Xuất bản thông tin

null Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 4 năm 2021

Trang chủ Tài liệu sinh hoạt chi bộ

Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 4 năm 2021

PHẦN A: SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

Ban Biên tập xin giới thiệu tóm tắt nội dung bài viết: Nhận diện và đấu tranh với các hoạt động chống phá bầu cử” của tác giả Hải Phong.

Hiện nay, công tác chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang được các cơ quan chức năng tích cực tiến hành. Tuy nhiên, với mưu đồ chống phá, các thế lực thù địch, các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị vẫn đang tiến hành nhiều hoạt động với tính chất chống phá hết sức quyết liệt. Trong đó, những nội dung chống phá chính mà các đối tượng xấu đang tiến hành có thể kể đến là: 

 Thứ nhất, chúng xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác bầu cử.

Thời gian vừa qua, ngoài các website, trang mạng xã hội do các cá nhân, tổ chức phản động, chống đối, cơ hội chính trị điều hành, một số trang báo nước ngoài có cái nhìn thiếu thiện cảm đối với Việt Nam cũng liên tục tung ra những bài viết, bài phỏng vấn chứa đựng nội dung tiêu cực, thiếu chính xác về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp tại nước ta. Những luận điệu, nhận định mà các đối tượng đang rêu rao như trên là hoàn toàn sai sự thật. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Trong đó, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Vì vậy, việc Đảng lãnh đạo đối với công tác bầu cử là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật. 

Về mặt thực tiễn, Đảng lãnh đạo công tác bầu cử là cơ sở quan trọng để bảo đảm sự thống nhất trong công tác bầu cử; góp phần lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới. Nếu không có sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối, về mọi mặt của Đảng Cộng sản, chắc chắn nhiều vấn đề bất ổn sẽ nảy sinh, là mầm mống cho sự suy yếu của đất nước. Đảng lãnh đạo bầu cử không phải là làm thay, không bao biện, không khuynh loát trong bầu cử.

Ngày 20/6/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Bộ Chính trị xác định rõ công tác bầu cử diễn ra trong bối cảnh hết sức khó khăn. Chúng ta phải đối mặt với nhiều thách thức như: Sự ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19; những diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chiến tranh thương mại, công nghệ, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trong quan hệ quốc tế; hoạt động chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta của các thế lực thù địch… Vì vậy, việc Đảng lãnh đạo công tác bầu cử là điều cần thiết để củng cố, đoàn kết thống nhất sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhằm tận dụng mọi thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. 

Thứ hai, các phần tử chống phá thực hiện chiêu trò “tự ứng cử”, hô hào các hội nhóm dân chủ trên mạng xã hội ký tên ảo, tung hô, ủng hộ cho các “nhà dân chủ” để gây rối, phá hoại cuộc bầu cử. 

Không phải đến thời điểm hiện tại các đối tượng chống phá mới tiến hành chống đối bằng chiêu trò “tự ứng cử”. Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, chúng ta cũng đã được chứng kiến một “làn sóng” tự ứng cử của các “nhà dân chủ” và một số văn nghệ sĩ biến chất. Khi không đủ điều kiện và bị loại qua các vòng hiệp thương, các đối tượng này lên mạng xã hội rêu rao những luận điệu hết sức sai trái như: chỉ có những người “theo phe” Đảng Cộng sản mới có cơ hội ứng cử đại biểu Quốc hội; phải để các ứng cử viên tự do tranh cử, dựa trên chữ ký của cử tri mà không cần phải trải qua hiệp thương; Đảng Cộng sản cố tình “cản trở” người ngoài Đảng tự ứng cử vào đại biểu Quốc hội… 

Có thể thấy, mục đích cơ bản nhất của chiêu trò “tự ứng cử” mà các “nhà dân chủ” đang thực hiện là nhằm phá hoại bầu cử. Đồng thời, thông qua việc tự ứng cử đại biểu Quốc hội, các đối tượng đánh bóng tên tuổi của bản thân trong giới “dân chủ”. 

Việc lựa chọn những ứng cử viên để bầu vào Quốc hội, HĐND các cấp được tiến hành theo đúng quy định tại Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, nêu rõ: “Chúng ta kiên quyết không giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước”. 

Thứ ba, các đối tượng chống phá ra sức xuyên tạc công tác tổ chức bầu cử, tung ra các kiến nghị vô căn cứ 

Trên nhiều trang mạng xã hội do các cá nhân, tổ chức phản động, chống đối, cơ hội chính trị điều hành đang lan truyền những bài viết “xếp ghế” cho nhân sự trong Quốc hội. Các đối tượng rêu rao những luận điệu vô cùng độc hại, tiêu cực, cho rằng bầu cử Quốc hội chỉ là hình thức, quyền lực trong Quốc hội đã được các “phe nhóm” của Đảng “an bài”, “thỏa hiệp”, “phân chia”. Những luận điệu này đã tiếp cận đến không ít người dùng mạng xã hội. Ngoài ra, trước vấn đề về số lượng, cơ cấu đại biểu Quốc hội, đặc biệt là về số lượng đại biểu là người ngoài Đảng, các đối tượng cơ hội chính trị cũng tích cực chọc ngoáy, xuyên tạc, biến tướng bản chất vấn đề. 

Nhìn lại lịch sử, có thể thấy, chiêu trò “đòi ghế” trong Quốc hội không phải là điều mới. Ngay trong lần tổng tuyển cử đầu tiên khi đất nước mới giành được độc lập, trong bối cảnh trong nước và quốc tế có những diễn biến vô cùng phức tạp, sau khi không phá hoại được Tổng tuyển cử, Việt Nam Quốc dân đảng và Việt Nam Cách mạng đồng minh hội (Việt quốc, Việt cách) đã đòi 70 ghế trong Quốc hội. 

Cũng cần cảnh giác rằng, hiện nay, các thế lực phản động, chống đối cũng tìm mọi thủ đoạn để phá hoại bầu cử, không loại trừ việc cài cắm các “mầm mống dân chủ” vào Quốc hội nhằm biến nghị trường trở thành diễn đàn để các đối tượng thực hiện hoạt động chống phá, hình thành lực lượng đối lập trong Quốc hội - cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và hiện thực hóa chiến lược “diễn biến hòa bình”, làm nước ta tự suy yếu từ bên trong. 

Do vậy, để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thành công tốt đẹp thì ngay lúc này, việc nâng cao cảnh giác, nhận diện và chủ động đấu tranh, quyết liệt làm thất bại những thủ đoạn xuyên tạc, gây rối, bôi nhọ, phá hoại của các thế lực thù địch và các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị là điều rất cần thiết và quan trọng hơn bao giờ hết. 

Phần B: THÔNG TIN THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

I- TIN TRONG TỈNH

1. Đồng Tháp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026

Thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20/6/2021 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch và Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập 03 Ban bầu cử ở 03 đơn vị bầu cử quốc hội; 16 Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân Tỉnh. Cấp huyện có 109 Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân huyện. Cấp xã có 956 Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân xã.

Ủy ban bầu cử các cấp đã hoàn thành việc tiếp nhận hồ sơ người ứng cử, theo đó, có 11 hồ sơ người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV; 101 hồ sơ ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân Tỉnh; 714 hồ sơ ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân huyện; 6.766 hồ sơ ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân xã. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai và thống nhất thông qua danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV – đơn vị tỉnh Đồng Tháp, với số lượng 11 người được giới thiệu ứng cử; thống nhất danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân Tỉnh nhiệm kỳ 2021 – 2026 là 100 người, giảm 1 người.

2. Điểm nổi bật về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng tháng 3 và quí I/2021 của Tỉnh

- Về kinh tế: Với sự chủ động quyết tâm thực hiện “nhiệm vụ kép vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội”, tình hình kinh tế - xã hội của Tỉnh những tháng đầu năm cơ bản ổn định và có bước phát triển. Ước tính giá trị sản xuất khu vực nông - lâm - thủy sản đạt hơn 16.600 tỷ đồng, tăng 0,69% so với cùng kỳ 2020. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt 27.600 tỷ đồng, tăng 14,46% so với cùng kỳ năm 2020. Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên khách du lịch đến các điểm du lịch giảm mạnh, ước tính có khoảng 600.000 lượt khách đến Tỉnh tham quan du lịch, giảm 27,4% so với cùng kỳ năm 2020.

- Về văn hóa - xã hội: Tỉnh đã triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Tỉnh. Tỉnh hỗ trợ nhân dân tỉnh Hải Dương khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, với số tiền 500 triệu đồng; đang triển khai Chương trình hỗ trợ một số địa phương và bà con Việt kiều có đời sống khó khăn do dịch Covid-19 tại Vương quốc Campuchia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào từ nguồn xã hội hóa và Quỹ phòng, chống dịch do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Tỉnh quản lý. Từ đầu năm đến nay, đã hỗ trợ việc làm cho gần 9.200 lao động, trong đó, đã đưa 236 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội được quan tâm thực hiện thường xuyên; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 86,5%. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử được chú trọng, công nhận thêm 04 di tích lịch sử - văn hóa cấp Tỉnh, nâng tổng số di tích được xếp hạng lên 91 di tích.

- Về quốc phòng - an ninh: Tình hình ngoại biên, biên giới được theo dõi thường xuyên, tình hình an ninh trật tự khu vực biên giới Đồng Tháp - PrâyVeng được tăng cường, giữ vững. Lực lượng chức năng Tỉnh phối hợp kiểm soát khu vực biên giới, quản lý 874 lượt người, phương tiện xuất nhập cảnh; phối hợp đưa đi cách ly 285 người từ Vương quốc Campuchia về Đồng Tháp, trong đó có 151 người nhập cảnh trái phép. Thực hiện Kế hoạch công tác tuyển quân 2021, Tỉnh giao đủ chỉ tiêu 1.476 quân, đạt 100%.

3. Kết quả thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Với quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp, cấp uỷ Tỉnh và cấp huyện lãnh đạo chính quyền cùng cấp đã triển khai, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, đạt nhiều kết quả thiết thực. Trong năm 2020, Tỉnh đã chấp thuận chủ trương và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới 22 dự án với tổng vốn trên 1.900 tỷ đồng, trong đó, có 03 dự án FDI với số vốn là hơn 1.000 tỷ đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Qua đó, kết quả xếp hạng chỉ số PCI của Đồng Tháp luôn nằm trong top đầu suốt 12 năm liền. Bảo đảm chuẩn hoá 100% thủ tục hành chính theo quy định, triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại 03 cấp chính quyền trong Tỉnh. Việc giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến Khởi sự Kinh doanh cho doanh nghiệp được rút ngắn còn dưới 05 ngày làm việc. Tỷ lệ trả hồ sơ đúng hạn là 100%; tỷ lệ hồ sơ đăng ký trực tuyến đạt trên 30%; đối với việc tiếp cận điện năng, thời gian giải quyết thủ tục cấp điện không quá 10 ngày làm việc (giảm thời gian thực hiện từ 10 đến 15 ngày), thực hiện điện tử hoá thủ tục đăng ký điện mới và đề nghị đấu nối trên trang thông tin điện tử của Công ty điện lực Đồng Tháp.

Thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tiếp tục lãnh đạo các cấp, các ngành và địa phương tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, công khai minh bạch thông tin; tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh doanh theo nguyên tắc bình đẳng, công bằng, minh bạch; tiếp tục thực hiện tốt kỷ cương hành chính, đối mới lề lối, phong cách làm việc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

4. Triển khai công tác phòng, chống khủng bố trên địa bàn Tỉnh năm 2021

Nhằm nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương trong công tác phòng, chống khủng bố; chủ động phòng, ngừa, hạn chế tối đa những nguyên nhân, điều kiện mà các phần tử xấu có thể lợi dụng, để tiến hành khủng bố, phá hoại, ngày 23/3/2021, Ban Chỉ đạo xây dựng khu vực phòng thủ, phòng không nhân dân, phòng, chống khủng bố và bảo vệ an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội Tỉnh ban hành Kế hoạch về công tác phòng, chống khủng bố năm 2021. Công tác trọng tâm cụ thể như: đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, giáo dục Luật phòng, chống khủng bố, tập huấn kỹ năng chuyên môn cho lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách làm công tác bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị và địa phương; Nắm tình hình, xử lý triệt để những yếu tố xã hội gây mất an ninh, trật tự, không để xảy ra bị động, bất ngờ; Bảo vệ an toàn tuyết đối hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế và các hoạt động chính trị, văn hóa - xã hội tại địa phương; Đổi mới và thực hiện có hiệu quả các mặt công tác phòng, chống khủng bố; Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, đánh giá đúng thực trạng tình hình, kết quả thực hiện các mặt công tác phòng, chống khủng bố.

II- TIN TRONG NƯỚC

1. Một số kết quả chủ yếu của Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Từ ngày 08 - 09/3/2021, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp Hội nghị lần thứ hai để thảo luận và quyết định về một số nội dung quan trọng sau: Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; Giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan nhà nước.

Công tác tuyên truyền về kết quả Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, cần tập trung vào một số nội dung sau:

Thứ nhất, từ phát biểu khai mạc và bế mạc Hội nghị của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng để tuyên truyền nhấn mạnh về hai nội dung quan trọng mà Hội nghị Trung ương 2 đã thông qua.

Thứ hai, tuyên truyền khẳng định, việc xây dựng Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII có ý nghĩa quan trọng trong việc tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Thứ ba, tuyên truyền khẳng định, công tác nhân sự, trong đó có việc giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan nhà nước để Quốc hội khóa XIV xem xét bầu hoặc phê chuẩn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật là bước chuẩn bị quan trọng để tiến hành thắng lợi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

2. Triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chủ trương của Bộ Chính trị, Chính phủ về việc mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, ngày 26/02/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP về mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19, trong đó quy định rõ đối tượng, địa bàn được ưu tiên tiêm miễn phí. Việt Nam bắt đầu triển khai đợt tiêm vắc xin đầu tiên từ ngày 8/3/2021 tại 13 tỉnh/thành phố đang là điểm nóng về phòng chống dịch (Hải Dương, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Gia Lai, Quảng Ninh, Điện Biên, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Giang, Bình Dương) và 21 bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19.

Để cán bộ, đảng viên, nhân dân nhận thức đúng, đồng thuận cao với chủ trương của Bộ Chính trị và Chính phủ trong việc mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19, công tác tuyên truyền cần chú trọng một số nội dung sau:

Một là, tuyên truyền nhấn mạnh, việc tiêm phòng vắc xin ngừa Covid-19 là một trong những biện pháp quan trọng, hiệu quả, chủ động nhằm ngăn ngừa và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19; từ đó, nâng cao ý thức của người dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19.

 Hai là, tuyên truyền khẳng định sự công bằng trong tiếp cận, phân phối vắc xin của Chính phủ, Bộ Y tế và công tác đảm bảo cho người tiêm vắc xin Covid-19. Đồng thời, đấu tranh phản bác các thông tin lệch lạc, sai trái của các thế lực thù địch, phản động về công tác tiêm chủng vắc xin Covid-19 ở Việt Nam.

Ba là, tuyên truyền khẳng định, dù tiêm vắc xin Covid-19 nhưng người dân vẫn cần áp dụng tốt các biện pháp phòng dịch, cụ thể là áp dụng khẩu hiệu 5K theo khuyến cáo của ngành Y tế, không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

III- HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI, TIN THẾ GIỚI

1. Kết quả Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến các nhà lãnh đạo nhóm bộ tứ

Ngày 12/3/2021, theo đề xuất của Mỹ, Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo nhóm Bộ Tứ, gồm: Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đã diễn ra bằng hình thức trực tuyến. Về cuộc họp của nhóm Bộ Tứ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam luôn quan tâm theo dõi các diễn biến tình hình tại khu vực, trong đó có chính sách đối ngoại của các nước lớn. Việt Nam mong các nước tiếp tục đóng góp vào hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng của khu vực cũng như thế giới, duy trì hợp tác và tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc khu vực đang định hình.

2. Xung quanh vấn đề cấp “Hộ chiếu vắc xin”

“Hộ chiếu vắc xin” hay “Hộ chiếu Covid” hay “Hộ chiếu tiêm chủng” có thể hiểu là giấy chứng nhận đã tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19. Theo đề xuất của một số nước, trong tương lai, bên cạnh hộ chiếu thông thường, “Hộ chiếu vắc xin” sẽ là bắt buộc đối với mỗi cá nhân nếu muốn du lịch hoặc đến làm việc tại một quốc gia khác.

Để các tầng lớp nhân dân có thêm thông tin về vấn đề “Hộ chiếu Covid”, công tác tuyên truyền cần chú trọng một số nội dung sau:

Một là, thông tin, tuyên truyền về vấn đề “Hộ chiếu vắc xin” đến cán bộ, đảng viên, nhân dân, trong đó chú trọng thông tin những nước trên thế giới đã áp dụng “Hộ chiếu vắc xin” để công dân Việt Nam khi tham gia công tác ở nước ngoài, đi du học, đi làm việc ở các nước áp dụng “Hộ chiếu vắc xin” biết và sử dụng.

Hai là, tuyên truyền nhấn mạnh, bên cạnh việc thực hiện các biện pháp phòng, chống Covid-19 thì việc tiêm phòng vắc xin ngừa Covid-19 là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn ngừa và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Ba là, kịp thời thông tin quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề “Hộ chiếu Covid” đồng thời khẳng định, đây là vấn đề mới, còn nhiều ý kiến khác nhau. Vì vậy, ở Việt Nam, bên cạnh việc tiêm phòng vắc xin Covid-19, trước mắt, người dân vẫn cần áp dụng tốt các biện pháp phòng dịch, cụ thể là áp dụng thông điệp “5K” theo khuyến cáo của ngành Y tế. 

                                                       Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp