đã mạnh dạn, tự hào: “Tôi, công dân Đất Sen hồng!”.

Sống thì cần đến niềm hạnh phúc! Làm thì cần đến lòng tự hào! Đó là động lực để mà sống, mà làm việc, bên trong mỗi con người. Các chỉ số xếp hạng là động lực bên ngoài. Nhưng về mặt nào đó, chính động lực bên ngoài sẽ chuyển hoá thành động lực bên trong, cộng hưởng thành sức mạnh tiềm tàng trong mỗi người. Vậy là, trong cùng một năm thôi mà được xếp hạng cao về “Hiệu quả quản trị và Hành chính công” và “Năng lực cạnh tranh” - Đây chính là động lực mới cho người dân, doanh nghiệp xứ Sen hồng. Động lực đó khích lệ bộ máy tiếp tục cải tiến lề lối làm việc, cung cách quản trị xã hội. Động lực đó làm cho con người Đồng Tháp yêu thương nhau hơn, hợp tác với nhau hơn. Động lực đó giúp cho doanh nghiệp, bà con nông dân có thêm niềm tin, nghị lực vượt qua cơn bão mang tên “Đại dịch Covid-19”. Động lực đó sẽ tiếp thêm niềm tin và sức mạnh cho Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ XI sắp diễn ra. “Dễ ta thì cũng dễ cho người, khó cho ta thì cũng khó cho người”! Phải hành động thay vì ngán ngẫm, ca thán!

“Chuyện gì rồi cũng qua”! Danh hiệu thì đã công bố rồi, “bằng này, bằng nọ” thì cũng đã nhận rồi! Vui thì vui rồi, tự hào thì đã tự hào rồi! Bây giờ lại bắt tay đi tiếp hành trình. “Thành công là cả hành trình chứ không phải là đích đến”! “Đường đua” còn dài mà, thiên hạ đâu có chấp nhận đứng yên?!? Có khi mình vươn lên là do nơi nào đó tụt xuống, ngược lại có người bứt phá lên thì mình lại xếp sau. Vấn đề là tự mình đánh giá đúng điểm mạnh, tìm ra đúng yếu huyệt của mình thôi. Không có gì bất biến! Vậy là, phải tiếp tục “làm mới” mình! Vậy là, phải luôn “Suy nghĩ như suy nghĩ của người dân, doanh nghiệp/Trăn trở với những trăn trở của người dân, doanh nghiệp”! Người dân cần gì ở bộ máy, doanh nghiệp cần gì ở hệ thống? Làm sao guồng máy vận hành thật trơn tru? Để bộ máy vận hành trôi chảy, luôn cần đến kiểm tra, giám sát. Không ai giám sát bộ máy công quyền bằng người dân, doanh nghiệp! Và cũng không ai kiểm tra, giám sát mình bằng chính mình!

Xã hội luôn vận động. Môi trường kinh doanh luôn khắc nghiệt. Nông dân luôn “thắc thỏm” từng mùa vụ. Bộ máy phải luôn bên cạnh, cùng đồng hành thực sự với người dân, doanh nghiệp. Muốn đồng hành vậy phải thấu hiểu cảm xúc những người bạn đồng hành. Vậy là, phải học, “học để biết, học để làm”, học để khẳng định giá trị “công bộc” của mình, học để cùng đồng hành với người dân và doanh nghiệp trên chặng đường nhiều chông gai phía trước!

Phần B: THÔNG TIN THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

I- TIN TRONG TỈNH

1. Đồng Tháp giữ vững ngôi Á quân về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019

Sáng ngày 05/5, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam phối hợp tổ chức Lễ công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019. Theo báo cáo PCI năm 2019, với 72,10 điểm, tỉnh Đồng Tháp tiếp tục giữ vững ngôi vị Á quân cả nước, xếp sau Quảng Ninh với 73,40 điểm. So với PCI năm 2018, Đồng Tháp tăng 1,91 điểm. So với PCI năm 2018, Đồng Tháp tăng 1,91 điểm. Với kết quả này, Đồng Tháp tiếp tục nối dài kỷ lục là tỉnh duy nhất 12 năm liên tiếp nằm trong nhóm 05 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI cả nước và lần thứ 4, tỉnh được xếp hạng nhì. Đặc biệt, năm 2019 cũng là năm thứ 2 liên tiếp Đồng Tháp được các doanh nghiệp đánh giá cao nhất trên cả nước về môi trường cạnh tranh bình đẳng. Kết quả điều tra PCI năm 2019 cho thấy, các doanh nghiệp tại Đồng Tháp luôn ở mức cao so với các tỉnh, thành phố khác trên cả nước.

Nối tiếp niềm vui về Á quân PCI và đứng thứ 2 cả nước về Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2019, Đồng Tháp đón nhận tin vui mới khi giữ vững tốp 3 Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) cấp tỉnh năm 2019.

2. Xử lý nghiêm vi phạm về an toàn giao thông đối với học sinh

Ngày 14/5/2020, Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành Công văn số: 242/UBND-TCD-NC về việc bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh đến trường, theo đó yêu cầu Sở giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học, phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con em tự giác chấp hành quy tắc giao thông, đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, không chở quá số người quy định. Học sinh không điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe. Hiệu trưởng các trường kiên quyết xử lý kỷ luật đối với học sinh điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi không có giấy phép lái xe, chưa đủ tuổi. Các cơ sở giáo dục tiếp tục đưa nội dung giáo dục pháp luật về trật tự an tòan giao thông vào chương trình giảng dạy và xem đây là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm đối với các cơ sở giáo dục. Người đứng đầu cơ sở giáo dục phải tổ chức kiểm tra việc thực hiện cam kết giữa gia đình và nhà trường trong công tác giáo dục và bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho học sinh; gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục để xảy ra tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, sinh viên, xử lý trách nhiệm đối với tập thể và các cá nhân vi phạm. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh, sinh viên trên địa bàn Tỉnh.

II- TIN TRONG NƯỚC

1. Một số kết quả chủ yếu Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII

Từ ngày 11/5 đến ngày 14/5/2020, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII họp Hội nghị lần thứ 12, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu khai mạc và bế mạc Hội nghị.

 (1) Về phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII:

 Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận và thống nhất cao với Báo cáo của Bộ Chính trị trình Hội nghị. Cụ thể là:

Về yêu cầu xây dựng Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII: cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII phải là một tập thể thật sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, thống nhất ý chí và hành động, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội…

Về việc xác định tiêu chuẩn Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII phải căn cứ vào tiêu chuẩn chung của cán bộ được nêu trong các quy định của Đảng. Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải là những đồng chí thật sự tiêu biểu, mẫu mực của Ban Chấp hành Trung ương về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trí tuệ, ý chí chiến đấu, năng lực lãnh đạo, quản lý, ý thức tổ chức kỷ luật; có tầm nhìn và tư duy chiến lược, có khả năng phân tích, dự báo, tổng hợp, đề xuất những vấn đề mới một cách đúng đắn; có trình độ hiểu biết sâu sắc về lý luận chính trị, biết phát hiện và sử dụng người có đức, có tài; là Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, còn trong độ tuổi theo quy định và đủ sức khoẻ để đảm đương nhiệm vụ.

Trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn, Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII cần có số lượng và cơ cấu hợp lý để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, có tính kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển.

(2) Về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp lần này tiếp tục được tổ chức vào cùng một ngày trên phạm vi cả nước, trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục đẩy mạnh đổi mới toàn diện và đồng bộ, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước mới được ban hành.

Để bảo đảm tổ chức thành công cuộc bầu cử cần phát huy cao độ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; sự hưởng ứng, tích cực tham gia, phát huy đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân của cử tri cả nước.

Tiêu chuẩn người ứng cử, đề cử bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp phải căn cứ vào tiêu chuẩn được quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, và tiêu chuẩn cán bộ được quy định trong các nghị quyết, quy định của Đảng.

Quy trình đề cử, ứng cử; việc phân bổ người ứng cử đại biểu Quốc hội do Trung ương giới thiệu; việc thẩm định hồ sơ người tự ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; việc tuyên truyền, vận động bầu cử; giải quyết khiếu nại, tố cáo… Đối với các trường hợp tự ứng cử, cũng phải có quy trình thật chặt chẽ, đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật. Quy định rõ việc gì được làm, việc gì không được làm trong vận động bầu cử; tránh tình trạng "vận động" không lành mạnh.

 (3) Về việc phân bổ đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Trung ương nhất trí cao với những nguyên tắc và các căn cứ phân bổ đại biểu và dự kiến số lượng phân bổ đại biểu đối với các đảng bộ trực thuộc Trung ương và giao Bộ Chính trị quyết định cụ thể việc phân bổ đại biểu. Các đảng bộ trực thuộc cần thực hiện nghiêm túc các quyết định của Trung ương, lựa chọn các đại biểu thực sự xứng đáng, tiêu biểu, đại diện cho đảng bộ của mình dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

(4) Về kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2019

 Ban Chấp hành Trung ương tán thành Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2019; đánh giá cao công tác chuẩn bị, quá trình tiến hành và kết quả kiểm điểm; cho rằng việc kiểm điểm đã được tiến hành nghiêm túc, cầu thị, đúng nguyên tắc. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã luôn bám sát các quan điểm, đường lối nêu trong Cương lĩnh, Chiến lược, Nghị quyết Đại hội toàn quốc của Đảng và tình hình thực tiễn để kịp thời có những chủ trương, quyết sách đúng đắn, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực về đối nội và đối ngoại. Đồng thời, chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong lãnh đạo, chỉ đạo; hoan nghênh việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư nghiêm túc tự phê bình và phê bình, thẳng thắn nhận khuyết điểm trước Trung ương về những việc còn chưa làm được.

 (5) Về công tác nhân sự

Thực hiện Kế hoạch số 11-KH/TW ngày 06/11/2018 của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã tiến hành ghi phiếu giới thiệu nhân sự quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIII theo đúng quy định của Đảng. Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung 2 Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII. Cũng tại Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với đồng chí Nguyễn Văn Hiến, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

2. Một số giải pháp đấu tranh ngăn chặn thông tin sai lệch, xuyên tạc trên mạng internet hiện nay

Thời gian gần đây, nhất là khi các tổ chức Đảng đang chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” một cách toàn diện, trong đó tập trung vào các lĩnh vực tư tưởng chính trị, kinh tế, pháp luật, quốc phòng, an ninh, nguyên tắc tổ chức, cán bộ, công tác nhân sự đại hội… Điều đáng quan tâm là, người dùng mạng có tâm lý cho rằng các trang mạng xã hội là nơi để thể hiện quan điểm cá nhân một cách thoải mái mà không phải suy nghĩ gì, khiến thông tin xấu, độc, thông tin chưa được kiểm chứng được chia sẻ, lan truyền một cách khó kiểm soát. Đó chính là nguyên nhân khiến nhiều người đã vô tình tham gia cổ xúy cho cái xấu, cái sai, bất chấp hậu quả tai hại của nó đối với đạo đức xã hội, đối với sự phát triển của đất nước. Bên cạnh đó, các phần tử xấu thường xuyên giả mạo trang thông tin của các cơ quan công quyền, tự ý lập ra những website và blog “tự xưng” là trang thông tin cá nhân cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Quân đội, Công an và một số bộ, ngành, thành phố trực thuộc Trung ương. Các trang này được chúng chuyển tải tin tức với nhiều chuyên mục giật gân, câu khách, bố cục được thiết kế rõ ràng, kèm theo ảnh minh họa nên các trạng mạng mạo danh này mới thoạt nhìn giống trang thông tin thật, thu hút sự tìm kiếm của người đọc...

Vì vậy, để nâng cao hiệu quả đấu tranh ngăn chặn thông tin sai lệch, xuyên tạc trên mạng internet, các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

(1) Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung các văn bản pháp luật về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội.

(2) Chủ động, kịp thời cung cấp thông tin chính thống một cách đầy đủ, toàn diện; chỉ âm mưu, thủ đoạn mới của các thế lực thù địch, các đối tượng xấu trên internet và mạng xã hội. Bồi dưỡng nâng cao năng lực nhận diện thông tin sai lệch, xuyên tạc, có ý thức tự phòng vệ và ý thức ngăn chặn, phòng chống, đấu tranh phản bác thông tin thông tin sai lệch, xuyên tạc.

(3) Đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước việc chuẩn bị, tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng; phát huy vai trò của báo chí trong đấu tranh phản bác thông tin sai lệch, xuyên tạc; phát huy vai trò của các blogger, của mỗi người trong đấu tranh trực diện với các quan điểm sai trái, thù địch.

(4) Tăng cường công tác nắm bắt tình hình dư luận xã hội để làm tốt hơn nữa công tác định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Các cơ sở giáo dục đưa nội dung giáo dục an ninh mạng vào chương trình dạy học phù hợp với ngành học, cấp học. Các bậc cha mẹ học sinh cần có biện pháp quản lý chặt chẽ khi con em mình tham gia mạng xã hội, có những tác động điều chỉnh khi cần thiết.

(5) Tăng cường công tác quản lý an ninh mạng, cung cấp đầy đủ thông tin về nguy cơ từ internet và mạng xã hội, các biện pháp phòng, chống, ngăn chặn các tin tức sai lệch, xuyên tạc. Chủ động nghiên cứu, xây dựng những cơ chế, chính sách phù hợp để tiếp tục phát triển internet và mạng xã hội đúng hướng, lành mạnh; kịp thời bóc gỡ những website, blog, facebook, fanpage giả mạo và xử lý nghiêm khắc những kẻ cố tình tung tin thất thiệt, chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng.

III- HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI, TIN THẾ GIỚI

1. Việt Nam kiên quyết phản đối các hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông

Thời gian vừa qua, trong lúc cả thế giới tập trung chống dịch Covid-19 thì Trung Quốc gia tăng các hành động phi pháp ở Biển Đông, cụ thể:

- Ngày 18/4/2020, Trung Quốc ngang nhiên công bố thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) trực thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa”.

Ngày 19/4/2020, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã lên tiếng phản đối: "Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, huỷ bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai".

- Ngày 19/4/2020, chính quyền Trung Quốc đã công bố cái gọi là “danh xưng tiêu chuẩn” cho 80 thực thể ở biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc ngang nhiên đặt tên cho các thực thể này, phía Trung Quốc còn công bố thêm kinh độ, vĩ độ của chúng. Đáng chú ý, trong những thực thể này, có những bãi cạn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, có điểm chỉ cách bờ biển Việt Nam chưa đầy 60 hải lý hoặc đường cơ sở Việt Nam khoảng 50 hải lý.

Trước sự việc trên, trong cuộc họp báo Thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều ngày 23/4/2020, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng đã khẳng định: “Việt Nam đã nhiều lần khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời có quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Mọi hành vi phương hại đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng biển của mình đều vô giá trị, không được công nhận và Việt Nam kiên quyết phản đối”.

- Ngày 01/5/2020, Trung Quốc ban hành thông báo cấm đánh bắt cá ở Biển Đông từ ngày 01/5 - 16/8/2020 và triển khai biện pháp thực thi thông báo này.

Trước hành động nêu trên của Trung Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

“Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế. Là quốc gia ven Biển Đông và thành viên Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán tại các vùng biển của mình được xác lập phù hợp Công ước đồng thời cũng được hưởng các quyền lợi hợp pháp khác trên biển theo quy định của Công ước. Việt Nam bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc. Trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay, Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông”.

2. Tác động việc giá dầu giảm ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới và Việt Nam

Từ đầu năm 2020, nhất là sau khi bùng phát dịch Covid-19, giá dầu liên tục giảm. Giá dầu tại Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử giảm xuống dưới 0 USD/thùng trong bối cảnh các tập đoàn khai thác dầu xả hàng tồn kho (do dư cung quá lớn và hết công suất tích trữ) trong khi các nhà máy lọc dầu không thể nhập thêm dầu thô để sản xuất vì sản phẩm xăng dầu (đầu ra) không bán được.

Sự sụt giảm mạnh của giá dầu thế giới từ đầu năm 2020 đến nay đã tác động đến kinh tế thế giới và Việt Nam.

1. Đối với thế giới

Về kinh tế: Giá dầu giảm thấp hỗ trợ ổn định, tăng trưởng kinh tế ở nhiều nước. Giá dầu thấp giúp giảm đáng kể chi phí nhập khẩu năng lượng, đầu vào sản xuất, nhờ đó tạo thuận lợi cho nhiều nền kinh tế, nhất là các nền kinh tế lớn vốn đang đình trệ hoặc suy thoái do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 (như Trung Quốc, EU, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc...), có thêm dư địa chính sách và nguồn lực để chống dịch bệnh, kích thích kinh tế quy mô lớn để chống suy thoái kinh tế.

Về chính trị, an ninh: Giá dầu giảm sâu trước mắt thúc đẩy hợp tác, thỏa hiệp giữa Mỹ, Nga và OPEC (Ả-rập Xê-Út) bởi các nước này hiện “song trùng lợi ích” trong việc giữ ổn định và thúc đẩy giá dầu tăng. Tuy nhiên về lâu dài, cạnh tranh sẽ quyết liệt hơn do nguồn cung còn dồi dào, trong khi nhu cầu dầu thế giới tăng chậm và tiến tới giảm.

2. Đối với Việt Nam

- Mặt thuận: (1) Giá dầu thấp là yếu tố thuận lợi cho sản xuất và tiêu dùng. Giá dầu thấp giúp giảm gánh nặng lên người tiêu dùng, tiết kiệm chi phí đầu vào sản xuất trong nước, từ đó giảm sức ép lạm phát, mở rộng hơn dư địa cho cả Chính phủ, doanh nghiệp và người dân để ưu tiên nguồn lực cho chống dịch Covid-19 và phục hồi sản xuất, tiêu dùng trong và sau khi dịch bệnh chấm dứt; (2) Tạo cơ hội tăng dự trữ chiến lược quốc gia về dầu thô và sản phẩm xăng dầu với chi phí thấp hơn; (3) Tạo cơ hội tăng nhập khẩu dầu với chi phí nhập khẩu thấp cho các nhà máy lọc hóa dầu trong nước, từ đó giảm dần nhập khẩu, tiến tới đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu chế phẩm xăng dầu; (4) Tranh thủ cơ hội thúc đẩy hợp tác với các đối tác để đa dạng hóa nguồn cung và cơ cấu năng lượng.

Mặt không thuận: (1) Giảm thu dầu thô tác động đến thu ngân sách, nhất là trong bối cảnh cân đối ngân sách đang gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19; (2) Hoạt động khai thác dầu khí của các doanh nghiệp Việt Nam cả trong nước và nước ngoài chịu nhiều tác động, đặc biệt là các dự án, mỏ dầu có chi phí khai thác cao; (3) Làm giảm giá thành chế phẩm xăng dầu, do đó thúc đẩy nhập khẩu chế phm xăng dầu, tăng sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp lọc hóa dầu trong nước; (4) Thúc đẩy các tập đoàn quốc tế đánh giá lại, thậm chí có thể điều chỉnh kế hoạch triển khai một số dự án đang hợp tác với Việt Nam về thăm dò, khai thác dầu khí trên Biển Đông, nhất là các dự án có chi phí đầu tư và rủi ro cao./.

                                            Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp