Xuất bản thông tin

null Khởi nghĩa Nam Kỳ ở Đồng Tháp

Trang chủ Lịch sử

Khởi nghĩa Nam Kỳ ở Đồng Tháp

Trước năm 1940, tỉnh Đồng Tháp ngày nay thuộc các tỉnh Sa Đéc, Long Xuyên, Châu Đốc và một phần của 2 tỉnh Mỹ Tho, Cần Thơ. Thời đó, tỉnh Sa Đéc gồm có 3 quận là Châu Thành, Lai Vung và Cao Lãnh; quận Hồng Ngự thuộc tỉnh Châu Đốc; Lấp Vò, Thanh Bình, Tam Nông thuộc tỉnh Long Xuyên; một số xã của huyện Tháp Mười thuộc quận Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho. Mặc dù cơ sở cách mạng mỏng, dân số bị phân tán và địa bàn chia cắt, nhưng tinh thần yêu nước, khí thế cách mạng được dịp sục sôi trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ở một số địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Để đối phó với phong trào cách mạng ở Đông Dương, Pháp cử tướng Georges Catroux sang làm toàn quyền[1]. Georges Catroux ra lệnh cấm tuyên truyền cộng sản, cấm Đảng Cộng sản hoạt động, bắt giam những người tình nghi, giải tán các tổ chức dân chủ... Lực lượng cách mạng bị tổn thất, nhất là bộ phận đã ra hoạt động công khai trong phong trào dân chủ những năm 1936 - 1939. Ở quận Cao Lãnh, 15 thành viên trong Uỷ ban Hành động quận bị địch bắt và xử án tại Vĩnh Long. Ở quận Hồng Ngự, Pháp bắt 10 đảng viên và 15 thanh niên, hầu hết là cán bộ cốt cán của quận và xã...

Tuy vậy, phong trào phản chiến, binh biến ở Chợ Lớn, Sài Gòn và Mỹ Tho cuối năm 1939 và năm 1940 đã tác động mạnh đến vùng Vĩnh Long, Sa Đéc, Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc... Nhiều cuộc đấu tranh chống thuế, chống áp bức, chống mộ lính đi Pháp, đi Thái Lan của nhân dân Hồng Ngự, tổng Phong Thạnh Thượng, Cao Lãnh nổ ra.

Tháng 11/1939, Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 6, đã kịp thời chỉ đạo chuyển hướng chiến lược từ đấu tranh giành quyền lợi dân sinh, dân chủ của thời kỳ 1936 - 1939 sang nhiệm vụ đánh đổ đế quốc và tay sai, giải phóng dân tộc.

Thực hiện chủ trương của Trung ương[2]căn cứ vào thực tế địa phương, tháng 3/1940, Thường vụ Xứ uỷ Nam Kỳ thông báo đến các địa phương bản “đề cương chuẩn bị khởi nghĩa”. Tháng 7/1940, Xứ uỷ họp Hội nghị mở rộng gồm 24 đại biểu của các tỉnh ở Nam Kỳ[3]. Ngoài việc nhận định đánh giá tình hình, Hội nghị bàn về công tác kiện toàn cấp uỷ Đảng, về công vận, nông vận, binh vận, về tổ chức du kích, chuẩn bị vũ khí, thông qua đề cương chuẩn bị khởi nghĩa và quyết định thành lập, tổ chức các ban trong cuộc khởi nghĩa như: Ban tham mưu, Ban phá hoại, Ban giao thông, tiếp tế, cứu thương, tuyên truyền, tài chính...

Sau hội nghị, các tỉnh Nam Bộ tích cực chuẩn bị khởi nghĩa. Trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp (ngày nay), Tỉnh uỷ Châu Đốc đóng ở quận Hồng Ngự[4], các đồng chí Năm Nhượng, Bảy Súng và một số đồng chí liên lạc của Tỉnh uỷ như Ba Nhiên, Tư Ngoan đóng ở ấp Long Hậu xã Long Khánh. Một số đồng chí Tỉnh uỷ viên ở ấp Thị, xã Thường Thới. Cả hai xã đều gần với quận lỵ Tân Châu và quận lỵ Hồng Ngự. Do đó, chủ trương khởi nghĩa của Xứ uỷ, kế hoạch của Tỉnh uỷ Châu Đốc và Quận uỷ được phổ biến nhanh đến các chi bộ trong quận.

Tại khu vực tổng Phong Thạnh Thượng và cù lao Tây, tháng 9/1940, các đồng chí lãnh đạo của Tỉnh uỷ và một số bí thư chi bộ được triệu tập về xã Kiến An (Chợ Mới) nghe đồng chí Lương Văn Cừ, Bí thư Liên Tỉnh uỷ Long Xuyên phổ biến chủ trương chuẩn bị khởi nghĩa của Xứ uỷ.

Ở tỉnh Sa Đéc, cuối năm 1939, đầu năm 1940, đế quốc Pháp và tay sai khủng bố mạnh, nhiều cán bộ chủ chốt của tỉnh, quận và đảng viên bị bắt, tù đày, nhiều chi bộ tan rã, hoạt động bị tê liệt. Số còn lại chưa được củng cố, chưa móc nối được với Liên Tỉnh uỷ Hậu Giang. Chỉ một số đồng chí liên hệ với hệ thống Đảng ở Mỹ Tho, biết được chủ trương khởi nghĩa, báo cáo với đồng chí Sáu Ngài, nhưng do đồng chí Sáu Ngài đang bị địch quản thúc, mật thám theo dõi nên không thể đi phổ biến cho các chi bộ trong tỉnh được. Mặc dù vậy, một số chi bộ cơ sở như Mỹ Quí, Phong Mỹ, Mỹ Ngãi, Lấp Vò... đã chủ động liên hệ được với hệ thống Đảng ở Cái Bè (Mỹ Tho), Chợ Mới để tiếp nhận chủ trương.

Thực hiện chủ trương của trên, các chi bộ đẩy mạnh hoạt động, đảng viên được phân công đi vận động, tuyên truyền, vạch rõ tội ác gây chiến tranh của đế quốc, nỗi nhục của người dân mất nước, bị áp bức, bóc lột, bị bắt đi lính làm bia đỡ đạn... Từ đó kêu gọi mọi người đoàn kết đấu tranh, gia nhập các tổ chức đoàn thể phản đế như: Thanh niên, Phụ nữ, Nông hội...

Tháng 8 và tháng 9/1940, nhiều nơi rải truyền đơn kêu gọi binh lính và nhân dân đấu tranh... Không khí chuẩn bị khởi nghĩa rất khẩn trương. Kế hoạch xây dựng lực lượng vũ trang và thành lập Uỷ ban khởi nghĩa ở làng, xã, tổng, quận được đề ra. Các đội vũ trang ra sức luyện tập võ nghệ, một số lò rèn ở Tân Phú, Tân Huề, An Phong được giao nhiệm vụ rèn dao, mác,... Các ban tiếp tế, phá hoại, cứu thương, liên lạc cũng được thành lập. Ở xã cù lao Long Khánh, 80 quần chúng xếp thành 3 trung đội do đồng chí Tám Thử và Châu Văn Chê chỉ huy. Xã Long Thuận, Phú Thuận lực lượng thanh niên phản đế do đồng chí Nguyễn Ngọc Tạc chỉ huy. Xã Thường Thới tổ chức được 40 thanh niên có vũ trang dao, mác, gậy. Xã An Phong thành lập 4 đội Cảnh vệ. Các làng, xã đều có Đội Thanh niên Đỏ...Các nơi xây dựng được kế hoạch khởi nghĩa là Hồng Ngự, tổng Phong Thạnh Thượng và cù lao Tây.

Ở Hồng Ngự, kế hoạch được đề ra là Chi bộ Long Khánh tổ chức lực lượng vũ trang phối hợp với chi bộ An Bình, phát động quần chúng cướp chính quyền quận lỵ. Chi bộ Thường Thới và Thường Lạc lãnh đạo quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền tại làng, xã rồi cùng phối hợp đưa lực lượng về thị trấn Hồng Ngự.

Các làng Long Thuận, Phú Thuận, Thường Phước chuẩn bị lực lượng tham gia giành chính quyền ở Tân Châu.

Ở tổng Phong Thạnh Thượng, các làng đều có kế hoạch giành chính quyền ở làng, sau đó sẽ phối hợp qua giành chính quyền ở quận lỵ Chợ Mới.

Ở các làng Phong Mỹ, Tân An, Mỹ Quí... quận Cao Lãnh có kế hoạch phối hợp cùng với các nơi.

Ngày 15/11/1940, Hội nghị Xứ uỷ Nam Kỳ quyết định “Phát động toàn Nam Kỳ nổi dậy đánh đổ chính quyền địch, giành lấy chính quyền về tay nhân dân”. Ngày 20/11/1940, Ban Thường vụ Xứ uỷ Nam Kỳ họp khẩn, quyết định cho tất cả các nơi nổi dậy. Ngày 21/11/1940, Thường vụ Xứ uỷ thông báo: cuộc khởi nghĩa được bắt đầu vào lúc 24 giờ đêm ngày 22/11/1940 (ngày 23 tháng 10 năm Canh Thìn). Lệnh được phát đi từ Sài Gòn. Mặc dù trước giờ khởi nghĩa, một số cán bộ chủ chốt của Xứ uỷ bị địch bắt[5], tài liệu, lệnh và kế hoạch khởi nghĩa bị lộ, Thống đốc Nam Kỳ đã chỉ thị kiểm soát chặt chẽ, binh lính tìm mọi cách chặn trước ở các nơi, nhất là Sài Gòn, Chợ Lớn... nhưng cuộc khởi nghĩa vẫn nổ ra ở toàn Nam Kỳ.

Ở các tỉnh xung quanh Sài Gòn và đồng bằng sông Cửu Long như Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, Cà Mau, Long Xuyên, Châu Đốc... khởi nghĩa nổ ra mạnh mẽ, nhiều nơi lực lượng cách mạng và quần chúng đánh đồn, diệt địch, thu vũ khí, chiếm được trụ sở tề ở làng, xã, quận, làm chủ tình hình nhiều giờ, cờ đỏ sao vàng được kéo lên ở nhiều nơi.

Riêng địa bàn tỉnh Đồng Tháp (ngày nay) trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ diễn ra có khác so với các nơi:

Tại quận Hồng Ngự, Nguyễn Văn Cự (tự Chà), Bí thư Tỉnh uỷ nhận được lệnh khởi nghĩa, nhưng đã dấu đi và báo cho địch biết[6]. Đến ngày 28/11/1940, Ban khởi nghĩa tỉnh Long Xuyên mới nhận được lệnh khởi nghĩa, biết đã trễ, nhưng được lệnh, Liên Tỉnh uỷ vẫn cấp tốc triệu tập cuộc họp vào ngày 28, 29/11 tại Long Điền, Chợ Mới. Đồng chí Lương Văn Cù trong Ban khởi nghĩa và là Bí thư Liên Tỉnh uỷ chủ trì cuộc họp bàn kế hoạch khởi nghĩa[7]. Tuy có một số ý kiến đề nghị hoãn, nhưng đa số quyết tâm, vì vậy Hội nghị quyết định tổ chức khởi nghĩa. Thời gian thống nhất ở Long Xuyên và Châu Đốc là 0 giờ ngày 03/12/1940.

Theo kế hoạch đã định, đêm ngày 02/12/1940, lực lượng thanh niên và nhân dân ấp Long Hưng (cù Lao Nhỏ) xã Long Khánh đốt đuốc họp mít-tinh. Một bộ phận bí mật dùng xuồng, ghe đến điểm tập kết tại ấp Thị, xã Thường Thới (gần nhà thờ Trà Đư) chờ nhận vũ khí do cơ sở của ta chuyển tới, nhưng đến 2 giờ khuya vẫn chưa nhận được. Ở Long Thuận, nhân dân đốt đuốc, họp mít-tinh ở vùng Mả Đá.

Tại xã Thường Thới, lực lượng thanh niên thường trực và hai tổ chức quần chúng hợp pháp (Hội ái hữu, Hội nhà vàng) nổi dậy treo cờ, rải truyền đơn. Từ Mương Kinh, lực lượng khởi nghĩa băng đồng xuống Thường Lạc, cách dinh quận Hồng Ngự 200m chờ lệnh tấn công vào quận lỵ. Ngay lúc đó, đại diện Tỉnh uỷ và Ban lãnh đạo khởi nghĩa đến, kịp thời thông báo tình hình khởi nghĩa ởn Tân Châu, Tịnh Biên, Chợ Mới... bị lộ, địch đã chủ động đề phòng, đối phó. Do đó, Ban chỉ đạo quyết định cho rút lui để bảo toàn lực lượng.

Chấp hành sự chỉ đạo của trên, lực lượng phối hợp khởi nghĩa ở các xã Long Khánh, Thường Lạc và thị trấn Hồng Ngự cũng nhanh chóng rút lui an toàn.

Tại xã Thường Phước, chi bộ[8] phát động quần chúng nổi dậy, trang bị gậy, dao, mác chuẩn bị sang Tân Châu, Châu Đốc phối hợp khởi nghĩa, nhưng có chỉ đạo đình hoãn, nên giải tán, rút lui.

Ở cù lao Tây (năm 1940 thuộc quận Hồng Ngự, tỉnh Châu Đốc), các chi bộ nhận được sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ về tổ chức cuộc khởi nghĩa. Mặc dù tình hình ở cù lao, nhất là các xã Tân Huề, Tân Long đang gặp nhiều khó khăn, đồn lính đóng ở ấp Tân An (Tân Huề) có một tiểu đội, do tên Cai Chi chỉ huy; hội tề, mật thám được tỉnh và quận báo trước đã gia tăng rình rập, theo dõi, khủng bố; cơ sở quần chúng của ta đang sục sôi, nhưng chưa mạnh... Song, chấp hành sự chỉ đạo của trên, Chi bộ Tân Huề[9] tiến hành ngay cuộc họp nghe đồng chí Bá Hiển phổ biến chủ trương khởi nghĩa của Xứ uỷ và của Tỉnh. Ngay sau cuộc họp, các đảng viên khẩn trương vận động, tổ chức tập hợp quần chúng cả 3 xã cù lao thành các tổ, nhóm. Đội du kích được hình thành, tiến hành tập võ nghệ, 3 lò rèn vũ khí được lập ra ở nhà ông Tám Hứa, Sáu Thanh và Lê Thành Vạn. Một số phụ nữ lo may cờ búa liềm, quyên góp tiền bạc, gạo thóc ủng hộ. Các hoạt động diễn ra rất ráo riết.

Theo đúng kế hoạch, đêm mùng 02 rạng mùng 03/12/1940, hơn 100 người được trang bị gươm, dáo, gậy, mặc quần áo đen, khăn choàng tắm thắt lưng, tập hợp nghe đồng chí Bá Hiển truyền lệnh, rồi chia làm 3 cánh (cánh trên do đồng chí Bình chỉ huy, cánh dưới do đồng chí Sáu Tánh chỉ huy và cánh giữa do đồng chí Sáu Thiên, Tám Thử chỉ huy) bí mật kéo vô áp sát đồn lính của tên Cai Chi (trước nhà Cai tổng Giác) chờ lệnh. Nhưng do kế hoạch khởi nghĩa Nam Kỳ đã bị lộ, bọn địch được lệnh đề phòng cẩn mật, bố trì lính canh gác chặt chẽ hơn trước, ban lãnh đạo khởi nghĩa nhận thấy không thể thực hiện được, nên quyết định cho lực lượng bí mật rút lui.

Ở tổng Phong Thạnh Thượng, Tổng uỷ Phong Thạnh Thượng đã thống nhất thành lập Ban khởi nghĩa của Tổng do đồng chí Sửu, đồng chí Phạm Văn Mậu, đồng chí Nguyễn Ngọc Cam[10] và đồng chí Tráng phụ trách. Ở các làng, xã cũng đều thành lập Ban khởi nghĩa.

Tại xã An Phong, được sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Phạm Văn Mậu (là Huyện uỷ viên phụ trách vùng đồng thời là Bí thư chi bộ xã) nên kế hoạch khởi nghĩa được tiến hành rất khẩn trương. Chi bộ thống nhất phân công đồng chí Tư Mậu và Bảy Đậu tập hợp, chỉ huy lực lượng ấp Nhất, đồng chí Trương Văn Năng phụ trách ấp Nhì. Đêm mùng 02 rạng mùng 03/12/1940, sau hồi trống lệnh từ đình An Phong, lực lượng khởi nghĩa - nòng cốt là 4 đội xích vệ mới được thành lập và đồng bào trong xã tập trung nhanh chóng, kéo về chùa Thầy Mù. Tất cả đều trang bị gậy, dao, mác..., khí thế sôi sục. Lực lượng khởi nghĩa được chia thành 10 đội, do đồng chí Lê Văn Chung, Phạm Văn Mậu, Bảy Đậu và Dương Văn Cát chỉ huy. Đoàn khởi nghĩa với hàng trăm người kéo vô khu chợ, đốt pháo thị uy, xông vô đập phá, đốt nhà việc và toàn bộ giấy tờ, sổ sách của tề xã. Ông Võ Thành Tân (Thanh niên Đỏ) “chấn cổ” xã trưởng Vân lấy cây súng lửa và hàng trăm viên đạn. Một bộ phận quân khởi nghĩa chia thành từng đội đi vây bắt tề, đập phá nhà hương quản Nguyễn Văn Thâm, rồi biểu tình thị uy, treo 2 lá cờ búa liềm trên 2 cây dương. Sau đó, một số được cử xuống chi viện cho xã Tân Thạnh, Tân Phú... Cuộc khởi nghĩa ở An Phong giành được thắng lợi nhanh chóng, nhân dân làm chủ đến ngày 07/12/1940. Đây là địa phương duy nhất của tổng Phong Thạnh Thượng giành được chính quyền ở xã.

Tại xã Tân Phú, tháng 9/1940, đồng chí Huỳnh Văn Xây (Ba Xây), Tỉnh  uỷ viên, đi tiếp thu chủ trương chuẩn bị khởi nghĩa của Xứ uỷ do Tỉnh uỷ Long Xuyên phổ biến ở Kiến An về, đồng chí cùng với 2 đồng chí Sửu và Tráng khẩn trương chuẩn bị, tổ chức lực lượng, các đội vũ trang tăng cường luyện tập, rèn dao, mác. Sau hội nghị ngày 28/11/1940, đồng chí Ba Xây trên đường mang truyền đơn, tài liệu từ Chợ Mới qua Tân Phú để phục vụ cho cuộc khởi nghĩa, đến Tân Phú bị địch theo dõi, tình nghi, đồng chí liền nhận chìm xuồng tiêu huỷ tài liệu, sau đó phổ biến miệng mệnh lệnh khởi nghĩa cho 2 đồng chí Sửu và Tráng. Liền sau đó, tại nhà đồng chí Sửu, tiến hành ngay cuộc họp để bàn việc thực hiện kế hoạch khởi nghĩa vào đêm ngày 02 rạng ngày 03/12/1940. Các lực lượng tham gia khởi nghĩa được tập hợp theo từng điểm, kéo vô chợ cả nghìn người, rồi xuống Cái Tre đốt nhà Bộ Hạp, cảnh cáo xã Mầu. Qua đò đốt nhà và ghe của hương quản Tồn, hương quản Tốt. Sáng hôm sau, tiếp tục bao vây lấy súng nhà Cả Cung, vận động giác ngộ lính đồn Tây Xếp lấy 3 súng.

Tại xã Bình Thành, đúng theo kế hoạch, đêm ngày 02 rạng ngày 03/12/1940, cuộc khởi nghĩa nổ ra. Đồng chí Năm Cự và Tư Phán cùng gần 50 quần chúng được đưa qua Chợ Mới; khoảng 300 người kéo lên phối hợp với Tân Phú, sau đó kéo về chợ Bình Thành tổ chức mít-tinh. Đồng chí Chín Cứ treo cờ Đảng trên cây me trước cửa nhà làng (ấp chợ), ông Chín Khè được giao nhiệm vụ bảo vệ việc treo cờ. Tại cuộc mít-tinh, đồng chí Phan Văn Túy, Bí thư chi bộ diễn thuyết, kêu gọi đồng bào đoàn kết đấu tranh. Bọn tề xã không dám chống đối.

Tại xã An Long, đến năm 1940, chưa có chi bộ độc lập, chỉ có 1 đảng viên sinh hoạt ghép với Chi bộ An Phong, Tân Thạnh. Lực lượng quần chúng nòng cốt có 2 Thanh niên Phản đế (Thanh niên Đỏ), 20 hội viên Nông hội Đỏ. Trong cuộc khởi nghĩa đêm ngày 02 rạng ngày 03/12/1940, An Long được giao nhiệm vụ tổ chức nhận và rải truyền đơn. Dưới sự lãnh đạo của đảng viên Lê Dùng và các hội viên Thanh niên, Nông hội đã tập hợp được 60 quần chúng ấp An Ninh họp mít-tinh. Đồng chí Lê Dùng diễn thuyết, kêu gọi nhân dân đoàn kết đấu tranh chống sưu thuế. Sau đó, đoàn kéo đi rải truyền đơn, treo cờ, đánh trống mõ, bọn tề xã biết nhưng không dám đàn áp, ta làm chủ tình hình trong xã.

Tại xã Tân Thạnh, đồng chí Nguyễn Ngọc Cam cùng đồng chí Nguyễn Đình Nhượng trong Ban Chi uỷ xã, cùng nhân dân phối hợp khởi nghĩa ở An Phong, sau đó kéo qua Long Điền nhưng bị địch chặn lại...

 Ở địa bàn tỉnh Sa Đéc, là tỉnh có phong trào cách mạng khá mạnh trong những năm 1929 - 1939, nên đế quốc Pháp và tay sai luôn chú ý tập trung khủng bố, đàn áp. Trước khi khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra, do Đảng bộ bị khủng bố nặng qua hai đợt 1930 - 1931 và 1936 - 1939 chưa hồi phục lại được, nhiều cán bộ chủ chốt ở các chi bộ, quận uỷ nòng cốt trong tỉnh như Bùi Văn Dự, Phan Văn Bảy, Trần Thị Nhượng, Nguyễn Long Xảo, Phạm Hữu Lầu, Nguyễn Văn Núi... đều bị địch bắt tù đày, bị quản thúc, hoặc phải chuyển vùng ra ngoài tỉnh hoạt động, một số đồng chí mất liên lạc với cấp trên. Tổ chức chi bộ cơ sở, cấp uỷ quận nhiều nơi chưa kịp củng cố, Tỉnh uỷ Sa Đéc chưa được thành lập... Trong hoàn cảnh ấy, việc thực hiện chủ trương khởi nghĩa của Xứ uỷ gặp nhiều trở ngại. Đồng chí Sáu Ngài đang bị quản thúc ở Sa Đéc, địch theo dõi sát nên đi lại khó khăn, song đồng chí vẫn cố gắng “bàn mưu tính kế” để hưởng ứng cùng các nơi và cử đồng chí Mộc xuống Mỹ Tho liên hệ, nắm chủ trương về báo cáo lại. Nhưng phổ biến triển khai, chỉ đạo theo hệ thống Đảng trong tỉnh Sa Đéc thì không thực hiện được, chỉ thông tin cho một số đồng chí ở Cao Lãnh biết, nhưng không cụ thể, vì không trực tiếp nhận được chủ trương cũng như lệnh khởi nghĩa của Xứ uỷ. Vì vậy, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra trên địa bàn tỉnh Sa Đéc không mạnh mẽ, đồng loạt, mà chỉ lẻ tẻ ở một vài nơi như:

Tại quận Cao Lãnh, ở các xã Phong Mỹ, Tân An và Mỹ Ngãi, trước khởi nghĩa, các chi bộ bị địch đánh phá, số đảng viên còn lại rất ít. Phong Mỹ có 3 đồng chí gồm Lê Văn Sáng (Bí thư), Nguyễn Văn Cừ và Cái Thành Ngươn (đồng chí này từ chi bộ Tân Thuận Tây qua). Ở Mỹ Ngãi có đồng chí Bùi Văn Dự và Nguyễn Thị Dình. Ngay từ đầu năm 1940, đồng chí Sáng có mối liên hệ với một số đảng viên ở Mỹ Hiệp (Chợ Mới) và Mỹ Ngãi, nên tiếp thu được chủ trương khởi nghĩa của Xứ uỷ và Liên Tỉnh uỷ. Nhưng vì lực lượng ở Phong Mỹ, Tân An và Mỹ Ngãi còn yếu, nên khi được lệnh, các đồng chí chỉ phối hợp tổ chức rải truyền đơn, treo cờ, đốt pháo...

Ở xã Mỹ Quí, do vị trí tiếp giáp với các xã phía Bắc của quận Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho, phía Tây của huyện Mộc Hóa, tỉnh Tân An, nên khi cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra ở tỉnh Mỹ Tho và Tân An, trong đó có làng Thiên Hộ (chợ cậu Mười Bảy) thuộc quận Cái Bè và làng Nhơn Ninh thuộc quận Mộc Hóa... đã tác động đến đảng viên và nhân dân vùng Nam Cao Lãnh. Trước đó, một số đảng viên cũng đã có mối quan hệ với các cơ sở Đảng ở Mỹ Tho, nên có tiếp nhận được chủ trương khởi nghĩa của Uỷ ban Khởi nghĩa Mỹ Tho. Ngày 23/11/1940, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Đỗ Hữu Giàu và chi bộ, nhiều quần chúng đã được tập hợp kéo đến cảnh cáo tề xã và địa chủ, đập phá cống đập do địa chủ độc quyền quản lý ở cánh đồng làng Mỹ Quí cho nước chảy ra sông để nông dân làm mùa, đánh bắt cá.

Tại vùng Tháp Mười (Mỹ Hòa, Mỹ An, Đốc Binh Kiều, Mỹ Điền, Thanh Mỹ... năm 1940 thuộc Cái Bè, Mỹ Tho), khi được tin “Cộng sản dậy” ở Nhơn Ninh, Thiên Hộ nhiều người đã đến tham gia.

Tại quận Châu Thành, do lực lượng cách mạng còn yếu, nên khởi nghĩa chỉ nổ ra lẻ tẻ, ở mức độ rải truyền đơn, đánh trống mõ, đốt pháo như ở làng như Tân Khánh Tây, An Khánh...

Để đối phó với cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, đế quốc Pháp đã thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng và những người tham gia khởi nghĩa. Theo số liệu báo cáo của Pháp, từ ngày 22/11/1940 đến ngày 31/12/1940 chúng đã bắt ở Liên tỉnh Gia Định 903 người, ở Liên tỉnh Mỹ Tho 2.901 người, ở Liên tỉnh Cần Thơ 1.729 người, ở Liên tỉnh Long Xuyên (gồm Long Xuyên, Châu Đốc và Sa Đéc) 315 người... Tháng 01/1941 chúng bắt thêm 1.200 người.

Cũng như cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nói chung, cuộc khởi nghĩa ở các khu vực thuộc tỉnh Đồng Tháp nói riêng bị tổn thất nặng nề, phong trào cách mạng tạm thời lắng xuống. Tuy nhiên, nó đã giúp cho các chi bộ có thêm kinh nghiệm về sử dụng bạo lực và khả năng khởi nghĩa giành chính quyền; về tình thế cách mạng, thời cơ và nghệ thuật khởi nghĩa, làm cho quần chúng ý thức sâu sắc về tinh thần và khả năng đấu tranh cách mạng; đồng thời, cũng là đợt diễn tập cho cao trào khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Qua cuộc khởi nghĩa đã để lại cho Đảng bộ và nhân dân Sa Đéc (Đồng Tháp) những bài học quý báu:

Bài học thứ nhất, là lòng yêu nước và tinh thần cách mạng kiên cường của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Dù hoàn cảnh khách quan, chủ quan ở các nơi trên địa bàn tỉnh lúc đó đang gặp nhiều khó khăn, địch sớm đề phòng đối phó, cơ quan đầu não cấp tỉnh, quận gần như không còn. Nhưng các chi bộ, cơ sở vẫn nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, tin tưởng vào sự chỉ đạo của Xứ uỷ, Tỉnh uỷ, tổ chức khởi nghĩa, phối hợp được với phong trào chung của toàn Nam Kỳ.

Bài học thứ hai, là biết chuyển hướng và rút lui kịp thời, tránh được nhiều thiệt hại. Xuất phát từ thực tiễn cuộc khởi nghĩa nổ ra ở Đồng Tháp trễ một tuần so với các nơi khác, nên địch đã đề phòng. Tình thế ấy đặt ra cho lãnh đạo và lực lượng khởi nghĩa là phải chấp hành lệnh, các chi bộ thực hiện huy động quần chúng và các lực lượng đến điểm tập trung, sẵn sàng đánh chiếm trụ sở, đồn bót địch để giành chính quyền. Nhưng so sánh tương quan lực lượng, đa số các nơi tình thế đều bất lợi, nên đã chủ động rút lui và chuyển sang hình thức biểu tình đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, chống cường hào ác bá, bảo đảm duy trì lực lượng và phong trào trước mắt và lâu dài. Ở nơi đủ điều kiện, địch yếu thì quyết khởi nghĩa giành chính quyền như An Phong, nơi đủ điều kiện và đứt hệ thống liên lạc chỉ huy, thì chủ động tìm móc nối. Đây là sự vận dụng hết sức linh động, sáng tạo của các chi bộ Đảng trong tỉnh.

Bài học thứ ba, là sự gắn bó thuỷ chung của cán bộ, đảng viên với quần chúng nhân dân và ngược lại. Đây là bài học bắt nguồn từ truyền thống yêu nước, yêu dân của Đảng. Nó được phát huy ngay từ khi thành lập Đảng, trong phong trào 1930 - 1931, 1936 - 1939, đến cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ được tiếp tục nhân lên. Cán bộ, đảng viên dù bị địch khủng bố, đàn áp, tra tấn, thảm sát dã man nhưng vẫn một lòng kiên trung, giữ tròn khí tiết. Đồng chí Nguyễn Văn Ngư (Bảy Ngư) bị tra tấn đến mù 2 mắt, Lê Thị Hằng, Huỳnh Văn Thu, Bảy Đốm, Sáu Mầm, Tám Thân, Nguyễn Đình Nhượng, Lê Văn Phòng, Mao Văn Ông, Lê Thu Hương, Lê Văn Tỳ, Huế Thọ... bị kết án khổ sai, đày đi biệt xứ. Nhưng các đồng chí vẫn giữ vững khí tiết, mặc dù nhiều người đã hy sinh ngay trong tù. Số không bị địch bắt, kiên trì bám trụ, bám địa bàn để vận động, giáo dục quần chúng. Quần chúng, nhất là nông dân, luôn sẵn sàng nuôi chứa, bảo vệ cán bộ bất chấp hiểm nguy. Gương bà Tám Hinh giằng co quăng mạ vô bọn lính, tề xã, khi chúng đến bắt anh trai, hay nhân dân ấp Long Bình (Long Khánh) được địch gán cho cái tên “ấp Long Trì” chỉ vì tinh thần đấu tranh gan lỳ của họ. Nhân dân và những người khởi nghĩa ở vùng Đồng Tháp Mười dù bị giặc ruồng bố, truy lùng, tuyên truyền xuyên tạc: “Cộng sản dậy”, “mổ bụng dồn trấu”, “tướng cướp Mười Kỳ”... nhưng không ai nghe theo, chỉ điểm cho giặc, mà tận tình che giấu, tiếp tế cho lực lượng khởi nghĩa khi biết họ là những người chống Tây, chống áp bức.

Những bài học của Khởi nghĩa Nam Kỳ là vô cùng quý báu, nó tiếp tục được Đảng bộ và nhân dân Sa Đéc (Đồng Tháp) hun đúc, phát huy trong cuộc đấu tranh giành chính quyền, kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược... Những bài học đó vẫn còn nguyên giá trị cho hôm nay và cả mai sau.

Tạ Quang Trung

[1] Georges Catroux làm toàn quyền Đông Dương từ ngày 20/8/1939, đến ngày 19/7/1940, Pháp cử Jean Decoux - Tư lệnh hải quân lên thay Georges Catroux làm toàn quyền Đông Dương.

[2] Bắc Kỳ lợi dụng thời cơ quân Pháp bỏ chạy khi quân Nhật tiến vào, nhân dân Bắc Sơn (Lạng Sơn) dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ nổi dậy trừ gian, diệt tề, chiếm quận ly (ngày 27/9/1940).

[3] Vắng 2 tỉnh Gò Công, Hà Tiên

[4] Đầu 1940, Tỉnh uỷ Châu Đốc chuyển thành Ban cán sự (vì một số đồng chí được trên rút đi).

[5] Như các đồng chí Nguyễn Như Hạnh (Bí thư Thành uỷ), Tạ Uyên (Bí thư Xứ uỷ), Phan Đăng Lưu (Trung ương Đảng).

[6] Nguyễn Văn Cự là lính kín, địch gài vào tổ chức của ta nhưng ta chưa phát hiện được.

[7] Đồng chí Lương Văn Cù phụ trách 2 tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc, nên cuộc họp này có mời đồng chí Võ Hiệp Nghĩa phụ trách Châu Đốc.

[8] Bí thư chi bộ là đồng chí Huỳnh Long Sơn.

[9] Chi bộ có 13 đảng viên.

[10] Đồng chí Nguyễn Ngọc Cam năm 1932 là Bí thư Tổng uỷ, đồng chí Phạm Văn Mậu là Huyện uỷ viên, Bí thư chi bộ xã An Phong.