Xuất bản thông tin

null Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 11 năm 2022

Trang chủ Tài liệu sinh hoạt chi bộ

Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 11 năm 2022

PHẦN A: SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

Ban Biên tập xin giới thiệu tóm tắt nội dung bài viết: "Thống nhất nhận thức về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên hiện nay" của PGS.TS. Trần Quang Nhiếp, nguyên Phó Tổng Biên tập phụ trách, thủ trưởng Cơ quan Tạp chí Cộng sản đăng trên Tạp chí Tuyên giáo, mục Nghiên cứu - Lý luận.

Đảng ta là "Đảng khoa học và cách mạng", "Đảng cầm quyền". Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định "Đảng là đạo đức, là văn minh", người cán bộ, đảng viên phải có đạo đức cách mạng; đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, của người cán bộ, đảng viên. Người cũng chỉ rõ, đạo đức cách mạng là thay đi cái cũ, chế độ cũ xấu xa, xây nên cái mới, chế độ mới tốt đẹp hơn, phù hợp hơn, vì thế cán bộ, đảng viên càng cần phải có đạo đức cách mạng. Để được như vậy phải có sự thống nhất nhận thức và hành động trong toàn Đảng về những chuẩn mực đạo đức cách mạng của mọi cán bộ, đảng viên.

1. Thống nhất nhận thức về sự cần thiết, tính tất yếu phải có những chuẩn mực đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên

Người cán bộ, đảng viên là người tiên phong, gương mẫu, ưu tú trong nhận thức, hành động, mẫu mực trong mọi mối quan hệ hằng ngày, hằng giờ với tự nhiên, với xã hội, với lịch sử truyền thống dân tộc, quốc gia, nhân loại và với chính mình một cách có văn hóa, văn minh. Người cán bộ, đảng viên bằng sự gương mẫu miệng nói, tay làm, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, tập hợp họ thành nguồn sức mạnh lớn lao, vô tận của Đảng để cùng gánh vác nhiệm vụ cách mạng nặng nề. Chỉ khi từng cán bộ, đảng viên nhận thức đúng đắn, hành động chuẩn xác các chuẩn mực đạo đức cách mạng mới tạo nên sự thống nhất cao, sức mạnh lớn của toàn Đảng. Sự thống nhất nhận thức và hành động của toàn thể cán bộ, đảng viên về chuẩn mực đạo đức cách mạng sẽ đẩy lùi những nhận thức sai trái, không đúng đắn, không bị "lệch chuẩn" khiến cho một số cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất làm ảnh hưởng đến uy tín, thanh danh của Đảng, đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

2. Thống nhất nhận thức về các tiêu chí chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên hiện nay

Đây là vấn đề trọng tâm, cốt lõi cần quan tâm. Trong mỗi giai đoạn cách mạng cụ thể khác nhau, do điều kiện khách quan, chủ quan và tình hình nhiệm vụ khác nhau nên có những "điểm nhấn", yêu cầu khác nhau, nhưng các chuẩn mực đạo đức cách mạng về cơ bản vẫn phải giữ vững những nội dung bản chất, cốt lõi của một "Đảng khoa học và cách mạng", một "Đảng đạo đức và văn minh", một Đảng cầm quyền. Đó là "cái gốc" của người cách mạng để bám rễ, vươn cành vững chắc, sâu rộng vào quần chúng, vào cuộc sống xã hội tạo sức mạnh vô song của Đảng. Có thể xác định chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, đảng viên ở 06 điểm sau:

(1) Tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng. Suốt đời phấn đấu và đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết, không phai nhạt lý tưởng, suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

(2) Tiên phong, gương mẫu, nói đi đôi với làm về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tổ chức kỷ luật. Hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, "cái gì lợi cho dân thì hết sức làm, cái gì hại cho dân thì hết sức tránh".

(3) Chủ động, sáng tạo, hiệu quả, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, phục tùng mọi sự phân công của Đảng. Không ngừng học tập nâng cao trình độ lý luận chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

(4) Thực sự "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư", trung thực, trong sáng, không sa vào chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực. Hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, yêu thương, thủy chung với vợ (chồng), yêu thương con cháu, hòa thuận anh em, tôn kính dòng tộc, thân thiện với môi trường quê hương, cộng đồng nơi sinh sống. Gia đình gương mẫu chấp hành mọi chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, quy định của địa phương

(5) Chân thành, tận tụy với đồng chí, đồng nghiệp, cùng chia sẻ, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi hoàn cảnh, không ghen ghét, tị nạnh, đố kỵ, mất đoàn kết, chia rẽ nội bộ, luôn giữ vững sự trong sạch, vững mạnh của đơn vị

(6) Có tinh thần quốc tế trong sáng, làm tròn các nghĩa vụ quốc tế, kiên định giữ vững độc lập, tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ đất nước, không ngừng cảnh giác, khôn khéo "Dĩ bất biến, ứng vạn biến", không thỏa hiệp, kiên quyết đấu tranh kịp thời với mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

3. Biện chứng của sự thống nhất nhận thức về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên hiện nay

Chuẩn mực đạo đức cách mạng ở mỗi người là sự hội tụ những mặt bản chất, mối quan hệ khách quan, nhiệm vụ chính trị của người cán bộ, đảng viên trong quan hệ đối với tự nhiên, với xã hội, với gia đình, với tổ chức đơn vị và với chính mình... Đồng thời, hệ thống các chuẩn mực đạo đức cũng tạo sự liên kết chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn, giữa nhận thức và hành động, giữa ý thức tư tưởng tình cảm cách mạng và hành vi cá nhân của người cán bộ, đảng viên. Nó thể hiện vai trò, vị trí người cán bộ, đảng viên chính là chủ thể của các mối quan hệ, chủ thể của các chuẩn mực đạo đức cách mạng, nhân tố quyết định để có được các chuẩn mực ấy trong nhận thức hành động và tư duy. Cùng với các yếu tố chủ quan đó, yếu tố khách quan là sự chăm lo, giáo dục, rèn luyện thường xuyên nghiêm túc, chặt chẽ của Đảng thông qua tập thể, tổ chức đơn vị công tác trong đời sống hằng ngày.

Sự thống nhất nhận thức về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên có nhiều cách tiếp cận rất phong phú, sinh động, đa dạng có thể đi sâu. Song, mọi cách tiếp cận đều hướng tới những mặt bản chất cốt lõi nhất của chuẩn mực đạo đức cách mạng là dựa trên nền tảng chính trị, tư tưởng, tổ chức, bản chất tiên phong sứ mệnh lịch sử vĩ đại của Đảng ta.

PHẦN B: THÔNG TIN THỜI SỰ

I- TIN TRONG TỈNH

1. Tình hình kinh tế - xã hội tháng 10/2022

So với tháng trước, trong tháng 10/2022: Tổng trị giá hàng xuất khẩu của Tỉnh ước đạt 135.199 ngàn USD, tăng 1,02%; tổng kim ngạch nhập khẩu ước tính đạt 46.522 ngàn USD tăng 0,71%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 9.373 tỷ đồng, tăng 0,57%; tính đến 30/9/2022, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước tính đạt 5.907.038 triệu đồng, so với dự toán cả năm đạt 86,63% và chi ngân sách địa phương là 10.694.156 triệu đồng, đạt 76,35% dự toán năm. Trước sự xuất hiện của nhiều biến thể phụ, tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, tỉnh Đồng Tháp luôn chủ động tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông xã hội và trực tiếp để người dân hiểu đầy đủ về lợi ích của tiêm chủng vắc xin, đến ngày 16/10/2022: Trẻ em từ 05 tuổi đến dưới 12 tuổi: Mũi 1: 163.062, đạt tỷ lệ: 92,93%, mũi 2: 129.849, đạt tỷ lệ: 74%; trẻ em từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi: Mũi 1: 160.629, đạt tỷ lệ: 100%, mũi 2: 159.198, đạt tỷ lệ: 99,63%, mũi 3: 85.992, đạt tỷ lệ: 53,81%; người từ 18 tuổi trở lên: Mũi 1: 1.209.215, đạt tỷ lệ: 100%, mũi 2: 1.201.048, đạt tỷ lệ: 99,67%, mũi bổ sung: 371.539, đạt tỷ lệ: 99,83%, mũi nhắc lại: 932.393, đạt tỷ lệ: 95,88%, mũi nhắc lại 2: 256.225, đạt tỷ lệ: 81,42%. Toàn Tỉnh có 33.458 lao động được giải quyết việc làm, trong đó có 1.533 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

2. Mỗi huyện, thành phố xây dựng 01 mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm

Ngày 17/10/2022, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch số: 343/KH-UBND về nhân rộng mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, theo đó, khuyến khích các địa phương đã có mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm tiếp tục nhân rộng mô hình trên địa bàn. Phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 01 mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc chợ đáp ứng yêu cầu chung theo tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm tại các xã nông thôn mới nâng cao. Về yêu cầu chợ an toàn thực phẩm thực hiện theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 11856:2017 Chợ kinh doanh thực phẩm được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố tại Quyết định số 2166/QĐ-BKHCN ngày 15/8/2017. Sử dụng nước sinh hoạt để rửa, sơ chế sản phẩm, dụng cụ sơ chế, bày bán, pha lọc và chứa đựng sản phẩm động vật, thực vật trước và sau khi bán (đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt, hiện hành là QCVN 01-1:2018/BYT).

Trên địa bàn Tỉnh hiện có 181 chợ, gồm 06 chợ hạng 1, 27 chợ hạng 2, 148 chợ hạng 3. Nhìn chung, các chợ được đầu tư xây dựng trên địa bàn Tỉnh đã phát huy hiệu quả tốt trong việc thu hút, tập trung lượng hàng hóa lớn được sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh, cơ bản đáp ứng nhu cầu mua bán trao đổi hàng hóa và tiêu dùng của nhân dân.

3. Bế mạc Giải cờ vua trẻ Châu Á 2022: Đồng Tháp đạt 01 HCV, 03 HCB

Giải cờ vua trẻ châu Á 2022 được tổ chức từ ngày 14/10 đến 22/10/2022 tại Bali, Indonesia. Tham dự giải có 450 kỳ thủ đến từ 20 quốc gia. Đoàn Việt Nam có 98 kỳ thủ tham gia thi đấu tất cả các nhóm tuổi nam và nữ U8, 10, 12, 14, 16, 18.

Các kỳ thủ trẻ Việt Nam thi đấu thành công và giành ngôi nhất toàn đoàn với 39 huy chương vàng. Trong đó, Đoàn vận động viên Đồng Tháp giành 1 Huy chương Vàng và 3 Huy chương Bạc: Kỳ thủ Mai Hiếu Linh xuất sắc đạt Huy chương Vàng U14 đồng đội nữ, Kỳ thủ Lê Huỳnh Tuấn Khang, giành 1 Huy chương Bạc cá nhân và 2 Huy chương Bạc U10 đồng đội nam. Các vận động viên Đồng Tháp thi đấu đầy đủ cả 03 môn cờ nhanh, cờ tiêu chuẩn và cờ chớp, giành thắng lợi đột phá, vượt so với kế hoạch đăng ký 03 huy chương bạc (Kế hoạch đăng ký 1 huy chương vàng). Đây cũng là năm cờ vua Đồng Tháp giành thắng lợi lớn trên đấu trường châu lục so với nhiều năm qua.

Thắng lợi này truyền cảm hứng, tạo đà cho sự phát triển môn cờ vua tỉnh nhà năm 2023 và những năm tiếp theo, nhất là truyền lửa cho các vận động viên tham gia thi đấu đạt kết quả tốt tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc sẽ được tổ chức tại Quảng Ninh vào tháng 12/2022 sắp tới.

II- TIN TRONG NƯỚC

1. Một số thách thức về bảo đảm an ninh môi trường ở Việt Nam hiện nay

Theo báo cáo "Phát triển con người" năm 1994 của Liên hợp quốc, an ninh phi truyền thống bao gồm 07 lĩnh vực: Kinh tế, lương thực, sức khỏe, môi trường, con người, cộng đồng và chính trị. Việt Nam là một trong 05 quốc gia ở khu vực châu Á phải chịu nhiều hậu quả nhất do biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Vấn đề bảo đảm an ninh môi trường đã sớm được Đảng, Nhà nước ta quan tâm và thể chế hóa trong các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật. Đặc biệt, khái niệm an ninh môi trường đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Về lâu dài, để bảo đảm an ninh môi trường cần sự triển khai đồng bộ và thống nhất, thường xuyên các giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức xã hội, nhất là cho người dân, doanh nghiệp về môi trường và an ninh môi trường, các quy định về bảo vệ môi trường.

Thứ hai, thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường, trọng tâm là: Hoàn thiện và duy trì nghiêm hiệu lực thực tế của hệ thống pháp luật về môi trường. Sớm xây dựng Bộ Tiêu chí và xác định Bộ Chỉ số an ninh môi trường phù hợp với điều kiện của Việt Nam nhằm phục vụ công tác quản lý và hoạch định chính sách. Nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo kịp thời, chính xác các hiện tượng khí tượng thủy văn, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Thực hiện tốt chương trình trồng rừng, ngăn chặn nạn phá rừng, cháy rừng, tăng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên….

Thứ ba, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo yêu cầu phát triển, sản xuất và tiêu dùng bền vững, xanh, sạch hơn và thân thiện với môi trường

Thứ tư, tăng cường hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường. Tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác với các tổ chức môi trường quốc tế, như: Chương trình môi trường của Liên hợp quốc (UNEP), Tổ chức hòa bình xanh (Greenpeace), Quỹ môi trường toàn cầu (GEF), Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF)…

2. Một số vấn đề về quản lý thuốc lá thế hệ mới ở Việt Nam hiện nay

"Thuốc lá mới" là khái niệm để chỉ các loại thuốc lá mới xuất hiện trên thế giới và Việt Nam, gồm nhiều loại, nhưng ở Việt Nam, chủ yếu là thuốc lá điện tử (là các thiết bị sử dụng pin để làm nóng dung dịch có chứa nicotine và các chất hóa học khác, đựng trong ống/bình chứa dùng một lần hoặc có thể tái nạp, tạo ra sol khí (khói) cho người sử dụng hít vào) và thuốc lá nung nóng (là sự kết hợp giữa thiết bị điện tử và sản phẩm thuốc lá chuyên dùng làm sản sinh ra khói chứa nicotine và các hóa chất khác cho người sử dụng hít vào khi nung nóng sợi thuốc lá hoặc kích hoạt thiết bị có chứa sợi thuốc lá).

Các hoạt động nhập lậu, mua bán, kinh doanh các sản phẩm này đang diễn ra dưới nhiều hình thức đa dạng. Sản phẩm được đưa vào Việt Nam chủ yếu qua đường nhập lậu, xách tay… và được đưa tới tay người tiêu dùng qua các kênh không chính thức và được quảng bá, bán hàng tràn lan trên các trang mạng xã hội. Các sản phẩm này thu hút giới trẻ thông qua hương vị hấp dẫn, thiết kế sản phẩm bắt mắt, thời trang, mang đậm phong cách công nghệ, được quảng bá trên mạng xã hội của giới trẻ bằng những người nổi tiếng và giữ khách hàng bằng các sản phẩm có hàm lượng nicotine cao. Tình trạng thanh thiếu niên không hút thuốc lá truyền thống tuy nhiên vẫn thử và bắt đầu sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới hiện đang gia tăng trên toàn cầu và tại Việt Nam. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo là chưa có phương pháp cai nghiện đối với sản phẩm này.

Việt Nam không có đủ năng lực, trình độ, nhân sự về quản lý cũng như cho phép thí điểm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng như các quốc gia phát triển với trình độ khoa học - kĩ thuật tiên tiến. Do đó, việc Việt Nam cân nhắc phương án quản lý cấm các sản phẩm này là cách tốt nhất để bảo vệ giới trẻ nói riêng, sức khỏe toàn dân nói chung. Việc cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng là thực sự cần thiết bởi các sản phẩm này có tiềm năng làm gia tăng số lượng người hút thuốc lá tại Việt Nam. Đây là giải pháp nhằm đạt mục tiêu bảo vệ sức khỏe của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ bởi đây là sản phẩm gây nghiện, có nhiều tác hại lớn đối với sức khỏe, kinh tế - xã hội và đã được nêu cụ thể trong Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012.

III- HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI, TIN THẾ GIỚI

1. Kết quả phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 77

Ngày 26/9/2022, Phiên thảo luận chung cấp cao trong khuôn khổ Khóa họp 77 Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bế mạc sau một tuần thảo luận xung quanh chủ đề: "Thời khắc bước ngoặt: Các giải pháp chuyển đổi trước những thách thức kết nối".

Tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã có bài phát biểu quan trọng. Trong đó nhận định, thế giới đang ở thời khắc "bước ngoặt của lịch sử" khi tình trạng đối đầu, xung đột và các hành động vi phạm luật pháp quốc tế tiếp tục gia tăng, phản ánh cạnh tranh giữa các nước lớn và chủ nghĩa đơn phương; tác động của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu cùng nhiều thách thức an ninh phi truyền thống khác đang đe dọa sự tồn vong của nhân loại, đẩy lùi nỗ lực thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG). Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế cần có những thay đổi căn bản về tư duy, định hình lại cách tiếp cận đối với các vấn đề toàn cầu, trong đó cần đặt con người vào trung tâm của mọi nỗ lực phát triển. Nhất là, thượng tôn luật pháp quốc tế và tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, đặc biệt là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; đồng thời, cần xây dựng các thể chế đa phương vững mạnh và hiệu quả, với vai trò trung tâm của Liên hợp quốc, thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu, trong đó có vai trò quan trọng của các tổ chức khu vực, để ứng phó với các thách thức chung. Việt Nam luôn thúc đẩy hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, hợp tác và đối thoại tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và mong muốn nhận được sự ủng hộ của các nước đối với ứng cử của Việt Nam vào vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023 - 2025.

2. Một số tình hình thế giới thời gian gần đây

- Diễn biến tình hình tại khu vực châu Âu: Ngày 07/10/2022, Hội nghị thượng đỉnh không chính thức Liên minh châu Âu (EU) khai mạc tại Cộng hòa Czech, với sự tham dự của lãnh đạo 27 quốc gia thành viên và các quan chức cấp cao EU. Chủ đề chính của Hội nghị tập trung vào các nội dung: Tình hình liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine, việc EU tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine, cuộc khủng hoảng năng lượng và các vấn đề kinh tế của EU. Trước đó, lãnh đạo các nước thành viên EU đã tranh luận trong nhiều tuần về áp dụng giá trần khí đốt mà không đạt được thỏa thuận. Ngày 03/10/2022, các bộ trưởng tài chính của Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cam kết đưa ra các biện pháp hỗ trợ tài chính tạm thời ở cấp độ quốc gia nhằm ứng phó với chi phí năng lượng tăng vọt. Tuyên bố nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn chặn những tác động tiếp theo của cú sốc giá năng lượng và lạm phát leo thang. Tuy nhiên, hiện nay, các biện pháp trên vẫn chưa đi tới thống nhất.

- Đối thoại an ninh Việt Nam - Ấn Độ lần thứ 2: Đã diễn ra tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ. Tại cuộc đối thoại, hai bên nhất trí hợp tác và phối hợp trong các vấn đề như chống khủng bố, nỗ lực phối hợp để chống chủ nghĩa cực đoan, khủng bố, sản xuất và buôn bán trái phép chất ma túy, vũ khí trong khu vực. Ấn Độ đề nghị tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các chương trình nâng cao năng lực trong việc tham gia các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, đồng thời đề nghị chia sẻ kiến thức chuyên môn về an ninh mạng. Là hai quốc gia có biển, Ấn Độ và Việt Nam có lợi ích lâu dài trong việc bảo đảm hòa bình và an ninh cho không gian hàng hải chung. Hai bên nhất trí tích cực trao đổi quan điểm về các lĩnh vực, như: nền kinh tế xanh, đại dương bền vững và kết nối hàng hải...

Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp