Xuất bản thông tin

null Triển khai Tháng hành động vì trẻ em

Chi tiết bài viết Tab Thông tin

Triển khai Tháng hành động vì trẻ em

Uỷ ban nhân dân Tỉnh vừa ban hành Kế hoạch triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2022, với chủ đề "Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em". Thời gian thực hiện từ ngày 01/6 đến 30/6/2022. Nội dung được đề cập trong thông tin công tác khoa giáo kỳ này.

TIN TỨC - SỰ KIỆN

1. Đồng Tháp: Trên 15.000 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 diễn ra vào ngày 07, 08/7/2022, tỉnh Đồng Tháp có trên 15.000 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 13.623 thí sinh lớp 12 hệ THPT, 988 thí sinh lớp 12 hệ GDTX, còn lại là thí sinh tự do.

Dự kiến có 30 điểm thi với 645 phòng thi. Các điểm thi đặt tại các trường THPT, THCS, trung tâm GDTX ở 12 huyện, thành phố. Riêng học sinh Trường THPT Hồng Ngự 2 và Trường THPT Long Khánh A bố trí thi tại thành phố Hồng Ngự.

Điểm mới của kỳ thi năm nay là thí sinh đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến (trừ thí sinh tự do), hiện 100% thí sinh của Tỉnh đã hoàn thành việc đăng ký. Đối với công tác coi thi, ngoài bốc thăm phân công phòng thi và phương án phát đề, năm nay còn bổ sung bốc thăm phương án đánh số báo danh. Trưởng Điểm thi bố trí địa điểm an toàn, cách biệt phòng thi tối thiểu 25m để bảo quản vật dụng cá nhân, tài liệu, vật dụng không được phép mang vào phòng thi.

Về đăng ký xét tuyển Đại học, Cao đẳng thực hiện theo hình thức trực tuyến sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng nhiều lần, không yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm cũng là những điểm mới.

Sở GD và ĐT khẩn trương hoàn thành kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tỉnh Đồng Tháp để sớm ban hành. Trong quá trình tổ chức kỳ thi, các ngành liên quan và địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh và chuẩn bị các phương án để kịp thời giải quyết các tình huống phát sinh, chú ý đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự, cơ sở vật chất... để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc.

2. Thành lập Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022

UBND Tỉnh vừa có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 tỉnh Đồng Tháp (viết tắt Ban Chỉ đạo Tỉnh) gồm 43 thành viên. Ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Các thành viên trong Ban Chỉ đạo Tỉnh làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, sử dụng bộ máy của Sở GD và ĐT giúp việc và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Ban Chỉ đạo Tỉnh chỉ đạo toàn diện các hoạt động chuẩn bị, tổ chức thực hiện kỳ thi theo đúng quy định của Quy chế thi tốt nghiệp THPT ban hành kèm theo Thông tư số: 15/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 và được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số: 05/2021/TT-BGDĐT ngày 12/3/2021 của Bộ trưởng Bộ GD và ĐT.

Đồng thời chỉ đạo, kiểm tra các ban, ngành liên quan và các cơ sở giáo dục trên địa bàn phối hợp, hỗ trợ, bảo đảm các điều kiện cần thiết cho hoạt động của Hội đồng thi trong tổ chức kỳ thi; xem xét, giải quyết các kiến nghị của Chủ tịch Hội đồng thi. Báo cáo Ban Chỉ đạo cấp Quốc gia và Chủ tịch UBND Tỉnh về tình hình tổ chức thi, việc thực hiện quy chế thi ở địa phương và đề xuất xử lý các tình huống xảy ra trong tổ chức kỳ thi…

3. Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường học

Để chủ động phòng, chống, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng, Sở Y tế có Công văn về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh năm 2022 đề nghị Sở GD và ĐT cùng các đơn vị trực thuộc phối hợp, tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Cụ thể, Sở Y tế đề nghị Sở GD và ĐT phối hợp cùng ngành Y tế tổ chức các hoạt động truyền thông sâu rộng tại các trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo về các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng và các dịch bệnh trong trường học, bảo đảm các cơ sở giáo dục có đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng và có vị trí thuận tiện cho người chăm sóc trẻ, trẻ em rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tỉnh tăng cường triển khai các hoạt động kiểm soát dịch bệnh, các hoạt động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm, đáp ứng ngay, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng và kéo dài tại cộng đồng; tập trung triển khai công tác tiêm chủng; củng cố các đội chống dịch cơ động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch khi cần thiết; tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở.

Cùng với đó, phối hợp với cơ quan truyền thông đại chúng tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền vệ sinh cá nhân và vệ sinh nơi sinh hoạt; thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh ăn uống, ăn chín uống chín.

Trung tâm Y tế huyện, thành phố phối hợp với Phòng Y tế tham mưu UBND huyện, thành phố huy động nguồn lực tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, tiêu chảy do vi rút Rota, viêm não, bạch hầu, ho gà và các dịch bệnh mùa hè khác trên địa bàn quản lý; chú trọng triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh tại các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, khu vực di biến động về dân cư, nơi có ổ dịch cũ và nơi có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao; thực hiện nghiêm những giải pháp phòng, chống dịch như giám sát phát hiện sớm, xét nghiệm, cách ly kịp thời, điều trị hiệu quả... góp phần thực hiện tốt việc khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.

4. Triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 liều nhắc lại lần 2 (mũi 4)

UBND Tỉnh có Công văn về việc triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi nhắc lại lần 2, theo đó chấp thuận chủ trương triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4). Cụ thể, các đối tượng được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) gồm: Người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có tình trạng suy giảm miễn dịch mức độ vừa và nặng; nhân viên y tế, lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19; người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh.

UBND Tỉnh yêu cầu Sở Y tế chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi nhắc lại lần 2 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Kế hoạch số: 343/KH-UBND ngày 10/12/2021 của UBND Tỉnh về triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 liều bổ sung, liều nhắc lại giai đoạn 2021 - 2022.

Vắc-xin sử dụng là vắc-xin mARN ( do hãng Pfizer hoặc Moderna sản xuất) cùng loại với vắc- xin mũi 3 (mũi nhắc lần 1).

Khoảng cách tiêm: Ít nhất 04 tháng sau mũi 3 (mũi nhắc lần 1).

Người đã mắc Covid-19 sau tiêm mũi 3 được trì hoãn 03 tháng sau khi mắc Covid-19.

5. Tăng cường tiêm vắc-xin phòng Covid-19, đảm bảo an toàn tiêm chủng

Đó là yêu cầu của Sở Y tế đối với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tỉnh và Trung tâm Y tế huyện, thành phố. Theo đó, các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tiến độ thực hiện tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 đủ liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi và mũi nhắc lại (mũi 3) cho người từ 18 tuổi trở lên, đảm bảo hoàn thành trong quý II/2022 theo chỉ đạo của Chính phủ; sử dụng nguồn vắc-xin phòng Covid-19 đã được phân bổ hợp lý, ưu tiên sử dụng trước vắc-xin có hạn dùng ngắn, đảm bảo việc sử dụng hiệu quả vắc-xin đã được cung ứng.

Ngoài ra, thực hiện đảm bảo an toàn trong công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho các đối tượng theo quy định; bố trí các đội thường trực cấp cứu với đầy đủ trang thiết bị, cơ số thuốc để sẵn sàng hỗ trợ các điểm tiêm chủng, xử trí kịp thời và chuyển tuyến điều trị các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm.

Cùng với đó, chuẩn bị sẵn sàng mọi nguồn lực cần thiết để có thể triển khai ngay tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) cho các đối tượng đủ điều kiện; tăng cường công tác truyền thông về lợi ích của việc tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, vận động người dân đủ điều kiện tiêm chủng tham gia tiêm chủng ngay vì lợi ích sức khỏe cho bản thân và cho cộng đồng.

6. Triển khai Tháng hành động vì trẻ em

UBND Tỉnh vừa ban hành Kế hoạch triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2022, với chủ đề "Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em". Thời gian thực hiện từ ngày 01/6 đến 30/6/2022.

Các thông điệp và khẩu hiệu truyền thông như: Trẻ em phải được an toàn trong ngôi nhà của mình; pháp luật nghiêm trị mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em; roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng; gọi 111 để thông báo, tố giác mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em...

Các hoạt động trọng tâm là truyền thông tư vấn kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng sống cho trẻ em, đặc biệt kỹ năng phòng, chống xâm hại, bạo lực  trẻ em thông qua các kênh truyền thông báo chí, mạng xã hội, các tài liệu, sản phẩm truyền thông về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; truyền thông về Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em số 111 và đường dây bảo vệ trẻ em số 02778.51.61.71 của Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp Tỉnh để người dân và trẻ em được biết, nhằm kịp thời thông báo, tố giác các hành vi xâm hại, ngược đãi, vi phạm quyền trẻ em; tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ, đội, nhóm của trẻ em; tiếp nhận, tư vấn chăm sóc sức khỏe, tâm lý cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Cùng với đó, tổ chức tập huấn cho trẻ em, cha mẹ, người đang trực tiếp nuôi dưỡng trẻ em và hội thi cho giáo viên các trường Mầm non Công lập, Tư thục, người làm công tác trẻ em ở địa phương về kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ em từ 0 đến 8 tuổi, nhóm trẻ em khuyết tật, tuyên truyền sâu rộng kiến thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em nhằm phòng ngừa xâm hại, tai nạn thương tích ở trẻ em; tiếp tục tổ chức các chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng; tổ chức khảo sát lấy ý kiến trẻ em thông qua mạng internet về những vấn đề trẻ em quan tâm hoặc gây bức xúc đang diễn ra tại trường học, cộng đồng nơi các em đang sinh sống...

7. Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng

UBND Tỉnh vừa ban hành Kế hoạch Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030. Theo đó, Kế hoạch đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030, 95% gia đình được công nhận đạt danh hiệu "Gia đình học tập"; 85% dòng họ được công nhận đạt danh hiệu "Dòng họ học tập"; 100% cộng đồng được công nhận đạt danh hiệu "Cộng đồng học tập"; 100% tổ chức, cơ quan, trường học, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn cấp xã được công nhận đạt danh hiệu "Đơn vị học tập"; 60% người lao động trong "Gia  đình học tập", "Dòng họ học tập", "Cộng đồng học tập" và 80% cán bộ, công chức, nhân viên trong Đơn vị học tập" trên địa bàn cấp xã đạt danh hiệu "Công dân học tập".

Để đạt được các mục tiêu trên, Kế hoạch đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp, trong đó tập trung nghiên cứu, học tập, quán triệt cho cán bộ, hội viên khuyến học và nhân dân biết, thực hiện Bộ tiêu chí đánh giá các mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập; phát động phong trào thi đua học tập thường xuyên, suốt đời; phát động phong trào thi đua "Học để thay đổi và thích ứng với công nghệ 4.0"; tổ chức cuộc vận động thúc đẩy học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị gắn kết với phong trào xây dựng cộng đồng học tập cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh.

Cùng với đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời, xây dựng các mô hình học tập; tăng cường nguồn lực xã hội hóa trong việc thúc đẩy phong trào học tập suốt đời; tiếp tục duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trung tâm Văn hoá - học tập cộng đồng, các thiết chế văn hóa cơ sở, đa dạng các hình thức học tập, các hoạt động văn hóa góp phần đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập...

8. Hợp tác đưa lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc

Từ năm 2018 đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã đưa 322 lao động đi làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Hàn Quốc, trong đó có 241 lao động sang làm việc tại huyện Cheorwon, chủ yếu là lĩnh vực nông nghiệp, chăm sóc, thu hoạch sản phẩm từ nông nghiệp. Huyện Cheorwon đã tạo điều kiện cho lao động của Đồng Tháp sang làm việc, không chỉ giúp nâng cao thu nhập mà người lao động còn được tiếp cận kinh nghiệm, tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, tính chuyên nghiệp, khoa học của người Hàn Quốc để trở về ứng dụng tại địa phương.

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác này trong thời gian tới, UBND Tỉnh mong muốn phía huyện Cheorwon tiếp tục hợp tác, gắn kết nhiều hơn nữa ở các lĩnh vực mà hai địa phương quan tâm, trong đó tạo điều kiện cho nhiều lao động của tỉnh Đồng Tháp sang hợp tác, làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp (mỗi năm khoảng 200 người). Đồng Tháp cam kết sẽ làm tốt công tác giáo dục định hướng để người lao động của tỉnh chấp hành nghiêm các quy định pháp luật của hai nước

Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Cheorwon đánh giá cao kỹ năng, sự chăm chỉ và tính kỷ luật của lao động Đồng Tháp trong thời gian qua. Việc hợp tác đưa lao động của Đồng Tháp sang làm việc tại huyện Cheorwon đã góp phần giải quyết phần nào khó khăn về lao động tại địa phương. Huyện Cheorwon cũng mong muốn tiếp tục phối hợp tốt với tỉnh Đồng Tháp trong lĩnh vực này và cam kết thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho người lao động.

9. Họp hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở

Ngày 25/5/2022, Sở KH và CN đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ cấp cơ sở "Hệ thống thông tin quản lý học viên tại trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp". Đề tài do Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp và ThS. Nguyễn Thị Ánh Xuân đề xuất. Tham dự buổi họp hội đồng có ông Trần Thanh Liêm, Giám đốc Sở KH và CN làm chủ tịch Hội đồng, các thành viên hội đồng và khách dự.

Mục tiêu của đề tài cung cấp thông tin phục vụ quản lý của trường; cung cấp thông tin phục vụ nhu cầu người học tức thời qua app di động; ứng dụng phù hợp với trường Chính trị Tỉnh và Trung tâm chính trị trong Tỉnh; cung cấp thông tin kịp thời cho cơ quan, đơn vị quản lý người học.

Tại cuộc họp, nhóm nghiên cứu trình bày đề xuất và giải trình các câu hỏi của các thành viên Hội đồng. Các thành viên của Hội đồng đã tiến hành thảo luận về mục tiêu, nội dung, phương pháp nghiên cứu, dự kiến kết quả sản phẩm KH và CN, năng lực tổ chức cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ.

Kết luận, Hội đồng thống nhất thông qua đề xuất của nhóm nghiên cứu, đồng thời yêu cầu nhóm nghiên cứu chỉnh sửa một số nội dung, rà soát kinh phí cho phù hợp với nội dung nghiên cứu để triển khai thực hiện.

CHÍNH SÁCH - VĂN BẢN

1. Tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2022

Ngày 27/5/2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2022.

Nội dung Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Thực hiện Luật Giáo dục năm 2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, đến nay, thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp cơ bản đi vào nền nếp, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội, tạo điều kiện hơn cho học sinh nhiều cơ hội lựa chọn ngành học. Phát huy những kết quả đạt được trong những năm qua, để Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (Kỳ thi) và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2022 được triển khai an toàn, nghiêm túc, minh bạch, khách quan và chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh trong trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, phòng, chống hiệu quả dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD và ĐT chịu trách nhiệm toàn diện về Kỳ thi, trực tiếp ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai kế hoạch tổ chức Kỳ thi và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non; chịu trách nhiệm về đề thi cho Kỳ thi; cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời các quy định, thông tin cần thiết về Kỳ thi và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác tổ chức Kỳ thi, tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non và chấm thi trắc nghiệm bằng máy tính thống nhất toàn quốc bảo đảm chính xác, an toàn; tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non…

2. Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với viên chức ngành y tế

Nhằm cắt giảm chứng chỉ bồi dưỡng không phù hợp đối với viên chức ngành Y tế, ngày 26/4/2022, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số: 03/2022/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành Y tế.

Thông tư mới đã bỏ đồng loạt điều kiện về chứng chỉ ngoại ngữ và tin học trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành Y tế bao gồm:

- Viên chức là bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, y sĩ làm việc trong các cơ sở y tế công lập.

- Viên chức y tế công cộng làm việc trong các cơ sở y tế công lập.

- Viên chức điều dưỡng, viên chức hộ sinh, viên chức kỹ thuật y làm việc trong các cơ sở y tế công lập - Viên chức dược làm việc trong các cơ sở y tế công lập.

- Viên chức dinh dưỡng làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

- Viên chức dân số làm việc trong các đơn vị sự nghiệp dân số, y tế công lập. Thay vào đó, Thông tư 03 chỉ yêu cầu các viên chức chuyên ngành y tế có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm. Thông tư số: 03/2022/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 10/6/2022.

3. Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ cơ khí tự động hoá

Bộ trưởng Bộ KH và CN ký ban hành Quyết định số: 829/QĐ-BKHCN ngày 24/5/2022 về việc phê duyệt chương trình khoa học và công nghệ cấp Quốc gia giai đoạn đến năm 2030 "Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ cơ khí tự động hóa" mã số KC.03/21-30.

Mục tiêu của Chương trình:

1. Nghiên cứu, làm chủ công nghệ trong thiết kế, chế tạo, thử nghiệm và đưa vào ứng dụng các sản phẩm cơ khí tiên tiến thuộc Danh mục cơ khí trọng điểm do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

2. Nghiên cứu, làm chủ công nghệ trong thiết kế, chế tạo, tích hợp các hệ thống tự động hóa chủ yếu cho một số ngành kinh tế trọng điểm.

3. Hình thành các nhóm nghiên cứu có năng lực nghiên cứu mạnh dựa trên kết quả của các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.

Nội dung nghiên cứu của Chương trình: gồm 02 nội dung chính

1. Nghiên cứu làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo các hệ thống thiết bị cơ khí tiên tiến ứng dụng cho một số ngành kinh tế trọng điểm;

2. Nghiên cứu làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo và tích hợp các hệ thống tự động hóa thế hệ mới cho các ngành kinh tế trọng điểm.

Các nội dung nghiên cứu chính nêu trên tập trung giải quyết 07 định hướng nghiên cứu chủ yếu.

Sản phẩm của Chương trình:

1. Dự kiến sản phẩm cơ khí chủ yếu: Gồm 07 nhóm sản phẩm.

2. Dự kiến sản phẩm thiết bị tích hợp và hệ thống tự động hóa chủ yếu: Gồm 08 nhóm sản phẩm.

4. Công bố danh mục thủ tục hành chính sửa đổi bổ sung

UBND Tỉnh ban hành Quyết định số: 466/QĐ-UBND-HC ngày 09/5/2022 về việc công bố Danh mục thủ tục hành chính và phê duyệt Quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung; thủ tục hành chính bị bãi bỏ lĩnh vực tài nguyên nước thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Theo đó, sửa đổi, bổ sung 14 thủ tục: 

1. Cấp giấy phép thăm dò nước dưới đất đối với công trình có lưu lượng dưới 3.000m3/ngày đêm.

2. Gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép thăm dò nước dưới đất đối với công trình có lưu lượng dưới 3.000m3/ngày đêm.

3. Cấp giấy phép, khai thác sử dụng nước dưới đất đối với công trình có lưu lượng dưới 3.000m3/ngày đêm.

4. Gia hạn/điều chỉnh giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất đối với công trình có lưu lượng nước dưới 3.000m3/ngày đêm.

5. Cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với lưu lượng dưới 2m3/giây; phát điện với công suất lắp máy dưới 2.000 kw; cho các mục đích khác với lưu lượng dưới 50.000 m3/ngày đêm.

6. Gia hạn/điều chỉnh giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với lưu lượng dưới 2m3/ giây; phát điện với công suất lắp máy dưới 2.000 kw; cho các mục đích khác với lưu lượng dưới 50.000 m3/ ngày đêm.

7. Cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất quy mô vừa và nhỏ.

8. Cấp gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất quy mô vừa và nhỏ.

9. Cấp lại giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất.

10. Cấp lại giấy phép tài nguyên nước.

11. Chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước.

12. Tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với công trình chưa vận hành.

13. Tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với công trình đã vận hành.

14. Điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Đồng thời, bãi bỏ 02 thủ tục: 

1. Cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng dưới 30.000m3/ngày đêm đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản; với lưu lượng dưới 3.000m3/ngày đêm đối với các hoạt động khác.

2. Gia hạn/điều chỉnh giấy phép xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng dưới 30.000m3/ngày đêm đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản; với lưu lượng dưới 3.000m3/ngày đêm đối với các hoạt động khác.

MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KHOA GIÁO CẤP HUYỆN

Hội Nông dân Tỉnh phối hợp với Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tỉnh và Hội nông dân Thành phố Cao Lãnh, huyện Tân Hồng, huyện Cao Lãnh lần lượt tổ chức Lễ phát động ra quân thu gom, vận chuyển bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng nhằm kêu gọi nông dân tự giác thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng vận chuyển vào các hố, thùng rác chứa vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật theo qui định, thường xuyên vệ sinh môi trường trong vườn nhà, khuyến khích nông dân không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng không rõ nguồn gốc, thuốc cấm sử dụng. Sau lễ phát động, Hội Nông dân các xã (nơi tổ chức lễ phát động) chia nhiều nhóm đi thu gom vỏ, bao gói thuốc bảo vệ thực vật tại điểm tập kết để nhân viên thu gom rác thải đến xử lý.

Sáng ngày 20/5/2022, Ban đại diện Hội Người cao tuổi (NCT) Thành phố Cao Lãnh tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội VI Hội NCT Việt Nam cho Ban đại diện Hội NCT xã, phường trên địa bàn Thành phố. Tại Hội nghị, Ban đại diện Hội NCT Thành phố đã quán triệt, triển khai các nội dung cơ bản của Nghị quyết Đại hội VI Hội NCT Việt Nam. Nghị quyết đề ra phương hướng đoàn kết, sáng tạo xây dựng tổ chức Hội NCT vững mạnh. Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò NCT. Tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu là chung tay chăm sóc NCT có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa. NCT tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, phát triển kinh tế, xã hội. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước "Tuổi cao - Gương sáng". Việc quán triệt, triển khai các nội dung cơ bản của Nghị quyết Đại hội VI Hội NCT Việt Nam nhằm mục đích giúp cán bộ, hội viên NCT trong Thành phố nắm vững nội dung cơ bản, những điểm mới, định hướng của Đảng về công tác NCT và những nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội VI Hội NCT Việt Nam xác định; góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền trong công tác lãnh, chỉ đạo đối với Hội NCT các cấp.

Phòng LĐ - TB và XH Thành phố Sa Đéc phối hợp Phòng GD và ĐT Thành phố tổ chức hoạt động chăm sóc toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời và cộng đồng năm 2022 tại 03 trường: Tiểu học Vĩnh Phước, Tiểu học Phú Mỹ và Tiểu học Tân Khánh Đông 1 trên địa bàn Thành phố. Ngoài việc được tham gia vào các trò chơi và hoạt động tập thể, các em học sinh còn được truyền đạt những kỹ năng phòng, chống một số tai nạn thương tích ở trẻ em như: Tai nạn giao thông, bỏng, ngã, điện giật; kỹ năng phòng tránh các tai nạn do các vật sắc nhọn, ngộ độc, hóc nghẹn đường thở; các kỹ năng phòng, chống đuối nước… Đồng thời, các em còn trực tiếp chia sẻ cùng bạn bè các kiến thức, kỹ năng sống khi tham gia các hoạt động ngoài cộng đồng, ở gia đình và trường học. Thông qua hoạt động nhằm giúp nâng cao năng lực chăm sóc, bảo vệ trẻ em tại các trường học để hỗ trợ, chăm sóc, giáo dục trẻ tại trường. Đề cao vai trò các bậc cha mẹ tham gia vào quá trình chăm sóc phát triển trẻ thơ, góp phần thực hiện mục tiêu chương trình chăm sóc, giáo dục toàn diện trẻ em giai đoạn 2021 - 2025.

Thành phố Hồng Ngự phát động tham gia hiến máu tình nguyện lần thứ 02 năm 2022, vận động trên 500 người tham gia hiến máu tình nguyện và dự kiến thu về được 460 đơn vị máu. Phó Chủ tịch UBND Thành phố, Trưởng ban chỉ đạo hiến máu tình nguyện Thành phố yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cán bộ, công nhân viên chức và nhân dân tích cực tham gia hiến máu, góp phần giúp các cơ sở khám chữa bệnh giảm bớt khó khăn trong quá trình cứu chữa bệnh nhân, nhất là đối với những người bệnh cần truyền máu.

Số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tại huyện Hồng Ngự vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, lãnh đạo UBND Huyện cùng ngành chức năng kiểm tra công tác phòng chống SXH tại 3 xã Thường Lạc, Thường Phước 1 và thị trấn Thường Thới Tiền. Đây là 3 địa phương có số ca SXH độ nặng cao nhất trong Huyện. Mặc dù ngành chức năng từ huyện đến xã, thị trấn đã thực hiện nhiều biện pháp phòng chống SXH nhưng số ca SXH vẫn tăng mạnh và đã có trường hợp tử vong do SXH. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Huyện có 227 ca mắc SXH, trong đó có 10 độ nặng, tăng 200 ca so với cùng kỳ. Lãnh đạo Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung toàn lực cho công tác phòng, chống SXH, nhất là các xã, thị trấn có tỷ lệ nhiễm SXH cao. Lãnh đạo Huyện đề nghị các xã, thị trấn, cứ mỗi tuần chọn một ngày tổng ra quân tuyên truyền, diệt lăng quăng. Mỗi khóm, ấp thành lập tổ đến tận nhà dân tuyên truyền vận động người dân chung tay diệt lăng quăng, đảm bảo 100% số hộ đăng ký cam kết phòng chống SXH; phát huy mô hình tiếng loa tuyên truyền lưu động phòng chống SXH đến tận các khóm ấp, đảm bảo 100% người dân đều nắm thông tin tuyên truyền phòng, chống SXH. Tăng cường khuyến cáo người dân tham gia hành động, tự giác loại bỏ các ổ lăng quăng trong nhà. Khi bản thân hoặc gia đình có người bị sốt cao đột ngột, có dấu hiệu SXH,... kịp thời đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, hạn chế trường hợp tử vong do SXH gây ra.

Ngày 27/5/2022, tại xã Phú Đức, huyện Tam Nông, Bảo hiểm xã hội và Bưu điện Huyện phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Huyện tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình và ra mắt Tổ nuôi heo đất tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện... Người dự được nghe truyền thông về nội dung mới của chính sách pháp luật về lao động, việc làm, BHXH, BHYT và các văn bản có liên quan cho hội viên hội phụ nữ; mức đóng, độ tuổi, thời gian, các chế độ, chính sách và quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện... Giám đốc BHXH Huyện trả lời thỏa đáng những thắc mắc để người dự thông hiểu để tham gia BHXH tự nguyện, đồng thời vận động hội viên và người thân của hội viên hội phụ nữ tham gia để được hưởng lương hưu, hưởng quyền lợi BHYT khi đi khám, chữa bệnh. Dịp này, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Đức ra mắt Tổ nuôi heo đất tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện, với 14 thành viên. Mỗi thanh viên tùy theo nguồn thu nhập kinh tế gia đình bỏ ống nuôi heo đất thấp nhất từ 10.000 đồng/ngày. Buổi đầu ra mắt Tổ nuôi heo đất tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện, mỗi thành viên được tặng 01 con heo đất, 20.000 đồng (bỏ vào ống heo đầu tiên) và 01 phần quà…

Sáng ngày 19/5/2022 tại Trung tâm Văn hóa Học tập cộng đồng xã Tân Bình, Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp phối hợp Hội Nông dân huyện Thanh Bình tổ chức ra quân phát động thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn Xã. Ngay sau lễ phát động, các cán bộ, hội viên nông dân được chia ra làm 4 tổ ở nhiều địa điểm khác nhau, tập trung ở các khu vực cánh đồng có nhiều rác thải, vỏ thuốc BVTV tại các bể chứa, trên các tuyến kênh, mương nội đồng để vớt rác, nhặt các loại bao bì, phế liệu tập kết về một khu vực và vận chuyển đến nơi tập kết rác để xử lý theo quy định.

Giai đoạn 2020 - 2021, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cao Lãnh hỗ trợ UBND các xã, thị trấn 19 xe tự chế và 144 thùng (thùng loại 240 lít) thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn 18 xã, thị trấn và để thực hiện việc mở rộng thu gom rác thải sinh hoạt, với tổng kinh phí hỗ trợ 621.920.000 đồng. Huyện mở rộng thêm 47/70 tuyến thu gom rác thải sinh hoạt, bổ sung thêm 7.079 hộ gia đình đăng ký, nâng tổng số hộ gia đình có hợp đồng thu gom rác thải hiện nay trên địa bàn Huyện là 13.581 hộ, tăng 6.484 hộ gia đình (so với giai đoạn 2018- 2019).

Ngày 26/5/2022, tại Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp huyện Châu Thành, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp phối hợp Phòng LĐ - TB và XH huyện Châu Thành tổ chức Sàn giao dịch việc làm. Tham dự có lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Đỗ Nhật Định, lãnh đạo các ngành Huyện cùng đông đảo học sinh, sinh viên và người lao động. Có 15 doanh nghiệp trong và ngoài địa phương đang có nhu cầu tuyển dụng lao động tham gia Sàn giao dịch việc làm lần này. Đại diện các doanh nghiệp đã thông tin, tư vấn, trao đổi trực tiếp về các chế độ, chính sách, ngành nghề, thời gian làm việc khi làm tại các công ty trong nước cũng như là ngoài nước đến cho học sinh, sinh viên và người lao động, qua đó nhằm định hướng, lựa chọn ngành nghề, công việc tham gia các thị trường lao động phù hợp với khả năng bản thân. Riêng đối với người lao động chưa tìm được việc làm với ngành nghề phù hợp trong buổi tham gia sàn giao dịch lần này, Ban Tổ chức đề nghị người lao động cung cấp thông tin để tiếp tục hỗ trợ đưa thông tin lên trang website của Trung tâm giúp các doanh nghiệp tuyển dụng lao động dễ dàng liên hệ trực tiếp.

PHÒNG KHOA GIÁO VÀ VĂN HOÁ - VĂN NGHỆ