Xuất bản thông tin

null Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 11 năm 2020

Chi tiết bài viết Tài liệu sinh hoạt chi bộ

Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 11 năm 2020

PHẦN A: SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

Ban Biên tập xin giới thiệu tóm tắt nội dung bài viết Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác kiểm tra, kỷ luật Đảng và một số biện pháp rèn luyện đội ngũ cán bộ kiểm tra của PGS, TS Lê Văn Cường, Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị:

http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/bai-noi-bat/item/3200-quan-diem-cua-chu-tich-ho-chi-minh-ve-cong-tac-kiem-tra-ky-luat-dang-va-mot-so-bien-phap-ren-luyen-doi-ngu-can-bo-kiem-tra.html

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác kiểm tra và xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra của Đảng. Trong điều kiện Đảng ta là Đảng duy nhất cầm quyền, việc tìm hiểu những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác kiểm tra, kỷ luật và xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra để vận dụng vào thực tiễn hiện nay khi chúng ta đang tích cực đấu tranh ngăn chặn tình trạng suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên là rất cần thiết.

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác kiểm tra

Hồ Chí Minh đánh giá rất cao ý nghĩa, tác dụng của công tác kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra việc và kiểm tra người. Người thường xuyên nhắc nhở Đảng phải chú ý xem xét lại những nghị quyết và những chỉ thị mà mình ban ra đã được thi hành thế nào. Nếu không như vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đã ban hành sẽ hóa ra những lời nói suông và còn làm hại đến lòng tin của Dân đối với Đảng. Công tác kiểm tra giúp cho các cấp, các ngành thấy rõ được ưu điểm, khắc phục được những sai lầm, khuyết điểm ngay từ lúc mới ban hành chỉ thị, nghị quyết. “Nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như có ngọn đèn “pha”. Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ.

Kiểm tra không chỉ giúp cho lãnh đạo nắm chắc chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, ngăn ngừa sai lầm, khuyết điểm, giúp họ sửa chữa mà qua kiểm tra còn khơi dậy được tính tích cực, sự ủng hộ to lớn của nhân dân, củng cố tín nhiệm của Đảng trước quần chúng. Hình thức, phương pháp kiểm tra đúng, rất quan trọng, nhưng yếu tố quyết định hiệu quả của mỗi cuộc kiểm tra là ở người kiểm tra. Thông qua công tác kiểm tra, nếu thấy cán bộ, đảng viên có sai lầm, khuyết điểm cần phải kịp thời chấn chỉnh.

2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về kỷ luật và thi hành kỷ luật

Công tác kiểm tra cần gắn với kỷ luật đảng vì kỷ luật và thi hành kỷ luật trong Đảng có tầm quan trọng đặc biệt, bảo đảm cho sự hoạt động bình thường và phát triển của Đảng. Cũng như công tác kiểm tra, kỷ luật thi hành kỷ luật trong Đảng là một tất yếu khách quan. Tính tất yếu này được quy định bởi quy luật hình thành và phát triển của Đảng.

Đảng bao gồm những người ưu tú và tiên tiến, những người hăng hái và được quần chúng tín nhiệm. Tuy vậy, không phải tất cả đảng viên của Đảng đều tốt, đều làm việc hay. Trong Đảng chưa hoàn toàn tránh khỏi một số người làm những việc không chính đáng. Do vậy, duy trì kỷ luật trong Đảng là một tất yếu khách quan, để ngăn chặn khuyết điểm, sai lầm; sửa chữa thói hư, tật xấu; thải loại những kẻ thoái hóa biến chất; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

 Kỷ luật đảng bao gồm kỷ luật trong nội bộ Đảng, kỷ luật của chính quyền và kỷ luật của các đoàn thể. Đối xử với người có sai lầm, khuyết điểm, Hồ Chí Minh thể hiện rõ tính dân chủ, lòng bao dung, độ lượng, sâu sắc. Người quan niệm: “Người đời ai cũng có khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm. Chúng ta không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm và khuyết điểm. Và càng sợ những người lãnh đạo không biết tìm cách đúng để giúp cán bộ sửa chữa sai lầm và khuyết điểm”.

Phương châm thi hành kỷ luật trong Đảng phải công minh, công khai, dân chủ: “Có thưởng thì phải có phạt, thưởng phạt phải nghiêm minh”. Mọi vi phạm đều phải được xem xét, nếu đến mức phải thi hành kỷ luật thì xử lý thích đáng không có “vùng cấm”, không được che đậy, thiên lệch, nể nang.

3. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra

Cùng với quá trình phát triển của Đảng thì bộ máy tiến hành công tác kiểm tra của Đảng cũng được củng cố, hoàn thiện; đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp cũng không ngừng phát triển cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra rất cụ thể và toàn diện. Người cán bộ kiểm tra phải có đầy đủ năng lực của một cán bộ Đảng, làm công tác xây dựng Đảng, đồng thời phải có những yêu cầu riêng cả về năng lực và phẩm chất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng.

Cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra không chỉ chú ý hoàn thành nhiệm vụ của mình là đi kiểm tra người khác mà cũng cần quan tâm đến việc khắc phục những khuyết điểm của chính bản thân mình trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao.

Có thể khẳng định, tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ kiểm tra là hệ thống những quan điểm toàn diện, gắn đức với tài trong đó đức là gốc, gắn phẩm chất đạo đức cách mạng với năng lực thực tiễn. Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác kiểm tra, kỷ luật đảng luôn ngời sáng tính nhân văn, nhân bản, thể hiện yêu cầu về văn minh kiểm tra, văn hóa kiểm tra; về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng nói chung, về tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra nói riêng, vừa mang tính định hướng cơ bản, lâu dài, vừa có tính thời sự, tiếp tục dẫn đường cho chúng ta đi tới mục đích đề ra.

4. Một số biện pháp rèn luyện, nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ kiểm tra hiện nay

4.1. Đối với cán bộ kiểm tra

Đội ngũ cán bộ kiểm tra phải nỗ lực học tập, rèn luyện thường xuyên, bền bỉ và lâu dài trong đấu tranh cách mạng, trong công tác và rèn luyện đạo đức, lối sống. Trong đó, cần chú trọng các biện pháp chủ yếu sau:

Nỗ lực học tập, cầu tiến bộ. Mỗi cán bộ kiểm tra phải có kế hoạch thường xuyên học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn. Mỗi cán bộ, đảng viên phải xác định học tập là nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi người. Học tập không chỉ thông qua trường lớp, sách vở mà còn phải học trong thực tiễn công tác và cuộc sống hàng ngày, học qua các đồng chí có kinh nghiệm...

Giữ vững và thực hiện đầy đủ chế độ sinh hoạt đảng. Cán bộ kiểm tra phải thông qua sinh hoạt đảng để thể hiện vai trò, trách nhiệm trong tham gia quyết định các nhiệm vụ của tổ chức đảng mà mình là thành viên; đồng thời, để tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng và nâng cao trình độ, năng lực của bản thân.

Thường xuyên tổng kết rút kinh nghiệm để không ngừng nâng cao năng lực công tác. Ủy ban kiểm tra các cấp và cán bộ kiểm tra phải có ý thức và trách nhiệm thường xuyên tổng kết thực tiễn, rút kinh nghiệm để nâng cao trình độ, năng lực, cải tiến phương pháp hoạt động, góp phần tích cực vào phát triển, hoàn chỉnh lý luận về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và công tác xây dựng Đảng.

4.2. Đối với cơ quan, tổ chức đảng

Ngoài việc phải thực hiện đúng và tốt các nội dung về công tác cán bộ kiểm tra của Đảng, các tổ chức đảng cần chú ý một số biện pháp sau:

Tạo điều kiện để cán bộ kiểm tra được học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Các tổ chức đảng, trước hết là các cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp cần có chương trình, kế hoạch đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kiểm tra; có chính sách, cơ chế để cán bộ đi học nâng cao trình độ; đồng thời phải có chế tài bắt buộc cán bộ tự học, tự bồi dưỡng thông qua hoạt động hàng ngày để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn.

Đổi mới nội dung phương thức đào tạo và bồi dưỡng cán bộ kiểm tra. Đổi mới nội dung, phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kiểm tra là đòi hỏi bức thiết hiện nay.

Đánh giá đúng và bố trí hợp lý cán bộ. Việc đánh giá đúng còn giúp cho việc đào tạo, bổ nhiệm, bố trí, sử dụng cán bộ hợp lý theo đúng năng lực, sở trường của từng cán bộ bởi “dụng nhân như dụng mộc”. Đây cũng là biện pháp không chỉ để cán bộ kiểm tra hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao có chất lượng, hiệu quả mà còn là cách tốt nhất để cán bộ kiểm tra có mục tiêu phấn đấu, vươn lên tự hoàn thiện mình.

Phần B: THÔNG TIN THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

I- TIN TRONG TỈNH

1. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 thành công tốt đẹp

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 diễn ra từ ngày 17 đến ngày 20 tháng 10 năm 2020, với chủ đề:Xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch,vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đưa kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững; nâng cao chất lượng sống của Nhân dân; xây dựng nền văn hóa và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh. Tham dự Đại hội có 349 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 60.000 đảng viên của Đảng bộ Tỉnh. Đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, được Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng phân công dự và chỉ đạo Đại hội.

Sau 3,5 ngày làm việc tích cực, nghiêm túc, với tinh thần đổi mới, thiết thực, trách nhiệm cao, Đại hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. Đại hội đã đề ra 18 chỉ tiêu, 06 nhiệm vụ, giải pháp và 05 đột phá chiến lược phát triển trong giai đoạn 2020 - 2025.

Kết quả, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp khoá XI là 51 đồng chí, gồm: 50 đồng chí được Đại biểu dự Đại hội bầu và đồng chí Lê Quốc Phong, Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Bộ Chính trị chỉ định vào Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh và Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XI để giới thiệu bầu Bí thư Tỉnh ủy.

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Đồng Tháp khoá XI là 13 đồng chí (khuyết 02 đồng chí), gồm 12 đồng chí được Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh khoá XI bầu và đồng chí Lê Quốc Phong, Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Bộ Chính trị chỉ định tham gia Ban Thường vụ Tỉnh uỷ khóa XI; trong đó, nữ 02 đồng chí, chiếm 15,38% (tương đương so với nhiệm kỳ trước).

Đồng chí Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XI được tín nhiệm bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp với số phiếu tuyệt đối (51/51 phiếu).

Đồng chí Phan Văn Thắng, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Tỉnh và đồng chí Phạm Thiện Nghĩa, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh đắc cử Phó Bí thư Tỉnh uỷ khóa XI.

Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh khoá XI đã bầu 10 đồng chí vào Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ (khuyết 01 đồng chí).

Đại hội bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, gồm 18 đồng chí chính thức, 03 đồng chí dự khuyết và 01 đại biểu đương nhiên là đồng chí Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp.

2. Phấn đấu đến năm 2024: Diện tích bảo tồn gần 50 ha quýt hồng

Ngày 22/10/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp ban hành Quyết định số: 1636/QĐ-UBND-HC phê duyệt Đề án Bảo tồn vườn quýt Hồng huyện Lai Vung, giai đoạn 2020 - 2024.  Theo đó, bảo tồn vùng quýt Hồng tập trung theo bản đồ quy hoạch thuộc Dự án “Tạo lập quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận quýt Hồng Lai Vung” tại các xã Long Hậu, Tân Phước, Tân Thành và phát triển sang vùng phụ cận thuộc xã Hòa Long. Phấn đấu đến năm 2024 diện tích bảo tồn đạt 546,63 ha, trong đó khu vực khắc phục dịch bệnh là 198,71 ha, khu vực trồng lại hoàn toàn là 347,92 ha. Đề án đưa ra 07 giải pháp thực hiện, bao gồm giải pháp về quy hoạch; khoa học công nghệ; đào tạo, tập huấn, thông tin - tuyên truyền; cơ giới hóa sản xuất; kỹ thuật canh tác; sản xuất và cung ứng giống; sản xuất, cung ứng phân hữu cơ. Nhằm duy trì phát triển loại trái cây đặc sản được Cục Sở Hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, nên việc xây dựng “Đề án bảo tồn quýt Hồng huyện Lai Vung” là rất cấp thiết.

II- TIN TRONG NƯỚC

1. Một số kết quả chủ yếu Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII

Từ ngày 05 - 09/10/2020, tại thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII họp Hội nghị lần thứ 13. Hội nghị đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra, trong đó tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

1. Về kinh tế - xã hội năm 2020 - 2021: Trong 9 tháng năm 2020, tình hình đại dịch Covid-19 trên thế giới nói chung và ở nước ta nói riêng diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái nặng nề, tăng trưởng âm; thương mại thế giới sụt giảm nghiêm trọng; thị trường tài chính biến động bất thường, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Kinh tế - xã hội nước ta bị ảnh hưởng lớn, khó có thể hoàn thành được toàn bộ các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra cho năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020. Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, trên cơ sở những kết quả, thành tích và bài học kinh nghiệm của năm 2020, tiếp tục đề cao cảnh giác, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh; đồng thời tập trung ưu tiên triển khai thực hiện các chính sách, biện pháp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, lấy lại đà tăng trưởng kinh tế gắn với tạo nền tảng để phát triển nhanh và bền vững...

2. Tiếp tục hoàn thiện dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng

Các dự thảo mới được chuẩn bị rất công phu, bài bản, trí tuệ, dân chủ và cầu thị; quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển; đã kế thừa, bổ sung phát triển đúng đắn đường lối đổi mới của Đảng ta trong 35 năm qua với nhiều nội dung đổi mới và điểm nhấn quan trọng. Nổi bật là về nhận thức, tầm nhìn, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, về phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp. Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị chỉ đạo các Tiểu ban và các cơ quan có liên quan khẩn trương, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Trung ương hoàn thiện thêm một bước dự thảo các văn kiện để xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội khóa XIV, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân theo đúng tiến độ đề ra.

3. Chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII

Trung ương bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự Trung ương khóa XII tái cử và nhân sự mới lần đầu được dự kiến giới thiệu tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII (cả Ủy viên Trung ương chính thức và dự khuyết); đồng thời, bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII tái cử khóa XIII và giới thiệu nhân sự mới lần đầu tham gia Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII. Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị và Tiểu ban Nhân sự căn cứ Nghị quyết của Hội nghị, Báo cáo kết quả giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII và các ý kiến đóng góp của Trung ương, tiếp tục xem xét, rà soát thật kỹ, bổ sung, hoàn chỉnh các phương án nhân sự theo đúng quy trình công tác nhân sự đã đề ra để báo cáo Trung ương xem xét, quyết định thông qua tại các hội nghị Trung ương tiếp theo trước khi trình Đại hội XIII của Đảng.

4. Một số vấn đề quan trọng khác

Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, quyết định đối với Báo cáo của Bộ Chính trị về các công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị lần thứ 12 đến Hội nghị lần thứ 13, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và Báo cáo công tác tài chính đảng năm 2019; xem xét Tờ trình của Bộ Chính trị và ghi phiếu giới thiệu nhân sự trước khi Bộ Chính trị quyết định giới thiệu để Chính phủ trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn việc bổ nhiệm các chức danh Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ trưởng Bộ Y tế; tán thành với kiến nghị của Ban cán sự đảng Chính phủ về thời điểm thực hiện chế độ tiền lương mới kể từ ngày 01/7/2022 đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII.

2. Thay đổi thói quen tiêu dùng để bảo vệ môi trường

Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm, người dân có hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra, nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế. Đặc biệt, rác thải nhựa có tính chất khó phân hủy, có thể tồn tại hàng trăm năm, gây ô nhiễm môi trường, đe dọa hệ sinh thái và tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe người dân và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường, như: túi sinh học phân hủy hoàn toàn; ống hút, ly, cốc được làm từ tre, giấy, rơm, cói… hiện vẫn còn xa lạ với nhiều người tiêu dùng, nhất là những người không ở các thành phố lớn. Đại bộ phận người dân vẫn giữ thói quen sử dụng các sản phẩm tiện lợi, giá rẻ làm từ nhựa và túi nilon. Nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho các sản phẩm thân thiện với môi trường tiếp cận và phổ biến rộng rãi trên thị trường, các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường với những ưu thế như chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh, có thể phân hủy hoàn toàn thay thế các sản phẩm làm từ nhựa và túi nilon.

Thứ hai, thông tin, tuyên truyền các quy định, chế tài xử lý nghiêm khắc các hoạt động, hành vi sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa khó phân hủy gây ô nhiễm và hủy hoại môi trường sống, qua đó hạn chế và tiến tới cấm sử dụng các sản phẩm này.

Thứ ba, tuyên truyền, cổ vũ nhằm thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tái chế chất thải túi nilon khó phân hủy thành các sản phẩm thân thiện môi trường. Từng bước tạo thói quen sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường trong đời sống sinh hoạt của người dân.

III- HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI, TIN THẾ GIỚI

1. Thông điệp của Việt Nam tại Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75

Từ ngày 21/9 - 02/10/2020, tại trụ sở Liên Hợp quốc ở New York, Hoa Kỳ đã diễn ra Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp quốc khoá 75 (ĐHĐ LHQ), bao gồm Phiên thảo luận chung cấp cao và các sự kiện cấp cao bên lề khác, được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp. Với chủ đề “Tương lai chúng ta muốn, Liên Hợp quốc chúng ta cần: Tái khẳng định cam kết chung đối với chủ nghĩa đa phương - ứng phó Covid-19 thông qua hành động đa phương hiệu quả”.

 Với tư cách là Ủy viên không Thường trực HĐBA LHQ và Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực trong Tuần lễ cấp cao. Trong thông điệp gửi tới Phiên thảo luận chung, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Hiến chương LHQ và những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế cần phải được đề cao và thúc đẩy như những chuẩn mực hành xử của cả các nước lớn và nhỏ trong quan hệ quốc tế đương đại; các cơ chế đa phương toàn cầu và khu vực cần được tôn trọng và phát huy. Thông điệp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng thể hiện rõ sự sẵn sàng và tinh thần chủ động của Việt Nam phối hợp cùng cộng đồng quốc tế vượt qua những thách thức chung.

Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lần đầu tiên tham gia gửi thông điệp đến ĐHĐ LHQ, thể hiện thông điệp ở cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước ta về chủ trương, đường lối đối ngoại của Việt Nam, đã cho thấy đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước ta đề cao vai trò của LHQ và chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy tôn trọng Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, quan hệ bình đẳng, hợp tác phát triển giữa các quốc gia. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã gửi thông điệp.

Những thông điệp mà các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam gửi tới ĐHĐ LHQ khóa 75 một lần nữa cho thấy dấu ấn Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế. Việt Nam không chỉ thể hiện đường lối đối ngoại hòa bình và độc lập với cộng đồng quốc tế, mà còn tiếp tục khẳng định vai trò xây dựng và trách nhiệm tại LHQ.

2. Việt Nam kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm vận đơn phương của Mỹ đối với Cuba

Theo thống kê của Chính phủ Cuba, hơn 3 năm qua, Mỹ đã ban hành và áp dụng tổng cộng 191 biện pháp nhằm thắt chặt bao vây cấm vận kinh tế - tài chính - thương mại chống Cuba. Đáng chú ý, trong giai đoạn từ tháng 4/2019 tới tháng 3/2020, chính sách bao vây, cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính của Mỹ đã gây thiệt hại hơn 160 triệu USD cho ngành y tế của Cuba. Cuba gặp nhiều khó khăn trong việc mua sắm dược phẩm và thiết bị, máy móc y tế khi không tiếp cận được thị trường Mỹ gần gũi về mặt địa lý, cũng như bị hạn chế giao dịch ngân hàng và vận tải đường biển.

Ngoài ra, Mỹ đã mở chiến dịch “săn lùng” và trừng phạt các hãng vận tải biển chuyên chở dầu thô từ Venezuela về Cuba, nhằm cắt đứt “mạch máu” kinh tế của Cuba khiến Cuba phải nhập khẩu khoảng 50% lượng xăng dầu tiêu thụ. Bên cạnh đó, hàng loạt các biện pháp chống phá của Mỹ: siết chặt cấm vận tài chính và gia tăng trừng phạt các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài có giao dịch ngân hàng với Cuba, kích động chống phá từ bên trong cho tới hạn chế hoạt động của các nhà ngoại giao Cuba tại Mỹ... cũng ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế của Cuba.

Đặc biệt, lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba chưa dừng lại khi ngày 23/9/2020, trong một sự kiện vận động tranh cử cho nhiệm kỳ mới, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục công bố các biện pháp trừng phạt mới liên quan tới Cuba. Trong phát biểu tại sự kiện ở Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump cho biết: “Tôi thông báo rằng Bộ Tài chính sẽ cấm việc nhập khẩu, kể cả với mục đích phi thương mại, các loại rượu và xì-gà từ Cuba, cũng như cấm công dân Mỹ khi thăm Cuba lưu trú tại các khách sạn hoặc cơ sở thuộc sở hữu của Chính phủ, quan chức Nhà nước hay Đảng Cộng sản Cuba, cũng như những họ hàng gần của các quan chức này”.

Trước tuyên bố của Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel Bermúdez đã lên án các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Cuba. Trong tuyên bố đăng tải trên tài khoản Twitter cá nhân, Chủ tịch Cuba khẳng định lại điều ông đã nói trong bài phát biểu 01 ngày trước đó tại Đại hội đồng Liên Hợp quốc rằng, các biện pháp thù địch này đã và đang vi phạm những quyền lợi chính đáng của người dân Cuba cũng như công dân Mỹ. Chủ tịch Cuba cũng nhấn mạnh “chính sách tàn bạo và phi pháp này sẽ bị nhân dân Cuba đánh bại và Cuba sẽ không bao giờ từ bỏ chủ quyền của mình”.

Liên quan đến Lệnh cấm vận đơn phương của Mỹ đối với Cuba, trong khuôn khổ Phiên thảo luận chung cấp cao khóa 75 Đại hội đồng Liên Hợp quốc diễn ra từ ngày 21/9 - 02/10/2020 tại New York, Mỹ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có thông điệp: Chúng ta cần quyết tâm và kiên trì thực hiện hợp tác, hữu nghị thay cho xung đột và thù địch, đối thoại thay cho đối đầu, giải quyết hòa bình các tranh chấp thay cho hành động đơn phương, áp đặt. Trên tinh thần đó, Việt Nam kêu gọi dỡ bỏ các biện pháp cấm vận đơn phương ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội đất nước và đời sống của người dân ở các quốc gia, trong đó có các biện pháp đang áp đặt đối với Cuba./.

                                            Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp