Xuất bản thông tin

null Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu tăng cường công tác tiêm phòng vắc xin và kiểm soát dịch Covid-19

Chi tiết bài viết Tab Thông tin

Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu tăng cường công tác tiêm phòng vắc xin và kiểm soát dịch Covid-19

Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa có công văn về việc tăng cường công tác tiêm phòng vắc xin và kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn Tỉnh nhằm giữ vững, củng cố và phát huy thành quả phòng, chống dịch Covid-19, tiếp tục đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nội dung được đề cập trong thông tin công tác khoa giáo kỳ này.

TIN TỨC - SỰ KIỆN

1. Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu tăng cường công tác tiêm phòng vắc xin và kiểm soát dịch Covid-19

Để giữ vững, củng cố và phát huy thành quả phòng, chống dịch Covid-19, tiếp tục đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy vừa có công văn về việc tăng cường công tác tiêm phòng vắc xin và kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn Tỉnh. Theo đó, yêu cầu các cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số: 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và các văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Trung ương, của Tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng, chống dịch Covid-19 của người dân, nhất là thực hiện nghiêm yêu cầu 5K; tuyệt đối không lơ là, chủ quan ngay cả khi đã tiêm đủ hai mũi vắc xin phòng Covid-19 và tiêm tăng cường mũi thứ ba. Lãnh đạo tập trung thực hiện nhanh việc tiêm vắc xin phòng Covid-19, bảo đảm tất cả người dân đến thời hạn tiêm phòng mũi thứ hai và mũi thứ ba phải được tiêm phòng đúng theo quy định.

Ban cán sự đảng UBND Tỉnh lãnh đạo UBND Tỉnh chỉ đạo ngành Y tế phối hợp chặt chẽ với các địa phương, chủ động, đẩy nhanh tiến độ thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại tất cả các huyện, thành phố trong Tỉnh. Trong đó, chủ động xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi để triển khai thực hiện trên địa bàn Tỉnh ngay khi có chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế. Tổ chức cấp phát thuốc cho tất cả những người bị dương tính với vi rút SARS-CoV-2 có nhu cầu được uống sớm nhất, bảo đảm công khai, minh bạch, không để phát sinh tiêu cực, lãng phí. Tuyệt đối không để tình trạng người dân có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 mà không tiếp cận được dịch vụ y tế, không được cấp phát thuốc, không được quản lý, theo dõi sức khỏe. Bảo đảm cung ứng đủ số lượng vắc xin cho các địa phương để thực hiện việc tiêm phòng theo quy định.

BTV các huyện ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho tất cả đối tượng theo quy định, trong đó lưu ý việc tiêm chủng diện rộng vắc xin phòng Covid-19 mũi thứ ba phải bảo đảm an toàn theo mô hình tiêm “cuốn chiếu”, “tiêm đến đâu, an toàn đến đó” bảo đảm “không để sót người thuộc diện chỉ định tiêm mà không được tiêm chủng đầy đủ, đặc biệt là những người thuộc nhóm có nguy cơ cao”. Rà soát, đẩy nhanh việc tiêm vắc xin cho người dân trên địa bàn trong độ tuổi quy định mà chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ hai mũi vắc xin phòng Covid-19; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin với nhiều hình thức hiệu quả, tiêm từng nhà, nhất là các đối tượng lớn tuổi, bệnh nền, thời gian hoàn thành trước ngày 15/3/2022. Tổ chức chặt chẽ việc tiêm vắc xin mũi thứ ba cho người từ 18 tuổi trở lên thuộc đối tượng tiêm theo quy định hoàn thành trước ngày 31/3/2022.

2. Phát động phong trào thi đua đặc biệt trong ngành Giáo dục

UBND Tỉnh vừa ban hành Kế hoạch phát động phong trào thi đua đặc biệt “Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp thi đua lập thành tích chào mừng Kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2022”

Phong trào thi đua phát động trong thời gian từ ngày 10/3/2022 đến ngày 31/10/2022. Đối tượng tham gia: Gồm các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các Phòng GD và ĐT trên địa bàn Tỉnh; cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, giảng viên, nhân viên, học sinh, sinh viên, học viên ngành giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Tỉnh.

3. Thúc đẩy việc hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ

UBND Tỉnh đã ban hành Kế hoạch số: 81/KH-UBND về việc phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025 nhằm thúc đẩy việc hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KHCN) trên địa bàn Tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất kinh doanh, thúc đẩy thương mại hóa các sản phẩm hàng hóa là kết quả nghiên cứu KHCN, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh; hỗ trợ các doanh nghiệp KHCN được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật, củng cố và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng lực, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp KHCN. Theo đó, Tỉnh sẽ hỗ trợ triển khai ít nhất 03 dự án hoàn thiện, tạo ra sản phẩm mới (công nghệ, máy móc, thiết bị) từ các giải pháp sáng tạo, kỹ thuật, các sáng chế, giải pháp hữu ích, kết quả KHCN hoặc hoạt động nghiên cứu giải mã công nghệ.

Kế hoạch đề ra 04 nhiệm vụ trọng tâm là: Thông tin, tuyên truyền. Khảo sát, đánh giá, phân loại, tư vấn các tổ chức, doanh nghiệp có tiềm năng trở thành doanh nghiệp KHCN. Hỗ trợ hình thành và nâng cao năng lực cho các tổ chức tư vấn, hỗ trợ, ươm tạo, phát triển doanh nghiệp KHCN và các hoạt động hỗ trợ.

Đến năm 2025, có ít nhất 30 doanh nghiệp được chứng nhận là doanh nghiệp KHCN; có ít nhất 10 doanh nghiệp KHCN được hỗ trợ phát triển theo các chương trình, đề án hỗ trợ của Tỉnh; có ít nhất 15 dự án hoàn thiện, tạo ra sản phẩm mới (công nghệ, máy móc, thiết bị) từ các giải pháp sáng tạo, kỹ thuật, các sáng chế, giải pháp hữu ích, kết quả KHCN hoặc hoạt động nghiên cứu giải mã công nghệ được xem xét hỗ trợ theo cơ chế, chính sách của Tỉnh. Bên cạnh đó, hướng dẫn, hỗ trợ 100% hồ sơ đề xuất đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN được thụ hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Tỉnh ban hành trong thời gian hiệu lực của Kế hoạch.

4. Quản lý, vận hành hệ thống quan trắc môi trường tự động, liên tục

UBND Tỉnh vừa có Quyết định ban hành Quy chế quản lý, vận hành hệ thống quan trắc môi trường tự động, liên tục trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Theo Quy chế, quan trắc môi trường tự động, liên tục là quá trình đo, phân tích liên tục theo thời gian đối với các thông số môi trường bằng các thiết bị đo hoặc phân tích tự động. Đối tượng áp dụng Quy chế này gồm: các sở, ngành tỉnh; UBND dân các huyện, thành phố nơi có đầu tư trạm quan trắc tự động, liên tục; đơn vị được giao quản lý, vận hành trạm quan trắc tự động, liên tục trên địa bàn Tỉnh; chủ nguồn thải thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống, thiết bị quan trắc môi trường tự động, liên tục theo quy định Nghị định số: 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Về nguyên tắc quản lý, vận hành, phối hợp, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được giao nhiệm vụ tham gia quản lý, vận hành, khai thác hệ thống quan trắc tự động, liên tục phải tuân thủ mọi quy định trong Quy chế, các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, về đo lường và tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất. Nội dung phối hợp phải liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các đơn vị phối hợp nhằm vận hành hiệu quả hệ thống quan trắc tự động, liên tục trên địa bàn Tỉnh. Quy chế nêu rõ, Sở TN và MT là cơ quan đầu mối giúp UBND Tỉnh quản lý, giám sát hoạt động của hệ thống quan trắc môi trường tự động, liên tục trên địa bàn Tỉnh.

5. Không để hình thành “điểm nóng” về ma túy

Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Đồng Tháp (Ban Chỉ đạo 138/ĐP) vừa ban hành Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy và mua bán người năm 2022 với quyết tâm không để hình thành “điểm nóng” về ma túy trên địa bàn Tỉnh.

Tỉnh tập trung giải quyết vấn đề an sinh xã hội, an dân, có giải pháp cụ thể, nhằm ổn định tình hình an ninh, trật tự và nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt là đối với nhóm người dân bị tác động, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; các vấn đề xã hội trong và sau dịch bệnh là nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm. Cùng với đó, thực hiện tốt công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường xã hội an toàn, lành mạnh; củng cố, nhân rộng và phát huy các mô hình hiệu quả; chú trọng xây dựng mới các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; đổi mới và nâng chất lượng nội dung, hình thức tuyên truyền phòng, chống tội phạm, phù hợp trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo 138/ĐP chú trọng công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng; duy trì đường dây điện thoại nóng (02773.875111) để tiếp nhận thông tin của các nạn nhận cần giúp đỡ và tư vấn phụ nữ kết hôn có yếu tố nước ngoài; lồng ghép nội dung phòng, chống mua bán người vào các chương trình phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác của địa phương.

6. Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển gia đình

UBND Tỉnh vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030.

Kế hoạch đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, 100% gia đình được cung cấp thông tin, kiến thức về văn hóa ứng xử, kỹ năng giáo dục đạo đức, lối sống, tình yêu thương, truyền thống dân tộc và các giá trị văn hóa tốt đẹp; phòng ngừa rủi ro, tệ nạn xã hội, bạo lực trong gia đình; đặc biệt quan tâm hộ gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo... Cùng với đó, 100% gia đình được tuyên truyền, giáo dục về truyền thống dân tộc, truyền thống văn hóa, truyền thống gia đình và tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị tốt đẹp của gia đình hiện đại; 100% địa phương có mô hình về truyền thông, giáo dục xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững tại cơ sở; 100% địa phương đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới vào Quy ước khóm, ấp; hàng năm 90% vụ việc bạo lực gia đình được giải quyết theo quy định pháp luật...

Kế hoạch cũng đề ra nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về giá trị gia đình trong tình hình mới; thực hiện tốt các chính sách đối với công tác gia đình và xây dựng gia đình phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới; xây dựng môi trường gia đình văn minh, hạnh phúc, tạo điều kiện cho mọi thành viên được phát triển toàn diện và thụ hưởng thành quả phát triển; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về gia đình; tăng cường các nguồn lực đầu tư, huy động xã hội hóa, phát triển lĩnh vực gia đình.

7. Năm 2022, hỗ trợ đào tạo nghề phi nông nghiệp cho hơn 13.000 người

UBND Tỉnh vừa ban hành kế hoạch đào tạo nghề phi nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp năm 2022. Theo đó, Tỉnh hỗ trợ đào tạo nghề phi nông nghiệp cho 13.053 người (trong đó, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng là 8.452 người, trung cấp 2.414 người, cao đẳng 2.187 người); nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của Tỉnh đạt 73,6%; tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt tối thiểu 80%.

Tỉnh tập trung tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh, khảo sát, dự báo nhu cầu đào tạo nghề cho người lao động, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp; sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cơ sở tham gia đào tạo nghề; phát triển đội ngũ giáo viên, người dạy nghề, cán bộ quản lý; hỗ trợ lao động học nghề. Đồng thời, khen thưởng, nhân rộng các gương điển hình.

8. Phấn đấu 60% trẻ em từ 0 - 8 tuổi được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc phát triển toàn diện

Sở LĐ - TB và XH vừa xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em (TE) trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng năm 2022, với mục tiêu chung nhằm bảo đảm cho TE từ 0 - 8 tuổi trong Tỉnh được phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần; được bình đẳng tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc, phát triển toàn diện theo độ tuổi nhằm thực hiện các quyền của TE.

Mục tiêu cụ thể, trong năm 2022, phấn đấu 60% TE từ 0 - 8 tuổi được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc phát triển toàn diện theo nhu cầu và phù hợp với độ tuổi về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dinh dưỡng, chăm sóc nuôi dưỡng, bảo vệ TE, phúc lợi xã hội; 60% cán bộ làm công tác liên quan đến TE tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở giáo dục, cơ sở nuôi dưỡng TE, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ TE, cán bộ tại cộng đồng, cha mẹ, người chăm sóc TE được cung cấp kiến thức, kỹ năng liên quan để hỗ trợ, chăm sóc phát triển toàn diện TE; 60% huyện, thành phố xây dựng mạng lưới kết nối và chuyển tuyến các dịch vụ chăm sóc phát triển toàn diện TE.

Các hoạt động chính của kế hoạch gồm: truyền thông, nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, cơ sở cung cấp dịch vụ, cha mẹ, người chăm sóc TE và cộng đồng các kiến thức, kỹ năng liên quan đến chăm sóc phát triển toàn diện TE những năm đầu đời; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ liên quan đến công tác TE của các ngành, đoàn thể các cấp, các cơ sở cung cấp dịch vụ về các kiến thức, kỹ năng liên quan đến chăm sóc phát triển toàn diện TE những năm đầu đời; bảo đảm cung cấp các dịch vụ toàn diện theo nhu cầu cho TE từ 0 - 8 tuổi về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, giáo dục, bảo vệ và phúc lợi xã hội...

9. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động

Vừa qua, Sở LĐ - TB và XH có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn Tỉnh chủ động phòng ngừa tai nạn lao động; ngăn chặn sự cố thiết bị và tăng cường tuân thủ pháp luật lao động, an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại công trường xây dựng trên địa bàn Tỉnh.

Theo đó, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATVSLĐ để nâng cao nhận thức của người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường hoạt động kiểm tra chấp hành pháp luật về lao động, ATVSLĐ trong thi công xây dựng, đặc biệt là các công trình xây dựng đối với các nhóm lao động, tổ, đội có thuê mướn người làm việc không có quan hệ lao động khi xây dựng, cải tạo nhà ở tư nhân, nhà xưởng, cơ sở sản xuất kinh doanh... Thực hiện các biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư trong công tác giám sát đảm bảo an toàn lao động (ATLĐ) tại công trình xây dựng; yêu cầu dừng hoặc tạm dừng thi công khi phát hiện các công trình có nguy cơ mất ATLĐ. Nắm chặt tình hình hoạt động thi công xây dựng công trình trên địa bàn; kịp thời báo cáo khi phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố, mất an toàn, tai nạn lao động để có biện pháp phối hợp ngăn ngừa, chỉ đạo khắc phục.

Đối với các nhà thầu, các doanh nghiệp, chủ công trình thi công xây dựng trên địa bàn Tỉnh kiểm tra, rà soát, thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về lao động, ATVSLĐ, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATLĐ. Thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với NLĐ, các biện pháp cải thiện điều kiện lao động, trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ, đảm bảo NLĐ phải sử dụng đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân trong quá trình làm việc theo quy định. Tổ chức huấn luyện ATLĐ cho toàn bộ NLĐ làm việc tại đơn vị, công trường theo Luật ATVSLĐ tuyệt đối không được bố trí NLĐ chưa được huấn luyện ATVSLĐ làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ. Tuân thủ nghiêm các quy định về ATLĐ và quy định kỹ thuật về an toàn đối với máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ tại đơn vị, doanh nghiệp và các công trình xây dựng. Không tổ chức thi công xây dựng công trình khi chưa có kế hoạch tổng hợp về ATLĐ và biện pháp thi công đảm bảo an toàn được phê duyệt theo quy định...

10. Tổ chức phiên Giao dịch việc làm lần thứ 3 năm 2022

Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Đồng Tháp tổ chức phiên Giao dịch việc làm lần thứ 3 tại Thành phố Cao Lãnh với sự tham dự của 23 công ty, doanh nghiệp, hơn 500 người lao động và 150 học sinh các trường THPT trong tỉnh. Tại phiên Giao dịch việc làm lần thứ 3, các công ty, doanh nghiệp trong, ngoài Tỉnh và nghiệp đoàn tuyển dụng lao động nêu nhu cầu cần tuyển hơn 13.000 người thuộc lĩnh vực chế biến thủy sản, giày da, may mặc, thủ công mỹ nghệ, chế biến… và nhu cầu tuyển lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng với số lượng hơn 1.000 lao động làm việc tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu. Bên cạnh đó, các đơn vị trường cao đẳng và Trung tâm DVVL Đồng Tháp có nhu cầu tuyển sinh đào tạo hệ trung cấp, cao đẳng với 1.200 học sinh thuộc các nghề: công nghệ thông tin, xây dựng, điện lạnh, điện công nghiệp, điện dân dụng, công nghệ ô tô, hàn (cơ khí chế tạo), điện, nước, thiết kế đồ hoạ, văn thư hành chính… Để giúp học sinh có định hướng đúng về chọn nghề, Trung tâm DVVL Đồng Tháp đã tổ chức buổi tư vấn trực tiếp cho 150 học sinh đến từ các trường THPT trong tỉnh với chủ đề “Xu hướng các nghề xã hội đang cần, kỹ năng lựa chọn nghề”, thông tin về những chính sách ưu đãi khi học sinh đăng ký học trung cấp, cao đẳng tại Trung tâm DVVL Đồng Tháp và cơ hội đảm bảo việc làm sau khi ra trường. 

CHÍNH SÁCH - VĂN BẢN

1. Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số: 311/QĐ-TTg ngày 05/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng, giai đoạn 2022 - 2030”.

Chương trình phấn đấu đến năm 2025, trên 90% cán bộ đoàn, hội, đội, đoàn viên, hội viên và 80% thanh niên, thiếu niên được tuyên truyền và tích cực thực hiện Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội; đến năm 2030, đạt 100% và 90% các chỉ tiêu tương ứng. Đến năm 2025, đạt trên 70% và đến năm 2030, phấn đấu đạt trên 90% thanh niên sử dụng và tương tác thường xuyên với ứng dụng di động "Thanh niên Việt Nam".

Chương trình cũng phấn đấu đến năm 2025, đạt 90% cán bộ đoàn, hội, đội, 80% đoàn viên, hội viên, 70% thanh niên được tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số, an toàn thông tin mạng, hội nhập quốc tế trên không gian mạng; 70% thiếu niên, nhi đồng được tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng về an toàn thông tin mạng; đến năm 2030 đạt 100%, trên 90% và trên 80% các chỉ tiêu tương ứng. Đồng thời, đến năm 2025, phấn đấu trên 80% và đến năm 2030, phấn đấu đạt trên 95% các trang mạng xã hội của tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh từ trung ương tới cơ sở thực hiện kết nối và chia sẻ thông tin thống nhất.

Đến năm 2030, phấn đấu 100% xã, phường, thị trấn, trường học, công sở các cấp có các kênh thông tin trên không gian mạng để kết nối, tập hợp, tương tác, tuyên truyền, định hướng tư tưởng cho thanh thiếu nhi…

2. Bộ Y tế cho phép tiêm vắc xin Pfizer phòng Covid-19 liều 0,2 ml chứa 10 mcg cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi

Ngày 01/3/2022, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên vừa ký Quyết định số: 457/QĐ-BYT sửa đổi Điều 1 Quyết định số: 2908/QĐ-BYT phê duyệt có điều kiện vắc xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Quyết định số: 2908/QĐ-BYT trước đó được ký ngày 12/6/2021. Theo đó, vắc xin được phê duyệt có tên Comirnaty (Tên khác: Pfizer BioNTech Covid-19 Vaccine).

Về thành phần hoạt chất, nồng độ/hàm lượng:

Người từ 12 tuổi trở lên được tiêm mỗi liều 0,3 ml chứa 30 mcg vắc xin mRNA Covid-19 (được bọc trong các hạt nano lipid).

Còn vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, mỗi liều 0,2 ml chứa 10 mcg.

Về dạng bào chế:

Đối với vắc xin cho người từ 12 tuổi trở lên là hỗn dịch đậm đặc pha tiêm và Hỗn dịch tiêm;

Trong khi với vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là Hỗn dịch đậm đặc pha tiêm.

Về quy cách đóng gói:

Đối với vắc xin cho người từ 12 tuổi trở lên, vắc xin được đóng gói gồm 1 khay chứa 195 lọ, mỗi lọ chứa 6 liều; 1 hộp chứa 25 lọ, mỗi lọ chứa 6 liều; 1 hộp chứa 10 lọ, mỗi lọ chứa 6 liều.

Đối với vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: 1 khay chứa 195 lọ, mỗi lọ chứa 10 liều; 1 hộp chứa 10 lọ, mỗi lọ chứa 10 liều.

Vắc xin này do công ty Pfizer Manufacturing Belgium NV (Bỉ);  BioNTech Manufacturing GmbH (Đức); Pharmacia and Upjohn Company LLC (Hoa Kỳ); Hospira Incorporated (Hoa Kỳ) sản xuất.

Quyết định số: 457/QĐ-BYT có hiệu lực kể từ ngày 01/3/2022, bãi bỏ Quyết định số: 4035/QĐ-BYT ngày 21/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KHOA GIÁO CẤP HUYỆN

Qua 3 năm thực hiện Đề án sắp xếp các hội đặc thù, thành phố Sa Đéc đã sáp nhập, hợp nhất các tổ chức hội còn 7 tổ chức hội, giảm 6 tổ chức hội. Trong đó, Hội Chữ thập đỏ là tổ chức hội được Nhà nước giao biên chế và cấp kinh phí hoạt động. Hội Khuyến học và Khoa học lịch sử, Ban đại diện Hội Người cao tuổi, Hội Luật gia được hỗ trợ kinh phí hoạt động. Riêng Hội Sinh vật cảnh, Chi hội Khoa học kỹ thuật cầu đường, CLB Hưu trí thực hiện theo nguyên tắc 3 tự (tự nguyện, tự quản, tự bảo đảm kinh phí hoạt động). Tổng số tổ chức hội ở cấp xã là 44, giảm còn 27 tổ chức hội. Việc sáp nhập tinh gọn bộ máy, đầu mối giúp cấp ủy quản lý dễ dàng hơn, giảm nhiều khâu thể thức văn bản, báo cáo,...

Tiếp tục chiến dịch bao phủ mũi 3 vắc xin ngừa Covid-19 trong cộng đồng, ngày 07/3/2022 lực lượng y tế huyện Hồng Ngự ra quân tiêm vắc xin cho người dân của địa phương. Tại xã biên giới Thường Phước 1, trong ngày 07/3/2022 có hơn 150 người dân đủ điều kiện tiêm vắc xin mũi 3 đã được lực lượng y tế địa phương tổ chức tiêm ngừa. Trước đó, các ngành đoàn thể và trưởng các ấp đều đã đi từng ngõ, gõ từng nhà vận động tuyên truyền người dân tiêm ngừa và thông báo đầy đủ thời gian cũng như địa điểm tổ chức tiêm. Tính đến thời điểm hiện tại, qua thống kê đối tượng từ 18 tuổi trở lên của huyện Hồng Ngự đã được tiêm mũi bổ sung là 30.080 người đạt 69,5%, mũi nhắc được 13.283 đạt 36% so với tổng nhu cầu cần trả mũi. Riêng người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm mũi bổ sung là 7.251 người đạt 21,2%, mũi nhắc được 10.148 người đạt 29,6%. Hiện địa phương vẫn còn 22.264 người chưa tiêm mũi 3 và mũi nhắc lại. Lực lượng y tế kêu gọi mọi người dân tiêm mũi 2 đã đủ 3 tháng trở lên, phải khẩn trương đến các trạm y tế các xã, thị trấn để được tiêm vắc xin mũi 3 và mũi bổ sung, nhằm năng cao hệ miễn dịch phòng dịch Covid-19.

Ngày 04/3/2022, UBND huyện Tam Nông đã tổ chức Lễ khai mạc sàn giao dịch giới thiệu việc làm đầu tiên năm 2022 nhằm kết nối cung - cầu lao động, tạo sự phát triển ổn định giữa doanh nghiệp và người lao động trong Huyện. Hơn 200 lao động trong Huyện đã được nghe các doanh nghiệp thông tin về nhu cầu tuyển dụng, vị trí việc làm, các chế độ lương, thưởng, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... Đồng thời, người lao động còn được các doanh nghiệp tư vấn và trả lời trực tiếp những câu hỏi về nhu cầu thiết yếu, thời gian lao động và việc làm... Qua đó, đã có trên 150 lao động tìm hiểu, đăng ký làm việc phù hợp với các Công ty Fashion Garments Mekong, chi nhánh thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; Công ty chế biến thủy sản Hoàng Long, xã Phú Cường, huyện Tam Nông và Công ty Nghị Phong, phường 11, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Từ đó, giúp người lao động có được việc làm và thu nhập ổn định.

Tại xã Phú Thành A, BHXH huyện Tam Nông phối hợp với Bưu điện Huyện vừa tổ chức lễ phát động ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT trên địa bàn Huyện năm 2022. Tại lễ phát động, lãnh đạo BHXH Huyện đã nêu bật ý nghĩa, mục đích của việc phát động là tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH tự nguyện, BHYT đến người lao động và người dân, nhằm nâng cao ý nghĩa, tầm quan trọng và quyền lợi khi tham gia BHXH, BHYT góp phần thực hiện hiện tốt mục tiêu an sinh xã hội trên địa bàn Huyện. Sau lễ phát động, lực lượng BHXH, Bưu điện Huyện và cộng tác viên đã chia nhau xuống từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động người lao động và nhân dân tích cực tham gia BHXH tự nguyện, BHYT. Đặc biệt trong đợt phát động lần này, nhân viên BHXH Huyện đã đến tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT tại các tổ chức tôn giáo trên địa bàn xã Phú Thành A.

Thực hiện Kế hoạch số 132-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số: 26/KH-UBND của UBND Tỉnh về việc sáp nhập các tổ chức Hội đoàn thể trên địa bàn cấp huyện, từ năm 2019 đến nay, huyện Lai Vung hiện có 08 hội hoạt động (giảm 05 hội), trong đó có 04 hội đặc thù gồm: Hội Người cao tuổi, Chữ Thập đỏ, Khuyến học và Cựu giáo chức và Hội Luật gia; có 04 hội không đặc thù gồm: Hội Khoa học lịch sử, Hội Khoa học Kỹ thuật cầu đường, Hội Sinh vật cảnh và Hội làm vườn. Tổng biên chế được giao 04 người (giảm 03 người), cán bộ hợp đồng 12 người (giảm 20 người). Đối với cấp xã hiện có 03 Hội, gồm: Người cao tuổi, Chữ thập đỏ và Khuyến học (giảm 02 Hội).

Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, mặc dù hoạt động của Hội Người cao tuổi (NCT) huyện Lấp Vò diễn ra trong điều kiện có nhiều khó khăn như ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh Covid-19; việc thay đổi cơ chế đối với các hội đặc thù,… song, Ban đại diện Hội NCT Huyện đã hoàn thành các nhiệm vụ và chỉ tiêu đề ra. Nổi bật là kết quả đưa nhanh Luật Người cao tuổi vào cuộc sống; thực hiện tốt 3 chương trình công tác trọng tâm như: xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, chăm sóc NCT và phát huy vai trò NCT. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ nhà nước giao như: chương trình NCT tham gia bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới, tham mưu cho cấp ủy và chính quyền địa phương tổ chức thành công Đại hội NCT cơ sở nhiệm kỳ 2021 - 2026. Hội NCT Huyện đã phát triển được trên 2.000 hội viên NCT, nâng tổng số hội viên NCT trên địa bàn Huyện đến nay là gần 11.620 hội viên. Về hoạt động chăm sóc NCT, trong 5 năm qua, Hội NCT đã tổ chức các hoạt động chúc thọ, mừng thọ, trợ cấp bảo trợ xã hội, sửa chữa nhà, khám mổ mắt, thăm ốm đau, tử tuất và hỗ trợ NCT khó khăn với tổng số tiền gần 79 tỷ 300 triệu đồng. Với mô hình “Hội NCT tham gia xây dựng nông thôn mới” trong nhiệm kỳ qua, gia đình NCT đóng góp tiền, vật kiến trúc trị giá trên 1,1 tỷ đồng. Nhiệm kỳ 2021 - 2026, Hội NCT Huyện phấn đấu tập hợp từ 80% trở lên số NCT vào tổ chức hội, trên 90% cán bộ Hội ở cơ sở được tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng công tác hội; 100% NCT trong độ tuổi theo quy định được tổ chức chúc thọ, mừng thọ, các chính sách an sinh  xã hội khác; phấn đấu 100% xã, thị trấn trong Huyện có Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò NCT; 100% cơ sở hội trong huyện có các loại hình hoạt động thông qua các câu lạc bộ do NCT tổ chức và quản lý.

Ban Tổ chức Đại hội Thể dục Thể thao huyện Tháp Mười lần thứ IX vừa tổ chức họp triển khai kế hoạch Tổ chức Đại hội Thể dục Thể thao Huyện, lần thứ IX, năm 2021. Theo đó, Đại hội Thể dục Thể thao huyện Tháp Mười lần thứ IX sẽ tổ chức khai mạc vào ngày 23/4/2022 tại Trung tâm VH-TT và TT Huyện với sự tham gia của 19 đoàn vận động viên đến từ 13 xã, thị trấn; các Trường trung học phổ thông và đoàn vận động viên ngành huyện, dự kiến có khoảng 1.000 - 1.200 vận động viên tham gia thi đấu ở 15 môn thể thao. Trong đó có 11 môn thể thao hiện đại như: Bóng đá, Bóng chuyền, Cầu lông, Điền kinh, Việt dã, Bơi lội, Cờ vua, Cờ tướng, Vovinam và 4 môn thể thao dân tộc gồm (Kéo co, Nhảy bao bố, Vác vật nặng, Đẩy gậy). Các đơn vị tham gia đại hội ít nhất 8 môn thể thao hiện đại trở lên và 4 môn thể thao dân tộc. Sau Đại hội Thể dục Thể thao cấp huyện, Ban Tổ chức sẽ chọn những vận động viên xuất sắc thành lập đội tuyển của huyện tham dự Đại hội Thể dục Thể thao tỉnh Đồng Tháp lần thứ IX vào tháng 5/2022.

Năm 2021, mặc dù gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, với sự nỗ lực quyết tâm của Hội Khuyến học và Cựu giáo chức huyện Cao Lãnh từ huyện đến cơ sở nên phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đạt nhiều kết quả khả quan, các tầng lớp nhân dân tham gia ủng hộ nhiều tiền và hiện vật, cấp học bổng dài hạn. Thực hiện chương trình “Sóng và máy tính cho em” vận động được 1.142 máy tính, điện thoại thông minh, tổng giá trị trên 2 tỷ 995 triệu đồng giúp 100% các em có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện học tập; phong trào nuôi heo đất khuyến học được 24.787 con, với tổng số tiền trên 9 tỷ 130 triệu đồng góp phần xây dựng cho quỹ khuyến học được trên 20 tỷ 762 triệu đồng. Đồng thời, Hội còn tổ chức triển khai thí điểm mô hình “Công dân học tập” được Hội Khuyến học Tỉnh đánh giá cao. Việc xây dựng, củng cố tổ chức Hội được quan tâm thường xuyên. Phát triển mới hội viên, xây dựng Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Ban Khuyến học, nơi thờ tự có đủ điều kiện. Các mô hình giữ vững và nhân rộng như “Đôi bạn học tốt”; “Một cộng một” chăm sóc học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, vận động học sinh ra lớp, chống lưu ban bỏ học. Số lượng hội viên cũng được các Hội cơ sở quan tâm, kết nạp 2.217 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn Huyện lên 52.239 hội viên. Qua đánh giá có 17/18 Hội cơ sở hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2021. Năm 2022, các cấp Hội trong Huyện tập trung làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, của hệ thống chính trị và người dân về tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, công dân học tập; tích cực đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng hoạt động của các cấp hội trên nền tảng đổi mới; quan tâm hơn đến hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng; tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp đẩy mạnh hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập với các đơn vị; nhân rộng các mô hình học tập hiệu quả; làm tốt công tác tham mưu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ...

Tại huyện Châu Thành, Phòng LĐ, TB và XH Huyện vừa ra mắt Điểm tư vấn và hỗ trợ việc làm cho người lao động đặt tại Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp Huyện với 7 thành viên. Nhiệm vụ của Tổ là thường xuyên cập nhật thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động và các chế độ ưu đãi của nhà nước để làm cơ sở tư vấn cho người lao động địa phương. Phối hợp tổ chức các sàn giao dịch việc làm. Năm 2022, Huyện phấn đấu có ít nhất 3.000 lao động có việc làm; 130 lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và 200 lao động tham gia các lớp học nghề.

PHÒNG KHOA GIÁO VÀ VĂN HÓA - VĂN NGHỆ