Xuất bản thông tin

null Tuyên dương 89 giáo viên, học sinh, sinh viên có thành tích xuất sắc

Chi tiết bài viết Tab Thông tin

Tuyên dương 89 giáo viên, học sinh, sinh viên có thành tích xuất sắc

Năm học 2021 - 2022, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng ngành Giáo dục đã nỗ lực khắc phục khó khăn, vươn lên đạt một số thành tích nổi bật. Trong đó,  89 giáo viên, sinh viên, học sinh có thành tích xuất sắc trong năm học 2021 - 2022 vừa được Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học Tỉnh tuyên dương vì có thành tích xuất sắc. Nội dung được đề cập trong thông tin công tác khoa giáo kỳ này.

TIN TỨC - SỰ KIỆN

1. Tuyên dương 89 giáo viên, học sinh, sinh viên có thành tích xuất sắc

Với sự đồng hành của Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm, 89 giáo viên, sinh viên, học sinh có thành tích xuất sắc trong năm học 2021 - 2022 vừa được Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học Tỉnh tuyên dương vì có thành tích xuất sắc trong các cuộc thi như: Học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi văn hóa cấp quốc gia, đạt giải cao trong cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, đạt thành tích cao trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022, giáo viên đạt giải trong các cuộc thi toàn quốc,...

Tại buổi Lễ, Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm dành 286 triệu đồng để khen thưởng cho giáo viên, học sinh, sinh viên có thành tích xuất sắc. Đây là phần thưởng khuyến học, khuyến tài được Imexpharm thực hiện liên tục trong hơn 20 năm qua. Trong năm học qua, tổng số tiền Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm đã hỗ trợ cho công tác khuyến học, khuyến tài tại địa phương là trên 700 triệu đồng.

Năm học 2021 - 2022, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng ngành Giáo dục đã nỗ lực khắc phục khó khăn, vươn lên đạt một số thành tích nổi bật. Trong đó, ngành Giáo dục đã linh hoạt tổ chức các hình thức dạy học để thích ứng với dịch Covid-19, vận động trên 11 tỷ đồng và hơn 15.000 thiết bị học trực tuyến hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022, với tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp trên 99%...

2. Giám sát việc thực hiện đổi mới chương trình và lựa chọn sách giáo khoa

Thực hiện đổi mới chương trình và lựa chọn sách giáo khoa phổ thông trên địa bàn Tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã kịp thời tham mưu Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa, thành lập các Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa theo quy định; ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các phòng giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục thực hiện quy trình lựa chọn sách giáo khoa. Tất cả danh mục sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt đều được giới thiệu đến các cơ sở giáo dục, các thành viên Hội đồng trước khi tổ chức lựa chọn. Nhìn chung, các Hội đồng đã lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với tiêu chí đề ra, đảm bảo cho việc tổ chức dạy học và tình hình tại địa phương.

Tuy nhiên, việc lựa chọn sách giáo khoa và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với môn Mỹ thuật, Âm nhạc và Công nghệ ở cấp trung học phổ thông còn nhiều khó khăn do môn Mỹ thuật và Âm nhạc là hai môn mới lần đầu giảng dạy ở cấp trung học phổ thông nên hầu hết các trường đều không có giáo viên, còn môn Công nghệ chủ yếu là kiêm nhiệm từ giáo viên môn Sinh học và môn Vật lý.

Tại buổi làm việc giữa Hội đồng nhân dân Tỉnh với Sở Giáo dục và Đào tạo về kết quả triển khai thực hiện đổi mới chương trình và lựa chọn sách giáo khoa phổ thông trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, Sở Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Uỷ ban nhân dân Tỉnh chỉ đạo các địa phương cân đối ngân sách, dành kinh phí thỏa đáng để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học đảm bảo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; tổ chức tuyển dụng giáo viên kịp thời đảm bảo đủ số lượng quy định; đồng thời kiến nghị Hội đồng nhân Tỉnh có chính sách hỗ trợ giáo viên mới ra trường, sinh viên học sư phạm.

Hội đồng nhân dân Tỉnh đánh giá cao nỗ lực của toàn ngành Giáo dục trong việc thực hiện đổi mới chương trình và lựa chọn sách giáo khoa phổ thông trên địa bàn Tỉnh, đảm bảo các yêu cầu đề ra. Trong thời gian tới, ngành giáo dục cần phối hợp tốt với các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương đổi mới giáo dục, trong đó có thay đổi sách giáo khoa cho phụ huynh, học sinh hiểu và đồng thuận, đặc biệt là cơ chế quản lý và giá sách giáo khoa; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho chủ trương đổi mới giáo dục và đào tạo; thực hiện tốt công tác tuyển dụng, bồi dưỡng giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giảng dạy.

3. Rà soát, chấn chỉnh và tăng cường thu dung, quản lý, điều trị ca bệnh Covid-19

Nhằm giảm nguy cơ chuyển nặng, hạn chế tối đa tử vong ở bệnh nhân Covid-19 và bảo vệ các đối tượng nguy cơ trong các cơ sở khám, chữa bệnh, Sở Y tế vừa đề nghị Bệnh viện tuyến tỉnh; Trung tâm y tế huyện, thành phố; Bệnh viện Quân dân Y; bệnh viện tư nhân rà soát bố trí giường bệnh để thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 có chỉ định nhập viện theo nguyên tắc 4 tại chỗ. Bố trí nhân lực theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh Covid-19 nhập viện, nhằm phát hiện sớm tình trạng chuyển nặng, xử trí kịp thời hạn chế tử vong.

Các đơn vị cần tăng cường hội chẩn tại bệnh viện, hội chẩn với tuyến trên để xin ý kiến về chuyên môn, hạn chế tối đa việc chuyển người bệnh lên tuyến trên. Đối với các ca bệnh vượt quá khả năng chuyên môn, khi chuyển viện phải hội chẩn, liên hệ với bệnh viện tuyến trên trước khi chuyển và bảo đảm an toàn đối với người bệnh chuyển viện.

Tại các cơ sở điều trị, cần tăng cường các biện pháp phòng lây nhiễm, hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong bệnh viện, đặc biệt, tăng cường bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao, khu hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật…

Đối với các ca bệnh nặng, ca bệnh nghi ngờ Covid-19 nằm tại các bệnh viện, khuyến cáo thực hiện xét nghiệm RT-PCR để chẩn đoán mắc Covid-19, tránh bỏ sót ca bệnh để dịch bệnh lan rộng (khi kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính nhưng vẫn nghi ngờ Covid-19).

Các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến cuối điều trị Covid-19 của Tỉnh cần theo dõi, đánh giá lâm sàng các ca bệnh Covid-19 nặng nhập viện hiện nay và lấy mẫu xét nghiệm giải trình tự gen để gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tỉnh tổng hợp chuyển về Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh, đánh giá mức độ nặng, nguy kịch báo cáo Sở Y tế để tổng hợp báo cáo Bộ Y tế xem xét điều chỉnh các hướng dẫn chuyên môn.

Trung tâm y tế huyện, thành phố tăng cường rà soát, triển khai công tác truyền thông và tiêm vắc xin cho người dân theo đúng hướng dẫn, đặc biệt quan tâm đến những người thuộc nhóm nguy cơ cao.

4. Đến năm 2025, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 95%

Uỷ ban nhân dân Tỉnh vừa ban hành Quyết định số: 1004/QÐ-UBND-HC ngày 12/9/2022, trong đó giao chỉ tiêu thực hiện bao phủ bảo hiểm y tế giai đoạn 2022 - 2025 cho từng huyện, thành phố. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên địa bàn Tỉnh đạt trên 95%. Trong đó, được giao chỉ tiêu cao nhất là huyện Tân Hồng với 100%, thấp nhất là huyện Lấp Vò và thành phố Hồng Ngự với 90%.

Uỷ ban nhân dân Tỉnh yêu cầu Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ chỉ tiêu được giao, trình hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua chỉ tiêu thực hiện bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân trong chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, 05 năm của địa phương và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh về tổ chức thực hiện chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế tại địa phương; chỉ đạo các phòng, ban có liên quan xây dựng kế hoạch và giải pháp triển khai thực hiện để đạt chỉ tiêu được giao.

Bảo hiểm xã hội Tỉnh chịu trách trước Uỷ ban nhân dân Tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh về việc mở rộng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế; tổ chức triển khai thực hiện và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; chủ động tham mưu, đề xuất với Uỷ ban nhân dân Tỉnh, các sở, ban, ngành về những giải pháp, cơ chế, chính sách để phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, đóng bảo hiểm y tế và tổ chức triển khai thực hiện.

Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên phạm vi toàn Tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh; tinh thần, thái độ phục vụ người tham gia bảo hiểm y tế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến quy trình thanh toán khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, đảm bảo thuận lợi khi người tham gia bảo hiểm y tế gia tăng; kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế.

5. Tăng cường thực hiện bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên

Để thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, sinh viên thông qua chính sách bảo hiểm y tế, góp phần tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế; đảm bảo 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế, Uỷ ban nhân dân Tỉnh có Công văn gửi các đơn vị liên quan về việc tăng cường thực hiện bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên năm học 2022 - 2023.

Theo đó, Bảo hiểm xã hội Tỉnh tham mưu Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân Tỉnh thực hiện công tác bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên năm học 2022 - 2023 trên địa bàn Tỉnh, đảm bảo 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế; chủ trì, phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các Trường Cao đẳng, Đại học trên địa bàn Tỉnh thực hiện các giải pháp đảm bảo 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế; phối hợp Sở Tài chính đề xuất Uỷ ban nhân dân Tỉnh hỗ trợ hoặc huy động các nguồn tài trợ hợp pháp khác để hỗ trợ thêm mức đóng bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên trên địa bàn, nhất là những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố, ban giám hiệu các trường, các cơ sở đào tạo công lập tuyên truyền, vận động học sinh tham gia bảo hiểm y tế năm học 2022 - 2023, đảm bảo 100% học sinh tham gia bảo hiểm y tế; tổ chức cấp phát thẻ bảo hiểm y tế kịp thời cho học sinh tham gia bảo hiểm y tế và tổ chức tốt công tác y tế học đường để chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho học sinh.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo trung tâm giới thiệu việc làm, các trường trung cấp nghề trực thuộc thực hiện tuyên truyền, vận động học viên tham gia bảo hiểm y tế; phối hợp với Bảo hiểm xã hội Tỉnh triển khai các giải pháp đảm bảo 100% sinh viên, học viên tham gia bảo hiểm y tế; thực hiện thu phí bảo hiểm y tế và tổ chức tốt công tác y tế học đường để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho sinh viên, học viên.

Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong Tỉnh thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh cho học sinh, sinh viên có thẻ  bảo hiểm y tế, tạo điều kiện tốt nhất để các em được chăm sóc sức khỏe thông qua chính sách bảo hiểm y tế; tiếp tục tuyên truyền chính sách bảo hiểm y tế đối với người dân khi đi khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo củng cố và phát triển công tác y tế trường học.

6. Hướng dẫn giảm trừ mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình

Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Đồng Tháp hướng dẫn việc giảm trừ mức đóng cho người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình như sau:

Căn cứ tại Điểm e Khoản 1 Điều 7 Nghị định số: 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT; Khoản 2 Điều 4 Thông tư số: 30/2020/TT-BYT của Bộ Y tế quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Nghị định số: 146/2018/NĐ-CP, người tham gia BHYT hộ gia đình được giảm trừ mức đóng ngay từ người thứ hai trở đi khi các thành viên tham gia BHYT theo hộ gia đình cùng tham gia trong năm tài chính. Cụ thể:

- Mức đóng BHYT của đối tượng hộ gia đình như sau: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

- Khi tham gia BHYT hết hộ trong năm tài chính được tính giảm trừ mức đóng BHYT tại thời điểm đóng tiền ngay từ người thứ hai trở đi (không phân biệt giá trị sử dụng thẻ BHYT), trừ trường hợp người chưa tham gia BHYT hộ gia đình đã tham gia thẻ BHYT khác hoặc đi khỏi địa phương.

Ví dụ cho hộ gia đình 5 người như sau:

1. Tham gia 3 người: Kê khai Phụ lục hộ gia đình kèm Mẫu TK1-TS đủ 5 người. Phụ lục hộ gia đình đình có ghi rõ rời khỏi địa phương hoặc thẻ khác hoặc chưa tham gia (đối với người còn lại chưa tham gia) thì được giảm trừ mức đóng: người thứ 1: 100%; người thứ 2: 70%, người thứ 3: 60%.

2. Tham gia 3 người: kê khai Phụ lục hộ gia đình kèm Mẫu TK1-TS đủ 5 người. Phụ lục hộ gia đình không ghi rõ rời khỏi địa phương hoặc có thẻ khác hoặc chưa tham gia (đối với 2 người còn lại chưa tham gia) thì sẽ không được giảm trừ mức đóng theo quy định (thu đủ người thứ 1, người thứ 2, người thứ 3: 100% mức đóng).

- Trường hợp trong cùng năm tài chính, 2 người còn lại tham gia BHYT thì được giảm trừ cho 2 người tham gia sau là người thứ 2, người thứ 3.

- Trường hợp khác năm tài chính, 2 người còn lại mới tham gia BHYT mà thẻ BHYT của 3 người đã tham gia của năm trước còn hạn sử dụng, thì thực hiện giảm trừ cho 2 người tham gia sau là người thứ 1, người thứ 2.

7. Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp chính thức hoạt động tại cơ sở mới

Được khởi công xây dựng vào tháng 4/2018, cơ sở mới của Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp với quy mô 700 giường đến nay đã hoàn thành. Sáng ngày 26/9/2022, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp tổ chức lễ chào mừng hoạt động Khoa khám bệnh và các khoa, phòng (di dời giai đoạn 1) tại địa chỉ số 39, đường Nguyễn Văn Tre, xã Mỹ Tân, thành phố Cao Lãnh. Đây là công trình trọng điểm của tỉnh Đồng Tháp và sau hơn 04 năm xây dựng đã đi vào hoạt động giai đoạn 1 với Khoa khám bệnh và một số khoa, phòng chức năng.

Trong giai đoạn đầu đưa vào hoạt động, cơ sở mới chỉ tạm thời tiếp nhận khám và điều trị bệnh ngoại trú. Riêng các trường hợp cấp cứu, khám bệnh sản, nhi vẫn hoạt động tại cơ sở cũ như hiện nay. Công suất hoạt động của cơ sở mới đáp ứng khoảng 2.300 lượt khám bệnh mỗi ngày. Công trình được đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng gồm 02 khối nhà chính: 10 tầng và 04 tầng.

Với cơ sở vật chất mới được đầu tư, kỳ vọng Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp 700 giường sẽ đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh chuyên sâu, tạo điều kiện cho người dân trong Tỉnh tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao, từ đó giảm bớt số lượng bệnh chuyển lên tuyến trên, chủ động điều trị tại chỗ, giảm chi phí và thời gian của người bệnh, mang đến những lợi ích an sinh lớn cho bà con nhân dân.

Dự kiến công tác di dời giai đoạn 2 sẽ được thực hiện trong tháng 11/2022.

8. Thực hiện kế hoạch hóa gia đình vì sức khỏe, hạnh phúc của mỗi gia đình và sự phát triển bền vững của đất nước

 Đây là chủ đề hưởng ứng Ngày tránh thai thế giới 26/9/2022. Khẩu hiệu tuyên truyền hưởng ứng Ngày tránh thai thế giới năm nay là: "Hãy lựa chọn cho mình một biện pháp tránh thai phù hợp để không mang thai ngoài ý muốn"; "Phụ nữ cần nắm vững thông tin về các biện pháp tránh thai để tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình"; "Không mang thai ở tuổi vị thành niên vì tương lai, hạnh phúc của chính bạn"...

Hoạt động tuyên truyền Ngày tránh thai thế giới hằng năm nhằm nâng cao nhận thức cho giới trẻ trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai, khuyến khích phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh đẻ chủ động về hành vi mang thai vì những lợi ích của chính mình và cộng đồng. Cùng với đó, nâng cao nhận thức về lợi ích của việc tránh thai, nhu cầu sử dụng, khả năng đáp ứng các phương tiện tránh thai, vấn đề xã hội hóa các phương tiện tránh thai tại Việt Nam, về chăm sóc sức khỏe sinh sản, các biện pháp tránh thai an toàn; nâng cao nhận thức về lợi ích của việc tránh thai, nhu cầu sử dụng, khả năng đáp ứng các phương tiện tránh thai, vấn đề xã hội hóa các phương tiện tránh thai.

9. Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020

Ngày 21/9/2022, tại tỉnh Tiền Giang, Trung tâm truyền thông Tài nguyên và Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tiền Giang tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cho các cán bộ làm công tác tuyên giáo, công tác tuyên truyền thuộc các tổ chức chính trị - xã hội và đại diện các cơ quan truyền thông phía Nam.

Các đại biểu dự hội nghị được đại diện Tổng cục Môi trường phổ biến một số điểm mới về tiêu chí môi trường, nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, giấy phép môi trường, đăng ký môi trường và các quy định mới về quản lý môi trường. TS. Nhà báo Trần Bá Dung - nguyên Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam phổ biến về vai trò của truyền thông, báo chí, tuyên truyền viên với việc tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường tới cộng đồng.

Hội nghị này giúp cho các cán bộ làm công tác tuyên truyền, truyền thông cập nhật nội dung mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, để từ đó tuyên truyền, phổ biến Luật đi vào cuộc sống và công tác truyền thông về môi trường mang lại hiệu quả.

10. Nghiệm thu đề tài "Đánh giá nguy cơ sức khoẻ con người đối với ảnh hưởng của thuốc Bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp"

Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức nghiệm thu đề tài: "Đánh giá nguy cơ sức khỏe con người đối với ảnh hưởng của thuốc Bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp". Đề tài do BSCK2. Nguyễn Công Cừu làm chủ nhiệm và Trường Cao đẳng Y tế là đơn vị chủ trì. Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu là ông Trần Thanh Liêm - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ.

Mục tiêu nghiên cứu của đề tài: đánh giá được thực trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2013 - 2017; đánh giá tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong một số loại rau quả phổ biến, nguồn nước mặt và đất nông nghiệp tại tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2013 - 2017; đánh giá kiến thức, thực hành sử dụng an toàn thuốc bảo vệ thực vật của người dân trong sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Đồng Tháp; đánh giá nguy cơ sức khỏe của người dân liên quan đến sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và tiêu dùng nông sản tại tỉnh Đồng Tháp.

Đánh giá kết quả đạt được của đề tài, Hội đồng cho rằng: Đây là đề tài có giá trị lý luận và thực tiễn, báo cáo tổng hợp, báo cáo tóm tắt đầy đủ, rõ ràng, có phân tích số liệu... nêu bật được vấn đề sức khỏe của người dân ảnh hưởng của thuốc Bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cần tiếp thu các ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng để hoàn chỉnh nội dung trong báo cáo. Kết quả, Hội đồng thống nhất nghiệm thu đề tài: Đạt.

11. Liên hiệp Hội Đồng Tháp phổ biến kiến thức cho nông dân hướng đến nông nghiệp hữu cơ có giá trị tăng, bền vững, thân thiện môi trường sinh thái

Sáng ngày 20/9/2022, tại huyện Châu Thành, Liên hiệp Hội phối hợp với Uỷ ban nhân dân Huyện tổ chức Hội nghị chuyên đề: "Phổ biến mô hình canh tác hữu cơ khắc phục thoái hoá đất nâng cao chất lượng sản phẩm".

Tại buổi Hội nghị chuyên đề, các đại biểu được nghe Ths. Nguyễn Phước Tuyên, Chuyên gia nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp chia sẽ kinh nghiệm việc sử dụng phân bón hữu cơ, vấn đề quản lý dinh dưỡng, cũng như xử lý những bệnh hại trên cây trồng.

Qua Hội nghị này, nhằm góp phần nâng cao nhận thức cho nông dân, chính quyền địa phương về sản xuất nông nghiệp hữu cơ; tạo sự chuyển biến cho người sản xuất nông nghiệp và người tiêu dùng về sản phẩm nông nghiệp sạch, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái nông nghiệp.

12. Đây mạnh phát triển kinh tế số trong bối cảnh mới

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là sự ra đời, phát triển của công nghệ số, kỹ thuật số tạo ra những thay đổi to lớn về phương thức hoạt động, phương thức sản xuất, kinh doanh của tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế, công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ. Theo đó, chuyển tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế này lên một trình độ phát triển mới trên nền tảng công nghệ mới, hình thành và phát triển nền kinh tế số.

Theo nghĩa hẹp, kinh tế số được hiểu là những ngành dựa trên công nghệ số, trong đó bao gồm các công nghệ trụ cột như: Công nghệ thông tin, công nghệ Internet vạn vật, xử lý dữ liệu lớn, điện toán đám mây... Theo nghĩa rộng, kinh tế số là nền kinh tế trong đó những hoạt động sản xuất, kinh doanh, phân phối, tiêu dùng... của tất cả các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế đều dựa trên nền tảng công nghệ số.

Từ các quan niệm trên có thể hiểu, kinh tế số là môi trường tổng thể về kinh tế, văn hóa, xã hội, thể chế, công nghệ có những đặc tính phù hợp và tạo thuận lợi nhất cho việc phổ biến, ứng dụng, phát triển công nghệ số. Trong môi trường đó, tri thức, thông tin, dữ liệu, không gian số trở thành những nhân tố sản xuất quan trọng nhất, trực tiếp đóng góp vào sự phát triển kinh tế; hàm lượng tri thức công nghệ số được nâng cao trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Nói cách khác, kinh tế số là một môi trường tổng thể mọi mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, thể chế, công nghệ... tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự sản sinh, phổ biến, sử dụng các tri thức số, thông tin số, công nghệ số; trong đó diễn ra quá trình chuyển biến tri thức số, thông tin số, công nghệ số trở thành yếu tố sản xuất chủ yếu của nền kinh tế.

Nền kinh tế số được cấu thành bởi các yếu tố sau: Thị trường số, tài nguyên thông tin số, dịch vụ số, thị trường tiêu dùng số. Theo đó, thị trường số là mạng lưới Internet kết nối đến đâu đồng nghĩa với việc thị trường được mở rộng tới đó; các giao dịch trên thị trường được số hóa.

Tài nguyên thông tin số là thông tin, tri thức được số hóa rồi thương phẩm hóa qua kết nối trên không gian mạng Internet. Dịch vụ số là nền kinh tế số được hình thành nhờ việc ứng dụng rộng rãi Internet và kỹ thuật số, bắt đầu từ lĩnh vực thông tin, giải trí rồi lan sang các lĩnh vực thương mại, dịch vụ khác, từ đó tạo ra những mô hình mới như: Thương mại số, ngân hàng số, logistics số, giáo dục số... Đối với thị trường tiêu dùng số mang tính toàn cầu, xuyên quốc gia. Việc mở rộng mạng Internet và dịch vụ số gắn với sự bùng nổ của điện thoại thông minh, kích thích xu hướng tiêu dùng dịch vụ số đến mọi thành phần dân cư.

Phát triển kinh tế số là xu hướng tất yếu để phát triển bền vững trong kỷ nguyên số. Định hướng này cũng thể hiện nhất quán với quyết tâm lớn của Đảng bộ và chính quyền tỉnh Đồng Tháp. Trên tinh thần đó, Tỉnh uỷ Đồng Tháp ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp. Nghị quyết xác định: "Phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong đó, chính quyền số đóng vai trò dẫn dắt và quản lý quá trình chuyển đổi số, tạo nền tảng cơ bản, thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số. Kinh tế số là mũi nhọn, xã hội số là trọng tâm trong lộ trình chuyển đổi số của Tỉnh".

Thời gian qua, chính quyền tỉnh Đồng Tháp có nhiều cơ chế, chính sách và các hoạt động cụ thể thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số. Đáng chú ý là Kế hoạch số: 152/KH-UBND ngày 05/5/2022 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp về "Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025". Cùng với đó, quan tâm xây dựng và phát huy hiệu quả của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; triển khai các hoạt động, giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng; phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong thương mại điện tử, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp vừa và nhỏ đáp ứng nhu cầu phát triển thương mại điện tử trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Trong thời gian tới, để thúc đẩy phát triển kinh tế số, Tỉnh cần tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách để tạo lập hành lang pháp lý phát triển kinh tế số; xác lập, từng bước hoàn thiện khung cơ chế, chính sách đối với từng ngành, lĩnh vực về phát triển kinh tế số. Đồng thời, quan tâm phát triển nguồn nhân lực số trong tiến trình phát triển kinh tế số; có chiến lược đào tạo về kiến thức, kỹ năng số để phát triển nguồn nhân lực số phổ thông của Tỉnh; cần có chính sách đặc thù để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ số.

Bên cạnh đó, tập trung phát triển hệ sinh thái số, trọng tâm là phát triển hạ tầng số, nền tảng số và các nền tảng phục vụ chuyển đổi số, cũng như đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các ứng dụng công nghệ số phục vụ tiến trình quản lý và phát triển kinh tế số.

Mặt khác, cần quản lý, khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ và triển khai đồng bộ giải pháp trong quản lý, khai thác hệ thống cơ sở dữ liệu của Tỉnh; phát huy vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, các tổ chức nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng... trong phát triển kinh tế số. Hoạch định và thực thi các cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế số trên cơ sở đồng thuận giữa chính quyền với các bên liên quan.

Trước những thời cơ, thuận lợi, thách thức trong tiến trình phát triển kinh tế số, đòi hỏi chính quyền tỉnh Đồng Tháp phát huy tính năng động, sáng tạo, chủ động cùng với việc thực hiện đồng bộ, linh hoạt nhiều nhóm giải pháp để quản lý hiệu quả.

CHÍNH SÁCH - VĂN BẢN

1. Chuẩn bị kế hoạch mở rộng đối tượng tiêm vắc xin Covid-19

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc rà soát, thống kê số lượng trẻ để chuẩn bị kế hoạch mở rộng đối tượng tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi khi có điều kiện, cơ sở khoa học.

Để chuẩn bị kế hoạch mở rộng đối tượng tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em khi đủ căn cứ, cơ sở khoa học theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đề nghị uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở y tế và các đơn vị liên quan tổ chức rà soát, thống kê số lượng trẻ em trên địa bàn thuộc nhóm 6 tháng đến dưới 5 tuổi gồm: Trẻ từ 6 tháng đến dưới 1 tuổi; trẻ từ 1 tuổi đến dưới 2 tuổi; trẻ từ 2 tuổi đến dưới 3 tuổi; trẻ từ 3 tuổi đến dưới 4 tuổi; trẻ từ 4 tuổi đến dưới 5 tuổi.

Các địa phương cũng đề xuất nhu cầu sử dụng vắc xin cho những nhóm tuổi này và gửi về các Viện Vệ sinh dịch tễ/Viện Pasteur khu vực trước ngày 30/9/2022. Bộ Y tế cũng yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ/Viện Pasteur khu vực gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trước ngày 10/10/2022 để tổng hợp. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tổng hợp số liệu gửi Bộ Y tế trước ngày 15/10/2022.

2. Từ ngày 01/10/2022, người sử dụng lao động không còn được giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp

Ngày 24/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số: 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, trong đó hỗ trợ người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Trong đó, đối tượng được giảm 1% mức đóng bảo hiểm thất nghiệp (từ ngày 01/10/2021 đến ngày 30/9/2022) là người sử dụng lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước ngày 01/10/2021.

Người sử dụng lao động nêu trên không bao gồm các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Như vậy, từ ngày 01/10/2022, người sử dụng lao động sẽ không còn được giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp. Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ quay về mức 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KHOA GIÁO CẤP HUYỆN

Trước tình hình bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến phức tạp, để chủ động trong công tác phòng chống, giảm số ca mắc, nhất là ca mắc trong trường học, từ ngày 12 - 21/9/2022, Trung tâm Y tế Thành phố Sa Đéc tiến hành phun hóa chất diệt muỗi phòng, chống SXH tại 41 điểm trường Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT, Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật trên địa bàn Thành phố. Mục tiêu của hoạt động này là nhằm khống chế không để dịch SXH xảy ra trên địa bàn Thành phố, hạn chế sự lây truyền bệnh SXH trong trường học sau phun hóa chất. Trước khi phun hóa chất, 100% các điểm trường trong địa bàn Thành phố đảm bảo thực hiện vệ sinh môi trường, phòng, lớp học và phát quang bụi rậm, thu dọn chất thải, loại bỏ lăng quăng ở các dụng cụ chứa nước, vật chứa nước có lăng quăng (trước 1 ngày) trước khi phun hóa chất diệt muỗi phòng, chống SXH.

Trong tháng 08/2022, huyện Tân Hồng ghi nhận 51 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 20 ca so tháng trước, nâng tổng số lên 155 ca, tăng 129 ca so với cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh, tay chân miệng xảy ra 12 ca mắc mới, giảm 14 ca so tháng trước, nâng tổng số bệnh nhân là 60 ca, giảm 07 ca so với cùng kỳ năm trước. Để chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết và tay - chân - miệng hiệu quả, ngành chuyên môn khuyến cáo người dân cần chủ động trong công tác phòng chống bệnh tại gia đình như: Thường xuyên dọn dọp nhà cửa, thu gom rác thải, khai thông các nguồn nước động vũng xung quanh nhà, vì môi trường ẩm thấp sẽ tạo điều kiện cho muỗi có nơi trú ẩn sinh sản; những vật dụng phải được lau chùi sạch sẽ, lu khạp chứa nước cọ rửa hằng ngày và phải có nắp đậy kín nhằm ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, bảo vệ sức khoẻ cho bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.

Vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Tam Nông phối hợp với Hội LHPN các xã, thị trấn trao tặng 11.700 bình lọc nước cho hội viên phụ nữ, người dân nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trong Huyện. Đây là loại bình có công nghệ khử khuẩn an toàn nano bạc, loại bỏ 99,99% vi khuẩn trong nước. Mỗi bình lọc nước trị giá 1,2 triệu đồng, với tổng giá trị hơn 14 tỷ đồng do Hội LHPN Tỉnh vận động Công ty Cổ phần xúc tiến đầu tư và Phát triển bền vững Sipco tài trợ. Qua đó giúp cho các hộ dân có nguồn nước sạch để sử dụng trong ăn uống và sinh hoạt, đảm bảo sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ngày 20/9/2022, Hội Khuyến học và Cựu giáo chức huyện Lai Vung tổ chức triển khai các quyết định, kế hoạch về xây dựng các mô hình học tập giai đoạn 2021 - 2030 cho hệ thống Hội cấp xã và lãnh đạo uỷ ban nhân dân 12 xã, thị trấn. Mục tiêu chung là tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào thi đua, học tập thường xuyên, liên tục, học tập suốt đời trong tầng lớp nhân dân thông qua các mô hình "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập", "Cộng đồng học tập", "Đơn vị học tập" đáp ứng yêu cầu xã hội học tập, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với Chương trình chuyển đổi số Quốc gia. Theo đó, Uỷ ban nhân dân huyện Lai Vung đã ban hành Kế hoạch số: 168-KH/UBND về đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị trên địa bàn Huyện đến năm 2030. Mục tiêu đến năm 2025 có 90% gia đình được công nhận danh hiệu "Gia đình học tập", 80% dòng họ được công nhận danh hiệu "Dòng học học tập", 95% cộng đồng được công nhận "Cộng đồng học tập", trong số này có 40 - 60% đối tượng được công nhận công dân học tập. Đến năm 2030 các chỉ tiêu cụ thể tăng 05% so với các chỉ tiêu ở giai đoạn trước, riêng đối tượng được công nhận công dân học tập đến năm 2030 là từ 60 - 80%. Hội Khuyến học và Cựu giáo chức Huyện đã thông qua Hướng dẫn tạm thời xét công nhận công dân học tập trong cơ quan, đơn vị, trường học năm 2022 nhằm giúp cơ sở Hội tổ chức bình xét các mô hình học tập năm 2022 trong tháng 10/2022.

Để thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, Hội Nông dân xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười vừa ra quân thu gom rác thải nông nghiệp và phát quang cây xanh. Hội Nông dân xã tổ chức thu gom 300 ký rác thải nông nghiệp, phát quang trên 02km cây xanh che khuất tầm nhìn ở khu vực nội đồng Hợp tác xã Thắng Lợi, ấp 5, xã Mỹ Đông. Ngoài thu gom rác thải, Hội Nông dân xã phối hợp tuyên truyền, vận động nông dân phân loại rác, đối với rác thải nông nghiệp, sau khi sử dụng xong thu gom vào hố rác để đơn vị vận chuyển vào bãi rác tập trung xử lý. Được biết, ấp 5 là ấp được xã chọn thực hiện làng thông minh trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của xã Mỹ Đông. Trước đó, Hội Nông dân xã đã tổ chức 03 đợt thu gom rác thải nông nghiệp, thu gom trên 850 ký rác thải trên các tuyến đường nội đồng. Ngoài ra, còn tổ chức phát quang trên 1,5km đường, trồng 600 cây bông trang trên tuyến đường ấp 2 của xã để tạo cảnh quan với kinh phí 12.500.000đ từ nguồn xã hội hoá của người dân đóng góp và nguồn lực xây dựng nông thôn mới của xã.

Ngày 15/9/2022, Trung tâm Văn hoá - Thể thao và Truyền thanh huyện Tháp Mười phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo Huyện tổ chức Giải Cờ vua Thiếu nhi truyền thống lần thứ IX và Giải Cờ tướng huyện Tháp Mười năm 2022. Tham gia giải có 150 vận động viên đến từ các cấp Tiểu học và THCS trong huyện thi đấu cờ vua cùng 23 vận động viên thi đấu môn cờ tướng. Các nhóm tuổi thi đấu theo hệ Thụy Sĩ 5 ván. Kết quả, có 15 bộ huy chương được trao cho giải đồng đội và cá nhân có thành tích cao nhất. Đây là hoạt động được tổ chức thường niên nhằm tạo sân chơi bổ ích cho các em học sinh, các vận động viên, đồng thời thông qua giải phát hiện những vận động viên có năng khiếu, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn để tiếp tục tham gia các hội thi cờ vua, cờ tướng trong thời gian tới.

Vừa qua, tại chùa Khánh Linh, xã Phú Hựu, huyện Châu Thành, đoàn y, bác sĩ Trường Đại học Y tế Phạm Ngọc Thạch - thành phố Hồ Chí Minh đã đến khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 500 người dân thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Phú Hựu, An Khánh và một số xã lân cận. Tại đây, các y, bác sĩ đã đo huyết áp, test đường trong máu, khám tổng quát, tư vấn cách chăm sóc, rèn luyện sức khỏe theo thể trạng từng đối tượng. Đồng thời, cấp thuốc điều trị trong thời gian từ 5 đến 10 ngày tùy theo bệnh. Đối với một số bệnh các y, bác sĩ tư vấn người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được khám, theo dõi sức khỏe và cấp thuốc điều trị thường xuyên, liên tục. Ngoài ra, mỗi người đến khám bệnh còn được nhận một phần quà gồm gạo, mì, nước tương. Tổng kinh phí cho hoạt động khám chữa bệnh, cấp thuốc, trao quà đợt này hơn 150 triệu đồng do Chùa Khánh Linh vận động Trường Đại học Y tế Phạm Ngọc Thạch - thành phố Hồ Chí Minh tài trợ.

Hội LHPN huyện Châu Thành cũng đã phối hợp Hội LHPN các xã, thị trấn trao tặng 11.700 bình lọc nước cho hội viên, người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện. Mỗi bình lọc nước trị giá 1,2 triệu đồng. Tổng giá trị đợt phát bình lọc nước đợt này là hơn 14 tỷ đồng do Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thương mại INTRACO tài trợ. Qua đó, giúp người dân tiếp cận nguồn nước sạch, giảm bớt thời gian đun nấu nước chín, tiết kiệm chất đốt thông qua việc lựa chọn thiết bị lọc nước, góp phần bảo vệ môi trường.

PHÒNG KHOA GIÁO VÀ VĂN HÓA - VĂN NGHỆ