Xuất bản thông tin

null Những tư liệu về đồng chí Phạm Hữu Lầu hiện đang lưu trữ tại Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp

Trang chủ Lịch sử

Những tư liệu về đồng chí Phạm Hữu Lầu hiện đang lưu trữ tại Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp

Đồng chí Phạm Hữu Lầu là người con ưu tú của quê hương Đồng Tháp. Cuộc đời cách mạng của đồng chí Phạm Hữu Lầu vô cùng sôi nổi và phong phú: từ một người thanh niên yêu nước, đồng chí đã tìm đến và tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, “Đường Kách mệnh” của Bác Hồ, rồi gia nhập Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội, tham gia An Nam Cộng sản Đảng và trở thành chiến sĩ cộng sản đầu tiên của tỉnh Sa Đéc (Đồng Tháp), sau đó trở thành 01 trong 07 Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng Cộng sản Việt Nam; từng tham gia lãnh đạo các cuộc biểu tình chống sưu cao, thuế nặng ở Cao Lãnh, Sa Đéc, Chợ Mới góp phần tạo khí thế cách mạng rầm rộ khắp Miền Nam; từng nếm trải sự khắc nghiệt, tàn bạo hơn 11 năm trong nhà tù thực dân Pháp nhưng vẫn giữ vững khí tiết kiên trung và tinh thần lạc quan cách mạng. Đồng chí đã có nhiều đóng góp to lớn cho Đảng, cho cách mạng trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc (1930 - 1945); giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của Đảng ở các tỉnh Sa Đéc, Mỹ Tho và Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ, Sở Công an Nam Bộ trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954); Phó Bí thư rồi Bí thư Xứ ủy Nam Bộ trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1959).

Công lao đóng góp của đồng chí đối với tỉnh Đồng Tháp, với cách mạng miền Nam và Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, tư liệu về đồng chí Phạm Hữu Lầu hiện đang lưu trữ ở tỉnh Đồng Tháp nói chung và tại Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp nói riêng là rất khiêm tốn. Có thể hệ thống các tư liệu về đồng chí Phạm Hữu Lầu như sau:

1. Tư liệu là bản tiểu sử viết tay của đồng chí Phạm Hữu Lầu và sơ yếu lý lịch viết tay của bà Lê Thị Uông - vợ đồng chí Phạm Hữu Lầu

 - Tiểu sử viết tay của đồng chí Phạm Hữu Lầu, tiểu sử được đồng chí Phạm Hữu Lầu viết vào cuối tháng 2/1954 trong dịp đi dự Hội nghị Liên hoan Liên Việt Nam Bộ, dài 29 trang. Đây là tư liệu rất quý, được đồng chí Phạm Hữu Lầu ghi chép tỉ mỉ, rõ ràng, đầy đủ về lý lịch gia đình, tiểu sử bản thân từ thời niên thiếu đến quá trình tham gia cách mạng của mình tới thời điểm tháng 2/1954. Trong đó, có nêu rõ các vị trí, nhiệm vụ từng kinh qua, đồng thời nói rõ những ưu điểm và khuyết điểm của bản thân trong mỗi giai đoạn hoạt động cách mạng.

- Sơ yếu lý lịch viết tay của bà Lê Thị Uông - vợ đồng chí Phạm Hữu Lầu, được bà khai vào ngày 25/10/1973. Trong bản sơ yếu lý lịch này, bà Lê Thị Uông có khai rõ chồng là Phạm Hữu Lầu và tóm tắt quá trình tham gia cách mạng của chồng mình.

2. Tư liệu là sách, tạp chí, kỷ yếu

- Thứ nhất, trong sách Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Đồng Tháp, tập I (1927 - 1945) (Sơ thảo), xuất bản năm 1982; Lịch sử Đảng bộ Tỉnh Đồng Tháp, tập II (1945 - 1954) (Sơ thảo), xuất bản năm 2005 và Lịch sử Đảng bộ Tỉnh Đồng Tháp tập I (1927 - 1954) (tái bản lần thứ nhất, có chỉnh sửa bổ sung), xuất bản năm 2020, có đề cập đến đồng chí Phạm Hữu Lầu từ năm 1926, khi đồng chí cùng một số người bạn tham gia tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh ở chợ Cao Lãnh. Sau đó, đồng chí được kết nạp vào tổ chức Việt Nam Cách mạng Thanh niên, được bầu làm tổ trưởng (tháng 9/1928), đến tháng 10/1929 được kết nạp vào An Nam Cộng sản Đảng và được đề cử vào Ban Chấp hành lâm thời Trung ương An Nam Cộng sản Đảng; sau đó, được rút lên Sài Gòn và chỉ định đi “vô sản hoá” ở đề pô xe lửa Dĩ An. Trung tuần tháng 02/1930, đồng chí được đề cử vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 10/1945 đến tháng 6/1946 đồng chí làm Bí thư Tỉnh uỷ Sa Đéc. Từ tháng 6/1946, đồng chí làm Phó Bí thư, kiêm Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Sa Đéc, đến cuối năm 1949, đồng chí được rút lên Khu uỷ Khu 8. Tuy nhiên, những tư liệu này không phải được đề cập liền mạch mà được trình bày rải rác theo tiến trình của lịch sử Đảng bộ tỉnh.

- Thứ hai, trong sách Đồng Tháp Nhân vật chí xuất bản năm 2005 và sách Đồng Tháp Nhân vật chí (tái bản lần thứ nhất), xuất bản năm 2015, tư liệu về đồng chí Phạm Hữu Lầu được trình bày có hệ thống ở thể loại tóm tắt tiểu sử nhân vật từ thời niên thiếu đến quá trình giác ngộ và tham gia cách mạng đến khi từ trần. Tuy nhiên, đó là những tư liệu rất khái quát, chỉ làm rõ được quá trình hoạt động cách mạng còn những đóng góp của đồng chí cho cách mạng Việt Nam ít được đề cập.

- Thứ ba, trong sách Hồi ký Xứ uỷ Nam Bộ với Chiến khu Đồng Tháp Mười huyền thoại (1946 - 1949), xuất bản năm 2011, trong bài viết “Anh Ba Lê Duẩn và anh Tư Phạm Hữu Lầu - Hai vị Bí thư Xứ uỷ xuất sắc của Việt Nam” của tác giả Nguyễn Văn Hoành, nguyên cán bộ cận vệ của đồng chí Lê Duẩn - Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ, Bí thư Trung ương Cục miền Nam đã hệ thống những tư liệu quý về đồng chí Phạm Hữu Lầu, trong đó làm rõ mối quan hệ công tác và tình cảm khăng khít giữa đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Phạm Hữu Lầu, làm rõ thời gian hoạt động cách mạng của đồng chí Phạm Hữu Lầu trên đất bạn Campuchia, nhất là những đóng góp của đồng chí Phạm Hữu Lầu trên cương vị Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ (1957 - 1959) thay cho đồng chí Lê Duẩn được Bác Hồ gọi ra Hà Nội công tác.

- Thứ tư, trong sách Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, tập II (1954 - 1975), xuất bản năm 2010, tư liệu về đồng chí Phạm Hữu Lầu được đề cập rất ngắn gọn: “Sau khi Lê Duẩn ra Bắc (cuối tháng 4 - đầu tháng 5-1957), Phạm Hữu Lầu thay làm Quyền Bí thư Xứ uỷ”[1].

- Thứ năm, trong sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tiền Giang, tập I (1927 - 1954), tư liệu về đồng chí Phạm Hữu Lầu cũng được đề cập rất ngắn gọn: “Thực hiện chủ trương của Trung ương Cục miền Nam, các tỉnh: Mỹ Tho, Gò Công, Tân An được sáp nhập lại thành tỉnh Mỹ Tho (thường gọi là Mỹ Tân Gò), thuộc Phân liên khu miền Đông, do đồng chí Phạm Hữu Lầu làm Bí thư Tỉnh uỷ”[2]; “Tháng 4-1952, đồng chí Phạm Hữu Lầu được bổ nhiệm làm Uỷ viên Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, đồng chí Nguyễn Văn Mùi (bí danh là Nguyễn Minh Đường) được chỉ định làm Bí thư Tỉnh uỷ Mỹ Tho”[3].

- Thứ sáu, trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học về đồng chí Phạm Hữu Lầu (1906 - 1959) ngày 29/01/2010, tư liệu về đồng chí Phạm Hữu Lầu rất phong phú, đa dạng, có giá trị lịch sử và khoa học. Ngoài Lời giới thiệu, Phát biểu khai mạc Hội thảo, Báo cáo đề dẫn và Kết luận Hội thảo, quyển Kỷ yếu bao gồm 36 bài viết của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, trong đó tập trung làm rõ về quê hương, gia đình của đồng chí Phạm Hữu Lầu và quá trình tham gia hoạt động cách mạng của đồng chí Phạm Hữu Lầu, nhất là làm rõ những đóng góp của đồng chí Phạm Hữu Lầu trên các cương vị: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Tỉnh uỷ các tỉnh Sa Đéc, Mỹ Tho, Uỷ viên Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ phụ trách Công an và Thương binh, Phó Bí thư rồi Bí thư Xứ ủy Nam Bộ…

 - Thứ bảy, tư liệu về đồng chí Phạm Hữu Lầu đăng trên báo, tạp chí:

+ Bài viết: Nhân vật Phạm Hữu Lầu của tác giả Trần Trọng Thơ đăng trên Tạp chí xưa và nay, số 346 (12/2009). Bài viết tập trung làm rõ những đóng góp của đồng chí Phạm Hữu Lầu trên cương vị Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1930), trong đó có đóng góp quan trọng trong việc hình thành củng cố và phát triển hệ thống tổ chức Đảng, nhất là việc xây dựng cơ quan đầu não đầu tiên của Đảng ta.

+ Bài viết: Góp thêm một ít tài liệu về công cuộc hợp nhất các tổ chức cộng sản đầu tiên ở Việt Nam, Công cuộc hợp nhất các tổ chức cộng sản ở trong nước sau Hội nghị Hương Cảng và việc tổ chức Ban Trung ương lâm thời đầu tiên của tác giả Nguyễn Nghĩa, đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 62, tr.54-59. Bài viết tập trung làm rõ 4 vấn đề: thứ nhất, Công cuộc hợp nhất ở Nam Kỳ; thứ hai, Tình hình các tổ chức cộng sản ở Nam Kỳ và kế hoạch tiến hành hợp nhất các tổ chức ấy; thứ ba, Công việc lựa chọn người để đề cử vào Ban Trung ương lâm thời; thứ tư, Tình hình các tổ chức cộng sản ở Trung Kỳ và công cuộc hợp nhất ở đây. Trong vấn đề thứ ba: công việc lựa chọn người để đề cử vào Ban Trung ương lâm thời, bài viết đề cập đến việc đồng chí Phạm Hữu Lầu được Trung ương lựa chọn vào Ban Trung ương lâm thời theo đúng tiêu chuẩn đã quy định và việc đồng chí Phạm Hữu Lầu được học tập quán triệt các nghị quyết, văn kiện của hội nghị hợp nhất và tư liệu của Đại hội lần thứ VI của Quốc tế Cộng sản xuất bản bằng tiếng Pháp.

+ Bài viết: Góp thêm một ít tài liệu về Tổ chức và phát động phong trào đấu tranh ở Nam Kỳ sau khi Đảng ta vừa mới thống nhất ra đời của tác giả Nghĩa, đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, tháng 7/1964. Bài viết tập trung làm rõ 4 vấn đề: thứ nhất, Chuẩn bị bước vào cuộc đấu tranh; thứ hai, Bước vào cuộc đấu tranh; thứ ba, Đấu tranh thắng lợi; thứ tư, Độc quyền lãnh đạo là độc quyền hy sinh. Trong vấn đề thứ hai (Bước vào cuộc đấu tranh) và vấn đề thứ ba (Đấu tranh thắng lợi), bài viết đề cập đến việc đồng chí Phạm Hữu Lầu được Lâm thời chấp uỷ phân công về nắm tình hình ở Cao Lãnh. Đầu tháng 4/1930, Phạm Hữu Lầu với cương vị Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời về gặp Nguyễn Văn Tây (Hải) - Bí thư Chi bộ đặc biệt Cao Lãnh để truyền đạt đường lối, chủ trương và kinh nghiệm vận động quần chúng của Đảng. Đồng chí Phạm Hữu Lầu và Chi bộ Cao Lãnh quyết định tổ chức đấu tranh thí điểm tại làng Bình Thành (lúc ấy thuộc hệ thống tổ chức và lãnh đạo của Chi bộ đặc biệt Cao Lãnh) vào ngày 01/5/1930 để rút kinh nghiệm tổ chức đấu tranh quy mô lớn hơn ngay tại quận lỵ Cao Lãnh vào ngày 03/5/1930, cả hai cuộc đấu tranh này đều giành thắng lợi.

+ Bài viết: Đồng chí Phạm Hữu Lầu người tiêu biểu cho chủ nghĩa nhân đạo cộng sản của tác giả Đào Duy Kỳ, đăng trên báo Thống Nhất, số 217 (28/7/1962). Bài viết đã khái quát quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Phạm Hữu Lầu và nhấn mạnh hình ảnh và tinh thần của đồng chí Phạm Hữu Lầu “có những nét rất đậm đà của chủ nghĩa nhân đạo cộng sản”.

3. Tư liệu là Biên bản hỏi cung Phạm Hữu Lầu (bản photo)

Có 2 Biên bản hỏi cung Phạm Hữu Lầu: một Biên bản do Hội đồng đề hình Hà Nội họp ở Nhà tù Hoả Lò hỏi cung ngày 30/7/1930; một Biên bản do Viện cẩm mật thám Rernèr Jean Bapfiste tiến hành theo lệnh Biện lý ở Hải Phòng hỏi cung vào lúc 8 giờ ngày 11/12/1930.

- Theo Biên bản do Hội đồng đề hình Hà Nội họp ở Nhà tù Hoả Lò hỏi cung ngày 30/7/1930 đã buộc tội đồng chí là “từ gần mười năm nay, tham gia một cuộc âm mưu nhằm phá hoại và thay đổi chính phủ Đông Dương và kích động các công dân hoặc là dân thường vũ trang chống lại các nhà cầm quyền, sau cuộc âm mưu đã tiến hành những hành động chuẩn bị thực hiện”. Chúng buộc tội đồng chí theo các điều khoản 87, 88, 89 của Luật hình đã được sửa đổi theo sắc lệnh ngày 31/12/1912. Đồng chí Phạm Hữu Lầu đã phủ nhận toàn bộ các cáo buộc của địch.

- Theo Biên bản do Viện cẩm mật thám Rernèr Jean Bapfiste tiến hành theo lệnh Biện lý ở Hải Phòng hỏi cung vào lúc 8 giờ ngày 11/12/1930, tại cuộc thẩm vấn này, trả lời câu hỏi của mật thám Pháp rằng có tham gia Việt Nam Cộng sản Đảng không? đồng chí thừa nhận tham gia Đảng cộng sản từ tháng Giêng năm 1930, mục tiêu của Đảng là “làm cách mạng và đánh đuổi người Pháp khỏi Đông Dương”, được cử ra Bắc để thành lập Trung ương, đến Hải Phòng thì bị bắt. Trước những tra hỏi của chúng về tổ chức và nhân sự của Đảng, đồng chí chỉ đưa ra một số tên người mà trong biên bản hỏi cung, mật thám Pháp ghi là “nói không đúng sự thật”.

Những bản cung dẫn ra trên đây chắc chắn không phản ánh được những trận đòn và những thủ đoạn tra tấn dã man của mật thám Pháp đối với đồng chí Phạm Hữu Lầu, nhưng phần nào cho chúng ta biết được khí tiết kiên trung của đồng chí trước kẻ thù để bảo vệ Đảng, bảo vệ tổ chức khi sa vào tay địch.

4. Tư liệu là những bản tự thuật, hồi ký cách mạng của các đồng chí lão thành cách mạng biết về đồng chí Phạm Hữu Lầu

- Tự thuật của đồng chí Võ Văn Phát (Võ Phát), nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Sa Đéc (1949 - 1950) và Bí thư Tỉnh uỷ Long Châu Sa (11/1952 - 12/1952) về tình hình và sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ trong cuộc kháng chiến chống Pháp từ năm 1945 - 1954 ở tỉnh Sa Đéc - Long Châu Sa. Bản tự thuật này được đồng chí Võ Văn Phát viết vào ngày 22/6/1983. Trong bản tự thuật có đề cập đến đồng chí Phạm Hữu Lầu khi đang giữ chức vụ Bí thư Tỉnh uỷ Sa Đéc. Năm 1946, đồng chí Võ Văn Phát cùng đồng chí Hoàng Quốc Việt từ miền Đông trở về Sa Đéc, lúc này Pháp đã tái chiếm Sa Đéc, đồng chí Phạm Hữu Lầu cùng cơ quan Tỉnh uỷ rút về xã Mỹ An Hưng (huyện Lấp Vò), sau đó tổ chức hội nghị Tỉnh uỷ mở rộng và quyết định rút về U Minh, vì đồng chí Võ Văn Phát chưa bị lộ nên xin ở lại hoạt động và móc nối cơ sở. Khi đồng chí Phạm Hữu Lầu từ U Minh trở về xã Hoà An (Cao Lãnh) cho người liên lạc với đồng chí Võ Văn Phát và thành lập lại Tỉnh uỷ do đồng chí Trần Thị Nhượng (Sáu Ngài) làm Bí thư, đồng chí Phạm Hữu Lầu làm Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Sa Đéc. Đến năm 1949, Hội nghị Tỉnh uỷ bầu lại Ban Chấp hành Tỉnh uỷ, đồng chí Võ Văn Phát làm Bí thư, Phạm Hữu Lầu làm Phó Bí thư.

- Tự thuật của đồng chí Nguyễn Văn Tây (Tư Hải), nguyên Bí thư Chi bộ đặc biệt Cao Lãnh về cuộc biểu tình ngày 03/5/1930 tại Cao Lãnh. Bản tự thuật này được đồng chí Nguyễn Văn Tây viết vào ngày 25/01/1980. Trong bản tự thuật có đề cập đến đồng chí Phạm Hữu Lầu, cụ thể: “Khoảng giữa tháng 4/1930, đồng chí Phạm Hữu Lầu về truyền đạt chỉ thị kỷ niệm này Quốc tế Lao động của đồng chí Lý Thuỵ (tức Hồ Chủ tịch) lúc bấy giờ là Bí thư xứ Đông Phương bộ Quốc tế Cộng sản, cho biết Trung ương và Xứ uỷ Nam Kỳ nhận thấy vùng Cao Lãnh đã có được cơ sở quần chúng rộng lớn và vững chắc hơn nhiều nơi nên quyết định tổ chức một cuộc biểu tình thắng lợi tại đây để vừa kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động, vừa đấu tranh đòi cho được một quyền lợi thiết thực dù nhỏ cho nhân dân để lấy thắng lợi ấy làm cơ sở phát động phong trào quần chúng đoàn kết đấu tranh chống thực dân Pháp và tay sai…”. Bản tự thuật còn nhấn mạnh cuộc biểu tình ngày 03/5/1930 giành thắng lợi trong đó có sự giúp đỡ của đồng chí Phạm Hữu Lầu.

- Hồi ký của đồng chí Lưu Kim Phong - là một trong 4 thanh niên của tỉnh Sa Đéc đi dự lớp huấn luyện do Tổng bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội (hay còn gọi là Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên) mở tại Quảng Châu (Trung Quốc) và được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên (07/11/1927). Trong Hồi ký có đề cập đến đồng chí Phạm Hữu Lầu, đồng chí Lưu Kim Phong,  Trần Văn Mảng và Phạm Hữu Lầu là 3 người bạn rất thân, được mọi người thời đó gọi là bộ ba Mảng - Phong - Lầu. Năm 1926, tại Cao Lãnh, khi chợ vừa được nhóm họp, bộ ba Mảng - Phong - Lầu cùng Nguyễn Như Ý đứng ra vận động và tổ chức Lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh. Ngay trước nhà lồng chợ, ban tổ chức Lễ truy điệu treo một tấm lỵ đen ghi dòng chữ: “Anh hùng tử khí hùng bất tử” (nghĩa là: người anh hùng chết nhưng chí khí của người anh hùng không chết). Các đồng chí đã chuẩn bị 500 chiếc băng tang, nhưng số người tham gia buổi Lễ lên đến gần một ngàn người nên không đủ băng tang để phát, sau đó là Lễ Thọ tang và mít-tinh ký kiến nghị đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu. Cuộc mít tinh có tiếng vang lớn, từ đó phong trào cách mạng ở Cao Lãnh lên rất cao.

Đầu tháng 12/1927, sau khi dự lớp huấn luyện tại Quảng Châu (Trung Quốc), đồng chí Lưu Kim Phong trở về Sa Đéc hoạt động. Về tới Cao Lãnh đồng chí gặp lại Phạm Hữu Lầu, Trần Văn Mảng và Nguyễn Như Ý, sau đó sinh hoạt tư tưởng, chính trị cho Phạm Hữu Lầu, Trần Văn Mảng và Nguyễn Như Ý cùng 4 người khác và thành lập Tổ Thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở Hoà An (Cao Lãnh) gồm 7 người, do đồng chí Phạm Hữu Lầu làm Tổ trưởng.

5. Tư liệu là những bài viết khác

- Thứ nhất, tư liệu “Hoa đầu mùa” do Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh uỷ Đồng Tháp biên soạn năm 1981. Tư liệu được đánh máy gồm 7 trang khổ A4. Nội dung tư liệu ghi lại quá trình từ một người yêu nước, Phạm Hữu Lầu đến với cách mạng và trở thành người đảng viên đầu tiên của tỉnh Sa Đéc (Đồng Tháp) - cũng là “Hoa đầu mùa của Tỉnh”. Tư liệu còn đi sâu làm rõ quá trình tham gia cách mạng của đồng chí Phạm Hữu Lầu từ khi trở thành người đảng viên cộng sản đầu tiên của Tỉnh đến khi trút hơi thở cuối cùng vào ngày 16/12/1959.

- Thứ hai, tư liệu là “Đề cương chi tiết Cuộc đời và hoạt động của đồng chí Phạm Hữu Lầu” (viết tay), được Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh uỷ Đồng Tháp viết từ ngày 20/10 đến ngày 08/11/1979. Nội dung của đề cương gồm 7 trang, được viết khá chi tiết về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Phạm Hữu Lầu, cụ thể được bố cục thành 5 phần:

+ Phần 1- Quan hệ gia đình và địa phương.

+ Phần 2- Lớn lên trong gia đình và xã hội, hoạt động trong phong trào yêu nước địa phương, gặp cách mạng tham gia và hoạt động cách mạng.

+ Phần 3- Đấu tranh với giặc và hoạt động cách mạng ở trong tù.

+ Phần 4- Với các nhiệm vụ: Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ nhiệm Việt Minh, Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Tỉnh, Ban Kiểm tra Khu 8 và đại diện của Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ; Bí thư Tỉnh uỷ Mỹ Tho kiêm Uỷ viên kháng chiến Hành chính Phân liên khu miền Đông phụ trách Đồng Tháp Mười; Uỷ viên Kháng chiến Hành chính Nam Bộ phụ trách Thương binh và Công an.

+ Phần 5- Quan hệ tình cảm với gia đình, quần chúng, đồng chí.

- Thứ ba, tư liệu là bài viết “Người cộng sản ưu tú, người đảng viên mẫu mực - đồng chí Phạm Hữu Lầu” do Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh uỷ Đồng Tháp biên soạn và tư liệu là “Tiểu sử đồng chí Phạm Hữu Lầu” đọc trong Lễ cải táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đồng Tháp, năm 1985. Hai tư liệu này tập trung làm rõ quá trình tham gia hoạt động cách mạng của đồng chí Phạm Hữu Lầu từ thời niên thiếu đến năm 1954 và thời gian đồng chí từ trần (16/12/1959), còn giai đoạn hoạt động cách mạng của đồng chí Phạm Hữu Lầu từ 1954 đến 1959 không được thể hiện trong 2 tư liệu này.

Qua việc hệ thống các tư liệu về đồng chí Phạm Hữu Lầu mà hiện nay Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp đang lưu trữ, có thể thấy nguồn tư liệu trên là rất khiêm tốt, nhất là khuyết tư liệu về hoạt động của đồng chí Phạm Hữu Lầu trong thời gian 02 lần bị giam cầm trong nhà tù đế quốc (hơn 11 năm) và tư liệu nói về những công lao đóng góp của đồng chí Pham Hữu Lầu trong khoảng thời gian làm Bí thư Tỉnh uỷ (10/1945 - 6/1946), Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Sa Đéc (6/1946 - cuối năm 1949), Phó Bí thư rồi Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ (1954 - 1959), đặc biệt là tư liệu về hoạt động của đồng chí Phạm Hữu Lầu trong những năm tháng cuối đời bên đất bạn Campuchia.

Tạ Quang Trung

 

[1] Hội đồng Chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến (2010), Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, tập II (1954 - 1975), Nxb Chính trị quốc gia, HN, tr.127.

[2] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tiền Giang (2010), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tiền Giang, tập I (1927 - 1954), Nxb Chính trị quốc gia, HN, tr.307.

[3] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tiền Giang (2010), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tiền Giang, tập I (1927 - 1954), Nxb Chính trị quốc gia, HN, tr.321.