Xuất bản thông tin

null Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 9 năm 2020

Trang chủ Tài liệu sinh hoạt chi bộ

Bản tin sinh hoạt chi bộ tháng 9 năm 2020

PHẦN A: SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

Tóm tắt bài viết Câu chuyện thái độ” của tác giả Xích Lô.

Làm lãnh đạo, công việc hàng ngày thường phải đọc các báo cáo của các tổ chức, ngành, địa phương trong hệ thống chính trị. Khi nhận được những tín hiệu tích cực thì rất vui và càng vui hơn khi cảm nhận được phía sau mỗi con số, kết quả, mỗi thành tích đạt được là công sức đóng góp của bao con người trong bộ máy. Càng vui hơn khi cảm nhận được sự chuyển động về mặt tư duy, ý thức, thái độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh nhà, đặc biệt là những người không xuất hiện trên các diễn đàn, hội nghị, họp hội....

Các con số định lượng trong thành tích chắc chắn không thể minh chứng đầy đủ giá trị ẩn bên trong một đội ngũ luôn biết trăn trở về nhiệm vụ của mình. Có ngồi hàn huyên với anh em, có đọc những bức thư điện tử chia sẻ của anh em, có xem những dòng tin nhắn của anh em, mới thấy tự hào với sự trưởng thành của từng người trong bộ máy. Sự trưởng thành đó không hẳn là được "thăng quan, tiến chức", được quy hoạch, mà là tinh thần trách nhiệm, niềm đam mê với công việc, những trăn trở về những việc đáng lẽ phải làm nhưng vì lý này, nguyên nhân nọ chưa làm được. Đúng là có nhiều việc chưa làm được ngay, hoặc đã làm nhưng kết quả còn ở phía trước, song, một khi biết trăn trở là đã thấy trách nhiệm, thậm chí là bổn phận của mình với tổ chức, với sự phát triển của quê hương, xứ sở rồi!

Nhìn hoa sen rực hồng sáng sớm trên phố, nhiều người dừng lại chụp hình rồi chia sẻ cảm xúc với người khác. Nhận được thông tin tích cực khi tỉnh nhà được xếp hạng cao các chỉ số cấp quốc gia, các sáng kiến địa phương được đánh giá cao, nhiều người chúc mừng với niềm tin quê mình đã không còn "khuất nẻo". Khi sự kiện tầm quốc gia được tổ chức trên quê hương, cảm nhận nhiều người vui hơn, phấn chấn hơn, tự hào hơn. Mỗi khi có học sinh, sinh viên, vận động viên, nghệ sĩ đạt thành tích cao trong các cuộc thi, nhiều người cảm thấy có niềm tin về con người Đồng Tháp đã sánh vai cùng các địa phương khác. Cụm từ "Đất Sen hồng" đã trở thành thương hiệu chung cho người Đồng Tháp quê mình. Một nhà đầu tư phát biểu: "Tôi cảm nhận được sự năng động, đồng hành, hỗ trợ tận tình của chính quyền địa phương không chỉ đến từ lãnh đạo Tỉnh, mà còn ở mỗi cán bộ, công chức phụ trách, xử lý, theo dõi hồ sơ mà tôi có dịp tiếp xúc, làm việc".

Nhưng vui hơn khi cảm nhận nhiều người biết lo lắng, biết đau đáu về công việc của mình. Vậy là nhiều người thẩm thấu được hai chữ trách nhiệm và bổn phận rồi. Trong đại dịch vừa rồi mới thấy trân quý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thấy nhiều người bị lây nhiễm là lo, là thương. Thấy lực lượng chức năng cực khổ phòng, chống dịch là lo, là thương. Thấy bà con lao đao vì nguồn mưu sinh bị mất là lo, là thương. Thấy người lao động bị mất việc lại lo, lại thương. Có cán bộ xúc động khi thấy dòng người chen chúc kê khai nhận trợ cấp thất nghiệp. Có cán bộ thấy nhiều nhà máy, phân xưởng bị ngưng hoạt động lại lo cho sự bền vững của doanh nghiệp, cho sự phát triển của tỉnh nhà. Có cán bộ thấy hành động phản cảm trong cách ứng xử với nhau đã nặng lòng cho hình ảnh địa phương đang được dày công tạo dựng. Có cán bộ hội quần chúng thấy học sinh nghèo có ý chí vượt khó học giỏi là tìm đến hỗ trợ kịp thời.

Có phải chăng đó là "Một người biết lo bằng cả kho người làm"? Đúng rồi, một khi không biết lo lắng, không biết trăn trở, không biết nặng lòng thì sẽ không có động lực làm việc. Đó chính là thái độ của mỗi người đối với công việc của mình, và nói rộng ra, là thái độ với cuộc sống. Khi thấy mọi chuyện xảy ra chung quanh là "của ai đó" chứ không phải "của mình" thì đó là rào cản trên con đường phát triển của mảnh đất này. Có người làm chỉ vì ai đó giao việc, chứ không phải xuất phát từ nỗi lo cho quê hương, xứ sở, chưa thấy đó là việc phải làm, cần làm, nên làm. Khi ấy, sẽ làm một cách thụ động, miễn cưỡng, thậm chí là đối phó. Khi ấy, là làm cho xong, làm cho rồi, chứ không suy nghĩ làm cách nào cho việc tốt hơn, mới hơn, ít tốn kém hơn, mà vẫn hiệu quả hơn.

Tất nhiên, không chỉ biết lo thôi mà mọi việc sẽ trôi chảy, nhưng phải khởi đầu là biết lo, lo cho ngành mình, đơn vị mình, tổ chức mình, địa phương mình tụt hậu, lo cho quê hương mình đang ở "vùng trũng". Lo để bắt đầu lập kế hoạch hành động, cùng bắt tay nhau hành động với tâm thế "Điều gì người khác làm được thì vì sao mình không làm được"? Điều gì cản trở con tim, khối óc của mình. "Khó cho ta thì cũng khó cho người" mà! Ai cũng như ai, chỉ khác nhau ở thái độ, khát vọng, ý chí mà thôi!!!

Ngạn ngữ có câu: "Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường"! "Đường đi khó không vì ngăn sông cách núi, mà vì lòng người ngại núi e sông"! "Sự phát triển của một địa phương bắt đầu từ thái độ sống, thái độ làm việc của mỗi công dân - Tất cả bắt đầu ở thái độ của mỗi người dân đất Sen hồng!

Phần B: THÔNG TIN THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

I- TIN TRONG TỈNH

1. Tổ chức Ngày hội khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vào tháng 10/2020

Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch số 197/KH-UBND ngày 20/8/2020 Tổ chức Ngày hội khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Tháp năm 2020. Hoạt động nhằm chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, tạo lập và phát triển văn hóa khởi nghiệp trong cộng đồng, diễn ra tại Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu thiếu nhi tỉnh Đồng Tháp. Các hoạt động của Ngày hội gồm: Tổ chung Vòng chung kết Cuộc thi “Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Tháp năm 2020”; Hội thảo, tọa đàm kết nối, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; tổ chức không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm; tổng kết Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Đồng Tháp lần thứ 13 và phát động cuộc thi lần thứ 14; tổ chức lễ khai mạc và bế mạc “Ngày hội khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Tháp năm 2020”.

2. Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chuỗi liên kết ngành hàng

Ngày 25/8/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 200/KH-UBND phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chuỗi liên kết ngành hàng chủ lực, đặc thù giai đoạn 2021 - 2025. Với mục tiêu nhằm hoàn thiện và phát triển chuỗi liên kết ngành hàng chủ lực của tỉnh một cách hiệu quả, bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của ngành hàng chủ lực; mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa và thị trường xuất khẩu; gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống Nhân dân, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.  Kế hoạch để ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025, xây dựng ít nhất 03 chuỗi liên kết cho ngành hàng chủ lực theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh; hỗ trợ 100% ngành hàng chủ lực và nông sản đặc thù của tỉnh, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc; 100% các nông sản đặc thù có văn bằng bảo hộ nhãn hiệu được hỗ trợ tư vấn phát triển bao bì, nhãn hiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường... Bên cạnh đó, phấn đấu có ít nhất 10 hợp tác xã, tổ hợp tác được tư vấn và cung cấp các giải pháp về cơ giới hóa, giảm thất thoát sau thu hoạch, có liên kết, hợp tác với doanh nghiệp, cung ứng vất tư, kỹ thuật đầu vào; hỗ trợ công tác quản lý và phát triển nhãn hiệu cho ít nhất 10 nhãn hiệu chứng nhận, ít nhất 05 sản phẩm đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ra nước ngoài.

II- TIN TRONG NƯỚC

1. Tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong giai đoạn mới

Sau hơn 3 tháng không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, ngày 25/7/2020, Việt Nam đã xác nhận có thêm một ca dương tính với COVID-19 trong cộng đồng tại Đà Nẵng và liên tiếp những ngày sau đó, xuất hiện thêm nhiều ca nhiễm mới tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hà Nam… Tính đến 8h sáng ngày 25/8/2020, Việt Nam có 1022 ca mắc COVID-19, 27 ca tử vong, trong đó, số ca điều trị khỏi là 588 ca.

Để góp phần tuyên truyền có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trước những diễn biến mới của dịch COVID-19, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, cần thống nhất nhận thức và hành động, quán triệt sâu sắc quan điểm “chống dịch như chống giặc”, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mọi người dân. Kiên định thực hiện các nguyên tắc phòng, chống dịch: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch đồng thời với việc làm tốt công tác điều trị, hạn chế thấp nhất người tử vong; phương châm “4 tại chỗ”, tuyệt đối không lơ là, chủ quan.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả công tác thông tin - truyền thông trong phòng, chống dịch COVID-19. Các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đẩy mạnh công tác thông tin một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời đến người dân về tình hình dịch bệnh và công tác ứng phó của các cơ quan chức năng nhằm ổn định tâm trạng, giảm thiểu sự hoang mang, lo lắng trong nhân dân để người dân yên tâm thực hiện các biện pháp chống dịch. Ngăn chặn, xử lý nghiêm những đối tượng đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong cộng đồng dân cư.

Thứ ba, tăng cường tuyên truyền cho người dân ở các tỉnh, thành phố đã từng đến Đà Nẵng trong thời gian vừa qua có ý thức chủ động khai báo y tế với chính quyền địa phương và tự giác thực hiện cách ly theo yêu cầu (cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà) để góp phần khống chế, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Mỗi người dân cần thực hiện các biện pháp y tế phòng, chống dịch theo hướng dẫn.

Thứ tư, tuyên truyền để người dân thực hiện nghiêm việc xuất, nhập cảnh trên các tuyến biên giới, nhất là tại các cửa khẩu; các cơ quan chức năng tăng cường việc kiểm tra, xử lý các trường hợp nhập cảnh trái phép. Các trường hợp người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam phải được áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch…

2. Kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020

-  Kết quả đạt được

Các chính sách, dự án thuộc Chương trình đã được các cấp, các ngành quan tâm tổ chức triển khai tốt, tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực của đời sống người nghèo, giúp hộ nghèo phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, tất cả 63 tỉnh trên cả nước đã ban hành các chính sách hỗ trợ đặc thù của địa phương (ngoài nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu) để hỗ trợ cho địa bàn nghèo, cho đối tượng hộ nghèo/cận nghèo/thoát nghèo và người khó khăn. Tỷ lệ giảm hộ nghèo luôn đạt vượt chỉ tiêu Chính phủ, Quốc hội giao, tính bền vững trong công tác giảm nghèo được cải thiện. Thu nhập bình quân hộ nghèo đến cuối năm 2018 tăng khoảng 1,4 lần so với cuối năm 2015, dự kiến đến cuối năm 2020 thu nhập hộ nghèo tăng 1,6 lần, vượt chỉ tiêu đề ra là 1,5 lần.

Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo đạt mục tiêu Quốc hội giao, nhưng chưa thực sự mang tính bền vững. Chênh lệch giàu - nghèo, chênh lệch về tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương một số nơi chưa được quan tâm thường xuyên, liên tục. Đội ngũ cán bộ cơ sở xã, phường, thị trấn không ổn định, thường xuyên thay đổi đã ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo điều hành trong thực hiện giảm nghèo ở địa phương cơ sở…

-  Một số giải pháp về công tác tuyên truyền trong thời gian tới

(1) Tập trung tuyên truyền về vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với việc triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác giảm nghèo, làm cho mọi người, mọi cấp, mọi ngành nhận thức đầy đủ về công tác này.

(2) Đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến các cấp, các ngành, các tầng lớp dân cư và người nghèo nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo bền vững.

(3) Tuyên truyền về các nhân tố điển hình trong việc tổ chức thực hiện tốt, có hiệu quả các dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chính sách giảm nghèo chung như tín dụng ưu đãi, dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ về giáo dục và đào tạo, hỗ trợ về y tế, hỗ trợ về nhà ở, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ người nghèo hưởng thụ văn hóa, thông tin và các chính sách an sinh xã hội khác...

(4) Tuyên truyền, vận động sự đóng góp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để tiếp tục hỗ trợ có hiệu quả cho hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm thoát nghèo bền vững, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản…

III- HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI, TIN THẾ GIỚI

1. Tình hình quan hệ Việt Nam - Trung Quốc thời gian gần đây

Những tháng đầu năm 2020, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc tuy có bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 và vấn đề Biển Đông nhưng về tổng thể vẫn duy trì xu thế phát triển ổn định. Về hợp tác thương mại: Trung Quốc là đối tác thương mại, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam sau Mỹ. Về hợp tác đầu tư: Năm 2019, FDI Trung Quốc vào Việt Nam tăng đột biến, có 683 dự án mới với tổng số vốn đăng ký mới 2,37 tỷ USD, đứng thứ 5/132 quốc gia và vùng lãnh thổ. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong 3 tháng đầu năm 2020 giảm cả số lượng và tổng vốn đăng ký dự án đầu tư vào Việt Nam. Về hợp tác du lịch: Trung Quốc nhiều năm dẫn đầu về lượng khách đến Việt Nam (chiếm 1/3). Do dịch COVID-19, trong tháng 3/2020, lượt khách Trung Quốc đến Việt Nam giảm 91,5% so với cùng kỳ năm 2019; 3 tháng đầu năm 2020 đạt 871.819 lượt, giảm 31,9%. Về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc Tình hình biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc cơ bản ổn định,được hai bên tiến hành quản lý tốt theo 03 văn kiện pháp lý.

Về Tình hình Biển Đông:

Trước diễn biến ngày càng phức tạp ở Biển Đông, từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã đồng bộ triển khai trên các kênh ngoại giao, pháp lý, tuyên truyền và thực địa. Các hoạt động của Việt Nam đã góp phần giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích chính đáng và hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam.

Thời gian tới, tình hình Biển Đông sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, không loại trừ khả năng nảy sinh vụ việc phức tạp, tác động không nhỏ tới tình hình tư tưởng của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, ảnh hưởng tới an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc: Tiếp tục tuyên truyền khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc; duy trì cục diện quan hệ với Trung Quốc; thực hiện nghiêm túc "Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc" và tuân thủ nhận thức chung quan trọng mà lãnh đạo hai Đảng, Chính phủ hai nước đã đạt được.

Hai là, về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc: Tuyên truyền nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biên giới, lãnh thổ quốc gia; tăng cường thông tin chính thống để người dân Việt Nam ở nước ngoài và nước ngoài hiểu đầy đủ, chính xác, khách quan về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta về vấn đề biên giới, lãnh thổ.

Ba là, về tình hình Biển Đông: (1) Tiếp tục quán triệt mục tiêu, yêu cầu: kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của quốc gia trên biển; chủ động, tích cực giải quyết, xử lý các tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế; giữ gìn môi trường hòabình, ổn định và hợp tác để phát triển. (2) Tuyên truyền, động viên để ngư dân an tâm vươn khơi bám biển, khai thác hải sản theo đúng quy định của pháp luật; đẩy mạnh thông tin tích cực, giới thiệu những tấm gương điển hình trong phát triển bền vững kinh tế biển của các ngành, địa phương. (3) Kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị liên quan đến công tác đối ngoại, vấn đề Biển Đông, biên giới lãnh thổ. Tiếp tục tập trung tuyên truyền tới đông đảo người dân (nhất là ở khu vực tập trung nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư, liên doanh, liên kết với nước ngoài, vùng sâu, vùng xa, vùng tập trung đồng bào có đạo...) cảnh giác trước những thông tin sai sự thật, kích động tư tưởng "bài Hoa", gây mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

2. Tuyên bố của các nước ASEAN về việc duy trì hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á

Ngày 08/8/2020, nhân dịp Kỷ niệm 53 năm ngày thành lập ASEAN, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ra Tuyên bố về việc duy trì hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á, tái khẳng định cam kết mạnh mẽ bảo đảm thực hiện hiệu quả Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và duy trì đà tiến triển trong xây dựng Cộng đồng ASEAN sau 2025. Trong đó có một số nội dung chủ yếu sau:

(1) Nhấn mạnh cam kết duy trì Đông Nam Á là khu vực hoà bình, an ninh, trung lập và ổn định, và tăng cường các giá trị hướng tới hòa bình trong khu vực phù hợp với luật pháp quốc tế.

(2) Tái khẳng định ASEAN cần duy trì đoàn kết, gắn kết và tự cường trong thúc đẩy các mục tiêu, nguyên tắc và lợi ích chung được nêu trong Hiến chương ASEAN.

(3) Tái khẳng định hơn nữa tầm quan trọng của việc bảo đảm các mục tiêu và nguyên tắc trong Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) cũng như trong Tuyên bố về Khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập và Tuyên bố của Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) về các Nguyên tắc quan hệ cùng có lợi.

(4) Kêu gọi tất cả các nước kiềm chế, không tiến hành các hoạt động làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng tới hoà bình, ổn định, không sử dụng hay đe doạ sử dụng vũ lực, và giải quyết các khác biệt và tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

(5) Kêu gọi tiếp tục xây dựng lòng tin chiến lược và tin cậy lẫn nhau giữa các quốc gia thông qua tiếp tục đối thoại, hợp tác cùng có lợi và các biện pháp xây dựng lòng tin thiết thực nhằm kiến tạo một môi trường hòa bình, thuận lợi cho tăng trưởng bền vững.

(6) Cam kết tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN và khuyến khích các đối tác của ASEAN tham gia đóng góp xây dựng thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), góp phần vào củng cố lòng tin và tin cậy lẫn nhau, cũng như xây dựng một cấu trúc khu vực mở, minh bạch, dung nạp và dựa trên luật lệ.

(7) Tái khẳng định các mục tiêu và nguyên tắc nêu trong Tài liệu Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) và khuyến khích các đối tác hợp tác cùng ASEAN để thúc đẩy Tài liệu AOIP và tiến hành hợp tác trên các lĩnh vực ưu tiên nêu trong Tài liệu nhằm thúc đẩy lòng tin, tôn trọng và lợi ích chung thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt.

(8) Tái khẳng định cam kết ủng hộ chủ nghĩa đa phương dựa trên nền tảng các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, đồng thời đề cao cách tiếp cận đa phương trong ứng phó với các thách thức đang nổi lên và tích cực tham gia định hình một cấu trúc đa phương hiệu quả hơn dựa trên luật lệ, có khả năng giải quyết được các vấn đề cấp bách của khu vực và toàn cầu.

Với tinh thần “Gắn kết và Chủ động thích ứng”, là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam dành ưu tiên cao đẩy mạnh đoàn kết, thống nhất, phối hợp hành động hiệu quả trong ASEAN cũng như tăng cường quan hệ với các Đối tác để nâng cao năng lực tự cường và khả năng ứng phó hữu hiệu của ASEAN trước các thách thức chưa từng có, đó là dịch bệnh COVID-19 và những chuyển động, cạnh tranh mạnh mẽ, sâu sắc của môi trường địa chiến lược toàn cầu và khu vực, trong đó đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, bao gồm cả UNCLOS 1982. Việt Nam sẽ cùng các quốc gia thành viên ASEAN tiếp tục thúc đẩy thực hiện thành công Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, định hướng phát triển của Cộng đồng ASEAN sau 2025, nâng cao vị thế và phát huy vai trò của ASEAN đóng góp cho hòa bình, an ninh và phát triển bền vững của khu vực và thế giới.

                                            Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ