Xuất bản thông tin

null Đồng Tháp: 99,38% thí sinh đỗ Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2022

Chi tiết bài viết Tab Thông tin

Đồng Tháp: 99,38% thí sinh đỗ Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2022

Tổng số thí sinh đỗ tốt nghiệp Trung học phổ thông của Tỉnh là 14.504 thí sinh, đạt tỷ lệ 99,38%, giảm 0,11% so với Kỳ thi năm 2021. Trong đó, hệ Giáo dục trung học phổ thông đạt 99,75%, hệ Giáo dục thường xuyên đạt 94,87%, thí sinh tự do đạt 72%. Có 29/43 trường có thí sinh đỗ tốt nghiệp với tỷ lệ 100%. Nội dung được đề cập trong thông tin công tác khoa giáo kỳ này.

TIN TỨC - SỰ KIỆN

1. Đồng Tháp: 99,38% thí sinh đỗ Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2022

Tổng số thí sinh đỗ tốt nghiệp Trung học phổ thông của Tỉnh là 14.504 thí sinh, đạt tỷ lệ 99,38%, giảm 0,11% so với Kỳ thi năm 2021. Trong đó, hệ Giáo dục trung học phổ thông đạt 99,75%, hệ Giáo dục thường xuyên đạt 94,87%, thí sinh tự do đạt 72%. Có 29/43 trường có thí sinh đỗ tốt nghiệp với tỷ lệ 100%.

Công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2022 an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và đạt yêu cầu đề ra. Kết quả thi đã phản ánh chất lượng của các trường trung học phổ thông trong Tỉnh.

2. Xây dựng mô hình Công dân học tập giai đoạn 2021 - 2030

UBND Tỉnh vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình "Xây dựng mô hình Công dân học tập giai đoạn 2021 - 2030" trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Chương trình đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, có 60% người lớn trong gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập và 80% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị học tập cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh đạt danh hiệu "Công dân học tập"; 90% người đạt danh hiệu "Công dân học tập" phải có những kỹ năng số và đáp ứng yêu cầu công việc theo quy định của Chương trình chuyển đổi số quốc gia, trong đó 80% thành thạo kỹ năng số, tự cập nhật thông tin về tiêu chí đánh giá "Công dân học tập" trên môi trường số hoá.

Để đạt được mục tiêu trên, Chương trình đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp, trong đó tập trung xây dựng Kế hoạch thực hiện mục tiêu Chương trình, triển khai Bộ tiêu chí "Công dân học tập" trong các cơ quan, đơn vị, trường học; lồng ghép trong triển khai công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Cùng với đó là phát động phong trào thi đua "Học để thay đổi và thích ứng với công nghệ 4.0", từ đó, tổ chức cuộc vận động thúc đẩy học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị, gắn kết với phong trào xây dựng các mô hình: Gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị thuộc xã quản lý; cộng đồng học tập cấp xã; xây dựng huyện/thành phố học tập, tỉnh học tập; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời, xây dựng mô hình "Công dân học tập"; tăng cường kết nối vận động các nguồn lực xã hội hóa nhân rộng mô hình "Công dân học tập", góp phần xây dựng xã hội học tập...

3. Xây dựng văn hoá học đường, bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh

UBND Tỉnh có Công văn gửi các sở, ngành tỉnh; Trường Đại học Đồng Tháp; Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hoá học đường.

UBND Tỉnh yêu cầu Sở GD và ĐT rà soát, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên bảo đảm đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Sở GD và ĐT cũng được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tỉnh có liên quan và UBND huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, địa phương trong công tác xây dựng văn hóa học đường; bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; chú trọng xây dựng nội dung giáo dục giá trị văn hóa truyền thống; tình yêu quê hương; giá trị di tích lịch sử văn hóa địa phương; tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch của UBND Tỉnh về Đề án "Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2019 - 2025" trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

UBND Tỉnh đề nghị Trường Đại học Đồng Tháp tăng cường công tác quản lý sinh viên; phối hợp xây dựng văn hóa học đường thuộc phạm vi quản lý, tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.

UBND huyện, thành phố chủ động phối hợp với Sở GD và ĐT rà soát, quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế theo yêu cầu phát triển của địa phương; bảo đảm cơ sở vật chất đạt mức tối thiểu theo quy định; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên, nhất là nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

4. Tập trung công tác phòng, chống dịch Covid-19 và bệnh sốt xuất huyết

Tính đến ngày 24/7/2022, toàn Tỉnh ghi nhận 6.429 ca mắc Covid-19 bằng phương pháp RT-PCR và 70.914 ca test nhanh. Đáng chú ý là kể từ 25/4/2022 đến nay, Tỉnh không ghi nhận thêm ca tử vong do Covid-19. Tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên (tiêm mũi bổ sung) đạt tỷ lệ 99,75%, tiêm mũi nhắc lại trên 92%; trẻ em từ 12 đến 17 tuổi, tiêm mũi 1 đạt 99,87%, tiêm mũi 2 đạt 99,16%, tiêm mũi 3 đạt 32,18%; trẻ em từ 05 đến 11 tuổi tiêm mũi 1 là 88,45%, tiêm mũi 2 là 65,51%.

Tính đến ngày 17/7/2022 (tuần 29), toàn Tỉnh ghi nhận 5.273 ca mắc sốt xuất huyết Dengue, tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ; trong đó, có 168 ca nặng và 07 trường hợp tử vong. Các ca mắc sốt xuất huyết Dengue phân bố ở tất cả địa phương trong tỉnh, đặc biệt là huyện Hồng Ngự, huyện Lấp Vò, thành phố Hồng Ngự và thành phố Cao Lãnh có số ca mắc cao. Ngành y tế đã triển khai thực hiện Chiến dịch diệt lăng quăng 02 đợt với quy mô toàn Tỉnh.

Hiện nay với sự xuất hiện của các biến thể phụ BA.4 và BA.5 của biến chủng Omicron trong cộng đồng, nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát vẫn còn hiện hữu. Do đó, UBND Tỉnh đề nghị các địa phương khẩn trương, quyết liệt, đẩy nhanh hơn nữa công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19, nhất là mũi 3, mũi 4; tăng cường công tác truyền thông để người dân hiểu về triệu chứng khi tiêm chủng và lợi ích của tiêm vắc xin phòng Covid-19; rà soát, lập danh sách đối tượng cần tiêm, cập nhật tình trạng tiêm chủng của tất cả đối tượng trên địa bàn. UBND Tỉnh đề nghị ngành y tế tăng cường tổ chức giám sát tiêm chủng, đảm bảo an toàn trong tiêm chủng tại các điểm tiêm.

Đối với công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, trải qua 02 đợt triển khai “Chiến dịch Diệt lăng quăng phòng, chống bệnh sốt xuất huyết” đã mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, số ổ dịch trong cộng đồng vẫn còn cao, do đó, nguy cơ số ca mắc sốt xuất huyết thời gian tới vẫn sẽ tiếp tục tăng. UBND Tỉnh đề nghị các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện phòng bệnh, tránh muỗi đốt. Ngoài ra, ngành y tế tổ chức các đội hình kỹ thuật tăng cường công tác giám sát, phát hiện và xử lý ổ dịch tại các địa phương; chủ động kết nối với y tế tuyến trên để xác định nguyên nhân của các ca tử vong, để có giải pháp trong điều trị bệnh phù hợp, hiệu quả.

5. Nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng, chống dịch bệnh

Đây là một trong những nội dung quan trọng trong Công văn về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh của UBND Tỉnh gửi Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội Tỉnh; các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thành phố nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh ở người (nhất là bệnh sốt xuất huyết Dengue, bệnh tay chân miệng, sởi, ho gà, Covid-19...).

UBND Tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin mũi 3 và mũi 4 phòng Covid-19; phát động Chiến dịch tiêm chủng trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đi đầu, gương mẫu trong việc tiêm vắc xin phòng Covid-19; chú trọng động viên, tôn vinh, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác phòng, chống dịch ở người (sốt xuất huyết Dengue, bệnh tay chân miệng, sởi, ho gà, Covid-19...), tuyên truyền về kết quả phục hồi kinh tế - xã hội, triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự và tăng cường bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Sở Y tế khẩn trương tham mưu UBND Tỉnh triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19; triển khai quyết liệt các hoạt động chuyên môn trong phòng, chống bệnh sốt xuất huyết Dengue, bệnh tay chân miệng, sởi, ho gà; tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các ổ dịch trong cộng đồng; tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong; tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở.

Cùng với đó là triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi tại ổ dịch, khu vực có nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế; chỉ đạo đơn vị chuyên môn chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, cơ quan truyền thông về phòng, chống bệnh ở người để thông tin, tuyên truyền; bảo đảm đầy đủ thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị cho công tác phòng, chống dịch và khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn Tỉnh...

6. Cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người từ ngày 15/7 - 30/9/2022

Ban Chỉ đạo 138/ĐP Tỉnh vừa có Công văn về việc hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người (30/7) năm 2022 yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo 138/ĐP Tỉnh và UBND huyện, thành phố tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm nói chung và công tác phòng, chống mua bán người nói riêng.

Các đơn vị, địa phương đẩy mạnh triển khai các hoạt động tuyên truyền, truyền thông và phòng ngừa xã hội đối với tội phạm mua bán người. Trong đó, Công an Tỉnh cung cấp phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người cho các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội phục vụ công tác tuyên truyền; phối hợp tuyên truyền phòng, chống mua bán người tập trung các địa bàn, đối tượng, lĩnh vực dễ phát sinh tội phạm mua bán người.

Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo đài, hệ thống truyền thanh cơ sở tăng thời lượng, tần suất thông tin tuyên truyền về chính sách, pháp luật và phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, truyền tải nội dung: "Toàn dân tích cực tham gia phòng, chống mua bán người. Khi phát hiện dấu hiệu liên quan hãy thông báo ngay đến cơ quan Công an gần nhất hoặc tổng đài quốc gia 111, để được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời".

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo lồng ghép các nội dung tuyên truyền phòng, chống mua bán người vào các hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ, biểu diễn nghệ thuật bằng hình thức phù hợp; treo các băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền tại nơi công cộng.

Sở GD và ĐT chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, truyền thông phòng, chống mua bán người trong các cơ sở giáo dục, tăng cường tuyên truyền cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên.

Sở LĐ - TB và XH tổ chức tập huấn, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sử dụng lao động, đưa người lao động trên địa bàn Tỉnh đi làm việc ở nước ngoài, nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn hành vi mua bán người; phối hợp tuyên truyền về công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

UBND huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, UBND xã, phường, thị trấn thực hiện đa dạng hóa hình thức, biện pháp, nội dung tuyên truyền về phòng, chống mua bán người phù hợp với đối tượng và đặc điểm tình hình của địa phương.

Sở LĐ - TB và XH, UBND huyện, thành phố phối hợp các sở, ngành liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục rà soát, xác định nhóm đối tượng có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người để có chính sách hỗ trợ, tuyên truyền, vận động, giải quyết việc làm, phân công thành viên các hội, đoàn thể ở cơ sở theo dõi, giúp đỡ cho những đối tượng này, nhằm phòng ngừa, không để bị lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc vào các hoạt động mua bán người.

7. Đồng Tháp số hóa ngành nông nghiệp, hình thành mạng lưới quan trắc tự động

UBND Tỉnh vừa có Quyết định ban hành Đề án Chuyển đổi số ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu của Đề án nhằm ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, hoạt động hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi liên hệ công tác.

Ứng dụng công nghệ số để số hóa dữ liệu quản lý, hướng đến tự động hoá trong quy trình thu thập - xử lý - báo cáo - lưu trữ hệ thống dữ liệu thống kê thuộc lĩnh vực trồng trọt - bảo vệ thực vật, chăn nuôi - thú y - thuỷ sản, kiểm lâm, phát triển nông thôn, thuỷ lợi, nước sạch - vệ sinh môi trường nông thôn, khuyến nông, nông thôn mới, OCOP, thanh tra chuyên ngành - quản lý chất lượng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý ngành.

Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ số để số hoá quy trình sản xuất an toàn, hình thành mạng lưới quan sát - quan trắc, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi cung ứng sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất và đảm bảo thông tin truy xuất được thuận tiện, minh bạch, chính xác. Từ đó, tiến đến chuyển đổi số toàn diện trong sản xuất nông nghiệp, hình thành mạng lưới quan sát - quan trắc tự động phục vụ hoạt động chuyển dịch sản xuất theo hướng kinh tế nông nghiệp, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đề án Chuyển đổi số ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp cũng xác định ứng dụng công nghệ số để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu lớn về thổ nhưỡng; về đặc tính thích nghi của cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản; về thông tin thị trường, phục vụ công tác định hướng phát triển vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, an toàn, tuần hoàn gắn hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp góp phần tạo giá trị mới cho nông sản.

Một số chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 của Đề án: 100% cơ sở dữ liệu thuộc lĩnh vực ngành nông nghiệp quản lý (từ tuyến tỉnh, huyện, xã) được số hóa và cung cấp dữ liệu mở phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội.

Xây dựng 07 làng thông minh, 07 hội quán ứng dụng IoT vào sản xuất; có 15% đến 20% hội quán, hợp tác xã có ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc, có hoạt động thương mại điện tử.

Hỗ trợ, tư vấn cho trên 60% nông dân biết ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT) vào quy trình sản xuất, khai thác thông tin cung - cầu thông qua mạng Internet, cách thức quảng bá trực tuyến, mua bán trực tuyến...

8. Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá tỉnh nhà

Chung tay xây dựng quê hương Đất Sen hồng, thời gian qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp (Liên hiệp Hội) và các Hội thành viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tích cực thực hiện các hoạt động xã hội, đặc biệt là đưa khoa học công nghệ áp dụng vào đời sống thực tế... Qua đó, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội Tỉnh nhà.

Hiện nay, Liên hiệp Hội có 21 Hội thành viên, 3 thành viên liên kết. Thời gian qua, các Hội thành viên, thành viên liên kết thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, triển khai, phổ biến các văn bản của Trung ương, Tỉnh uỷ, UBND Tỉnh; tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị của địa phương, đất nước; tích cực học tập quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Sáu tháng đầu năm 2022, Liên hiệp Hội có những hoạt động nổi bật: Hoạt động thông tin và phổ biến kiến thức, Liên hiệp Hội thực hiện 6 chuyên mục "Tri thức phục vụ đời sống" trên Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp; xây dựng 12 kỳ chuyên trang "Trí thức Khoa học - Công nghệ" trên Báo Đồng Tháp; phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp thực hiện chuyên mục Dân vận khéo với nội dung "Liên hiệp Hội làm tốt công tác vận động nông dân sử dụng phân hữu cơ cho cây trồng"; phối hợp với Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) xây dựng Đề án "Phát triển sản phẩm sen Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng tới năm 2030"; phối hợp với Hội Tin học thực hiện Đề tài "Xây dựng chatbot trong hỗ trợ tư vấn thủ tục hành chính cho người dân"; tổ chức thành công hội thảo tư vấn góp ý Đề án "Quản lý, thu gom vận chuyển rác thải sinh hoạt huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030"; các Hội thành viên còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội...

Ngoài ra, với vai trò là cơ quan thường trực, Liên hiệp Hội còn tích cực phối hợp với Sở KH và CN, Sở GD và ĐT, Tỉnh đoàn Đồng Tháp tổ chức triển khai, tuyên truyền, phổ biến Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật lần thứ 17 năm 2022 - 2023 và Cuộc thi Sáng tạo Thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ 15 năm 2022. Kết quả, Cuộc thi Sáng tạo Thanh, thiếu niên, nhi đồng đã nhận được 133 mô hình, sản phẩm dự thi, đang chuẩn bị các thủ tục để chấm giải cấp Tỉnh.

Trong thời gian tới, Liên hiệp Hội và các Hội thành viên tích cực thông tin và phổ biến kiến thức; đưa tri thức khoa học và công nghệ đến mọi tầng lớp nhân dân. Tiếp tục phối hợp với các Hội thành viên, các ngành, các viện, trường tham gia thực hiện các đề tài, dự án về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn Tỉnh. Trong quý III năm 2022, Liên hiệp Hội sẽ tổ chức 2 hội thảo tư vấn phản biện về "Giải pháp nâng cao vai trò hoạt động tư vấn phản biện của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật" và "Chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp - Thực trạng và giải pháp". Bên cạnh đó, tích cực tham gia góp ý các quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển của Tỉnh thực chất, nghiêm túc và có hiệu quả...

9. Phát động  cuộc thi "Tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số Quốc gia - Viet Solutions" 2022

Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức lễ phát động Cuộc thi "Tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số Quốc gia - Viet Solutions" năm 2022. Viet Solutions là sự kiện được tổ chức thường niên từ năm 2019 nhằm tìm kiếm các ý tưởng, sản phẩm, giải pháp công nghệ sáng tạo có khả năng ứng dụng vào các ngành, lĩnh vực xã hội trong chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Cuộc thi Viet Solutions năm 2022 sẽ có một số thay đổi cơ bản. Nếu như trước đây, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì thực hiện đánh giá, lựa chọn giải pháp công nghệ xuất sắc, thì nay có sự đồng hành của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc đánh giá hiệu quả và lựa chọn giải pháp công nghệ xuất sắc. Bộ Thông tin và Truyền thông đóng vai trò cầu nối, kết nối giữa người ra bài toán và người giải bài toán. Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn các doanh nghiệp công nghệ số hãy xem đây là một cơ hội tốt, tích cực tham gia xây dựng các giải pháp công nghệ. Theo đó, mục tiêu của Viet Solutions trong năm 2022 sẽ tìm kiếm và công bố những bài toán chuyển đổi số Việt Nam ở các ngành, lĩnh vực, địa phương và doanh nghiệp.

Về thể lệ, cuộc thi được tổ chức thành 3 vòng thi, gồm vòng sơ loại, vòng bán kết và vòng chung kết. Để tiến sâu vào các vòng trong, việc đặt bài toán một cách tường minh là đặc biệt quan trọng. Bài toán phải đầy đủ  thông tin chi tiết về tổng quan, quy mô thị trường, thực trạng và mong muốn tìm lời giải. Trong đó, quy mô thị trường sẽ cho thấy mức độ hấp dẫn, tạo động lực và nguồn lực khi tham gia giải bài toán. 

Đối tượng tham gia Viet Solutions là mọi tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có bài toán và giải pháp phù hợp với mục đích của cuộc thi. Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng Cổng bài toán chuyển đổi số quốc gia để công bố các bài toán. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể truy cập Cổng thông tin cuộc thi tại địa chỉ: https://c63.mic.gov.vn.  

Viet Solutions 2022 sẽ có 9 giải thưởng với mỗi giải trị giá 200 triệu đồng.

CHÍNH SÁCH - VĂN BẢN

1. Tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm khác

Ngày 25/7/2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Công điện số: 665/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm khác. Nội dung Công điện như sau:

Hiện nay, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang có nhiều diễn biến phức tạp tại các quốc gia trên thế giới và trong khu vực, Việt Nam nằm trong khu vực lưu hành. Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng bệnh. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy). Tính từ đầu năm 2022 đến nay cả nước đã ghi nhận những trường hợp mắc và tử vong cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 và có nguy cơ lan rộng tại nhiều tỉnh, thành phố, nhất là tại các tỉnh miền Nam và một số tỉnh miền Trung. Cùng với sự gia tăng của dịch bệnh sốt xuất huyết, một số bệnh khác như cúm mùa, tay chân miệng cũng đang vào thời điểm tăng theo mùa.

Để chủ động kiểm soát, phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó tập trung tăng cường phòng, chống dịch sốt xuất huyết, không để xảy ra dịch chồng dịch, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Tuyên truyền, vận động người dân triển khai quyết liệt chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn. Thành lập các tổ phòng chống dịch cộng đồng để tuyên truyền, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế; chủ động dự phòng, bố trí đủ phương tiện, vật tư, kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là sốt xuất huyết; xử phạt các tổ chức, cá nhân không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của pháp luật;

b) Giám sát chặt chẽ tình hình, phát hiện sớm, cấp cứu điều trị kịp thời người bệnh, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch sốt xuất huyết và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

2. Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các địa phương về giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch, các biện pháp dự phòng và điều trị bệnh sốt xuất huyết và các bệnh dịch khác; chỉ đạo địa phương bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền phòng, chống dịch bệnh.

3. Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân và các cơ quan thông tấn báo chí phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch để người dân chủ động, tích cực thực hiện phòng, chống dịch, đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị khi có dấu hiệu mắc bệnh.

4. Bộ GD và ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục tham gia tích cực vào chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng tại trường học, cộng đồng, rửa tay bằng xà phòng và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm khác theo hướng dẫn của ngành y tế.

5. Bộ Tài chính bảo đảm đủ kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là dịch sốt xuất huyết, bảo đảm đúng quy định, tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí.

6. Đề nghị Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức thành viên phối hợp với các cấp chính quyền chủ động, tích cực vận động người dân tham gia các hoạt động diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng, chống dịch sốt xuất huyết và phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm khác theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

2. Quy định nội dung, mức chi cho hoạt động lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông

Ngày 15/7/2022, Chủ tịch HĐND Tỉnh đã ký ban hành Nghị quyết số: 08/2022/NQ-HĐND quy định nội dung, mức chi cho hoạt động lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông áp dụng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Đối tượng áp dụng của Nghị quyết là các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục công lập, các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông.

Theo đó, nội dung và mức chi cụ thể như sau:

(1) Chi Hội đồng thực hiện nhiệm vụ thẩm định, đối với Chủ tịch: 350.000 đồng/người/ngày; Phó Chủ tịch: 280.000 đồng/người/ngày; Uỷ viên, Thư ký: 230.000 đồng/người/ngày. Thời gian tối đa 10 ngày.

(2) Mức chi nước uống cho Hội đồng: 20.000 đồng/1 buổi (nửa ngày)/người.

(3) Chi đi công tác: Thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số: 142/2017/NQ-HĐND của HĐND Tỉnh quy định chế độ công tác phí, chế độ hội nghị trên địa bàn Tỉnh.

(4) Các khoản chi khác (văn phòng phẩm, tài liệu, thông tin liên lạc, thuê hội trường và các chi phí khác) để thực hiện nhiệm vụ: Mức chi căn cứ vào hóa đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp và trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao.

Kinh phí thực hiện: Từ nguồn sự nghiệp giáo dục phân bổ hàng năm theo phân cấp ngân sách; nguồn tài chính của các cơ quan, đơn vị; nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn vốn xã hội hóa, nguồn vốn huy động hợp pháp, nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.

Nghị quyết này có hiệu từ ngày 25/7/2022.

3. Quy định nội dung, mức chi thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030”

Tại kỳ họp thứ tư HĐND Tỉnh khoá X đã ban hành Nghị quyết số: 09/2022/NQ-HĐND quy định nội dung, mức chi để thực hiện Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030" trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp để thực hiện Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030" theo Thông tư số: 17/2022/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Quyết định số: 1373/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 25/7/2022.

Nghị quyết áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030". Theo đó, nội dung và mức chi cụ thể như sau:

(1) Chi công tác phổ biến, giáo dục pháp luật... về mục đích, ý nghĩa, vai trò và lợi ích của học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập; tổ chức lễ hưởng ứng học tập suốt đời hàng năm theo quy định Nghị quyết số: 09/2014/NQ-HĐND của HĐND Tỉnh.

(2) Chi công tác phí, chi thực hiện các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát..., học tập kinh nghiệm mô hình xây dựng xã hội học tập hiệu quả trong nước; tổ chức các cuộc họp, hội nghị sơ kết, tổng kết theo quy định Nghị quyết số: 142/2017/NQ-HĐND của HĐND Tỉnh.

(3) Chi đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn...; bồi dưỡng báo cáo viên/hướng dẫn viên tham gia giảng dạy tại Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ); đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý TTHTCĐ theo quy định Nghị quyết số: 43/2021/NQ-HĐND của HĐND Tỉnh.

(4) Chi tổ chức các cuộc họp, hội nghị triển khai kế hoạch đánh giá, xếp loại/công nhận các mô hình học tập theo quy định Nghị quyết số: 142/2017/NQ-HĐND của HĐND Tỉnh.

(5) Chi điều tra, nhu cầu học tập, thu thập minh chứng, chi tổng hợp số liệu, viết báo cáo đánh giá, căn cứ quy mô, tính chất của từng cuộc điều tra... theo quy định Nghị quyết số: 137/2017/NQ-HĐND của HĐND Tỉnh.

(6) Chi tiền điện đối với các lớp học tại TTHTCĐ ban đêm; hỗ trợ tài liệu, sách giáo khoa, đồ dùng phục vụ công tác giảng dạy, học tập tại TTHTCĐ: Giám đốc TTHTCĐ quyết định mức chi cụ thể trong phạm vi dự toán được giao của đơn vị và thanh toán theo hóa đơn thực tế phát sinh.

(7) Chi các hoạt động điều tra, khảo sát phục vụ công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học và trung học cơ sở theo quy định Nghị quyết số:137/2017/NQ-HĐND của HĐND Tỉnh.

(8) Hỗ trợ kinh phí chi thắp sáng ban đêm thanh toán theo hóa đơn thực tế phát sinh; mua sổ sách cho giáo viên theo dõi quá trình học tập, sách giáo khoa dùng chung: 250.000 đồng/lớp/năm học; tuyên truyền, huy động người mù chữ, tái mù chữ đến lớp xóa mù chữ: 200.000 đồng/người/buổi.

(9) Chi tiền lương đối với giáo viên thuộc biên chế dạy lớp xóa mù chữ, chống tái mù chữ... theo quy định Nghị định số: 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ. Trường hợp số giờ dạy vượt định mức giờ chuẩn được thanh toán theo quy định Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC.

(10) Chi tiền công đối với những người tình nguyện tham gia giảng dạy các lớp xóa mù chữ: Mức chi tiền công theo hợp đồng lao động trên cơ sở lương tối thiểu vùng và đảm bảo tương quan với mức lương giáo viên trong biên chế có cùng trình độ đào tạo, thâm niên công tác dạy cùng cấp học, lớp học theo quy định hiện hành...

(11) Trường hợp huy động tình nguyện viên tham gia giảng dạy các lớp xóa mù chữ hỗ trợ chi phí ăn, ở, đi lại theo quy định Nghị quyết số: 142/2017/NQ-HĐND của HĐND Tỉnh.

4. Chế độ về điều dưỡng cho người có công, thân nhân liệt sĩ

HĐND Tỉnh vừa ban hành Nghị quyết quy định mức chi chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, ngoài chế độ quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định số 75/2021/NĐCP của Chính phủ.

Theo Nghị quyết, mức chi cho chi phí khám sức khỏe trước khi đi điều dưỡng, tối đa 100.000 đồng/người. Tiền ăn ngày tập trung tại Tỉnh trước khi đi điều dưỡng (tập trung trước một ngày) và trong thời gian đi đường (bao gồm ngày đi đến địa điểm điều dưỡng và ngày về): Bữa sáng, tối đa 50.000 đồng/người/bữa ăn; bữa trưa, chiều, tối đa 150.000 đồng/người/bữa ăn.

Về tiền phòng nghỉ, ngày tập trung tại Tỉnh trước khi đi điều dưỡng (tập trung trước một ngày), tối đa 200.000 đồng/người/ngày. Trường hợp tổ chức điều dưỡng phục hồi sức khỏe theo hình thức kết hợp tham quan thực tế thì tối đa 350.000 đồng/người/ngày.

Các đối tượng thuộc Nghị quyết quy định được hỗ trợ đối với các chi phí ngoài phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế, mức chi theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hiện hành do cơ quan có thẩm quyền quyết định đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập nơi đối tượng điều dưỡng tham gia khám bệnh, chữa bệnh.

Về chi phí phương tiện vận chuyển, thanh toán theo chi phí thực tế phát sinh, đảm bảo trình tự, thủ tục và chứng từ, hóa đơn theo quy định…

Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Đồng Tháp khoá X, kỳ họp thứ tư thông qua ngày 15/7/2022 và có hiệu lực từ ngày 25/7/2022.

Đối tượng áp dụng mức chi này là người có công với cách mạng bao gồm: Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; Người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31/12/1993; người hưởng chính sách như thương binh; Bệnh binh; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học; Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày; Người có công giúp đỡ cách mạng là người đã có thành tích giúp đỡ cách mạng trong lúc khó khăn, nguy hiểm và được Nhà nước khen tặng thuộc một trong các trường hợp sau đây: Người được tặng hoặc người trong gia đình được tặng Kỷ niệm chương "Tổ quốc ghi công" hoặc Bằng "Có công với nước" trước cách mạng tháng Tám năm 1945; người được tặng hoặc người trong gia đình được tặng Huân chương Kháng chiến.

Ngoài ra, thân nhân liệt sĩ bao gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi liệt sĩ cũng là đối tượng được hỗ trợ từ Nghị quyết.

5. Đồng Tháp quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội

Hỗ trợ cho đối tượng bảo trợ xã hội và đối tượng khó khăn, HĐND Tỉnh ban hành Nghị quyết quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Theo đó, mức chuẩn trợ giúp xã hội là 360.000 đồng/tháng. Mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng chăm sóc nuôi dưỡng trong các cơ sở trợ giúp xã hội là 450.000 đồng/tháng.

Đối với đối tượng khó khăn chưa quy định tại Nghị định số: 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ, nhóm đối tượng người mắc bệnh hiểm nghèo và thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, thu nhập không ổn định có xác nhận của UBND cấp huyện thì mức trợ cấp xã hội hưởng hàng tháng bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội nhân với hệ số 1,0.

Đối tượng người khuyết tật là thế hệ thứ ba của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có mức trợ cấp xã hội hưởng hàng tháng bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội nhân với hệ số 2,0.

Về hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số: 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ, được áp dụng cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc lý do bất khả kháng khác mà mất nhà ở và không có khả năng tự bảo đảm các nhu cầu thiết yếu thì được xem xét hỗ trợ từ nguồn lực huy động hoặc nguồn dự trữ quốc gia: Lều bạt, nước uống, thực phẩm, chăn màn, chảo nồi, chất đốt và một số mặt hàng thiết yếu khác phục vụ nhu cầu trước mắt, tại chỗ với mức hỗ trợ không quá 2.000.000 đồng/người/lần.

Các mức trợ giúp xã hội khác và những nội dung khác có liên quan không quy định tại Nghị quyết này thì thực hiện theo quy định tại Nghị định số: 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư số: 02/2021/TT-BLĐTBXH của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Thông tư số: 76/2021/TTBTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

6. Hỗ trợ đưa lao động trẻ về làm việc tại tổ chức kinh tế tập thể

Đây là một trong những nội dung được quy định tại Nghị quyết số: 16/2022/NQ-HĐND ngày 15/7/2022 của HĐND Tỉnh ban hành quy định nội dung, mức chi hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực; đưa lao động trẻ về làm việc tại các tổ chức kinh tế tập thể để thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022 - 2025, có hiệu lực từ ngày 25/7/2022. Theo đó, người lao động tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học về làm việc tại các tổ chức kinh tế tập thể sẽ được hỗ trợ lương, với mức hỗ trợ hàng tháng bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng, tối đa 03 năm/người, tối đa 02 người/tổ chức kinh tế tập thể/năm. Kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Tỉnh.

Nghị quyết cũng quy định hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực cho thành viên, người lao động đang làm công tác quản lý, chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ của các tổ chức kinh tế tập thể. Trong đó, hỗ trợ kinh phí ăn ở cho học viên, mức chi hỗ trợ bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng/01 khóa đào tạo. Trường hợp khóa đào tạo có thời gian dưới 01 tháng thì thực hiện hỗ trợ theo số ngày thực tế tham gia khóa đào tạo theo chế độ công tác phí tại Nghị quyết số: 142/2017/NQ-HĐND ngày 07/12/2017 của HĐND Tỉnh quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Điều kiện hỗ trợ là: (1) Được tổ chức kinh tế tập thể cử tham gia đào tạo nâng cao nghiệp vụ với chuyên ngành phù hợp với vị trí công tác và nhu cầu của đơn vị; đủ điều kiện tuyển sinh của cơ sở đào tạo, có năng lực và trình độ phù hợp với khóa học. (2) Đối với trường hợp cử đi đào tạo dài hạn, ngoài việc đáp ứng các điều kiện tại khoản 1 Điều 2, Nghị quyết số: 16/2022/NQ-HĐND của HĐND Tỉnh, đối tượng được hỗ trợ phải dưới 50 tuổi và cam kết bằng văn bản làm việc trong khu vực kinh tế tập thể ít nhất gấp đôi thời gian tham gia khóa đào tạo, chịu trách nhiệm bồi hoàn kinh phí đào tạo đối với Nhà nước trong trường hợp không thực hiện cam kết. (3) Người lao động tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học có chuyên môn phù hợp với lĩnh vực hoạt động của tổ chức kinh tế tập thể.

MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KHOA GIÁO CẤP HUYỆN

Ngày 14 và 15/7/2022, đồng loạt 15 xã, phường trên địa bàn Thành phố Cao Lãnh ra quân chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống sốt xuất huyết. Tại mỗi địa phương, cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên và người dân cùng thực hiện chiến dịch này. Trong đó, đến từng hộ gia đình tuyên truyền phòng chống bệnh, phát tờ rơi, kiểm tra các dụng cụ chứa nước, dọn dẹp ao tù nước đọng để không có lăng quăng, phát sinh thành muỗi gây bệnh sốt xuất huyết. Theo kế hoạch, ngày thứ năm và thứ sáu hàng tuần các xã, phường sẽ duy trì chiến dịch này, nhằm góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của nhân dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, thực hiện tốt các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy để chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết một cách hiệu quả nhất, góp phần khống chế không để dịch lớn xảy ra trên địa bàn Thành phố.

UBND thành phố Sa Đéc vừa triển khai kế hoạch đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị trên địa bàn Thành phố đến năm 2030. Mục tiêu của kế hoạch là tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức, Hội viên và người dân trên địa bàn thành phố Sa Đéc tiếp cận được hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là 90% gia đình được công nhận đạt danh hiệu "Gia đình học tập"; 80% dòng họ được công nhận đạt danh hiệu "Dòng họ học tập"; 95% cộng đồng được công nhận đạt danh hiệu "Cộng đồng học tập"; 95% các tổ chức, cơ quan, trường học, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn cấp xã được công nhận đạt danh hiệu "Đơn vị học tập". Đến năm 2030 có 95% gia đình được công nhận đạt danh hiệu "Gia đình học tập"; 85% dòng họ được công nhận đạt danh hiệu "Dòng họ học tập"; 100% cộng đồng được công nhận đạt danh hiệu "Cộng đồng học tập"; 100% các tổ chức, cơ quan, trường học, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn cấp xã được công nhận đạt danh hiệu "Đơn vị học tập". Các nhóm nhiệm vụ và giải pháp được đề ra là tiếp tục nâng cao chất lượng, hoàn thiện và nhân rộng các mô hình học tập trong xã hội; đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, phổ biến về xây dựng và phát triển các mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập trong cộng đồng. Cùng với đó là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời, xây dựng các mô hình học tập; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trung tâm văn hoá - học tập cộng đồng, các thiết chế văn hóa cơ sở. Đồng thời đẩy mạnh triển khai nhân rộng, sơ kết, tổng kết các mô hình học tập và tăng cường nguồn lực xã hội hóa trong việc thúc đẩy phong trào học tập suốt đời.

Từ đầu tháng 7/2022 đến nay, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tân Hồng đã tổ chức các lớp phổ cập bơi an toàn, phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Mỗi lớp có từ 25 - 30 em tham gia. Tại các lớp phổ cập bơi, các em được huấn luyện viên hướng dẫn các kiến thức, những kỹ năng bơi cơ bản và kỹ năng xử lý tình huống nguy hiểm có thể gặp trong khi bơi, nhất là vào thời điểm mùa lũ về; đồng thời cho các em thực hành bơi, tập nổi người trên mặt nước... Theo kế hoạch, năm 2022, huyện Tân Hồng tổ chức 65 lớp bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em, với 1.625 em trong độ tuổi từ 6 - 14 tuổi tham gia. Cuối lớp học có trên 80% trẻ em biết bơi. Qua đó, giúp cho các em biết bơi lội để tự bảo vệ mình, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng đuối nước xảy ra trên địa bàn.

Ngày 26/7/2022, Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Tháp phối hợp với UBND huyện Tam Nông tổ chức phỏng vấn trực tiếp tuyển chọn lao động đi làm việc tại tập đoàn Something - Nhật Bản. Tại buổi phỏng vấn, hơn 100 lao động đến từ 12 xã, thị trấn của huyện Tam Nông đã được kiểm tra thể lực như cân nặng, chiều cao và phỏng vấn trực tiếp. Trong đợt phỏng vấn lần này, Công ty Sen Đại Dương phỏng vấn tuyển lao động đi làm việc tại tập đoàn Something - Nhật Bản, làm việc ở các ngành nghề gồm: Cơ khí, điện công nghiệp, điện lạnh, trang trí nội thất, linh kiện ôtô, chế biến, đóng gói thực phẩm, thủy sản, in ấn, ép nhựa... Hợp đồng làm việc từ 01 đến 03 năm. Thu nhập từ 28 triệu đồng/tháng trở lên. Được biết, từ đầu năm 2022, huyện Tam Nông có 99 lao động xuất cảnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và hiện có hơn 123 lao động đang học định hướng chờ xuất cảnh.

Ngày 14/7/2022, huyện Lai Vung tổ chức hội nghị tuyên truyền, đối thoại về chính sách BHYT, BHXH năm 2022 với sự tham dự của lãnh đạo BHXH Tỉnh, Ban Tuyên giáo Huyện uỷ, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế, BHXH Huyện, Bưu điện Huyện, lãnh đạo Đảng uỷ, UBND xã, thị trấn, đại diện tổ nhân dân tự quản 12 xã, thị trấn, đại diện ban chủ nhiệm hội quán. Tại hội nghị, đại biểu được giới thiệu ý nghĩa, tầm quan trọng, tính ưu việt của chính sách BHYT, BHXH tự nguyện; trách nhiệm của các cấp uỷ, chính quyền và doanh nghiệp... trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện, tham gia chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện. Một số đại biểu dự hội nghị có ý kiến và bày tỏ mong muốn thay đổi thời gian nhận thẻ bảo hiểm sớm hơn chứ không phải 30 ngày như hiện tại, đối với người tạm trú tại địa phương cần phải về nơi cư trú xin mã định danh mới được tham gia BHYT việc này gây khó khăn cho người muốn tham gia BHYT,... BHYT Tỉnh, Huyện đã giải đáp thắc mắc của đại biểu dự hội nghị về mức đóng, mức hưởng, quyền lợi, thủ tục... khi tham gia BHYT, BHXH tự nguyện. Đồng thời, ghi nhận ý kiến phản ánh, đề xuất để kiến nghị cấp có thẩm quyền nhằm tạo thuận lợi cho người tham gia, góp phần hoàn thiện chính sách BHYT, BHXH tự nguyện. UBND Huyện mong muốn các ban, ngành tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về thực hiện chỉ tiêu phát triển BHXH tự nguyện và BHYT năm 2022.

06 tháng đầu năm 2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn huyện Cao Lãnh được kiềm chế. Tính đến ngày 30/6/2022, huyện Cao Lãnh đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên, mũi 1 đạt 99,99%; mũi 2 đạt 98,38%; mũi nhắc lại lần 1 đạt 97,76%; mũi nhắc lại lần 2 chỉ mới đạt 4,01%. Trẻ từ 12 tuổi đến 17 tuổi: mũi 1 và mũi 2 đạt 100%; mũi nhắc lại lần 1 chỉ mới đạt 14,06%. Trẻ từ 05 đến dưới 12 tuổi, mũi 1 đạt 84,47%; mũi 2 đạt 52,25%. Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, với số ca mắc có chiều hướng gia tăng, Ban Chỉ đạo Huyện và xã, thị trấn tập trung giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến và xử lý triệt để 100% ổ dịch mới phát sinh. Tiếp tục thực hiện duy trì 100% Trạm Y tế chuẩn Quốc gia về y tế xã, gắn với hoàn thành tiêu chí y tế trong Bộ tiêu chí Nông thôn mới và Nông thôn mới nâng cao. Công tác khám, chữa bệnh cho người dân được các cơ sở y tế thực hiện đảm bảo. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ người dân tham gia BHYT của Huyện đạt tỷ lệ 92,13% dân số, thấp hơn 1,7% so với kế hoạch năm 2022 (94%). Huyện đã tổ chức 02 đợt hiến máu tình nguyện, thu được 825/2.443 đơn vị máu, đạt 33,76% chỉ tiêu kế hoạch. Để đảm bảo thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khoẻ Nhân dân trong thời gian tới, cần tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng, tập trung cho công tác phòng bệnh là giải pháp hữu hiệu nhất; giữa các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo UBND xã, thị trấn và lực lượng y tế cơ sở cần chia sẻ, phối hợp và hỗ trợ nhau thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ Nhân dân được tốt hơn.

Sáng ngày 25/7/2022, tại xã Tân Hội Trung, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cao Lãnh phối hợp với Phòng Y tế Huyện tổ chức tập huấn mô hình cộng đồng dân cư phòng, chống dịch bệnh (sốt xuất huyết, tay chân miệng…). Tại đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ Huyện đã hướng dẫn hội viên phụ nữ các hình thức, nội dung tuyên truyền vận động người dân thực hiện, giữ gìn vệ sinh nhà cửa, sắp xếp đồ đạc ngăn nắp, dọn dẹp xung quanh nhà ở, lau sạch bề mặt sàn nhà, các vật dụng trẻ tiếp xúc hàng ngày bằng xà bông; không để trẻ em ngậm mút tay hoặc đưa đồ chơi vào miệng và lật úp các dụng cụ chứa nước không để muỗi có điều kiện sinh sản, phát triển nhằm hạn chế bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng trong cộng đồng. Ngay sau buổi truyền thông, Hội Liên hiệp Phụ nữ Huyện đã vận động các hội viên tham gia thực hiện mô hình “Cộng đồng dân cư tham gia phòng chống dịch bệnh” năm 2022, phát động người dân tham gia cam kết cùng thực hiện các tiêu chí về phòng, chống dịch bệnh gắn với giữ vệ sinh môi trường và xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”. Được biết, từ ngày 25/7 đến ngày 29/7/2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ Huyện sẽ tổ chức tập huấn mô hình cộng đồng dân cư phòng, chống dịch bệnh cho các xã, thị trấn trên địa bàn Huyện.

Ngày 21/7/2022, tại Hội trường UBND thị trấn Cái Tàu Hạ, Phòng LĐ - TB và XH phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Bảo hiểm Xã hội huyện Châu Thành tổ chức tuyên truyền, vận động lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2022 và tham gia BHXH tự nguyện cho trên 150 người là cán bộ các chi, tổ hội, hội viên và người lao động ở các xã Phú Hựu, An Nhơn và thị trấn Cái Tàu Hạ. Tại buổi tuyên truyền, lãnh đạo Phòng LĐ - TB và XH Huyện đã phổ biến về chủ trương, các chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước có liên quan đến công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giải đáp, trả lời một số ý kiến mà người lao động có quan tâm, thắc mắc. Qua đó nhằm giúp cán bộ, hội viên và nhân dân nắm bắt được các thông tin về thị trường lao động ngoài nước, những chính sách, ưu đãi của nhà nước cho người lao động khi tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tìm kiếm được công việc phù hợp, nâng cao thu nhập gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tại buổi tuyên truyền, Bưu điện Huyện cũng đã giới thiệu về những lợi ích, ý nghĩa, tính nhân văn của việc tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình để người dân hiểu và tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình góp phần đảm bảo an sinh, ổn định cuộc sống.

PHÒNG KHOA GIÁO VÀ VĂN HÓA - VĂN NGHỆ