Xuất bản thông tin

null Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 02 năm 2023

Trang chủ Tài liệu sinh hoạt chi bộ

Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 02 năm 2023

PHẦN A: SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

Ban Biên tập xin giới thiệu tóm tắt nội dung bài viết: "Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng" của PGS. TS. Đỗ Xuân Tuất, Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng; Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đăng trên Tạp chí Tuyên giáo, mục Theo gương Bác.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, luôn quan tâm chăm lo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhằm làm cho Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, đủ sức đảm đương sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành những thắng lợi vẻ vang. Theo Người, việc thực hiện đúng đắn nguyên tắc tập trung dân chủ có vai trò, ý nghĩa quyết định đối với công tác tổ chức và chế độ hoạt động, lãnh đạo của Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng: "Xây dựng Đảng, có ba mặt: Tư tưởng, chính trị và tổ chức" - "đó là đường lối xây dựng Đảng". Cùng với ba mặt đó, Người rất coi trọng xây dựng Đảng về mặt đạo đức. Trong hệ quan điểm về xây dựng Đảng, Người nhấn mạnh việc thực hiện các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, trong đó có nguyên tắc tập trung dân chủ. Trong công tác tổ chức và hoạt động của Đảng, khi thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, Người lưu ý, mọi đảng viên phải tuân theo kỷ luật của Đảng, cá nhân phải phục tùng tổ chức, bộ phận phải phục tùng toàn thể, số ít phục tùng số nhiều, cấp dưới phục tùng cấp trên, địa phương phục tùng Trung ương, tất cả đảng viên phải phục tùng vô điều kiện nghị quyết của Đảng.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, trí tuệ của Đảng phải là trí tuệ tập thể, khi bàn bạc, thảo luận, thành nghị quyết, phải có một người hoặc nhóm người phụ trách thì công việc mới chạy. Vì sao cần phải có tập thể lãnh đạo? Người giải thích: Vì một người dù khôn ngoan tài giỏi mấy, dù nhiều kinh nghiệm đến đâu, cũng chỉ trông thấy, chỉ xem xét được một hoặc một số mặt của một vấn đề, không thể trông thấy và xem xét tất cả mọi mặt của một vấn đề. "Vì vậy, cần phải có nhiều người. Nhiều người thì nhiều kinh nghiệm. Người thì thấy rõ mặt này, người thì trông thấy rõ mặt khác của vấn đề đó. Góp kinh nghiệm và sự xem xét của nhiều người, thì vấn đề đó được thấy rõ khắp mọi mặt. Mà có thấy rõ khắp mọi mặt, thì vấn đề ấy mới được giải quyết chu đáo, khỏi sai lầm". Vì sao cần phải cá nhân phụ trách? Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng: Cá nhân phụ trách là trên cơ sở bàn bạc kỹ lưỡng và phát huy trí tuệ của tập thể, xây dựng kế hoạch rõ ràng rồi thì giao cho một người hoặc một nhóm người phụ trách thi hành, từ đó gắn trách nhiệm và phát huy vai trò của mỗi cá nhân, bảo đảm cho công việc được triển khai kịp thời và có hiệu quả.

Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của từng tổ chức chính trị đều gắn với mục đích của một giai cấp nhất định. Không có tổ chức chính trị nào lại không có lý tưởng, tư tưởng chỉ đạo và không có nguyên tắc tổ chức nhất định, nếu tổ chức ấy muốn thực hiện thắng lợi mục tiêu, lý tưởng của mình. Vì vậy, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của một tổ chức chính trị cũng chính là phương thức tồn tại, vận động và bảo đảm cho việc thực hiện mục đích, lý tưởng của tổ chức chính trị đó.

VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ NGUYÊN TẮC TẬP TRUNG DÂN CHỦ TRONG TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẢNG HIỆN NAY

Ngay từ khi thành lập và trong suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức, xây dựng và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Tập trung dân chủ là nguyên tắc chỉ đạo trong tổ chức và hoạt động của đảng cộng sản. Chế độ tập trung dân chủ tạo những điều kiện cần thiết để thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, và chế độ đó là nội dung trong nguyên tắc lãnh đạo cao nhất của Đảng. Nguyên tắc tập trung dân chủ cũng được thực hiện trong các cơ quan nhà nước, trong các tổ chức chính trị - xã hội, nơi có các tổ chức đảng lãnh đạo.

Về các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam, các văn kiện, Điều lệ Đảng đề cập và nhấn mạnh "lấy nguyên tắc tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách", đồng thời thực hiện các nguyên tắc: Thực hiện tự phê bình và phê bình, đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng; Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của nước ta hiện nay là rất to lớn, nặng nề, khó khăn, đòi hỏi phải nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Muốn vậy, phải nhận diện cho đúng và kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực hiện các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, trong đó có nguyên tắc tập trung dân chủ. Trong giai đoạn phát triển mới của cách mạng Việt Nam, Đảng nêu cao sự thống nhất ý chí và hành động trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thể hiện sự thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về nguyên tắc tập trung dân chủ trong mọi hoạt động của Đảng. Để Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ mới của cách mạng, việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về nguyên tắc tập trung dân chủ trong mọi hoạt động của Đảng trở nên quan trọng, cấp thiết, là vấn đề then chốt, có ý nghĩa quyết định đến uy tín và năng lực lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng, quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng.

Điều đó đòi hỏi Đảng phải nhận thức sâu sắc hơn nữa tầm quan trọng, giá trị lý luận và thực tiễn của tư tưởng Hồ Chí Minh về nguyên tắc tập trung dân chủ. Trong quá trình lãnh đạo, Đảng cần chú trọng, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền; giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng; nâng cao lập trường, bản lĩnh chính trị, trí tuệ, tính chiến đấu của toàn Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên. Trong quá trình thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, không nên tuyệt đối hóa hay đối lập tập trung với dân chủ, vì đó chỉ là hai mặt không thể tách rời của một nguyên tắc và là "chế độ lãnh đạo của Đảng" như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra. Dân chủ phải có tập trung, dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương mới đem lại hiệu quả thiết thực và tạo ra động lực để thúc đẩy sự phát triển xã hội. Dân chủ càng mở rộng, thì tập trung cũng càng phải cao.

Đi đôi với tăng cường tập trung, phải chú ý thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng; vì "thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn", như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh. Trong điều kiện mới, nhiều vấn đề quan trọng và mới mẻ, phức tạp, thậm chí chưa có tiền lệ đang đặt ra, đòi hỏi phải xử lý. Mọi quyết định chủ quan, độc đoán, duy ý chí đều không tránh khỏi sai lầm, đặc biệt là trong những bước ngoặt của cách mạng vốn đòi hỏi sự tỉnh táo, thận trọng. Để đáp ứng những yêu cầu của thực tiễn, việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đòi hỏi các chủ trương quan trọng đều phải được bàn bạc và quyết định tập thể. Người lãnh đạo phải bình tĩnh, lắng nghe những ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Những ý kiến khác nhau phải được nói hết, nói thẳng và cần trải qua thảo luận dân chủ để đi đến chân lý.

Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác xây dựng Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay là nhiệm vụ then chốt. Trong điều kiện mới, việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng càng phải gắn với yêu cầu thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, theo đúng quy định của Điều lệ Đảng và các nghị quyết của Đảng đã ban hành.

Nguyên tắc tập trung dân chủ đã trở thành một nguyên tắc tổ chức và hoạt động cơ bản của Đảng và của cả hệ thống chính trị; vì vậy, sự tồn tại và phát triển của Đảng và cả hệ thống chính trị gắn bó mật thiết, hữu cơ với việc tuân thủ, củng cố, phát triển nguyên tắc đó. Tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng là di huấn quý báu, là ngọn đèn pha soi đường, trở thành nền tảng tư tưởng, quan điểm chỉ đạo cho công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh hiện nay.

PHẦN B: THÔNG TIN THỜI SỰ

I- TIN TRONG TỈNH

1. Tình hình kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2023

So với tháng trước, trong tháng 01/2023: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước tính 9.945 tỷ đồng, tăng 6,35%; kim ngạch xuất khẩu đạt 108.089 ngàn USD, tăng 0,73%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 58.773 ngàn USD, tăng 0,82%; chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,37%. Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các cơ sở y tế trên địa bàn Tỉnh đẩy mạnh thực hiện các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm. Theo dõi tình hình ngộ độc thực phẩm trên địa bàn, tuyên truyền các thông tin cảnh báo và lên kế hoạch các biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện mất an toàn thực phẩm. Công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 được Tỉnh quan tâm, kịp thời hỗ trợ phù hợp, với tổng kinh phí 53,505 tỷ đồng, cụ thể tính đến ngày 19/01/2023 (nhằm ngày 28 tháng Chạp): Đã trao tặng quà Tết cho 54.306 người có công với cách mạng và gia đình chính sách với tổng kinh phí 19,785 tỷ đồng (trong đó, quà của Chủ tịch nước là 5,277 tỷ đồng); 26.827 hộ nghèo, cận nghèo với tổng kinh phí 12,562 tỷ đồng; 42.686 đối tượng bảo trợ xã hội với tổng kinh phí 21,137 tỷ đồng. Riêng Hội chữ Thập đỏ đã thăm, tặng quà hơn 34.748 lượt đối tượng, với kinh phí 15,31 tỷ đồng. Tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật kỷ niệm các ngày lễ lớn, các nhiệm vụ chính trị của đất nước, của Tỉnh và đón chào năm mới 2023, tạo không khí phấn khởi trong nhân dân. Các địa phương chủ động triển khai công tác tổ chức các sự kiện lễ hội, dàn dựng chương trình nghệ thuật đón giao thừa mừng Đảng - mừng Xuân Quý Mão năm 2023.

2. Cảnh giác với thủ đoạn mới của tội phạm sử dụng công nghệ cao

Theo Công an Tỉnh, thời gian gần đây, các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng, lừa đảo kinh doanh đa cấp, giả danh chuyên gia chứng khoán, thông báo trúng thưởng, giả danh cơ quan pháp luật thông báo vi phạm… nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt, hiện nay xuất hiện thêm thủ đoạn giả danh nhân viên ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, các đối tượng thành lập công ty bình phong, tuyển dụng nhân viên, giao nhiệm vụ gọi điện, mạo danh nhân viên của các ngân hàng, đưa ra thông tin gian dối về việc ngân hàng cho vay từ 10 triệu đồng - 100 triệu đồng với lãi suất 0%, "khách hàng" chỉ phải đóng phí bảo hiểm tiền vay từ 1,7 triệu đồng đến 3,8 triệu đồng, tùy vào số tiền vay.

Sau khi "khách hàng" đồng ý và lựa chọn mức vay, sẽ cung cấp thông tin để làm hợp đồng vay tiền. Sau đó, các đối tượng sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh để chuyển hợp đồng giả, thẻ ngân hàng giả cho nạn nhân, nhân viên chuyển phát nhanh sẽ thu hộ số tiền bảo hiểm tiền vay; sau đó các đối tượng lừa đảo sẽ đến bưu cục chuyển phát nhanh lấy tiền bảo hiểm và chiếm đoạt. Nạn nhân của nhóm đối tượng này thường là những người đã làm thủ tục vay tiền ở các ngân hàng hoặc qua các ứng dụng cho vay trực tuyến (app) nhưng không được xét duyệt vì nhiều nguyên nhân khác nhau như có lịch sử tín dụng xấu, không có nơi cư trú rõ ràng, không có nơi làm việc ổn định… nên khi nhận được điện thoại tư vấn các gói cho vay đã nhanh chóng đồng ý và cung cấp các thông tin cá nhân để làm "hợp đồng vay tiền".

Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn loại tội phạm trên, Công an tỉnh đề nghị các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên và người dân biết để cảnh giác, không trở thành nạn nhân của tội phạm và tích cực tham gia tố giác tội phạm.

3. Triển khai cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 52 năm 2023

Ngày 13/01/2023, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch số: 10/KH-UBND về triển khai cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 52, theo đó, chủ đề cuộc thi năm nay là "Tưởng tượng em là một siêu anh hùng mang sứ mệnh làm cho mọi con đường trên thế giới an toàn hơn với trẻ em. Hãy viết một bức thư cho ai đó để nói về sức mạnh siêu phàm giúp em hoàn thành sứ mệnh của mình".

Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 52 năm 2023 do Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng tổ chức. Đối tượng dự thi là tất cả học sinh Việt Nam dưới 15 tuổi (tính đến thời điểm gửi thư tham dự cuộc thi). Bài thi là một bức thư viết dưới dạng văn xuôi về chủ đề cuộc thi (chưa đăng báo hoặc in sách), dài không quá 800 từ. Nơi nhận bài thi là Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng, số 5, phố Hòa Mã, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội - 11611. Thời gian nhận bài thi đến hết ngày 15/3/2023 (theo dấu Bưu điện).

Kênh thông tin chính thức về Cuộc thi có thể tìm hiểu thêm trên trang Fanpage chính thức của Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU Việt Nam; Website chính thức của Bộ Thông tin và Truyền thông (www.mic.gov.vn - chuyên trang về Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU); Website chính thức của TCT Bưu điện Việt Nam (www.vnpost.vn - Chuyên mục Viết thư UPU); Báo điện tử của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng (www.thieunien.vn).

II- TIN TRONG NƯỚC

1. Một số kết quả công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022; nhiệm vụ trong thời gian tới

- Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2022

+ Về thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng: Việc công khai, minh bạch và thực hiện trách nhiệm giải trình trong tổ chức, hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhất là trong các lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng có chuyển biến tích cực. Theo báo cáo của các bộ, ngành, các địa phương và các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan, năm 2022 có 19 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng (xử lý hình sự 10 người, cách chức 01 người, cảnh cáo 05 người, khiển trách 03 người).

+ Về phòng, chống tham nhũng tại các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chú trọng tăng cường quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước; đã tuyên truyền, tập huấn cho các hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, công ty đại chúng, các tổ chức kinh doanh, dịch vụ chứng khoán… về các quy định pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố…

+ Công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng: Toàn ngành Thanh tra đã triển khai 7.844 cuộc thanh tra hành chính và 195.326 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 24.075 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 89,1%. Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 36.293,5 tỷ đồng.

+ Việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng: Các Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã thụ lý điều tra 687 vụ án, 1.439 bị can phạm tội về tham nhũng. Công tác thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng: Tổng số phải thi hành là 3.973 việc, tương ứng với 89.609 tỷ 972 triệu đồng 

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua còn một số khó khăn, hạn chế: Công tác xây dựng hoàn thiện thể chế trong một số trường hợp còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực vẫn còn thiếu chặt chẽ; một số quy định về quản lý kinh tế - xã hội còn sơ hở, chồng chéo, dễ bị lợi dụng, dễ làm nảy sinh tham nhũng nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung… Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả chưa cao, chưa tạo được sự chuyển biến căn bản về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức và người dân về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

- Phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2023: (1) Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân. (2) Thực hiện nghiêm các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. (3) Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, nhất là các quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn;… (4) Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, thi hành án; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan nhà nước; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng… (5) Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. (6) Phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, cơ quan báo chí, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công

Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Nghị định 104/2022/NĐ-CP hiệu lực từ ngày 01/01/2023, trong đó có một số điểm chú ý sau:

Nghị định bỏ quy định về việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, chủ yếu thuộc nhiều lĩnh vực như: việc làm, bảo hiểm y tế, giáo dục, y tế, đất đai, thuế, nhà ở, nhà ở xã hội, điện lực, nuôi con nuôi… Thay vào đó, khi thực hiện các thủ tục trên, người dân chỉ cần xuất trình một trong các loại giấy tờ: Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân, giấy xác nhận thông tin về cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Nghị định bãi bỏ, thay thế một số cụm từ liên quan tới quy định về sổ hộ khẩu tại các nghị định liên quan tới một số lĩnh vực cụ thể như: Điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; hộ tịch, người có công, bảo trợ xã hội…

Việc khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thực hiện bằng một trong các phương thức sau: Tra cứu, khai thác thông tin cá nhân qua chức năng của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc qua cổng dịch vụ công quốc gia; Tra cứu thông tin cá nhân thông qua tài khoản định danh điện tử của công dân được hiển thị trong ứng dụng VNelD; Sử dụng thiết bị đầu đọc đã được kết nối trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bao gồm thiết bị đọc mã QRCode hoặc thiết bị đọc chip trên thẻ Căn cước công dân gắn chip; Các phương thức khai thác khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành…

III- HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI, TIN THẾ GIỚI

1. Công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta năm 2022

Năm 2022, trước những biến động khó lường của tình hình thế giới, bằng việc kiên định với đường lối đối ngoại theo văn kiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, công tác đối ngoại của Việt Nam đã xử lý thoả đáng các thách thức mới nảy sinh; đạt được nhiều kết quả tích cực.

Chỉ tính riêng trong năm 2022, Việt Nam đã triển khai hơn 15/30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện; gần 70 hoạt động đối ngoại của lãnh đạo chủ chốt cả trực tiếp và trực tuyến; trong đó có 14 đoàn ra và 19 đoàn vào; nhiều văn kiện, thỏa thuận hợp tác cụ thể, thực chất được ký kết nhân các dịp này. Bên cạnh đối ngoại song phương, đối ngoại đa phương tiếp tục đóng góp quan trọng vào việc nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Năm 2022, Việt Nam được quốc tế tín nhiệm bầu vào nhiều tổ chức quốc tế quan trọng như Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77, thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025, Uỷ ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO nhiệm kỳ 2022 - 2026…

Công tác đối ngoại được triển khai đồng bộ trên tất cả các kênh từ đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, ngoại giao Nghị viện, đối ngoại nhân dân; toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Công tác bảo hộ công dân Việt Nam được triển khai nhanh chóng hiệu quả, điển hình là việc sơ tán an toàn hơn 6.000 công dân, kiều bào ta tại Ukraine, đưa về nước khoảng 1.200 công dân bị cưỡng bức lao động tại Campuchia, bảo hộ hàng trăm ngư dân, tàu cá, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân ta ở nước ngoài. Từ đó, tích cực chăm lo cho kiều bào ta ổn định và phát triển, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

2. Một số tình hình thế giới thời gian gần đây

- Thượng viện Mỹ thông qua dự thảo Đạo luật ủy quyền quốc phòng (NDAA). Với 83 phiếu thuận và 11 phiếu chống, dự thảo Đạo luật uỷ quyền quốc phòng (NDAA) hằng năm trị giá 858 tỷ USD được thông qua. Dự luật đưa ra mức chi tiêu cao hơn 45 tỷ USD dành cho quốc phòng so với mức đề xuất của Tổng thống Biden, trong đó phân bổ 817 tỷ USD cho Bộ Quốc phòng và 30 tỷ USD cho Bộ Năng lượng. Dự luật cũng bao gồm các khoản viện trợ quân sự dự định dành cho các quốc gia và vùng lãnh thổ khác, trong đó có 800 triệu USD hỗ trợ an ninh cho Ukraine. Dự luật này còn phân bổ 6 tỷ USD cho "Sáng kiến răn đe châu Âu", một chương trình được khởi xướng vào năm 2014 nhằm tăng cường sự sẵn sàng của quân đội Mỹ ở châu Âu.

- Nga đơn phương ngừng bắn tại Ukraine. Kênh truyền hình quốc gia First Channel của Nga đưa tin lệnh ngừng bắn đơn phương do Tổng thống Vladimir Putin đưa ra đã được thực hiện trên toàn mặt trận ở Ukraine kể từ trưa 06/01/2023 theo giờ Moskva. Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh ngừng bắn tạm thời dọc theo toàn bộ chiến tuyến từ ngày 06 - 07/01/2023, thời điểm lễ Giáng sinh của Chính thống giáo, đồng thời kêu gọi Ukraine có hành động tương tự, Ukraine đã khước từ thực hiện các bước đi tương tự. Ngay sau thông báo của Nga, Phó Tổng Thư ký phụ trách các vấn đề nhân đạo kiêm Điều phối viên cứu trợ khẩn cấp của Liên hợp quốc Martin Griffiths bày tỏ hoan nghênh lệnh ngừng bắn tạm thời do Nga đơn phương công bố ở Ukraine, cho rằng đây là cơ hội để gửi viện trợ nhân đạo tới người dân ở các khu vực xung đột.

                                      Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp