Xuất bản thông tin

null Lịch nghỉ Tết Âm lịch Quý Mão 2023 của ngành Giáo dục

Trang chủ Tab Thông tin

Lịch nghỉ Tết Âm lịch Quý Mão 2023 của ngành Giáo dục

Uỷ ban nhân dân Tỉnh đã có Công văn về việc nghỉ Tết Âm lịch Quý Mão của ngành Giáo dục. Theo đó, các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên nghỉ Tết từ ngày thứ Tư, 18/01/2023 (27 tháng Chạp năm Nhâm Dần) đến hết ngày thứ Bảy, 28/01/2023 (mồng 7 tháng Giêng năm Quý Mão). Nội dung được đề cập trong thông tin công tác khoa giáo kỳ này.

TIN TỨC - SỰ KIỆN

1. Lịch nghỉ Tết Âm lịch Quý Mão 2023 của ngành Giáo dục

Uỷ ban nhân dân Tỉnh vừa có Công văn về việc nghỉ Tết Âm lịch Quý Mão của ngành Giáo dục. Theo đó, công chức, người lao động thuộc Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo nghỉ Tết theo quy định chung của Chính phủ từ ngày thứ Sáu, ngày 20/01/2023 (29 tháng Chạp, năm Nhâm Dần) đến hết ngày thứ Năm, ngày 26/01/2023 (mùng 5 tháng Giêng, năm Quý Mão).

Các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên nghỉ Tết từ ngày thứ Tư, 18/01/2023 (27 tháng Chạp, năm Nhâm Dần) đến hết ngày thứ Bảy, 28/01/2023 (mùng 7 tháng Giêng năm Quý Mão).

Uỷ ban nhân dân Tỉnh yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức triển khai thực hiện; hướng dẫn các đơn vị trực thuộc và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thành phố thực hiện chương trình dạy học theo đúng Khung kế hoạch thời gian năm học 2022 - 2023; chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thành phố hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non tổ chức giữ trẻ trong những ngày trước Tết, trên cơ sở đồng thuận của phụ huynh học sinh.

2. Đồng Tháp xây dựng 03 tình huống phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ

Uỷ ban nhân dân Tỉnh đã ban hành kế hoạch phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ ở người trên địa bàn Tỉnh, nhằm kiểm soát dịch bệnh kịp thời, không để bùng phát dịch. Kế hoạch đề ra 03 tình huống: Tình huống 1, chưa ghi nhận trường hợp bệnh tại Tỉnh; tình huống 2, xuất hiện các trường hợp bệnh xâm nhập vào Tỉnh; tình huống 3, dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Đối với tình huống 1, Sở Y tế chỉ đạo giám sát chặt chẽ hành khách người dân qua lại khu vực biên giới, cửa khẩu, thực hiện việc kiểm tra sàng lọc nhằm phát hiện các trường hợp nghi ngờ, xác định mắc bệnh Đậu mùa khỉ đặc biệt lưu ý các trường hợp  đến, ở, về từ vùng có ổ dịch Đậu mùa khỉ; nâng cao năng lực, đẩy mạnh giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng và tại các cơ sở khám, chữa bệnh để phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ, đặc biệt tại các cơ sở khám phụ khoa, da liễu và các cơ sở khám, chữa bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng khám, tư vấn cho nhóm đối tượng nam quan hệ tình dục đồng giới.

Các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, khu vực cách ly, giường bệnh; tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân; thiết lập các bệnh viện, khu cách ly ban đầu để tiếp nhận các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu, mạng lưới thu dung điều trị bệnh nhân.

Đối với tình huống 2, tăng cường giám sát các trường hợp nghi ngờ, có triệu chứng, có yếu tố dịch tễ liên quan, tăng cường lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh để xét nghiệm nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, triển khai các biện pháp khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch khi xuất hiện trường hợp bệnh đầu tiên, không để lan rộng; bố trí khu vực riêng để điều trị bệnh nhân; khu vực cách ly được chia thành ba đơn nguyên: Bệnh nhân nghi ngờ, bệnh nhân đã được chẩn đoán xác định và khu lưu bệnh trước khi xuất viện.

Đối với tình huống 3, triển khai các biện pháp khoanh vùng, thiết lập vùng hạn chế theo quy định, xử lý triệt để ổ dịch mới; thực hiện việc giám sát trường hợp bệnh, điều tra và theo dõi chặt chẽ các trường hợp tiếp xúc; thực hiện phân loại người bệnh theo mức độ nặng để điều trị theo phân tuyến phù hợp, hạn chế di chuyển người bệnh; các cơ sở y tế chủ động triển khai kế hoạch mở rộng việc thu dung, điều trị bệnh nhân, phương án tự cách ly điều trị tại nhà, huy động các khoa lâm sàng và các bộ phận hỗ trợ tham gia.

3. Tiếp tục bảo đảm kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả

Mục tiêu chung của Kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Tỉnh đó là tiếp tục bảo đảm kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả, kiểm soát tốc độ lây lan trong cộng đồng, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp bệnh nặng, tử vong do Covid-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, để thực hiện mục tiêu bảo đảm đạt tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng Covid-19, Tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm mũi 4 cho các đối tượng có nguy cơ cao; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; bảo đảm đủ nhu cầu vắc xin cho các đối tượng, hạn chế xảy ra việc thiếu vắc xin trên địa bàn Tỉnh.

Về kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19, Kế hoạch đặt ra mục tiêu: Tất cả các cấp chính quyền có kịch bản phòng, chống dịch Covid-19; mọi người dân tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp; các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm và cập nhật, báo cáo kết quả đánh giá; hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong do Covid-19.

Cùng với đó là nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở; tăng cường đầu tư trang thiết bị cơ sở y tế, có các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp với những người làm nhiệm vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở; tăng cường chất lượng cấp cứu và hồi sức tích cực ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến.

Bên cạnh đó, tất cả đối tượng dễ bị tổn thương như: Người cao tuổi, người có bệnh nền, người khuyết tật, phụ nữ mang thai, người không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, nhóm lao động di cư tạm trú tại Tỉnh đều được bảo đảm tiếp cận các dịch vụ y tế.

Về công tác thông tin, truyền thông phục vụ công tác phòng, chống dịch, Tỉnh chủ động trong định hướng dư luận; bảo đảm người dân được thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời về các biện pháp phòng, chống dịch để người dân hiểu, đồng thuận, tạo niềm tin xã hội trong tổ chức triển khai thực hiện.

Bảo đảm vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống của nhân dân; 100% người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của cơ quan có thẩm quyền; 100% các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chủ động thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch phù hợp; 100% các cơ sở giáo dục đào tạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch an toàn; tổ chức dạy học phù hợp theo tình hình dịch bệnh.

Kế hoạch này được triển khai thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2023. Tùy theo diễn biến tình hình dịch bệnh, sẽ được tiếp tục cập nhật, bổ sung, điều chỉnh, sửa đổi kịp thời, phù hợp với chỉ đạo và hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Y tế và tình hình dịch bệnh trên địa bàn Tỉnh.

4. Giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng

Uỷ ban nhân dân Tỉnh vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình "Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng giai đoạn 2022 - 2030" trên địa bàn Tỉnh.

Chương trình đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, có trên 100% cán bộ đoàn, hội, đội, đoàn viên, hội viên và 90% thanh niên, thiếu niên được tuyên truyền và tích cực thực hiện Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội; 100% cán bộ đoàn, đoàn viên học tập các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương mới của Đảng, của Đoàn thông qua các nền tảng số của Đoàn; trên 90% thanh niên sử dụng và tương tác thường xuyên với ứng dụng di động "Thanh niên Việt Nam"; 100% cán bộ làm công tác thanh niên, thiếu niên và nhi đồng được bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới, nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ, phương pháp tuyên truyền, giáo dục, đấu tranh trên không gian mạng...

Để đạt được các mục tiêu trên, Chương trình đề ra 07 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: Tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến không gian mạng, an toàn thông tin trên môi trường mạng, về chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, công dân số và những vấn đề thanh niên, xã hội quan tâm; tăng cường công tác phối hợp, tiến hành rà soát và yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân liên quan áp dụng biện pháp phù hợp xử lý các kênh thông tin có nội dung tiêu cực, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, kích động, tác  động xấu đến thanh niên, thiếu niên, nhi đồng theo đề nghị của cơ quan chức năng có thẩm quyền; triển khai hiệu quả Cuộc vận động "Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp" trên không gian mạng...

5. Bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục

Uỷ ban nhân dân Tỉnh có công văn gửi các đơn vị liên quan về việc tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn Tỉnh.

Theo đó, Uỷ ban nhân dân Tỉnh yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức,  trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục, học sinh, học viên, sinh viên và phụ huynh về bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm; kiểm soát chặt nguồn gốc thực phẩm và các khâu: Chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tăng cường vệ sinh phòng, chống các bệnh truyền nhiễm trong cơ sở giáo dục; chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh, nhất là trong thời điểm giao mùa, nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao.

Sở Y tế tăng cường công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm trên địa bàn Tỉnh; tổ chức tuyên truyền, tập huấn công tác an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh, công tác y tế trường học theo quy định; tổ chức kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục.

Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp kiểm soát chặt quy định về an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại... để bảo đảm an toàn sức khoẻ người tiêu dùng.

Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn  thực phẩm trên địa bàn; chỉ đạo các ban, ngành của địa phương phối hợp tổ chức tuyên truyền, tập huấn công tác an toàn thực phẩm, nhất là trong các cơ sở giáo dục.

6. Quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ kho lạnh bảo quản thực phẩm

Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ kho lạnh bảo quản thực phẩm trên địa bàn Tỉnh, Uỷ ban nhân dân Tỉnh vừa có công văn về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ kho lạnh bảo quản thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm; trong đó,  yêu cầu các sở, ngành tỉnh, uỷ ban nhân dân huyện, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số: 370/KH-UBND của Uỷ ban nhân dân Tỉnh về triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn Tỉnh và các văn bản liên quan.

Các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương; Công an Tỉnh, Cục Quản lý thị trường Tỉnh và uỷ ban nhân dân huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, nhất là đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ kho lạnh bảo quản thực phẩm, yêu cầu ký cam kết chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; phối hợp thanh tra, kiểm tra, nhằm phát hiện xử lý nghiêm đối với các kho lạnh dùng để tập kết, kinh doanh, tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, các đơn vị nêu trên phối hợp với các ngành có liên quan tăng cường tuyên truyền, vận động các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm, nhất là bếp ăn tập thể tại các trường học, doanh nghiệp... không mua bán, chế biến, sử dụng các mặt hàng thực phẩm là sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm, tuyên truyền nâng cao kiến thức cho người dân về tiêu dùng thực phẩm an toàn.

Công an Tỉnh triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, khởi tố các trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm, để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật; đồng thời, tăng cường phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan, tiến hành thanh tra, kiểm tra, nhằm phòng, chống hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực này.

Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn Tỉnh chưa xảy ra vụ việc ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, lực lượng chức năng Công an Tỉnh đã phát hiện 27 trường hợp vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.

7. Triển khai quyết liệt, đồng bộ giải pháp phòng, chống bệnh Cúm gia cầm

Uỷ ban nhân dân Tỉnh có công văn về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm, yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với uỷ ban nhân dân huyện, thành phố chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra giám sát các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh Cúm gia cầm và báo cáo Uỷ ban nhân dân Tỉnh chỉ đạo kịp thời.

Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế cân đối, đề xuất bố trí kinh phí dự phòng chống dịch, dự phòng kinh phí mua vắc xin, vật tư, hóa chất tiêu độc khử trùng, trang thiết bị phục vụ tiêm phòng bao vây và chống dịch; hướng dẫn trình tự thủ tục thanh toán, quyết toán kinh phí theo quy định.

Sở Y tế tăng cường chỉ đạo giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm Cúm gia cầm để kịp thời cứu chữa; chủ động phương án cách ly, khoanh vùng, xử lý triệt để, tránh để dịch bệnh lây lan khi phát hiện có người nghi mắc bệnh; chủ động dự phòng đủ cơ sở trang thiết bị y tế, thuốc và hoá chất cần thiết phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp, Báo Đồng Tháp phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đoàn thể có liên quan tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về sự nguy hiểm của bệnh Cúm gia cầm; hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học và phổ biến chính sách hỗ trợ trong chăn nuôi.

Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, uỷ ban nhân dân cấp xã trên địa bàn củng cố lực lượng phản ứng nhanh tại cấp cơ sở, tập trung chỉ đạo phòng ngừa và khống chế dịch bệnh Cúm gia cầm hiệu quả nhất; trường hợp nếu xảy ra dịch bệnh Cúm gia cầm phải xử lý nhanh, gọn, tiêu huỷ theo quy định, không để lây lan trên diện rộng, thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin dịch bệnh động vật của người dân trên địa bàn; đặc biệt đối với đàn gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh, nghi mắc bệnh Cúm gia cầm tại địa bàn có nguy cơ cao, khẩn cấp thực hiện theo hướng dẫn của ngành chuyên môn, trong công tác xác định nguyên nhân gây bệnh, kịp thời cảnh báo, xử lý, tiêu huỷ theo quy định.

8. Ký kết phối hợp về nuôi dạy trẻ em có người thân mất do Covid-19

Vừa qua, tại Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu niên Tỉnh diễn ra lễ ký kết giữa Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Đồng Tháp với Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Hy Vọng (Tập đoàn FPT) về việc nuôi dạy trẻ em có người thân mất do Covid-19. Thời hạn hợp tác là 12 năm, bắt đầu từ ngày 01/12/2022 đến hết ngày 01/12/2034.

Theo nội dung ký kết, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Đồng Tháp sẽ tập hợp thông tin các gia đình học sinh và phối hợp tạo điều kiện cho Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Hy Vọng tiếp cận các học sinh đáp ứng yêu cầu tuyển sinh; tổ chức đưa đón học sinh từ Đồng Tháp đến Sân bay Cần Thơ và ngược lại trong suốt quá trình học; đồng hành cùng học sinh trong các kỳ nghỉ hè, nghỉ Tết để hỗ trợ cho học sinh tốt nhất.

Phía Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Hy Vọng sẽ thực hiện tuyển chọn các học sinh đạt các yêu cầu theo Quy chế tuyển sinh, thực hiện thủ tục tiếp nhận và tiếp đón học sinh nhập học.

Học sinh Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Hy Vọng từ khối 1 đến 12 được tài trợ 100% chi phí học tập, ăn ở và sinh hoạt tại trường. Trường Hy Vọng dự kiến đón, nuôi dạy nội trú và đào tạo tối đa 1.000 em học sinh trên toàn quốc trong độ tuổi từ 6 đến 18 tuổi có hoàn cảnh khó khăn và bị mất cha mẹ do dịch Covid-19, đến khi các em trưởng thành.

Trong khuôn khổ buổi ký kết, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn, Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Hy Vọng trao tặng 54 suất học bổng cho các em có người thân mất do đại dịch Covid-19.

Được biết, tháng 9/2021, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT khởi xướng ý tưởng xây dựng ngôi trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông mang tên Hy Vọng dành cho trẻ mất cha mẹ vì đại dịch, mong muốn tạo ra môi trường để các em được chăm sóc, học tập, trưởng thành và góp phần xây dựng đất nước.

9. Đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội trên địa bàn Tỉnh

Chiều ngày 07/12/2022, Đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương làm Trưởng đoàn có buổi khảo sát kết quả tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Tiếp đoàn công tác có đồng chí Lê Thị Kim Loan - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp cùng đại diện lãnh đạo sở, ngành Tỉnh.

Tính đến ngày 31/10/2022, toàn tỉnh Đồng Tháp có 124.192 người tham gia BHXH, tăng 27.944 người so với năm 2018; 94.292 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tăng 14.968 người so với năm 2018. Tổng số người tham gia BHXH tự nguyện tính đến tháng 10/2022 là 20.473 người, tăng 17.036 người, tăng gần 6 lần so với năm 2018, đạt 2,36% lực lượng lao động.

Thời gian qua, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp còn đẩy mạnh thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng. Đến nay, tổng số người chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng đạt 69,88%; chế độ BHXH một lần đạt 93,23%; trợ cấp thất nghiệp đạt 94,77%...

Để đạt được những kết quả đáng ghi nhận, thời gian qua, các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, quán triệt thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW nghiêm túc, bám sát hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh; việc xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết được các cấp, các ngành thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị. Đồng thời, sự phối hợp giữa các ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương với ngành BHXH, ngành lao động thương binh - xã hội trong quá trình triển khai, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW được chặt chẽ, kịp thời.

Bên cạnh đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ cũng chú trọng tổ chức phổ biến, tuyên truyền Nghị quyết đến các tầng lớp nhân dân. Trong đó, các cấp uỷ đảng chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong Tỉnh tổ chức phổ biến, tuyên truyền Nghị quyết số 28-NQ/TW cho đoàn viên, hội viên tại các kỳ sinh hoạt chi hội, tổ hội, chi đoàn, tổ nhân dân tự quản... Công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp được đẩy mạnh và duy trì thường xuyên. Phương thức tuyên truyền linh hoạt phù hợp với từng đối tượng, từng giai đoạn, làm thay đổi được nhận thức của người dân, người lao động về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, từ đó tích cực tham gia…

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Thu Hoài - Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW trên địa bàn Tỉnh. Đặc biệt là vai trò chủ động tham mưu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp trong công tác tuyên truyền cũng như tham gia, phối hợp trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW. Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu, thời gian tới, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp cần tăng cường định hướng tuyên truyền về mục tiêu Nghị quyết số 28-NQ/TW bám sát vào những nội dung cải cách và giải pháp. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các chương trình phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW và các chính sách BHXH liên quan. Trong đó, tập trung phân tích sâu sắc những tác động của Nghị quyết số 28-NQ/TW và các chính sách giúp người dân hiểu rõ về lợi ích của chính sách, từ đó tích cực tham gia các loại hình BHXH, nhất là BHXH tự nguyện…

10. "Hiến giọt máu đào - Trao đời sự sống"

Đó là thông điệp của Kế hoạch thực hiện Chiến dịch vận động hiến máu tình nguyện (HMTN) dịp Tết và Lễ hội Xuân hồng năm 2023 do Ban Chỉ đạo vận động HMTN Tỉnh vừa ban hành.

Chiến dịch diễn ra trong 2 tháng (từ ngày 25/12/2022 -  25/02/2023), với chỉ tiêu: Toàn Tỉnh vận động ít nhất 3.000 người đăng ký HMTN, đạt khoảng 2.740 đơn vị máu. Riêng, Ngày hội Xuân hồng năm 2023 tổ chức tại Tỉnh, thực hiện vận động ít nhất 400 người đăng ký HMTN; vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các sở, ban, ngành tỉnh và các công ty, xí nghiệp trong toàn Tỉnh tham gia HMTN; vận động ít nhất 240 người hiến máu dự bị; huy động 400 tình nguyện viên tham gia vận động HMTN; mỗi huyện, thành phố vận động có ít nhất 20 người HMTN dự bị để sẵn sàng hiến máu trong những ngày Tết Nguyên đán năm 2023 khi có yêu cầu.

Hội Chữ thập đỏ Tỉnh - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo HMTN Tỉnh chủ trì, phối hợp với thành viên Ban Chỉ đạo HMTN Tỉnh, Ban Chỉ đạo HMTN cấp huyện và đơn vị liên quan tổ chức thực hiện kế hoạch; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông trong việc thông tin, tuyên truyền về HMTN trên địa bàn Tỉnh; tổ chức các hoạt động truyền thông cấp tỉnh; mời gọi các tổ chức, doanh nghiệp tham gia hưởng ứng thực hiện kế hoạch...

Kế hoạch nhằm tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân có đủ sức khỏe tích cực hưởng ứng tham gia HMTN trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023; từng bước tạo dựng nét đẹp văn hóa "Hiến máu cứu người" vào dịp đầu Xuân mới.

11. Vận động, tuyển chọn 150 lao động đi làm việc tại Nhật Bản

Uỷ ban nhân dân Tỉnh đã ban hành Kế hoạch vận động, tuyển chọn lao động đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn tại Nhật Bản đợt 3 năm 2022. Theo đó, Đồng Tháp sẽ tuyển 150 lao động. Đơn vị tuyển dụng là Tập đoàn Something, Tập đoàn Sanyo Air Service và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sen Đại Dương. Ngành nghề tuyển dụng gồm: In ấn, đóng sách, địa chất, sắp xếp hành lý mặt đất tại sân bay.

Điều kiện đăng ký là nam, nữ có độ tuổi từ 18 - 30 tuổi; nam cao 1m60, nặng 55 kg, nữ cao 1m48, nặng 45 kg; học vấn từ lớp 9 trở lên; có sức khỏe tốt. Hợp đồng làm việc 3 năm, thu nhập bình quân 28 triệu đồng/tháng trở lên.

Đối tượng vận động là lao động ở các xã, phường, thị trấn có nhu cầu đi làm việc tại Nhật Bản; lao động là người mất việc, chưa có việc làm ổn định, học sinh  đã tốt nghiệp trung học phổ thông; học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học chưa có việc làm; quân nhân xuất ngũ...

Đăng ký từ 7 giờ, ngày 21/12/2022, tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm Tỉnh (Số 04, đường Nguyễn Thái Học, Phường Hòa Thuận, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp).

12. Diễn đàn khuyến nông và nông nghiệp

Ngày 01/12/2022 Hội Làm vườn Việt Nam (VACVINA) phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Hội Làm vườn tỉnh Đồng Tháp tổ chức Diễn đàn khuyến nông và nông nghiệp với chủ đề: Ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết chuỗi giá trị cây ăn trái vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu nội tiêu và xuất khẩu.

Đến dự có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam và gần 200 đại biểu đại diện bà con nhà vườn ở các Hội quán, Tổ hợp tác, Hội Làm vườn, Hợp tác xã của các tỉnh: Đồng Tháp, Hậu Giang, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long.

Diễn đàn các đại biểu được nghe đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Hội Làm vườn tỉnh Đồng Tháp, Cục Bảo vệ thực vật, Viện Cây ăn quả miền Nam, Hợp tác xã Mỹ Phong tỉnh Tiền Giang thông tin về: Xuất khẩu rau quả Việt Nam thực trạng và triển vọng, kinh nghiệm tổ chức hoạt động của các "Hội quán" trong sản xuất, tiêu thụ nông sản tại Đồng Tháp; hướng dẫn thủ tục, hồ sơ đăng ký cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trái cây phục vụ xuất khẩu tại vùng đồng bằng sông Cửu Long; hướng dẫn sử dụng một số tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm trong sản xuất, sơ chế, bảo quản trái cây vùng đồng bằng sông Cửu Long; phát triển các mô hình sản xuất, tiêu thụ trái cây theo GAP tại tỉnh Tiền Giang.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu quan tâm đến một số vấn đề như: Vấn đề xử lý rải vụ thanh long, biện pháp ủ phân hữu cơ từ những cành cắt, chiết của cây thanh long, quy hoạch vùng trái cây cần tập trung để dễ dàng trong canh tác và thu hoạch, cách thức kiểm soát chất lượng sản phẩm đối với từng xã viên của Hợp tác xã; liên kết để tiêu thụ trái cây cho người dân…

Diễn đàn đã thành công tốt đẹp đạt được mục tiêu đã đề ra là tuyên truyền, phổ biến thông tin, kiến thức cho người dân trong Vùng về hiện trạng sản xuất, tiêu thụ trái cây, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các chủ trương, chính sách, giải pháp, các tiến bộ khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi giá trị nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất cây ăn trái theo hướng an toàn, hiệu quả, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu và chủ động hội nhập các thị trường quốc tế để đạt hiệu quả cao, bền vững.

CHÍNH SÁCH - VĂN BẢN

1. Quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp

Ngày 26/10/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số: 88/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, phạt tiền từ 3.000.000 triệu đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Không tổ chức giảng dạy theo kế hoạch đào tạo, tiến độ đào tạo, thời khóa biểu, kế hoạch giảng dạy, sổ giáo án; không tổ chức giảng dạy đúng cấu trúc thời gian đào tạo lý thuyết, thời gian đào tạo thực hành của từng môn học, mô đun trong chương trình đào tạo. Đối với hành vi tổ chức cho người học bảo vệ khóa luận tốt nghiệp không đủ điều kiện theo quy định bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi làm bài hộ thí sinh hoặc trợ giúp thí sinh làm bài. Ngoài ra, hành vi xét công nhận tốt nghiệp cho người học khi chưa đủ điều kiện tốt nghiệp theo quy định bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Đáng chú ý, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác hoặc cho người khác sử dụng văn bằng, chứng chỉ của mình; Sử dụng văn bằng, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung. Đối với hành vi bố trí số lượng người học vượt quá quy mô lớp học bị phạt tiền như sau: Khi vượt quá quy mô lớp học từ 30 - 50% bị phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng; Khi vượt quá quy mô lớp học từ 50% trở lên bị phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 12/12/2022.

2. Viên chức ngành Tài nguyên môi trường được bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học

Ngày 24/10/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số: 12/2022/TT-BTNMT về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức ngành tài nguyên và môi trường.

Cụ thể, theo quy định mới, một số chức danh như địa chính viên hạng II, địa chính viên hạng III, địa chính viên hạng IV cần đáp ứng các tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng sau: Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với khung năng lực của vị trí việc làm hoặc ngành, chuyên ngành đất đai, địa chính, bản đồ, trắc địa, viễn thám, địa lý; có chứng chỉ hoàn thành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành địa chính (bỏ yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ tin học so với quy định cũ).

Ngoài ra, đối với tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, ngoài các tiêu chuẩn đã được quy định, địa chính viên hạng III phải có thêm kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm. Viên chức thăng hạng từ chức danh địa chính viên hạng III lên chức danh địa chính viên hạng II phải có thời gian công tác giữ chức danh địa chính viên hạng III hoặc tương đương đủ từ 9 (chín) năm trở lên, trong đó thời gian gần nhất giữ chức danh địa chính viên hạng III đủ từ 2 (hai) năm trở lên (quy định cũ 1 năm).

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 9/12/2022.

MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KHOA GIÁO CẤP HUYỆN

Kỷ niệm Ngày Quốc tế người khuyết tật 03/12, sáng ngày 01/12, Hội Chữ thập đỏ thành phố Cao Lãnh tổ chức tặng 50 phần quà và xe lăn cho người khuyết tật, người khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Thành phố. Mỗi phần quà trị giá 300 ngàn đồng (gồm: Gạo, nhu yếu phẩm và tiền mặt), tổng trị giá 15 triệu đồng, do mạnh thường quân trên địa bàn Thành phố hỗ trợ. Riêng 18 xe lăn trị giá trị giá 36 triệu đồng, từ nguồn phân bổ của Hội Bảo trợ Người khuyết tật, Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin và Bệnh nhân nghèo tỉnh Đồng Tháp. Năm 2022, Hội Chữ thập đỏ Thành phố đã vận động gần 1300 phần quà; hơn 3.000 thẻ BHYT; 74 xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, hộ nghèo, cận nghèo… với tổng giá trị trên 840 triệu đồng.

Chiều ngày 09/12/3022, Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp và Hiệp hội CropLife, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thành phố Sa Đéc tổ chức lễ phát động thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng tại xã Tân Khánh Đông, thành phố Sa Đéc. Đây là hoạt động thực tế nhằm đánh giá Dự án Chương trình "Hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm năm 2021 - 2022" được triển khai năm đầu tiên khai tại tỉnh Đồng Tháp. Khoảng 70 nông dân, cựu chiến binh, phụ nữ, đoàn viên thanh niên xã Tân Khánh Đông tham gia thu gom các chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng tại các hố chứa rác thải thuốc BVTV và khu vực sản xuất nông nghiệp trên 2 tuyến đường gồm Vành đai ấp Khánh Nhơn và Sa Nhiên - Mù U, xã Tân Khánh Đông. Buổi ra quân đã thu gom được trên 280kg bao bì, chai lọ thuốc BVTV sau sử dụng. Lượng rác thải này được vận chuyển đến điểm xử lý tiêu hủy đúng quy định. Tính đến tháng 11/2022, Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện 24 phong trào thu gom bao gói thuốc BVTV với sự tham gia của hơn 1.600 nông dân, trong đó tiến hành trực tiếp thu gom bao gói, chai lọ thuốc BVTV đã sử dụng trên các tuyến kênh, rạch, mương nội đồng và tập kết về địa điểm phát động, tổng lượng rác thải BVTV thu gom được là trên 16 tấn. Bên cạnh đó, chương trình cũng đã xây dựng 2 mô hình sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả trên lúa và hoa kiểng với tổng diện tích gần 300 ha tại huyện Lấp Vò và thành phố Sa Đéc với hơn 490 hộ nông dân tham gia.

Cuộc thi sáng tạo Thanh, thiếu niên, nhi đồng huyện Hồng Ngự lần thứ IX năm 2022 có 174 mô hình, sản phẩm dự thi thuộc 5/5 lĩnh vực: Đồ dùng dành cho học tập, phần mềm tin học, đồ chơi trẻ em và đồ dùng giải trí, các dụng cụ sinh hoạt gia đình, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Cuộc thi lần này có những đột phá mới trong tư duy sáng tạo ở các lĩnh vực như: Phần mềm tin học, các dụng cụ sinh hoạt gia đình, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế… Ban Tổ chức Cuộc thi đã trao 02 giải Nhất, 03 giải Nhì, 09 giải Ba và 10 giải Khuyến khích; gửi 15 mô hình, sản phẩm đăng ký dự  Cuộc thi cấp Tỉnh đạt 07 giải. Ngoài ra, 2 tập thể trường và 07 cá nhân là giáo viên hướng dẫn cho các em có mô hình, sản phẩm đạt giải Cuộc thi cấp tỉnh cũng được UBND Huyện biểu dương khen thưởng. Dịp này, UBND Huyện cũng phát động Cuộc thi Sáng tạo Thanh, thiếu niên, nhi đồng lần thứ X năm 2023.

Ngày 02/12/2022, UBND huyện Tam Nông tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch công tác Tài nguyên và Môi trường năm 2023. Theo đó, năm 2023, Huyện sẽ tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai đúng theo quy định. Tiếp tục tư vấn, hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc trong giải quyết các thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai khi có phát sinh. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai, giúp người dân hiểu thêm về những quy định của Nhà nước cũng như là quyền lợi họ được hưởng và nghĩa vụ phải thực hiện. Thường xuyên phối hợp kiểm tra đề xuất xử lý những hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý chặt chẽ quỹ đất công, kịp thời ngăn chặn không để phát sinh trường hợp lấn chiếm mới trên diện tích đất công do nhà nước quản lý. Tiếp tục phối hợp với UBND các xã, thị trấn vận động nhân dân thực hiện các hoạt động duy trì tiêu chí môi trường đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; thực hiện đạt tiêu chí môi trường được giao. Phối hợp "đặt hàng" đối với các tổ chức chính trị - xã hội; tuyên truyền, vận động người dân các mô hình như: "Dòng sông không rác", "Phân loại rác tại nguồn", "Thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật", đồng thời tiếp tục thực hiện các hoạt động duy trì tiêu chí môi trường đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao…

Vừa qua, tại Hội trường UBND huyện Thanh Bình, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Huyện phối hợp Ban Tuyên giáo Huyện uỷ tổ chức Hội nghị tuyên truyền, đối thoại về chính sách BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT) cho cán bộ, công chức và người lao động nhằm nâng cao nhận thức của người dân về mục đích, ý nghĩa, trách nhiệm và quyền lợi để từ đó tích cực tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, góp phần đẩy nhanh tiến độ phát triển người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn Huyện. Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Xuân - Giám đốc BHXH Huyện báo cáo 02 chuyên đề về chính sách BHYT hộ gia đình và chính sách BHXH tự nguyện. Trong đó, nhấn mạnh về đối tượng tham gia, mức đóng, hình thức đóng và các quyền lợi được hưởng. Hội nghị dành nhiều thời gian để đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo BHXH tỉnh, huyện với các đại biểu về những nội dung, vấn đề liên quan đến chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Đặc biệt, nhấn mạnh về tính ưu việt của chính sách vì mục đích bảo đảm an sinh xã hội, quá trình tham gia được ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng và quyền lợi thụ hưởng cao khi đủ điều kiện. Các vướng mắc, kiến nghị của các đại biểu đã được đại diện cơ quan BHXH giải đáp cụ thể.

Vừa qua, tại Hội trường Trung tâm văn hoá Học tập cộng đồng xã Tân Thành, huyện Lai Vung, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, cập nhật kiến thức cho người dân trên địa bàn Huyện về chuyển đổi số Quốc gia. Đến dự buổi tuyên truyền có hơn 100 hộ dân thuộc các xã Vĩnh Thới, Tân Thành. Qua buổi tuyên truyền, Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp phổ biến một số nội dung, kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ số cho người dân như: Hướng dẫn giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt; tổng đài phản ánh kiến nghị và giải đáp thắc mắc (1022); ứng dụng sàn thương mại điện tử trong các hoạt động kinh doanh, mua bán (voso.vn, postmark.vn),... Với những kiến thức được cập nhật trong buổi tuyên truyền về chuyển đổi số, người dân được tiếp cận kỹ năng ứng dụng công nghệ số, chủ động nắm bắt thông tin và áp dụng vào đời sống thực tiễn, tích cực hưởng ứng và lan toả trong nhân dân, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của Quốc gia, của Tỉnh và của địa phương.

Ban Tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Thanh Thiếu niên, Nhi đồng huyện Lấp Vò lần thứ 10 năm 2022 đã nhận được 55 mô hình sản phẩm dự thi trên 04 lĩnh vực: Đồ dùng dành cho học tập, các sản phẩm thân thiện với môi trường, các dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em, các giải pháp kỹ thuật nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Ban Tổ chức Cuộc thi đã trao giải thưởng cho 13 mô hình sản phẩm, cụ thể: 01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 03 giải Ba và 07 giải Khuyến khích. Trong đó, có 02 mô hình sản phẩm đạt giải Nhì, giải Ba Cuộc thi cấp Tỉnh lần thứ 15 năm 2022. Ngoài ra, Ban Tổ chức Cuộc thi còn tặng giấy khen cho 03 tập thể và 05 cá nhân có thành tích trong vận động tuyên truyền Cuộc thi cấp huyện. Ban Tổ chức Cuộc thi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cuộc thi bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng đến các em thanh thiếu niên, nhi đồng, các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo trên địa bàn Huyện.

Ngày 11/12/2022, tại huyện Tháp Mười, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh và Ban liên lạc Hội đồng hương huyện Tháp Mười tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình từ thiện "Mừng xuân mới - Trao yêu thương" Xuân Quý Mão 2023. Chương trình đã trao 200 phần quà gồm: Tập, viết, dép, nón bảo hiểm và 500 ngàn đồng tiền mặt cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn; 300 phần quà gồm 500 ngàn đồng tiền mặt và các nhu yếu phẩm cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn; khám, mổ mắt miễn phí và trao quà cho 200 người dân trên địa bàn Huyện. Ngoài ra, Chương trình còn tài trợ kinh phí trên 500 triệu đồng để xây dựng cầu nông thôn tại xã Mỹ An, trao suất học bổng 20 triệu đồng cho 01 em học sinh bị khuyết tật tại xã Trường Xuân. Tổng kinh phí thực hiện Chương trình là trên 1,3 tỷ đồng, do Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, Ban liên lạc Hội đồng hương huyện Tháp Mười tại Thành phố Hồ Chí Minh cùng các công ty, doanh nghiệp, mạnh thường quân ở Thành phố Hồ Chí Minh tài trợ.

Chiều ngày 02/12/2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cao Lãnh tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng công nghệ thông tin, chuyển đổi số năm 2022 cho cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã, thị trấn. Tại buổi tập huấn, các đại biểu đã được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cơ bản về chuyển đổi số; kỹ năng sử dụng và khai thác hiệu quả các hệ thống: Quản lý văn bản và điều hành công việc (VNPT-ioffice), chữ ký số, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Tỉnh; cách viết, tin, bài và chèn hình; kiến thức về an toàn an ninh thông tin và kỹ năng làm việc trên môi trường mạng. Qua đó nâng cao nhận thức, kỹ năng cơ bản về chuyển đổi số, đào tạo, tập huấn kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác hiệu quả các hệ thống thông tin dùng chung, thúc đẩy phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Lớp tập huấn nhằm trang bị thêm kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý, cập nhật báo cáo kịp thời các hoạt động trong công tác Hội và Phong trào phụ nữ.

Vừa qua, UBND huyện Cao Lãnh phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp, Nghiệp đoàn Busines Frontuier (Nhật Bản), Công ty cổ phần Nhật Huy Khang tổ chức phỏng vấn trực tiếp tuyển chọn lao động đi làm việc tại Nhật Bản. Tại buổi tuyển dụng, hơn 80 lao động đến từ 18 xã, thị trấn của Huyện đã được kiểm tra thể lực như: Cân nặng, chiều cao, thị lực và phỏng vấn trực tiếp. Trong đợt phỏng vấn này, Công ty cổ phần Nhật Huy Khang phỏng vấn tuyển lao động đi làm việc tại Nhật Bản với các ngành nghề gồm: Cơ khí, ô tô, điện, công nghệ thông tin, thiết kế website, cầu nối, phát triển thị trường, tổng hợp, thiết kế máy, thông dịch viên… Hợp đồng làm việc từ 3 - 5 năm, thu nhập từ 25 - 50 triệu đồng/tháng trở lên. Được biết, trong năm 2022, huyện Cao Lãnh đã vận động, đưa 262 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Năm 2023, dự kiến đưa 280 lao động xuất cảnh làm việc ở nước ngoài. Trong thời gian tới, Huyện tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về công tác xuất khẩu lao động đến người dân để nắm rõ thông tin, nâng cao nhận thức về thị trường lao động nước ngoài cũng như chế độ chính sách, hỗ trợ vay vốn cho lao động đi làm việc ở nước ngoài. Từ đó, người lao động có thể lựa chọn công việc phù hợp, được hưởng mức lương cao, góp phần cải thiện đời sống kinh tế bản thân và gia đình. Dịp này, Công ty cổ phần Nhật Huy Khang cũng đã tổ chức ký kết hợp đồng với 91 cộng tác viên là trưởng các khóm, ấp trong Huyện để thực hiện công tác tư vấn truyền thông về xuất khẩu lao động trong thời gian tới.

PHÒNG KHOA GIÁO VÀ VĂN HÓA - VĂN NGHỆ