Xuất bản thông tin

null Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2022 diễn ra an toàn, nghiêm túc

Trang chủ Tab Thông tin

Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2022 diễn ra an toàn, nghiêm túc

Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2022 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng Quy chế thi tốt nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong các buổi thi không có vụ việc bất thường xảy ra; không có thí sinh, cán bộ coi thi vi phạm Quy chế thi. Tỷ lệ thí sinh đến dự thi các môn cao (trên 99,5%). Nội dung được đề cập trong thông tin công tác khoa giáo kỳ này.

TIN TỨC - SỰ KIỆN

1. Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2022 diễn ra an toàn, nghiêm túc

Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2022 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng Quy chế thi tốt nghiệp của Bộ GD và ĐT. Trong các buổi thi không có vụ việc bất thường xảy ra; không có thí sinh, cán bộ coi thi vi phạm Quy chế thi. Tỷ lệ thí sinh đến dự thi các môn cao (trên 99,5%).

Toàn tỉnh có 32 điểm thi đặt tại 12/12 huyện, thành phố (địa phương nhiều nhất có 05 điểm thi, ít nhất có 02 điểm thi); có 656 phòng thi; điểm thi nhiều phòng nhất có 36 phòng, ít nhất có 10 phòng. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 15.113. Tổng số nhân sự tham gia phục vụ kỳ thi là 2.917 người. Trong số 32 điểm thi, có 30 điểm thi đặt tại các trường Trung học phổ thông và 02 điểm đặt tại trường Trung học cơ sở.

Cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện phục vụ cho việc tổ chức coi thi đúng Quy chế, đảm bảo để tổ chức coi thi. Việc phòng, chống Covid-19 thực hiện theo hướng dẫn của ngành Y tế. Công tác in sao đề thi và phương án vận chuyển, bàn giao đề thi, bài thi thực hiện đúng quy định của Quy chế thi.

Công tác chấm thi bắt đầu từ ngày 09 - 22/7, công bố kết quả thi vào ngày 24/7 và xét công nhận tốt nghiệp chậm nhất ngày 26/7/2022.

2. Cấp bách bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư

Nhằm tăng cường công tác bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư; ngăn chặn, chấm dứt tình trạng săn, bắt tận diệt, phá hủy sinh cảnh của các loài chim hoang dã, di cư ở Việt Nam trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, UBND Tỉnh có Công văn về việc thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư yêu cầu các cơ quan, đơn vị và địa phương thực hiện tốt các nội dung Chỉ thị số: 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

UBND Tỉnh đề nghị Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam Tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp phổ biến, vận động các thành viên tham gia tích cực và giám sát quá trình thực hiện Chỉ thị số: 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan trên địa bàn tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư, đặc biệt vào mùa chim di cư (từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau). Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiệm vụ theo dõi, kịp thời phát hiện các bệnh, dịch có nguồn gốc từ chim hoang dã, di cư có nguy cơ lây lan, ảnh hưởng tới sức khỏe con người, gia súc, gia cầm.

Sở Công Thương chủ động phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp tăng cường công tác quản lý, kịp thời xử lý các hoạt động kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư; phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý, kịp thời xử lý các hoạt động kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư và các công cụ bẫy, bắt chim (lưới, bẫy, linh kiện lắp ráp súng tự chế, súng săn...).

Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí và hệ thống thông tin cơ sở trong tỉnh thông tin, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt là các loài chim hoang dã, di cư; tuyên truyền để người dân không tham gia các hoạt động săn, bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư...

3. Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thuỷ sản

UBND Tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thuỷ sản giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Mục tiêu cụ thể giai đoạn năm 2021 - 2025, diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thuỷ sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt (GAP) phấn đấu tăng 10%/năm. Phấn đấu 100% cơ sản xuất, kinh doanh nông lâm thuỷ sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm. Tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm sản và thuỷ sản được chứng nhận HACCP, ISO 2200 (hoặc tương đương) phấn đấu tăng tương ứng 10%/năm và 15%/năm. Tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu (làm sẵn, ăn liền) phấn đấu tăng 10%/năm.

Một số nhiệm vụ được đề ra trong Kế hoạch này đó là đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, quy mô lớn; nâng cấp hệ thống chợ đầu mối/trung tâm cung ứng, chợ bán lẻ nông lâm thuỷ sản, hoàn thiện chuỗi giá trị nông lâm thuỷ sản.

Cùng với đó, nghiên cứu, chuyển giao, tập huấn ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số đảm bảo năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc; phát triển thị trường nông lâm thuỷ sản chất lượng, an toàn; tăng cường năng lực thực thi chính sách pháp luật, đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thuỷ sản...

4. Kiểm soát giết mổ động vật và quản lý buôn bán thuốc thú y

UBND Tỉnh có Công văn về việc kiểm soát giết mổ động vật và quản lý buôn bán thuốc thú y yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp địa phương, đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra các cơ sở mua bán thuốc thú y; lấy mẫu thuốc thú y để kiểm tra chất lượng. Qua đó, thu hồi, tiêu huỷ thuốc thú y không đảm bảo điều kiện quy định, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định pháp luật hiện hành và công khai danh sách vi phạm trên các phương tiện thông tin truyền thông theo quy định.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện tốt các quy định về kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, chủ trì, phối hợp sở, ngành và địa phương nghiên cứu đề xuất chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm an toàn của người dân.

UBND Tỉnh chỉ đạo UBND huyện, thành phố chủ trì, phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tổ chức tuyên truyền đến cộng đồng, khu dân cư về nguy cơ tác hại của việc buôn bán, sử dụng thuốc thú y, thức ăn bổ sung, chế phẩm sinh học không đúng quy định; vận động người chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản mua thuốc thú y, thức ăn bổ sung, chế phẩm sinh học ở những cơ sở kinh doanh có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, có trong danh mục được phép lưu hành.

Đoàn kiểm tra liên ngành huyện, thành phố phối hợp đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp tổ chức, cá nhân giết mổ động vật tại địa điểm không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ động vật chết, mắc bệnh để sử dụng làm thực phẩm, vứt xác động vật ra ngoài môi trường...

5. Đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt 5% GRDP

Đây là một trong những mục tiêu cơ bản của Kế hoạch phát triển kinh tế số và xã hội số tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do UBND Tỉnh ban hành. Cùng với đó, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%; tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 1%; trên 55% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử...

UBND Tỉnh xác định, phát triển kinh tế số là hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin - viễn thông để tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình kinh doanh và tối ưu hóa cấu trúc nền kinh tế.

Kinh tế số gồm: Kinh tế số ICT là công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông; kinh tế số nền tảng là hoạt động kinh tế của các nền tảng số, các hệ thống trực tuyến kết nối giữa cung, cầu và các dịch vụ trực tuyến trên mạng; kinh tế số ngành là hoạt động kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực.

6. Đồng Tháp xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ

Đến năm 2025, thực hiện 09 mô hình liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ trên cây trồng, thủy sản chủ lực và tiềm năng của Tỉnh. Đây là một trong những chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 do UBND Tỉnh ban hành.

Cùng với đó, diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng trên 1% (khoảng 1.294 ha) tổng diện tích đất trồng trọt với các cây trồng chủ lực: Lúa, rau đậu các loại, cây ăn quả, hoa kiểng. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản hữu cơ đạt 75 ha trên các loài thuỷ sản chủ lực của Tỉnh, có giá trị kinh tế như: Tôm càng xanh, cá sặc rằn, ếch. Nâng cao hiệu quả sản xuất hữu cơ trên một đơn vị diện tích; giá trị sản phẩm trên 01 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản hữu cơ cao gấp 1,3 - 1,5 lần so với sản xuất phi hữu cơ...

 Theo Kế hoạch, có 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được thực hiện. Trong đó, quy hoạch xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung sẽ căn cứ quy hoạch nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp và lợi thế về điều kiện sinh thái, sản phẩm có thế mạnh và thị trường tiêu thụ, nhằm xác định các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chủ lực. Xây dựng hệ thống phân phối theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ tại các vùng sản xuất hữu cơ tập trung. Ưu tiên kết hợp với du lịch, nông nghiệp sinh thái.

Trong nhiệm vụ quản lý Nhà nước về nông nghiệp hữu cơ sẽ quản lý đầu vào của sản xuất hữu cơ và quản lý sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ; đào tạo, tập huấn phát triển nguồn nhân lực; nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp hữu cơ; xây dựng và nhân rộng mô hình nông nghiệp hữu cơ trong lĩnh vực trồng trọt và thuỷ sản; thông tin tuyên truyền; bảo quản, chế biến và liên kết tiêu thụ sản phẩm hữu cơ.

7. Sở Khoa học và Công nghệ hoàn thành chỉ tiêu rà soát thủ tục hành chính năm 2022

Thực hiện Kế hoạch số: 99/KH-SKHCN ngày 13/01/2022 về rà soát, đánh giá thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ năm 2022, Sở KH và CN đã tiến hành rà soát, đánh giá các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở.

Kết quả, Sở KH và CN đã rà soát 13/42 tổng số thủ tục hành chính (tỉ lệ 31%) và đề xuất kiến nghị đơn giản hóa 5/42 thủ tục (tỉ lệ 12%). Nội dung kiến nghị, đơn giản nhằm giúp các tổ chức, cá nhân tiết kiệm được chi phí và thời gian thực hiện thủ tục hành chính, cụ thể như: Tích hợp hai mẫu đơn, Mẫu đơn đề nghị hỗ trợ (Mẫu số 1) và Mẫu thuyết minh nội dung và kinh phí đề nghị hỗ trợ (Mẫu số 2) thành một mẫu đơn: Đơn đề nghị hỗ trợ theo Nghị quyết số: 44/2021/NQ-HĐND ngày 17/8/2021 của HĐND Tỉnh đối với thủ tục xét hỗ trợ đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ; giảm bớt thành phần hồ sơ giấy chứng nhận kiểm định thiết bị X-quang chẩn đoán y tế đối với trường hợp thiết bị X-quang đo mật độ xương đối với Thủ tục cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế và thủ tục gia hạn Giấy phép tiến hành công việc bức xạ sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế; bỏ bớt nội dung "Quyết định thành lập/giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/giấy chứng nhận đăng đầu tư số" trong phần nội dung đề nghị công việc cần thực hiện của mẫu đơn "Đơn đăng ký chỉ định hoạt động đánh giá sự phù hợp" của thủ tục chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp hoạt động thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận; bãi bỏ thủ tục điều chỉnh nội dung bản công bố sử dụng dấu định lượng. Theo đó, tổng số tiền tiết kiệm được từ việc đơn giản hoá thủ tục hành chính là 8.677.500 đồng (9%).

Bên cạnh đó, Sở KH và CN cũng đã rà soát và đề xuất bổ sung thêm cấp quản lý nhiệm vụ vào mẫu 6 của Thông tư số: 14/2014/TT-BKHCN, để có thể xác định được cấp quản lý nhiệm vụ đối với Thủ tục đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách Nhà nước; bổ sung thêm cấp nhiệm vụ (cấp tỉnh hoặc cấp cơ sở) tại nội dung 3 của giấy đề nghị đánh giá, thẩm định kết qủa thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách Nhà nước (Phụ lục 1 ban hành kèm Thông tư số: 02/2015/TT-BKHCN) đối với Thủ tục đánh giá, xác nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách Nhà nước.

8. Hội thảo khoa học "Phát triển sản phẩm Sen Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025 và định hướng tới năm 2030"

Viện nghiên cứu rau quả và Liên Hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học "Phát triển sản phẩm Sen Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025 và định hướng tới năm 2030".

Hội thảo khoa học là nội dung thuộc nhiệm vụ khoa học và công nghệ Đề án "Phát triển sản phẩm Sen Đồng Tháp" do Viện Nghiên cứu Rau quả làm Đơn vị chủ trì và PGS.TS. Đặng Văn Đông làm chủ nhiệm nhiệm vụ. Đề án đã triển khai từ tháng 7/2021 và đến cuối tháng 7/2022 sẽ tiến hành đánh giá, nghiệm thu.

Hội thảo có sự tham gia của các sở, ngành, phòng Nông nghiệp các huyện, Hiệp hội ngành hàng Sen, các Hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm từ Sen tại tỉnh Đồng Tháp. Hội thảo tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp cho nội dung đề án như quy hoạch diện tích vùng trồng, quy trình canh tác, thị trường tiêu thụ, cụ thể phân công nhiệm vụ và tổ chức thực hiện Đề án…, đồng thời cũng chia sẻ thêm thông tin về hoạt động sản xuất, tiêu thụ Sen trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Những ý kiến góp ý từ đại biểu tham dự sẽ góp phần giúp Đề án "Phát triển sản phẩm Sen Đồng Tháp" hoàn chỉnh hơn, các giải pháp phát triển sẽ phù hợp với yêu cầu thực tế hơn.

CHÍNH SÁCH - VĂN BẢN

1. BA.4, BA.5 xuất hiện trong cộng đồng, yêu cầu đẩy nhanh tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4

Bộ Y tế dự báo số mắc Covid-19 thời gian tới có thể tiếp tục tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc, tuy nhiên đã ghi nhận sự xuất hiện của cả hai biến thể phụ BA.4 và BA.5 của biến chủng Omicron trong cộng đồng. Nhiều người dân sau khi tiêm vắc xin mũi cơ bản hoặc đã từng mắc Covid-19 bắt đầu chủ quan, lơ là trong việc áp dụng các biện pháp phòng bệnh, nhất là chưa tham gia tích cực vào việc tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4, kể cả tiêm vắc xin cho trẻ em.

Để chủ động phòng, chống dịch, kiên quyết không để dịch chồng dịch, Bộ Y tế vừa có Công văn hỏa tốc về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, trong đó đề nghị UBND các cấp thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chủ động phòng, chống dịch bệnh, đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu.

Cùng với đó, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm những giải pháp phòng, chống dịch với các trụ cột cách ly, xét nghiệm, điều trị, gắn với thực hiện tốt khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh công tác tiêm chủng, giao chỉ tiêu tiêm chủng tới tận cấp huyện, cấp xã; thực hiện "Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để đảm bảo không bỏ sót đối tượng cần tiêm chủng, tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin cho người dân; phát huy tính chủ động, gương mẫu của các lực lượng cán bộ, chiến sỹ, quân nhân, công nhân viên chức, người lao động trong việc tiêm vắc xin; tổ chức các chiến dịch tiêm vắc xin tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu công nghiệp/khu chế xuất; tiếp tục vận động người dân tham gia tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Sở Y tế các địa phương phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur thực hiện lấy mẫu giải trình tự gen các trường hợp có biểu hiện bất thường để phát hiện sớm các biến thể mới nguy hiểm của vi rút SARS-CoV-2; tập trung đẩy mạnh công tác tiêm chủng vắc xin Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác thông tin, truyền thông về tiêm vắc xin, lợi ích, hiệu quả của vắc xin; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch "2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác"; cảnh báo về các biến thể mới của Omicron; hướng dẫn người dân chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19.

Sở GD và ĐT chủ động phối hợp với ngành y tế để tổ chức tuyên truyền sâu rộng tại các trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo về các biện pháp phòng, chống Covid-19 trong trường học; phát động tiêm vắc xin phòng Covid-19 đủ mũi 3, mũi 4 cho giáo viên và tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi; tuyên truyền cho học sinh về lợi ích của việc tiêm chủng, đồng thời hướng dẫn cho giáo viên vận động phụ huynh đưa con em đi tiêm phòng Covid-19.

2. Từ ngày 25/8/2022, bị phạt tiền nếu không phân loại rác

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số: 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, trong đó, bổ sung thêm quy định về xử phạt cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt, có hiệu lực từ ngày 25/8/2022 tới.

Một trong những điểm đáng chú ý tại Nghị định số: 45/2022/NĐ-CP là việc xử phạt với hành vi không phân loại rác.

Theo đó, khoản 1 Điều 26 Nghị định này quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.

Quy định hiện nay tại Nghị định số: 155/2016/NĐ-CP không có quy định về mức phạt đối với cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt.

Nghị định số: 45/2022/NĐ-CP cũng quy định cơ quan, tổ chức, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường bị xử phạt như sau:

- Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi không có biên bản bàn giao chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý cho mỗi lần chuyển giao theo quy định.

- Phạt tiền từ 20 - 25 triệu đồng đối với hành vi không phân loại tại nguồn chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định; thiết bị, dụng cụ lưu chứa chất thải rắn công nghiệp thông thường không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường.

Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là một tỷ đồng đối với cá nhân và hai tỷ đồng đối với tổ chức. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là hai năm.

MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KHOA GIÁO CẤP HUYỆN

Sáng ngày 02/7/2022, tại Đài Truyền thanh thành phố Sa Đéc diễn ra Chương trình phát thanh trực tiếp "Diễn đàn: Chính quyền Thành phố Sa Đéc đối thoại với nhân dân" kỳ thứ 89 với chủ đề "Phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và các bệnh khác". Tham gia chương trình có bà Võ Thị Bình - Phó Chủ tịch UBND Thành phố; BS.CKII Nguyễn Công Bằng - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc; BS.CKI Nguyễn Thanh Phong - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Thành phố. Qua 60 phút đối thoại, các diễn giả đã giải đáp 18 ý kiến liên quan tình hình bệnh SXH, tay-chân - miệng và một số bệnh mùa mưa thường gặp trên địa bàn Thành phố; cảnh giác với SXH trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19; mức độ nguy hiểm của bệnh khi gặp ở trẻ nhỏ và người lớn; những lưu ý khi chăm sóc, theo dõi trẻ bị SXH, tay - chân -miệng và một số bệnh mùa mưa; các biện pháp vệ sinh cơ thể, môi trường sống để bảo vệ sức khỏe; những khuyến cáo phòng chống dịch bệnh Covid-19 mới theo đề xuất của Bộ Y tế. Cùng với các địa phương trên địa bàn Tỉnh, chiến dịch "Diệt lăng quăng, phòng chống sốt xuất huyết" trên địa bàn Thành phố diễn ra 2 đợt. Đợt 1: từ ngày 29/6/2022 đến 02/7/2022, đồng loạt tại các xã, phường trên địa bàn và người dân ra quân thực hiện Chiến dịch "Diệt lăng quăng phòng, chống bệnh sốt xuất huyết". Đợt 2: từ ngày 05/7/2022 đến 08/7/2022, tiếp tục thực hiện Chiến dịch "Diệt lăng quăng phòng, chống bệnh sốt xuất huyết". Theo đó, UBND các xã, phường phối hợp với Trạm Y tế, lực lượng thanh niên, phụ nữ, đoàn thể và người dân tại địa phương tích cực thực hiện Chiến dịch. Mỗi khóm, ấp tại xã, phường thành lập ít nhất 02 tổ tiến hành giám sát, hướng dẫn, nhắc nhở người dân trên địa bàn thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng bằng cách kiểm tra và xử lý các dụng cụ chứa nước không được bảo vệ hoặc không được hủy bỏ, gây nguy cơ tiềm tàng, thuận lợi cho sự sinh sản và phát triển của lăng quăng tại hộ gia đình, nơi công cộng, nơi tập trung đông người.

Ngày 01/7/2022, 07 xã, phường trên địa bàn thành phố Hồng Ngự ra quân tuyên truyền người dân diệt lăng quăng phòng, chống SXH. Theo đó, lực lượng cán bộ, viên chức, nhân viên y tế và cộng tác viên xã, phường đến từng hộ gia đình kiểm tra các dụng cụ chứa nước, nơi treo quần áo, những nơi muỗi có thể trú ẩn và sinh sản. Qua kiểm tra cho thấy, nhận thức của người dân về việc phòng, chống bệnh SXH cho gia đình và cộng đồng có nhiều chuyển biến, các hộ dân thường xuyên dọn dẹp các vật dụng chứa nước không cần thiết xung quanh nhà, nhà cửa được thông thoáng, cho trẻ mặc áo dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày,… Bên cạnh đó, Đoàn cũng tuyên truyền người dân thường xuyên vệ sinh môi trường xung quanh nhà cho thông thoáng, xúc rửa lu khạp, vật dụng chứa nước có lăng quăng, thả cá vào các lu khạp dự trữ để diệt lăng quăng phòng bệnh SXH cho gia đình và cộng đồng. Tính đến ngày 01/7/2022, trên địa bàn Thành phố có 518 ca mắc SXH, có 27 ca nặng. Trước diễn biến tăng nhanh về số ca sốt xuất huyết, ngành y tế Thành phố khuyến cáo, mỗi cá nhân, cần chung tay thực hiện tốt các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng thường xuyên tại gia đình. Bên cạnh đó, khi người thân gia đình có dấu hiệu sốt cao đột ngột, liên tục, xuất hiện chấm xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu cam…, người dân cần đến các cơ sở y tế khám để điều trị kịp thời.

Ngày 06/7/2022, UBND Thành phố Hồng Ngự tổ chức buổi họp, ký cam kết về việc chịu trách nhiệm đảm bảo triển khai thực hiện mục tiêu tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 giữa Trung tâm y tế Thành phố và UBND các xã, phường trên địa bàn Thành phố. Theo đó, Trung tâm y tế Thành phố và UBND các xã, phường cam kết thực hiện và chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố về công tác tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cụ thể: hoàn thành các mũi tiêm chủng cơ bản, mũi bổ sung, mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý II/2022; tổ chức tiêm mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Hoàn thành tiêm đủ mũi cơ bản cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi trong quý II/2022; tổ chức tiêm mũi 3 cho trẻ 12 đến dưới 18 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Hoàn thành tiêm đủ mũi cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi  trong tháng 8/2022. Hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu không tiếp nhận đủ vắc xin hoặc sử dụng vắc xin không hiệu quả, gây lãng phí vắc xin, dẫn đến không đạt tiến độ tiêm chủng, để dịch bùng phát và lan rộng trên địa bàn Thành phố. Trung tâm y tế Thành phố và UBND các xã, phường ngoài việc thực hiện tốt các nội dung cam kết; cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhân thức cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích và ý nghĩa của việc tiêm vắc xin, để chủ động tiêm phòng, góp phần thực hiện có hiệu quả, công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố. Các địa phương cũng cần tập trung triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, công tác thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp được huyện Hồng Ngự quan tâm chỉ đạo sát sao, triển khai thực hiện nghiêm túc. Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 87,82% dân số. Số người tham gia BHYT là trên 120.000 người giảm so với cùng kỳ. Số người tham gia BHXH tự nguyện, bắt buộc là hơn 2.785 người, đạt 61,44% đạt cao hơn so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, Huyện vẫn còn khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn Huyện như: công tác tuyên truyền, vận động  người dân tham gia BHXH, BHYT; hiệu quả hoạt động của các đại lý thu BHYT, BHXH tại cơ sở còn chậm, mức thu hộ nghèo tăng và một số người tham gia ở nơi khác…công tác phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể chưa thực hiện đồng bộ trong triển khai chính sách BHYT, BHXH…UBND Huyện đề nghị BHXH, Bưu điện Huyện và đơn vị Viettel phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội Huyện triển khai thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT đến với người dân; thông tin, tuyên truyền lợi ích của việc tham gia BHXH, BHYT và những chính sách mới được triển khai đến người dân. Đối với các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc các nội dung theo Quy chế phối hợp đã ký kết; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền vào cuộc triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT đến người dân trên địa bàn Huyện.

Hưởng ứng Chương trình "Mẹ đỡ đầu" hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do tác động của dịch bệnh Covid-19 và hoàn cảnh khó khăn khác do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện Tân Hồng đã triển khai chương trình "Mẹ đỡ đầu" bằng nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho các trẻ em mồ côi khó khăn trong cuộc sống, đang rất cần sự sẻ chia cho tương lai của các em. Qua 06 tháng thực hiện chương trình, các cấp Hội LHPN trong huyện đã nhận, chăm sóc, hỗ trợ cho 22 trẻ em mồ côi, hoàn cảnh khó khăn, với tổng trị giá trên 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, các cấp Hội vận động quà, học bỗng, dụng cụ học tập, gạo, nhu yếu phẩm, sổ tiết kiệm để chăm lo cho trẻ em nghèo mồ côi cha, mẹ bởi dịch bệnh Covid-19 và trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn khác. Được biết, trong số 22 trẻ mồ côi được Hội phụ nữ các cấp trong huyện nhận "Mẹ đỡ đầu" có em được đỡ đầu thấp nhất là 1 năm và em được nhận đỡ đầu cao nhất đến 18 tuổi.

Trong 06 tháng đầu năm 2022, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em của huyện Lấp Vò tiếp tục được duy trì và tiến hành các nội dung hoạt động theo đúng chương trình, mục tiêu kế hoạch. Công tác tuyên truyền bảo vệ trẻ em từ Huyện đến xã, thị trấn được quan tâm, thực hiện hiệu quả, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể Huyện về công tác trẻ em. Đồng thời, việc tham mưu ban hành và triển khai thực các kế hoạch về bảo vệ, chăm sóc trẻ em kịp thời. Từ đó, nhận thức của người dân trong cộng đồng về bảo vệ trẻ em được nâng lên, nhờ những hoạt động truyền thông cộng đồng và hoạt động truyền thông trong trường học. Công tác tiếp nhận và hỗ trợ trẻ em gặp khó khăn trong mùa dịch được thực hiện kịp thời, hiệu quả. Tuy nhiên, trong đó còn có những trẻ em thuộc nhóm nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt nhiều và có tăng, số trẻ em có cha mẹ ly hôn, bỏ địa phương đi làm ăn xa, trẻ ở với ông bà già yếu thiếu sự quan tâm chăm sóc trực tiếp của cha mẹ. Đồng thời, hiện nay trẻ em cũng bị ảnh hưởng bởi môi trường sống nhiều dịch vụ thiếu lành mạnh đây cũng là vấn đề thách thức và khó khăn đối với địa phương. Trong những tháng cuối năm 2022 cần tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm kéo giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên tổng số trẻ em; giảm trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được phát hiện quản lý và có các biện pháp can thiệp, trợ giúp kịp thời; phấn đấu giảm thiểu trẻ em bị tai nạn thương tích, đuối nước, trẻ em vi phạm pháp luật; tiếp tục truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh cho chính quyền các cấp, cho gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội và bản thân trẻ em; rà soát, tổng hợp và hỗ trợ kịp thời những trường hợp trẻ em gặp khó khăn do dịch bệnh, trẻ em mồ côi. Đồng thời, tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động Hệ thống bảo vệ trẻ em; triển khai họp ban Bảo vệ trẻ em ở xã, thị trấn hằng quý.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Trung tâm Y tế huyện Tháp Mười tham mưu UBND Huyện tổ chức triển khai thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác phòng, chống dịch bệnh được quan tâm, dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh Covid-19 cho người đủ 18 tuổi trở lên đạt 100%; mũi 3 đạt 99,95%; mũi 4 đạt 21.53%; Đối với lứa tuổi từ 5 đến 11 tuổi tiêm mũi 1 đạt gần 80%; mũi 2 đạt trên 41%. Các chương trình tiêm chủng mở rộng; dân số kế hoạch hóa gia đình, truyền thông giáo dục sức khỏe được thực hiện tốt, tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Tính đến cuối tháng 6/2022 toàn huyện xảy ra 99 ca bệnh tay chân miệng, giảm 170 ca so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, thời điểm này đang vào mùa mưa, bệnh SXH diễn biến phức tạp, bệnh có chiều hướng tăng nhanh. Tính đến nay, Huyện đã có 241 ca mắc bệnh SXH, tăng 210 ca so với cùng kỳ năm 2021, Huyện đã tổ chức ra quân 03 đợt chiến dịch diệt lăng quăng phòng bệnh SXH. Trong 6 tháng cuối năm 2022, Trung tâm Y tế Huyện đề ra nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục triển khai ra quân thực hiện Chiến dịch diệt lăng quăng phòng bệnh SXH từ ngày 06-08/7/2022; tăng cường công tác phòng, chống bệnh Covid-19; rà soát các đối tượng chưa tiêm mũi nhắc lại để nhắc nhở người dân đến tiêm phòng đúng thời gian quy định, triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 những đợt tiếp theo khi được Tỉnh phân bổ vắc xin. Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh SXH, ngành y tế điều tra giám sát và xử lý ổ dịch nhỏ SXH theo quy định. Duy trì tiêm chủng mở rộng hàng tháng tại các xã, thị trấn. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em, nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn Huyện.

PHÒNG KHOA GIÁO VÀ VĂN HÓA - VĂN NGHỆ