Xuất bản thông tin

null Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 12 năm 2022

Trang chủ Tài liệu sinh hoạt chi bộ

Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 12 năm 2022

PHẦN A: SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

Ban Biên tập xin giới thiệu tóm tắt nội dung bài viết: "Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết" của TS. Trần Thị Hợi, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đăng trên Tạp chí Tuyên giáo, mục Theo gương Bác.

Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc khi nói về "Cách lãnh đạo", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định "Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết" để đề cập đến một trong những nội dung và phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng là kiểm tra, giám sát. Quan điểm của Người mang ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay.

CẦN CÓ BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN VÀ PHÒNG NGỪA ĐỂ HẠN CHẾ SAI LẦM, KHUYẾT ĐIỂM

 Khuyết điểm của cán bộ, đảng viên là điều không thể tránh khỏi. Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên đều sinh ra và phát triển từ trong lòng xã hội, chịu sự tác động của cả những yếu tố tích cực và tiệu cực, tốt và xấu, tiến bộ và lạc hậu.

Đối với tổ chức Đảng, Hồ Chí Minh khẳng định, kiểm tra, giám sát để biết rõ cán bộ và nhân viên tốt hay xấu, biết rõ ưu điểm, khuyết điểm của các cơ quan, ban ngành... Nhờ đó, không chỉ giúp cho lãnh đạo nắm chắc chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, ngăn ngừa sai lầm, khuyết điểm mà còn giúp đỡ họ kịp thời sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm ấy. 

Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, kiểm tra, giám sát "có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên và cán bộ làm trọn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước, làm gương mẫu tốt cho nhân dân. Mặt khác, kiểm tra, giám sát cũng giống như một "tấm gương soi" đối với mỗi người để họ tự nhìn nhận về những lời nói và việc làm, tự nhận thức về những ưu điểm và khuyết điểm, từ đó tự giác phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm để luôn phát triển, tiến bộ, hoàn thành nhiệm vụ được phân công, làm tấm gương sáng cho quần chúng noi theo.

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, trong quá trình lãnh đạo, Đảng luôn khẳng định, kiểm tra, giám sát là chức năng lãnh đạo, là một bộ phận trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: "Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được tăng cường, có nhiều đổi mới, đạt kết quả quan trọng; chất lượng, hiệu lực, hiệu quả được nâng lên. Hoạt động kiểm tra, giám sát của cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra các cấp được đẩy mạnh, đạt kết quả khá toàn diện, nhất là ở cấp Trung ương. Qua công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, kỷ cương, kỷ luật trong Đảng được siết chặt hơn, có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa sai phạm đối với tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên".

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích, kết quả đã đạt được, trong kiểm tra, giám sát vẫn còn tồn tại những khuyết điểm, hạn chế cần sớm được khắc phục nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: "Việc kiểm tra, giám sát thực hiện một số nghị quyết của Đảng chưa thường xuyên. Công tác kiểm tra ở một số nơi thiếu trọng tâm, trọng điểm…; còn nhiều tổ chức đảng và đảng viên có vi phạm nhưng chưa được phát hiện kịp thời".

PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA KIỂM TRA, GIÁM SÁT TRONG CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, phát huy vai trò của kiểm tra, giám sát trong xây dựng Đảng hiện nay, chúng ta cần tiếp tục thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức, ý thức thường xuyên tự kiểm tra, giám sát của cán bộ, đảng viên.

Mỗi cán bộ, đảng viên phải xứng đáng là một trong những người đại biểu cho dân tộc. Thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức lối sống, đồng thời phải nêu cao nhận thức và có ý thức tự kiểm điểm những lời nói, những việc làm, thường xuyên xem xét, đánh giá những điều hay - dở, đúng – sai, tốt – xấu để phát triển điều hay, sửa chữa khuyết điểm, đồng thời phải hoan nghênh cấp dưới và nhân dân phê bình, chống bệnh hữu danh, vô thực, bệnh hình thức.

Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất cầm quyền, cán bộ, đảng viên của Đảng nằm giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước, do đó nguy cơ suy thoái, mắc phải những sai lầm, khuyết điểm là nguy cơ thường trực. Nhất là trong điều kiện hoà bình, cán bộ, đảng viên ai cũng mong muốn chăm lo cho đời sống vật chất, tinh thần của bản thân và gia đình. Đó là nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, nếu nhu cầu chăm lo cho bản thân và gia đình vượt qua những quy định cho phép của người đảng viên, vi phạm Điều lệ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những chuẩn mực của cộng đồng thì nhu cầu đó là sự ích kỷ, hẹp hòi, vụ lợi. Do đó, mọi cán bộ, đảng viên của Đảng phải tự giác, thường xuyên kiểm tra, giám sát chính mình, trong đó người đứng đầu tổ chức phải gương mẫu, thống nhất cao về ý chí và hành động trong thực hiện kiểm tra, giám sát của Đảng và tự kiểm tra, giám sát chính mình. 

Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong kiểm tra, giám sát.

Tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong nhận thức và quyết tâm chính trị của cấp uỷ tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên các cấp về kiểm tra, giám sát của Đảng. Cần phải thay đổi nhận thức chưa đúng đối với nhiều người hiện nay khi cho rằng kiểm tra, giám sát mang ý nghĩa tiêu cực, là sự kiềm chế, thúc ép, định ranh giới, theo dõi hoặc lôi kéo dẫn đến những cuộc tranh luận không đáng có hoặc những tổ chức và cá nhân bị kiểm tra, giám sát là những tổ chức, cá nhân "có vấn đề". 

Cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết, Điều lệ Đảng, giữ nghiêm kỷ luật Đảng góp phần phát hiện và khắc phục những khuyết điểm ngay từ khi mới manh nha. Cùng với kiểm tra, giám sát là giữ vững kỷ luật Đảng như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, kỷ luật của Đảng là kỷ luật tự giác nghĩa là mọi cán bộ, đảng viên tự giác thực hiện nhiệm vụ được giao, đề cao trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, làm chủ bản thân, không làm điều gì khuất tất.

Thứ ba, tăng cường hiệu quả quản lý, điều hành của Nhà nước.

Hệ thống pháp luật thực sự là phương tiện hiệu lực và hiệu quả trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội; phục vụ cho việc thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Trong bất kỳ trường hợp nào, mọi đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng và bình đẳng về mặt công dân trước pháp luật. Thậm chí, những đảng viên giữ vị trí càng cao, trách nhiệm càng lớn, càng phải gương mẫu thực thi pháp luật và nếu mắc sai phạm càng phải chịu kỷ luật nghiêm khắc.

Tập trung chỉ đạo công tác thanh tra thực hiện tốt công tác tiếp dân; giải quyết khiếu nại đông người; giải quyết các vụ việc tồn đọng, bức xúc kéo dài. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cấp, các ngành; tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Thứ tư, phát huy vai trò của nhân dân. 

Theo Hồ Chí Minh, đảng viên thì phải dựa vào nhân dân mà xây dựng Đảng. Tức là, hết sức phụng sự nhân dân, tin tưởng vào lực lượng của nhân dân, học hỏi nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân và không một phút nào xa rời nhân dân, cùng nhân dân kết thành một khối. Như vậy thì nhất định được nhân dân ủng hộ và việc gì to mấy, khó mấy làm cũng nên. Vì vậy, phải làm cho nhân dân nhận thức được về vị trí, vai trò, quyền và trách nhiệm của mình trong việc giám sát các tổ chức Đảng và đảng viên, tích cực tham gia xây dựng Đảng, tránh thái độ thờ ơ, lảng tránh hoặc qua quýt.

Dân chủ thể hiện quyền và nghĩa vụ của người dân (nhân dân là chủ và nhân dân làm chủ). Quyền và nghĩa vụ đó được quy định trong Hiến pháp và pháp luật. Thông qua nhiều hình thức khác nhau, nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình. Chẳng hạn thông qua Ban Thanh tra nhân dân (Ban Thanh tra nhân dân được thành lập ở xã, phường, thị trấn, cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước) nhân dân giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước…

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác kiểm tra, giám sát đồng thời xuất phát từ những yêu cầu, đỏi hỏi trong thực tiễn để đưa ra những giải pháp hiệu quả trong kiểm tra, giám sát sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đưa sự nghiệp đổi mới của chúng ta đi đến thắng lợi hoàn toàn.

PHẦN B: THÔNG TIN THỜI SỰ

I- TIN TRONG TỈNH

1. Tình hình kinh tế - xã hội tháng 11/2022

So với trước, tháng 11/2022: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước đạt 9.320 tỷ đồng, tăng 0,43%; kim ngạch xuất khẩu đạt 125.169 ngàn USD, tăng 1,09%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 49.335 ngàn USD, tăng 0,52%; chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,46%; thu ngân sách (tính đến 31/10/2022), so với cùng kỳ năm trước tăng trưởng khá cao là 14,73%; chi ngân sách 10 tháng đầu năm 2022 ước đạt 81,88% so với dự toán, bằng 116,19% so với cùng kỳ năm trước. Toàn Tỉnh hiện có 36.498 lao động được giải quyết việc làm, trong đó có 1.779 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; ước tính đến cuối năm toàn Tỉnh có 1.878 lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 125,2% so chỉ tiêu kế hoạch năm. Thực hiện Chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới với chủ đề "Vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh", với thông điệp thực hiện các biện pháp 2K (Khẩu trang, Khử khuẩn) + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác. Tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 của Tỉnh lũy kế đến ngày 13/11/2022: Trẻ em từ 05 tuổi đến dưới 12 tuổi: Mũi 1: 163.482, đạt tỷ lệ: 92,59%. Mũi 2: 134.457, đạt 76,15%; Trẻ em từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi: Mũi 1: 163.360, đạt tỷ lệ: 102,25%. Mũi 2: 145.645, đạt tỷ lệ: 91,16%; Mũi 3: 102.039, đạt tỷ lệ: 63,87%; Người từ 18 tuổi trở lên: Mũi 1: 1.146.730, đạt tỷ lệ: 97,81%. Mũi 2: 1.180.709, đạt tỷ lệ: 100,71%. Mũi bổ sung: 382.718, đạt tỷ lệ: 95,99%. Mũi nhắc lại: 748.904, đạt tỷ lệ: 63,88%. Mũi nhắc lại 2: 300.672, đạt 92,4%.

2. Nghiêm cấm việc đóng cửa hàng xăng dầu khi không có lý do chính đáng

Ngày 18/11/2022, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Công văn về việc tăng cường công tác quản lý kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Tỉnh. Theo đó, yêu cầu Cục Quản lý thị trường Tỉnh tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu theo Chỉ thị số 09/CT-BCT ngày 04/11/2022 của Bộ Công Thương. Giao Sở Công Thương định kỳ hàng ngày tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân Tỉnh về tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn Tỉnh (theo chỉ đạo tại Công văn số 1079/UBND-KT); kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo cung ứng xăng dầu trên địa bàn Tỉnh; kiến nghị, đề xuất Trung ương hỗ trợ điều phối (khi cần thiết). Phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về kinh doanh xăng dầu của các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn Tỉnh. Giao Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố tăng cường theo dõi, giám sát tình hình hoạt động kinh doanh của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành; kịp thời báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh xăng dầu của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại địa phương về Sở Công Thương, để phối hợp bảo đảm cung ứng xăng dầu trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Uỷ ban nhân dân Tỉnh đề nghị các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn Tỉnh chủ động có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường Tỉnh trong mọi tình huống. Kiểm tra, giám sát hoạt động của các đại lý bán lẻ xăng dầu, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu trong hệ thống phân phối của mình; chịu trách nhiệm đối với các hành vi vi phạm của các thương nhân thuộc hệ thống phân phối theo quy định. Ngoài ra, các đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu đảm bảo cung ứng đủ, kịp thời xăng dầu, phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân; duy trì mở cửa hàng kinh doanh xăng dầu, nghiêm cấm việc đóng cửa khi không có lý do chính đáng và chưa được chấp thuận bằng văn bản của Sở Công Thương theo quy định...

3. Đồng Tháp có 04 sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2022

Bộ Công thương vừa công bố danh sách sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam lần thứ 8 năm 2022. Kỳ xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia năm nay thu hút sự quan tâm tham gia của trên 1.000 doanh nghiệp thuộc các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau và chọn ra được 325 sản phẩm của 172 doanh nghiệp. Trong đó, tỉnh Đồng Tháp có 02 doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Thực phẩm Bích Chi có 03 sản phẩm được vinh danh lần này gồm: Bánh tráng Bích Chi, Bánh phở khô Vina Phở, Bánh phồng tôm Bích Chi và Thương hiệu sản phẩm chế biến sẵn Happy Food của Công ty Cổ phần Phát triển Hùng Hậu cũng được chứng nhận là sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Đây là những sản phẩm đáp ứng hệ thống các tiêu chí của Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam và là những sản phẩm tiêu biểu, đại diện cho Thương hiệu Việt Nam.

II- TIN TRONG NƯỚC

1. Ảnh hưởng của môi trường đến việc thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam hiện nay

An sinh xã hội hướng tới các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội, trợ giúp họ có cơ hội được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản về khám chữa bệnh, học hành, nhà ở, điện, nước sinh hoạt, văn hóa, thông tin và truyền thông, bảo đảm vệ sinh môi trường, đi lại… Chỉ khi nhu cầu cuộc sống thiết yếu của họ được đảm bảo thì họ mới có được nhận thức về các vấn đề môi trường và phát triển bền vững. Ngược lại, môi trường cũng có tác động không nhỏ đến an sinh xã hội ở các khía cạnh: biến đổi khí hậu gây ra các hiện tượng cực đoan như hạn hán, lũ lụt, sóng thần… đã và đang tác động tiêu cực đến đời sống cũng như sức khỏe của con người. Điều đáng chú ý là, một trong những nguyên nhân chính gây ra các hiện tượng biến đổi khí hậu là do các hoạt động của con người. Hoạt động sản xuất kinh doanh khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách bừa bãi đã làm gia tăng phát thải carbon gây nên sự nóng lên toàn cầu. Do vậy, con người là mấu chốt của mọi vấn đề trong mối quan hệ giữa an sinh xã hội và môi trường.

Mặc dù chính sách an sinh xã hội ở nước ta thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể song so với nhu cầu đáp ứng các điều kiện cơ bản của người dân, thì vẫn chưa được thực hiện toàn diện. Điều đó xuất phát từ những thách thức triển khai công tác an sinh xã hội trong bối cảnh kinh tế và môi trường nước ta hiện nay. Để tăng cường hiệu quả chính sách an sinh xã hội trong điều kiện môi trường nước ta hiện nay cần hướng tới phát triển bền vững môi trường thông qua việc khuyến khích các hành vi tiêu dùng, sản xuất xanh, như: sử dụng các sản phẩm, công nghệ tiên tiến thân thiện với môi trường. Thêm vào đó, cần xây dựng một nền kinh tế carbon thấp, phấn đấu đến năm 2030 giảm được 25% phát thải khí nhà kính. Chỉ khi nào đạt được sự bền vững về môi trường thì khi đó mới tạo ra môi trường sống để con người có thể tồn tại, phát triển và có cơ hội tiếp cận với các chính sách an sinh xã hội tốt hơn…

2. Bảo đảm nguồn cung ứng vắc xin tiêm chủng đến năm 2030

Chương trình bảo đảm nguồn cung ứng vắc xin cho tiêm chủng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số: 1286/QĐ-TTg ngày 25/10/2022 nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:

Giải pháp về cơ chế, chính sách: Nghiên cứu ban hành cơ chế đặc thù, ưu tiên, ưu đãi cho việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin, nhất là đối với vắc xin phòng các bệnh mới nổi, nguy hiểm, có khả năng lây nhiễm cao; các loại vắc xin mới chưa có tại Việt Nam; các vắc xin phối hợp; vắc xin phòng các bệnh chưa được triển khai trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Giải pháp về tăng cường cơ sở vật chất và khoa học công nghệ: Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện cho mở rộng quy mô hệ thống kiểm định, phát triển trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo về vắc xin; hỗ trợ tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới về nghiên cứu, sản xuất vắc xin; khai thác sáng chế, giải mã và làm chủ công nghệ mới, công nghệ tiên tiến trong nghiên cứu, sản xuất vắc xin...

Giải pháp về nhân lực, đào tạo và hợp tác quốc tế: Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu, sản xuất vắc xin; đào tạo bồi dưỡng chuyên gia ở trong nước và ở nước ngoài về nghiên cứu sản xuất vắc xin; thu hút đầu tư, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các nước phát triển trong việc đào tạo nhân lực.  

Giải pháp về tài chính: Nghiên cứu cơ chế tài chính nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ giá vắc xin sản xuất trong nước cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng để phát triển sản xuất vắc xin trong nước. Nguồn kinh phí thực hiện Chương trình bảo đảm nguồn cung ứng vắc xin cho tiêm chủng đến năm 2030 bao gồm nguồn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; nguồn huy động từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước (nếu có) theo quy định; nguồn chi trả của người sử dụng dịch vụ tiêm chủng ngoài tiêm chủng mở rộng theo quy định của pháp luật.

III- HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI, TIN THẾ GIỚI

1. Kết quả diễn đàn Bộ trưởng Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) - Đông Nam Á năm 2022

Diễn đàn Bộ trưởng Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) - Đông Nam Á năm 2022 diễn ra từ ngày 17 - 21/10/2022, với chủ đề "Kết nối khu vực: Thúc đẩy quan hệ đối tác hướng đến chuỗi cung ứng tự cường và bền vững" là hoạt động quan trọng, mở đầu cho chuỗi các hoạt động của OECD tại Hà Nội. Diễn đàn đã thu hút sự tham gia của hơn 250 đại biểu là các Bộ trưởng, Đại sứ, lãnh đạo các bộ, ngành từ các nước thành viên OECD và Đông Nam Á, đại diện lãnh đạo các tổ chức quốc tế, chuyên gia, học giả và cộng đồng doanh nghiệp tham dự trực tiếp và trực tuyến.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh, bối cảnh khu vực và thế giới đang cùng lúc đối mặt với nhiều khó khăn, đặt ra yêu cầu cấp thiết cần bảo đảm cân bằng giữa thực hiện các mục tiêu trước mắt với các mục tiêu dài hạn, giữa nâng cao tự chủ chiến lược, sức chống chịu của từng nền kinh tế với thúc đẩy hội nhập và liên kết kinh tế, giữa nhu cầu phát triển của từng quốc gia với trách nhiệm chung trong các vấn đề toàn cầu. Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò quan trọng và tiềm năng to lớn của khu vực Đông Nam Á trong bản đồ địa kinh tế thế giới; đồng thời đề nghị hợp tác giữa OECD và Đông Nam Á cần bảo đảm phương châm ổn định, bền vững, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và cùng có lợi, tập trung vào các định hướng quan trọng: (1) Xây dựng, củng cố, kết nối chuỗi cung ứng giữa các nước OECD và Đông Nam Á trên cơ sở tận dụng mạng lưới liên kết kinh tế và các FTA hiện có; (2) Nâng cấp kết nối hạ tầng, hỗ trợ ASEAN triển khai Mạng lưới logistic thông minh ASEAN; (3) Hỗ trợ nâng cao năng lực của doanh nghiệp vừa và nhỏ; (4) Hỗ trợ Đông Nam Á xây dựng thể chế chính sách và nâng cao năng lực quản trị quốc gia; (5) Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của một trung tâm cung ứng toàn cầu; (6) OECD và Đông Nam Á cùng nhau tạo dựng môi trường hoà bình cho hợp tác, bảo đảm giao thương hàng hoá thuận lợi và thông suốt.

2. Một số tình hình thế giới thời gian gần đây

- Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-27): Diễn ra tại Ai Cập từ ngày 06 - 18/11/2022. Hội nghị tập trung thảo luận các nội dung: Phát triển hydro xanh, an ninh nước và an ninh lương thực, chuyển đổi năng lượng và bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương. Tại Hội nghị, Việt Nam khẳng định chuyển đổi năng lượng là yếu tố then chốt để Việt Nam thực hiện mục tiêu đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết tại COP-26. Đồng thời, nhấn mạnh phát triển năng lượng tái tạo phải đi đôi với đảm bảo an ninh năng lượng, đồng thời đề nghị Vương quốc Anh, EU và G7 hỗ trợ chuyển giao cho Việt Nam các công nghệ tiên tiến như công nghệ điện gió, điện mặt trời, lưu trữ điện năng để giúp Việt Nam thực hiện thành công quá trình chuyển đổi năng lượng, đảm bảo giá thành hợp lý cho tất cả mọi người có thể tiếp cận được.

- Ra mắt "Quỹ ứng phó đại dịch toàn cầu": Ngày 13/11/2022, tại Bali, Indonesia, các nhà lãnh đạo y tế và tài chính các nước thành viên Nhóm G20 ra mắt "Quỹ ứng phó đại dịch toàn cầu" nhằm phòng ngừa trường hợp thế giới phải ứng phó với một đại dịch tương tự dịch Covid-19 trong tương lai.

Quỹ ứng phó đại dịch toàn cầu (Pandemic Fund) hiện đã quyên góp được 1,4 tỷ USD, do 17 nước thành viên và không phải thành viên của G20 cùng 3 tổ chức từ thiện quốc tế ủng hộ. Trong đó, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã đóng góp khoảng 450 triệu USD, Italy đóng góp 102 triệu USD, Indonesia ủng hộ 50 triệu USD. Một số quốc gia khác đã tuyên bố cam kết ủng hộ tài chính cho quỹ này. Tại lễ ra mắt, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Malpass nhấn mạnh, Quỹ ứng phó đại dịch là công cụ hỗ trợ các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình chuẩn bị tốt hơn trong trường hợp xảy ra các cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu. Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết Quỹ sẽ được giải ngân vào đầu năm 2023./.

                                      Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp