Xuất bản thông tin

null Đẩy nhanh công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 3 và 4

Chi tiết bài viết Tab Thông tin

Đẩy nhanh công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 3 và 4

Ngày 27/6/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Công văn số 715-CV/TU gửi các ban, cơ quan của Tỉnh ủy; huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Đảng bộ Tỉnh; Ban cán sự đảng, đảng đoàn; Ban Thường vụ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Tỉnh về việc đẩy nhanh công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 3 và 4. Nội dung được đề cập trong thông tin công tác khoa giáo kỳ này.

TIN TỨC - SỰ KIỆN

1. Đẩy nhanh công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 3 và 4

 Ngày 27/6, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Công văn số 715-CV/TU về việc đẩy nhanh công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 3 và 4 gửi các ban, cơ quan của Tỉnh ủy; huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Đảng bộ Tỉnh; Ban cán sự đảng, đảng đoàn; Ban Thường vụ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Tỉnh.

Thời gian qua, các ngành, các cấp và địa phương trong Tỉnh đã đẩy mạnh công tác tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 cho nhân dân đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch và bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng cho người dân. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 của Tỉnh đối với mũi 3 và mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) còn thấp (người từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi nhắc lại lần 2 đạt 5,13%; tiêm mũi thứ 3 cho trẻ em từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đạt 6,15%).

Để giữ vững, củng cố và phát huy thành quả phòng, chống dịch Covid-19, tiếp tục đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu: các cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo tập trung khẩn trương thực hiện việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 bảo đảm tất cả trẻ em từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi được tiêm mũi 3 và đối với người đủ 18 tuổi trở lên tiêm mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) phải được tiêm phòng đúng theo quy định, trong đó, chú trọng đối tượng người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có tình trạng suy giảm miễn dịch mức độ vừa và nặng; nhân viên y tế, lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19; người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh.

Giao trách nhiệm cho các đồng chí Bí thư cấp ủy huyện, thủ trưởng các sở, ngành tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 đạt hiệu quả cao nhất, không để tồn đọng và hết hạn sử dụng lượng vắc xin được phân bổ ở địa phương, ngành mình phụ trách. Ban cán sự đảng UBND Tỉnh lãnh đạo UBND Tỉnh chỉ đạo ngành Y tế phối hợp chặt chẽ với các địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức thích hợp và chủ động đẩy nhanh tiến độ thực hiện tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 tại tất cả các huyện, thành phố trong Tỉnh, thời gian hoàn thành trước ngày 30/6/2022.

Đảng đoàn Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội, cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực hưởng ứng chiến dịch tiêm chủng mũi 3 và mũi 4. Trong đó, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên phải phát huy tính tiên phong gương mẫu, đi đầu trong việc tham gia tiêm chủng. Giao Ban cán sự đảng UBND Tỉnh phối hợp với cơ quan có liên quan theo dõi, kiểm tra việc thực hiện văn bản này; thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện để Thường trực Tỉnh ủy nắm, chỉ đạo.

2. Tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều nhắc lại cho người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi

UBND Tỉnh vừa có Công văn gửi Sở Y tế, UBND các huyện, thành phố về việc triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều nhắc lại cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Theo đó, UBND Tỉnh chấp thuận chủ trương triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều nhắc lại cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi. Trước mắt, sử dụng nguồn vắc xin Pfizer đợt 55 đã phân bổ cho các địa phương để triển khai thực hiện bảo đảm hiệu quả, an toàn, chống lãng phí.

UBND Tỉnh giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

3. Đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết

 UBND Tỉnh có Công văn gửi các đơn vị liên quan về việc đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết yêu cầu các sở, ban, ngành Tỉnh và UBND các huyện, thành phố chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của cơ quan, đơn vị chủ động, tích cực, tổ chức triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết với phương châm "Không có lăng quăng/bọ gậy, không có sốt xuất huyết", diệt lăng quăng/bọ gậy là biện pháp ưu tiên hàng đầu, ít tốn kém và hiệu quả nhất để chủ động ngăn chặn, phòng, chống sốt xuất huyết bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng, quyết tâm không để dịch chồng dịch trong giai đoạn hiện nay.

Sở Y tế tổ chức đánh giá tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Tỉnh, đề ra giải pháp khắc phục kịp thời các khó khăn, tồn tại và triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch bùng phát trên địa bàn Tỉnh; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, tập trung vào những nơi có ổ dịch cũ, có nguy cơ bùng phát; tham mưu UBND Tỉnh Kế hoạch phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn Tỉnh trước ngày 28/6/2022, đặc biệt là chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy trong thời gian từ 28/6 đến 08/7/2022.

UBND các huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh việc lồng ghép các hoạt  động vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh vào các hoạt động thường quy khác, cụ thể như: Thường xuyên kiểm tra và xử lý các dụng cụ chứa nước không được bảo vệ hoặc không được hủy bỏ, gây nguy cơ tiềm tàng, thuận lợi cho sự sinh sản và phát triển của lăng quăng/bọ gậy tại hộ gia đình, nơi công cộng, nơi tập trung đông người như trường học, bệnh viện, đình, chùa, nhà thờ, bến xe... thông qua việc huy động lực lượng cộng tác viên, ban, ngành, đoàn thể; tổ chức các hoạt động diệt lăng quăng/bọ gậy thường xuyên đến từng hộ gia đình thông qua hoạt động của cộng tác viên y tế, học sinh và các tổ chức quần  chúng (đậy nắp thật kín, loại bỏ vật dụng phế  thải, thả cá) ít nhất 01 lần/tháng.

UBND Tỉnh đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội Tỉnh phối hợp với ngành y tế triển khai chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy đảm bảo tất cả các khu vực, các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát, xử lý các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt lăng quăng/bọ gậy theo hướng dẫn của ngành y tế.

4. Triển khai Chiến dịch "Diệt lăng quăng phòng, chống bệnh sốt xuất huyết"

UBND Tỉnh vừa ban hành Kế hoạch triển khai Chiến dịch "Diệt lăng quăng phòng, chống bệnh sốt xuất huyết" nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc thay đổi hành vi vệ sinh môi trường và các biện pháp diệt lăng quăng phòng, chống bệnh sốt xuất huyết bảo vệ sức khoẻ cá nhân, gia đình và cộng đồng; huy động các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, hộ gia đình và cá nhân tham gia hoạt động diệt lăng quăng nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.

Theo đó, 100% huyện, thành phố tổ chức chiến dịch truyền thông "Diệt lăng quăng phòng, chống bệnh sốt xuất huyết"; 100% xã, phường, thị trấn treo băng rôn, khẩu hiệu với chủ đề phòng ,chống bệnh sốt xuất huyết và triển khai các biện pháp diệt lăng quăng tại các hộ gia đình, các khu vực nguy cơ cao.

Thời gian thực hiện Chiến dịch chia làm 02 đợt: Đợt 1 từ ngày 28/6 đến ngày 01/7/2022, đợt 2 từ ngày 05 - 08/7/2022. Mỗi khóm, ấp thành lập ít nhất 02 tổ tiến hành giám sát, hướng dẫn, nhắc nhở người dân trên địa bàn thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng bằng cách kiểm tra và xử lý các dụng cụ chứa nước không được bảo vệ hoặc không được hủy bỏ, gây nguy cơ tiềm tàng, thuận lợi cho sự sinh sản và phát triển của lăng quăng tại hộ gia đình, nơi công cộng, nơi tập trung đông người.

Thành phần tham gia chiến dịch là y tế xã, phường, thị trấn; y tế khóm, ấp; lực lượng thanh niên, phụ nữ, đoàn thể tại địa phương.

5. Khuyến cáo người dân diệt lăng quăng phòng, chống bệnh sốt xuất huyết tại nhà

 Sở Thông tin và Truyền thông vừa có văn bản đề nghị Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp; Báo Đồng Tháp; UBND huyện, thành phố tăng tần suất thông tin, tuyên truyền Chiến dịch "Diệt lăng quăng phòng, chống bệnh sốt xuất huyết" để vận động người dân tham gia, cùng chung tay thực hiện Chiến dịch diệt lăng quăng. Thường xuyên khuyến cáo người dân thực hiện diệt lăng quăng phòng, chống bệnh sốt xuất huyết tại nhà ở, nơi lưu trú.

Hệ thống truyền thanh xã, phường, thị trấn thực hiện truyền thông về Chiến dịch "Diệt lăng quăng phòng, chống bệnh sốt xuất huyết" trên loa truyền thanh ít nhất 2 lần/tháng trong ngày suốt thời gian cao điểm thực hiện Chiến dịch, từ ngày 27/6 đến ngày 10/7/2022 và duy trì 2 lần/tuần trong thời gian còn lại đến hết mùa mưa, nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả Chiến dịch “Diệt lăng quăng phòng, chống bệnh sốt xuất huyết” trên địa bàn Tỉnh.

6. Đồng Tháp tuyển lao động đi làm việc tại Nhật Bản

UBND Tỉnh vừa ban hành kế hoạch tuyển 175 lao động đi làm việc theo hợp đồng tại Nhật Bản trong năm 2022 ở các ngành nghề: sắp xếp hành lý mặt đất tại sân bay, mạ điện, sản xuất tấm vách ngăn, địa chất, lắp ráp điện tử, đúc nhựa, đóng gói công nghiệp, chế biến thực phẩm...

Điều kiện để đăng ký là nam, nữ có độ tuổi từ 18 - 30, trong đó nam cao 1,6 m và nặng 55 kg trở lên, nữ cao 1,5 m và nặng 45 kg trở lên; tốt nghiệp THCS trở lên; không mắc các bệnh truyền nhiễm, bệnh có ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động. Hợp đồng lao động là 3 năm, với thu nhập trung bình khoảng 32 triệu đồng/tháng.

UBND Tỉnh giao Sở LĐ - TB và XH chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn thủ tục, hỗ trợ vay vốn; cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về các điều kiện, tiêu chuẩn việc làm, quyền lợi, nghĩa vụ và các chế độ chính sách khác liên quan đến người lao động khi đi làm việc ở Nhật Bản.

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab, Bộ LĐ - TB và XH) cho biết từ đầu năm đến nay, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 51.677 người (tại Nhật Bản 32.053 người, Đài Loan - Trung Quốc 15.633 người, Hàn Quốc 1.209 người, Singapore 853 người...). Theo Dolab, hơn 2 năm qua, phần lớn các quốc gia, vùng lãnh thổ đều có chính sách phòng chống dịch Covid-19 đã gây hạn chế hoặc đóng cửa tiếp nhận lao động nước ngoài đến làm việc. Tuy nhiên đến nay, một số thị trường ở châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… đã có chính sách tiếp nhận lao động với các điều kiện và quy định phù hợp nên nhu cầu tiếp nhận lao động đang tăng lên. Do đó, Việt Nam đặt chỉ tiêu trong năm 2022 đưa 90.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là hoàn toàn khả thi.

7. Kê khai số định danh cá nhân/CCCD khi nộp hồ sơ tham gia BHXH, BHYT

UBND Tỉnh vừa ban hành Công văn gửi các đơn vị về việc triển khai thực hiện kê khai số định danh cá nhân/căn cước công dân khi nộp hồ sơ tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế. Theo đó, UBND Tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành Tỉnh phối hợp với BHXH Tỉnh, đồng thời chỉ đạo đơn vị trực thuộc phối hợp với cơ quan bảo hiểm thực hiện tuyên truyền, phổ biến đến đơn vị, người lao động về mục đích, ý nghĩa của việc kê khai số định danh cá nhân/căn cước công dân vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đồng bộ với cơ sở dữ  liệu quốc gia về bảo hiểm; phối hợp với cơ quan BHXH kê khai số định danh cá nhân/căn cước công dân khi nộp hồ sơ tham gia BHXH, BHYT cho người lao động tại đơn vị.

BHXH Tỉnh hướng dẫn tổ chức, cá nhân kê khai số định danh cá nhân/căn cước công dân khi nộp hồ sơ tham gia BHXH, BHYT trên phạm vi toàn Tỉnh; cung cấp tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn kê khai số định danh cá nhân/căn  cước công dân khi nộp hồ sơ tham gia BHXH, BHYT cho tổ chức, cá nhân trong quá trình triển khai thực hiện; tiếp nhận, giải quyết kịp thời mọi kiến nghị trong quá trình kê khai số định danh cá nhân/căn cước công dân khi nộp hồ sơ tham gia BHXH, BHYT để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia BHXH, BHYT; phối hợp Công an Tỉnh trong việc thông báo số định danh cá nhân (đối với người dân chưa được cấp căn cước công dân) kịp thời đảm bảo quyền lợi cho công dân.

UBND Tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan BHXH trên địa bàn triển khai hướng dẫn tổ chức, cá nhân kê khai số danh cá nhân/căn cước công dân khi tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn.

8. Phấn đấu đến năm 2030: 80% thanh niên được tư vấn hướng nghiệp và việc làm

Xây dựng thế hệ thanh niên tỉnh Đồng Tháp phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước, có lý tưởng cách mạng, có đạo đức, ý thức công dân, chấp hành pháp luật; có sức khỏe và lối sống lành mạnh; có văn hóa, kiến thức, trình độ học vấn, kỹ năng sống, nghề nghiệp và việc làm; có ý chí lập thân, lập nghiệp, năng động, sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ… là mục tiêu được đề ra trong Chương trình phát triển thanh niên tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2021 - 2030.

Phấn đấu đến năm 2030, 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ trung học phổ thông và tương đương; 100% các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học phổ thông có câu lạc bộ tiếng Anh hoặc câu lạc bộ ngoại ngữ khác; ít nhất 60% thanh niên có khả năng giao tiếp ngoại ngữ tương đương với trình độ bậc 1 trở lên theo khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam.

80% thanh niên được tư vấn hướng nghiệp và việc làm; 60% thanh niên được đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, ưu tiên việc làm tại chỗ; tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở đô thị dưới 5%; tỷ lệ thanh niên thiếu việc làm ở nông thôn dưới 3%; có ít nhất 70% thanh niên là người khuyết tật, người nhiễm HIV, người sử dụng ma túy, là nạn nhân của tội phạm buôn bán người, thanh niên vi phạm pháp luật được bồi dưỡng kỹ năng sống, lao động và hòa nhập cộng đồng; ít nhất 70% thanh niên sử dụng thành thạo các phương tiện kỹ thuật số phục vụ mục đích giao tiếp, truyền thông, kinh doanh trên nền tảng kinh tế số…

9. Tăng cường kiểm tra, tuyên truyền về bảo vệ động vật hoang dã

UBND Tỉnh có Công văn về việc tăng cường công tác kiểm tra, thông tin tuyên truyền về bảo vệ động vật hoang dã yêu cầu các sở, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, thông tin tuyên truyền về bảo vệ động vật hoang dã. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra các tụ điểm bẫy, bắt, mua bán, vận chuyển các loài động vật hoang dã, nhất là các loài nguy cấp, quý, hiếm; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn Tỉnh không bẫy, bắt, mua bán, tiêu thụ, sử dụng, nuôi nhốt trái phép các loài động vật hoang dã; đặc biệt là các loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm.

Công an Tỉnh chỉ đạo lực lượng Công an địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng dân cư để nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ động vật hoang dã.

Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành liên quan và địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các quy định của pháp luật về công tác bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn Tỉnh; tập trung về công tác bảo vệ các loài động vật hoang dã trong môi trường tự nhiên.

UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền lồng ghép vào các buổi họp dân xóm (ấp) tại địa phương; thông báo trên Đài Truyền thanh để thông tin cho người dân địa phương biết những quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, nhất là các loài động vật hoang dã thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm, đặc biệt là chim Điêng điểng (chim Cổ rắn) hiện phân bố nhiều trên địa bàn Tỉnh.

UBND Tỉnh yêu cầu các sở, ngành tỉnh, lãnh đạo UBND các huyện, thành phố chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã. Theo chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị, tăng cường công tác tuyền truyền cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn Tỉnh không mua, bán, vận chuyển, sử dụng, nhận, cho quà biếu là động vật hoang dã hoặc các sản phẩm của chúng không có nguồn gốc hợp pháp...

10. Vận động trên 11,4 tỷ đồng thực hiện các hoạt động bảo trợ xã hội

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Hội Bảo trợ Người khuyết tật, Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin và Bệnh nhân nghèo (NKT, NNCĐDC/DIOXIN&BNN) Tỉnh cùng các cấp Hội tại các huyện, thành phố đã tích cực vận động các nguồn lực xã hội ủng hộ bằng tiền và hiện vật trị giá trên 11,4 tỷ đồng. Qua đó, triển khai thực hiện nhiều chương trình từ thiện xã hội, trợ giúp cho 123.489 lượt đối tượng người nghèo, cận nghèo, khó khăn, học sinh nghèo, mồ côi, khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam/Dioxin. Nổi bật là đã vận động trao tặng 21.660 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo; hỗ trợ xây dựng 35 căn nhà tình thương; trao tặng 313 xe lăn, 44 xe lắc, 65 xe đạp, hơn 4.170 suất quà;... góp phần giúp người dân giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.

Trong 6 tháng cuối năm 2022, Hội Bảo trợ NKT, NNCĐDC/DIOXIN&BNN Tỉnh tiếp tục tăng cường công tác vận động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thực hiện các chương trình từ thiện xã hội nhằm góp phần chăm lo, giúp những mảnh đời cơ cực vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

11. Ứng dụng thương mại điện tử thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19

UBND Tỉnh phối hợp Hiệp hội Thương mại điện tử (TMĐT) tổ chức hội thảo "Ứng dụng TMĐT thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19".  Đây là hoạt động thiết thực nhằm cung cấp đến các đơn vị, địa phương, nhất là các nhà sản xuất, kinh doanh nội dung tổng quát về xu hướng thị trường TMĐT sau đại dịch Covid-19, các giải pháp công nghệ mới và những ý tưởng kinh doanh nổi bật để thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch.

TMĐT đang dần trở thành phương thức kinh doanh phổ biến, ngày càng được nhiều doanh nghiệp và người dân biết đến. Hòa vào xu hướng chung, ở Đồng Tháp, TMĐT đang được các cơ quan, doanh nghiệp quan tâm, ứng dụng và đã mang lại những lợi ích thiết thực. Hiện nay đã có hơn 300 sản phẩm đặc sản của Tỉnh có mặt trên các sàn TMĐT uy tín. Mặc dù tiềm năng phát triển lớn, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tận dụng được hết những lợi ích các kênh TMĐT. Theo đó, điểm nghẽn của doanh nghiệp hiện nay vẫn là nguồn nhân lực, thông tin thị trường, cách thức bán hàng trên kênh TMĐT...

Đưa ra các giải pháp công nghệ mới và những ý tưởng kinh doanh nổi bật để thúc đẩy TMĐT hiệu quả, tại phiên tọa đàm của hội thảo, đại diện Hiệp hội TMĐT, các sàn TMĐT như: Haravan, Droppii, Tiki đã thông tin về các xu hướng TMĐT hiện nay; giải đáp các thắc mắc của các doanh nghiệp, hội quán, hợp tác xã về các giải pháp để thúc đẩy, bán hàng lên sàn TMĐT...

Tại hội thảo, các đơn vị chức năng đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ nền tảng TMĐT và chuyển đổi số.

12. Hội nghị phổ biến kiến thức về "Tác động của biến đổi khí hậu đến nền nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp"

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị phổ biến kiến thức về "Tác động của biến đổi khí hậu đến nền nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp" nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, viên chức các sở, ban ngành Tỉnh, Phòng Kinh tế (Kinh tế - Hạ tầng), Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Nông nghiệp các huyện, thành phố; các thành viên Hợp tác xã, Hội quán trên địa bàn Tỉnh.

Hội nghị góp phần giúp cho các đại biểu hiểu thêm về biến đổi khí hậu và những tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng. Tại Hội nghị, PGS, TS. Văn Phạm Đăng Trí - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ đã trình bày những vấn đề cốt lõi về biến đổi khí hậu và những tác động của nó đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Tỉnh. Đồng thời, các đại biểu cũng tập trung thảo luận những vấn đề quan tâm.

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp đánh giá cao nội dung trình bày của báo cáo viên, qua buổi Hội nghị sẽ góp phần giúp cho đội ngũ cán bộ, viên chức có thêm nhiều kiến thức phục vụ cho công tác tham mưu ở ngành, lĩnh vực công tác, kịp thời đề xuất cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

CHÍNH SÁCH - VĂN BẢN

1. Tăng lương tối thiểu vùng

Ngày 12/6/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số: 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Nghị định này chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2022. Theo đó, mức lương tối thiểu tháng tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000 đồng - 260.000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành.

Cụ thể, Nghị định số: 38/2022/NĐ-CP quy định các mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng: Vùng I tăng 260.000 đồng, từ 4.420.000 đồng/tháng lên 4.680.000 đồng/tháng. Vùng II tăng 240.000 đồng, từ 3.920.000 đồng/tháng lên 4.160.000 đồng/tháng. Vùng III tăng 210.000 đồng từ 3.430.000 đồng/tháng lên 3.640.000 đồng/tháng. Vùng IV tăng 180.000 đồng từ 3.070.000 đồng/tháng lên 3.250.000 đồng/tháng.

Về mức lương tối thiểu giờ, vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ.

Việc áp dụng địa bàn vùng được xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động.

2. Tăng mức tiền lương tính đóng BHXH bắt buộc tối thiểu

Theo khoản 2 Điều 6 Quyết định số: 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc ban hành quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế, mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động (NLĐ) làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường.

Ngoài ra, đối với NLĐ làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.

Đối với NLĐ làm công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.

Như vậy, với việc từ ngày 01/7/022 mức lương tối thiểu vùng tăng lên thì mức tiền lương thấp nhất làm căn cứ tính đóng BHXH cũng sẽ tăng lên. Từ đó, khi nhận các chế độ BHXH thì mức tiền NLĐ nhận được cũng sẽ tăng theo.

3. Hết hạn hỗ trợ doanh nghiệp giảm mức đóng BHXH vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nhgiệp

Nhằm hỗ trợ người sử dụng lao động (NSDLĐ) gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số: 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Theo Nghị quyết số: 68/NQ-CP của Chính phủ, NSDLĐ được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN) trong 12 tháng (thời gian từ ngày 01/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022) cho NLĐ thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN (trừ cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước).

Như vậy, kể từ ngày 01/7/2022 tới đây, NSDLĐ sẽ quay trở lại đóng vào quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN như bình thường (0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH hoặc mức đóng bằng 0,3% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề có nguy cơ cao về TNLĐ, BNN, nếu đủ điều kiện quy định, có văn bản đề nghị và được Bộ LĐ - TB và XH chấp thuận).

MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KHOA GIÁO CẤP HUYỆN

Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp phối hợp Phòng LĐ - TB và XH thành phố Sa Đéc tổ chức phiên giao dịch việc làm lần thứ 16 với sự tham gia của gần 300 lao động chưa có việc làm, lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp sau đại dịch Covid-19 trở về địa phương và học sinh các trường THPT trên địa bàn Thành phố. Có 16 đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài Tỉnh tham gia, với nhu cầu tuyển dụng 1.000 lao động làm việc tại Nhật Bản ngành lắp ráp linh kiện điện tử, cơ khí, điều dưỡng và  7.000 lao động phổ thông làm việc trong và ngoài nước với các ngành nghề: chế biến thủy sản, thức ăn, chế biến thực phẩm, may mặc, giày da ... Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp cũng có nhu cầu tuyển 700 học viên trung cấp, cao đẳng các ngành công nghệ thông tin, công nghệ ô tô, xây dựng, điện lạnh, hàn, điện công nghiệp, tiếng Nhật… học phí Nhà nước hỗ trợ, 97% học sinh, sinh viên tốt nghiệp được giới thiệu việc làm. Các doanh nghiệp tham gia tuyển dụng đã thông tin về các chỉ tiêu tuyển dụng, điều kiện làm việc, mức lương, chế độ hỗ trợ đối với người lao động. Tại phiên giao dịch, có 42 lao động đăng ký tìm việc làm tại các doanh nghiệp và 33 lao động đăng ký tham gia thị trường lao động nước ngoài đã được phía Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp tư vấn, hỗ trợ.

Tại xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, UBND Huyện tổ chức lễ phát động chiến dịch diệt lăng quăng hưởng ứng ngày Asean phòng, chống sốt xuất huyết năm 2022. Với chủ đề "Đẩy lùi bệnh sốt xuất huyết", lễ phát động năm nay tiếp tục kêu gọi và vận động người dân chung tay vệ sinh môi trường, loại bỏ, xử lý các vật có thể chứa nước làm giảm nguồn sinh sản của muỗi trong mỗi gia đình và tại từng điểm nguy cơ; thực hiện đồng bộ đảm bảo có hiệu quả trong hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết. Chiến dịch bao gồm các hoạt động kiểm tra, giám sát và xử lý các điểm nguy cơ, tăng cường các hoạt động truyền thông đại chúng nhằm thay đổi hành vi nhận thức phòng, chống dịch bệnh của người dân, cùng với đó là hoạt động của các tổ diệt lăng quăng tuyên truyền, đến từng nhà người dân vận động tham gia diệt lăng quăng, diệt muỗi tại chính nơi mình sinh sống. Sau lễ phát động các ngành, đoàn thể của xã Thường Phước 1 cũng ra quân diệt lăng quăng trên diện rộng. Cùng ngày chiến dịch này được thực hiện đồng loạt tại thị trấn Thường Thới Tiền và xã Thường Lạc.

Sáng ngày 17/6/2022, Tại trường tiểu học Tân Công Chí 1, xã Tân Công Chí, Ban Thường vụ Huyện Đoàn và Hội Đồng đội huyện Tân Hồng tổ chức lễ ra quân hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em, chủ đề "Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em" gắn với các hoạt động Hè năm 2022. Tại đây, Huyện Đoàn Tân Hồng nêu bật lên ý nghĩa và tầm quan trọng của Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 và mong rằng các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm trong và ngoài Huyện cùng chung tay hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và khó khăn trên địa bàn Huyện. Qua đó, tặng 22 thẻ BHYT cho học sinh nghèo; trao 01 chiếc xe đạp cho học sinh khó khăn; trao 30 suất quà, nhu yếu phẩm và sách tri thức cho học sinh. Tổng kinh phí trên 50 triệu đồng do Huyện đoàn Tân Hồng vận động các mạnh thường quân và doanh ngghiệp đóng góp. Riêng Xã đoàn Tân Công Chí tặng 4 bộ bàn, ghế cho thư viện xanh. Sau đó, lực lượng đoàn viên thanh niên ra quân trồng cây xanh trong khuôn trường học, nhằm tạo cảnh quang môi trường xanh - sạch - đẹp.

Từ đầu năm 2022 đến ngày 27/6/2022, huyện Tam Nông có 1.088 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 54,43% chỉ tiêu và 87.175 người tham gia BHYT, đạt 90,42% chỉ tiêu. Trong đó, người thuộc hộ nghèo và học sinh tham gia BHYT đạt 100%, người thuộc hộ cận nghèo đạt 90,2%. Để thực hiện tốt công tác BHYT, BHXH tự nguyện và hoàn thành chỉ tiêu từ nay đến cuối năm 2022, UBND Huyện chỉ đạo các ban, ngành và UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách BHYT, BHXH tự nguyện bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng nhằm phát triển đối tượng tham gia; thực hiện tốt công tác cấp thẻ cho những người tham gia BHYT được ngân sách Nhà nước đóng; rà soát những người đã tham gia BHYT, BHXH tự nguyện đến hạn tham gia mà chưa tham gia để kịp thời vận động người dân tham gia đúng theo quy định; tổ chức tốt việc khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT; thực hiện môi trường khám, chữa bệnh thân thiện, hiệu quả… Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huyện và các tổ chức chính trị - xã hội Huyện tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia BHYT; đồng thời, vận động đóng góp, ủng hộ kinh phí để hỗ trợ hộ cận nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn tham gia BHYT…

Chiều ngày 16/6/2022, Ban Tuyên giáo Huyện ủy phối hợp với BHXH huyện Tháp Mười tổ chức Hội nghị tuyên truyền, đối thoại về chính sách BHXH - BHYT năm 2022. Có trên 100 người đại diện lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; Bí thư, Phó Bí thư chi bộ khóm, ấp, thân nhân của cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ở các xã, thị trấn đã tham dự. Tại Hội nghị này, đại diện lãnh đạo BHXH Huyện đã quán triệt về chính sách an sinh xã hội; ý nghĩa, tầm quan trọng và tính ưu việt của chính sách BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình. Trình bày về mức đóng, mức hưởng và quyền lợi của người tham gia BHXH tự nguyện hiện nay; quyền lợi của người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT trong tình hình dịch bệnh Covid-19. Buổi tuyên truyền nhằm giúp cho cấp ủy, chính quyền, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; Bí thư, Phó Bí thư chi bộ khóm, ấp hiểu rõ hơn về các chế độ, chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, những lợi ích khi tham gia BHXH - BHYT tự nguyện, từ đó về địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình để được hưởng các chế độ bảo hiểm của Đảng, Nhà nước.

Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Cao Lãnh hiện có 19 Hội cơ sở với trên 2.225 hội viên. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Hội CTĐ Huyện đã thực hiện tốt chương trình công tác Hội và phong trào chữ thập đỏ, thường xuyên phối hợp với các cơ quan, phòng, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội đẩy mạnh nhiều hoạt động nhân đạo, từ thiện. Bên cạnh đó, Hội đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, tổ chức thăm hỏi tặng hơn 3.839 xuất quà, trị giá hơn 2.940 tỷ đồng. Cuộc vận động "Mỗi tổ chức cá nhân gắn với địa chỉ nhân đạo" đã giúp đỡ, hỗ trợ cất nhà ở cho 11 hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trị giá 545 triệu đồng; Vận động trao 1.135 thẻ BHYT cho hộ cận nghèo với số tiền 57.780.000đ, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và hiến máu tình nguyện đợt 1 năm 2022, có 467 tình nguyện viên tham gia hiến máu… Tổng giá trị các hoạt động nhân đạo trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt trên 14 tỷ đồng, đã chia sẻ trợ giúp cho các lượt đối tượng. Thời gian tới, Hội tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, làm tốt công tác vận động, kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức, tập thể, cá nhân, giúp đỡ nhiều hơn nữa các hoàn cảnh khó khăn, xứng đáng là tổ chức nhân đạo từ thiện của toàn xã hội.

Ngày 27/6/2022, tại Hội trường Trung tâm Chính trị huyện Châu Thành, Hội Khuyến học Tỉnh đã tổ chức tập huấn tuyên truyền viên khuyến học năm 2022 cho trên 70 đại biểu là cán bộ Hội Khuyến học các cấp, đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổ Nhân dân tự quản khuyến học các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Châu Thành. Tại buổi tập huấn, Bà Nguyễn Thị Nhàn, Chủ tịch Hội Khuyến học Tỉnh đã quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Hội Khuyến học tỉnh Đồng Tháp về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 2030. Chia sẻ một số nôi dung liên quan đến nghiệp vụ tổ chức và hoạt động Hội Khuyến học, công tác tham mưu, phối hợp, vận động xây dựng phát triển các mô hình và phong trào khuyến học, xây dựng quỹ khuyến học. Chia sẻ cách làm trực tiếp, thực tế của các Tổ Nhân dân tự quản lồng ghép khuyến học; Chia sẻ động lực đồng hành trong công tác liên kết phối hợp thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của Hội để thực hiện hoàn thành tiêu chí các mô hình: gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập, công dân học tập và tiến tới xây dựng thành công "huyện học tập". Sau lớp tập huấn, Hội Khuyến học huyện sẽ tiếp tục mở các cụm tập huấn tại các xã cho các cán bộ hội và các chi, tổ hội theo kế hoạch đã đề ra.

PHÒNG KHOA GIÁO VÀ VĂN HÓA - VĂN NGHỆ