Xuất bản thông tin

null Công tác lịch sử Đảng năm 2020 của Tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng

Trang chủ Lịch sử

Công tác lịch sử Đảng năm 2020 của Tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng

Năm 2020, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và việc tập trung cho công tác tổ chức đại hội đại biểu các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhưng ban tuyên giáo các cấp và các ngành trong Tỉnh đã nỗ lực, thực hiện tốt công tác tham mưu, nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng theo Chỉ thị số 20-CT/TW. Trong năm 2020, các địa phương, đơn vị trong Tỉnh tổ chức nghiên cứu, biên soạn 90 công trình lịch sử, trong đó đã xuất bản được 23 công trình.

Đồng chí Lê Minh Hoan UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ phát biểu tại Hội thảo Khoa học Hoạt động và đóng gópcủa đồng chí Phạm Hữu Lầu với cách mạng Việt Nam, ngày 17.7.2020

Nổi bật nhất là việc Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ xuất bản sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp (1927 - 2000)”; tiến hành sưu tầm tư liệu, tiếp xúc nhân chứng phục vụ viết Hồi ức, Hồi ký lịch sử một số đồng chí nguyên lãnh đạo chủ chốt của Tỉnh (Bí thư Tỉnh uỷ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Phó Bí thư/Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh); tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ phối hợp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Hoạt động và đóng góp của đồng chí Phạm Hữu Lầu với cách mạng Việt Nam”, góp phần làm sáng rõ hơn về hoạt động và những đóng góp của đồng chí Phạm Hữu Lầu với cách mạng Việt Nam, làm cơ sở để kiến nghị Trung ương xem xét, đưa đồng chí Phạm Hữu Lầu vào danh sách các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam; tham mưu Thường trực Tỉnh uỷ phối hợp Thường trực Tỉnh uỷ Vĩnh Long tổ chức Họp mặt kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Phân ban Tỉnh uỷ Vĩnh Long (10/1970 - 10/2020)…

Ban Tuyên giáo cấp huyện tham mưu cấp uỷ cùng cấp chỉ đạo hoàn thành các công trình lịch sử cấp huyện, xã còn dở dang, đồng thời có kế hoạch biên soạn biên niên sự kiện lịch sử hoặc lịch sử Đảng bộ cấp huyện, cấp xã. Tổ chức sưu tầm tư liệu để phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ huyện, thành phố và biên niên sự kiện lịch sử hoặc lịch sử truyền thống của ngành huyện. Huyện Lai Vung và Thành phố Hồng Ngự xuất bản lịch sử đảng bộ; đang thực hiện tu chỉnh, bổ sung và viết mới Lịch sử Đảng bộ gồm các huyện Lấp Vò, Châu Thành, Tam Nông, Cao Lãnh và Tháp Mười.

Cấp xã hoàn thành 06 công trình lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng, đang thực hiện biên soạn lịch sử truyền thống cách mạng và biên niên sử gồm 38 xã, thị trấn.

Một số ban, ngành như Công an Tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh, Sở Nội vụ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Tỉnh thực hiện biên soạn lịch sử truyền thống của ngành. Riêng Hội Khoa học Lịch sử Tỉnh đã xuất bản 05 công trình: Lịch sử Đồng Tháp đến thế kỷ XX; Hiệu đính Đại Nam nhất thống chí phần An Giang - Định Tường; Không gian lịch sử và cuộc sống, tập 3; Đồng Tháp đất và người, tập 6; Dấu xưa Đồng Tháp.

Nhìn chung, chất lượng các công trình được nâng lên, bảo đảm nguyên tắc tính Đảng, tính khoa học và tính giáo dục cao.

Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn các công trình lịch sử, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ quan tâm đến công tác hướng dẫn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và thẩm định các công trình lịch sử các cấp. Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ phối hợp Trường Chính trị Tỉnh mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tuyên giáo, trong đó, có chuyên đề về nghiệp vụ công tác lịch sử Đảng, lịch sử địa phương cho 77 cán bộ phụ trách công tác lịch sử các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn.

Việc thẩm định các công trình lịch sử được Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ hướng dẫn phân cấp thẩm quyền, tiến hành khá chặt chẽ, cụ thể. Ở cấp tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ thẩm định các công trình lịch sử đảng bộ huyện, thành phố trực thuộc Đảng bộ Tỉnh và lịch sử các ngành tỉnh (trừ ngành Công an, Quân sự có hướng dẫn riêng của ngành). Cấp huyện, ban tuyên giáo huyện uỷ, thành uỷ thẩm định các công trình lịch sử đảng bộ xã, phường, thị trấn và lịch sử của các ngành huyện (trừ ngành Công an, Quân sự có hướng dẫn riêng của ngành). Trong năm 2020, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã thẩm định 02 công trình lịch sử đảng bộ cấp huyện và 01 công trình lịch sử cấp tỉnh([1]), ban tuyên giáo cấp huyện đã thẩm định 03 công trình lịch sử đảng bộ xã và lịch sử ngành huyện([2]). Ngoài ra, Công an Tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh thẩm định một số công trình của ngành.

Song song với công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử thì công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng cũng được các cấp uỷ và các ngành quan tâm.

Việc đưa nội dung tuyên truyền lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ địa phương vào sinh hoạt chi bộ được thực hiện khá tốt. Hằng tháng, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ biên soạn tài liệu sinh hoạt chi bộ, trong đó nội dung sinh hoạt tư tưởng thường tuyên truyền về lịch sử Đảng, công tác xây dựng Đảng… các địa phương thực hiện tốt việc tuyên truyền lịch sử địa phương vào trong các buổi sinh hoạt chi bộ như: Thành phố Cao Lãnh, thành phố Sa Đéc, các huyện Cao Lãnh, Tháp Mười, Châu Thành, Lai Vung…

Thực hiện tốt công tác tăng cường thông tin, tận dụng các loại hình truyền thông mới, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ có trang thông tin điện tử (btg.dongthap.gov.vn) đăng tải nội dung bộ sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp (1927 - 2000) và các bài viết, bài nghiên cứu về lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ địa phương. Các huyện, thành phố trong Tỉnh có trang thông tin điện tử giới thiệu lịch sử hình thành, phát triển của địa phương… qua đó góp phần quan trọng vào công tác tuyên truyền lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ địa phương.

Công tác tuyên truyền lịch sử Đảng trong các tầng lớp thanh thiếu nhi được các cấp bộ Đoàn thực hiện có hiệu quả, với nhiều hình thức phong phú, như: tổ chức hội nghị, tập huấn, sinh hoạt chuyên đề, đối thoại, hoạt động về nguồn, tuyên truyền trên website, mạng xã hội, Hội thi Theo Đảng ta đi, tuyên truyền ca khúc cách mạng, hoạt động Chuyến xe tri thức, trưng bày, giới thiệu sách, xếp sách nghệ thuật, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ…

Công tác giáo dục lịch sử Đảng được đẩy mạnh. Cấp uỷ các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo Trường Chính trị Tỉnh, các Trung tâm chính trị cấp huyện đưa nội dung “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp” vào chương trình giảng dạy cho các lớp trung cấp chính trị hành chính; các nội dung về lịch sử địa phương vào chương trình giảng dạy các lớp sơ cấp lý luận chính trị, lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng và lớp đảng viên mới.

Tỉnh chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc tích hợp nội dung lịch sử Đảng, lịch sử Đảng bộ địa phương trong chương trình giảng dạy bộ môn lịch sử dân tộc, giáo dục công dân ở trường phổ thông. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thực hiện giảng dạy lịch sử địa phương ở trường phổ thông([3]), tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm sáng tạo, về nguồn, thi tìm hiểu về lịch sử địa phương. Đồng thời, tổ chức cho học sinh tìm hiểu, chăm sóc, giữ gìn và phát huy đối với các di tích lịch sử, văn hóa địa phương. Hầu hết các địa phương trong Tỉnh đều thực hiện tốt việc tích hợp nội dung lịch sử Đảng, lịch sử Đảng bộ địa phương trong chương trình giảng dạy bộ môn lịch sử dân tộc, giáo dục công dân ở trường phổ thông, trong đó nổi bật là các huyện Hồng Ngự, Lai Vung, Lấp Vò, Châu Thành và thành phố Sa Đéc, thành phố Cao Lãnh…

Bên cạnh những kết quả đạt được, năm 2020 công tác lịch sử Đảng cũng gặp những hạn chế và khó khăn nhất định.

Trước hết, là về cán bộ phụ trách công tác sử, ở cấp tỉnh, Phòng Lý luận chính trị và Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ([4]) với biên chế hiện có là 05 đồng chí, trong đó trưởng phòng phụ trách chung, 01 phó trưởng phòng phụ trách lĩnh vực Lý luận Chính trị và 03 chuyên viên (01 chuyên viên phụ trách lịch sử Đảng) nên gặp nhiều khó khăn; một số ngành, địa phương, đơn vị thiếu cán bộ có khả năng biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống, biên niên sử. Một số ban tuyên giáo cấp huyện thiếu cán bộ chuyên môn phụ trách lịch sử nên chất lượng thẩm định các công trình lịch sử có lúc chưa tốt.

Thứ hai, là khó khăn về kinh phí, kinh phí phục vụ nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ các cấp, lịch sử truyền thống các ban, ngành, đoàn thể còn hạn hẹp, định mức thấp nên khó tìm đối tác biên soạn.

Thứ ba, là về tư liệu, tư liệu lịch sử địa phương nói chung, tư liệu bằng văn bản ở cấp huyện, xã và ngành tỉnh nói riêng, trong các thời kỳ kháng chiến còn lại rất ít; các nhân chứng sống được xem là nguồn cung cấp tư liệu quan trọng nhưng hiện nay số đông đã qua đời, số còn sống thì già yếu, đặc biệt là nhân chứng trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, do đó, việc sưu tầm tư liệu và nghiên cứu, biên soạn lịch sử gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, công tác lưu trữ ở cấp xã sau năm 1975 đến cuối thập niên 90 của thế kỷ trước chưa tốt, nhiều tài liệu do thiên tai và lâu năm nên thất lạc, hư hỏng.

Mặc dù còn những hạn chế và khó khăn, nhưng những kết quả đạt được là rất quan trọng. Khẳng định sự quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, sự nỗ lực của các ngành các cấp trong Tỉnh, đặc biệt là ban tuyên giáo các cấp đã thực hiện tốt công tác tham mưu, nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng theo tinh thần Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Tạ Quang Trung

 

([1]) Gồm: Lịch sử truyền thống cách mạng huyện Lai Vung (1929 - 2015), Biên niên sự kiện lịch sử Đảng bộ thị xã Hồng Ngự (2009 - 2015) và Chiến sĩ cách mạng tỉnh Đồng Tháp bị địch bắt, tù đày, tập II (do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội biên soạn).

([2]) Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Châu Thành thẩm định 01 công trình lịch sử đảng bộ xã, Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Hồng Ngự thẩm định 01 công trình lịch sử đảng bộ xã, Ban Tuyên giáo Thành uỷ Cao Lãnh thẩm định 01 công trình lịch sử ngành.

([3]) Tài liệu giảng dạy gồm: Tài liệu Văn hóa địa phương tỉnh Đồng Tháp do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành; Tài liệu hướng dẫn dạy học Lịch sử địa phương.

([4]) Do đồng chí Phó Trưởng ban Thường trực phụ trách.