Lễ hội Gò Tháp là một
hình thức sinh hoạt văn hóa mang tính xã hội cao, diễn ra từ chiều 14 đến rạng
sáng ngày 16 âm lịch với hai phần: phần lễ và phần hội.
Phần lễ: lễ cúng chính,
lễ cầu an, lễ cúng thần nông, lễ thỉnh sanh… nội dung ca ngợi công đức các bậc
tiền nhân có công khai mở đất nước, các anh hùng dân tộc cầu mưa thuận gió hoà,
mùa màng bội thu…
Phần hội: có các trò
chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ, giao lưu ca hát …
So với các lễ hội trong
tỉnh, lễ hội Gò Tháp có qui mô tổ chức lớn. Mỗi kỳ lễ hội đã thu hút trên hàng
trăm ngàn lượt khách từ mọi miền hành hương về đây. Trên bộ, dưới sông, xuồng,
ghe, xe cộ tấp nập, từng đoàn người nối tiếp nhau đổ về khu vực trung tâm lễ
hội với muôn màu, muôn sắc và với cùng một tâm thế hướng thiện cộng cảm. Người
thì bỏ ra công sức, nấu nướng, phục vụ vui vẻ đầy trách nhiệm cho
hàng chục ngàn người ăn uống suốt ngày, người thì cúng tế đất trời, tiền nhân
bằng vật chất như lúa, gạo, rau quả, tiền bạc..v..v..tùy theo tấm lòng và khả
năng của mình. Mỗi kỳ lễ hội, số tiền hàng mấy trăm triệu đồng do nhân dân cúng
bái được sử dụng vào việc trùng tu, tôn tạo di tích. Những công trình Miếu Bà
Chúa Xứ, Mộ cụ Đốc Binh Kiều, Tháp Mười cổ tự…là do nhân dân đóng góp bằng tấm
lòng từ thiện đó.
Lễ hội Gò Tháp là hoạt
động văn hóa dân gian mang đặc thù riêng của vùng sông nước Đồng Tháp Mười,
ngoài yếu tố thoả mãn nhu cầu về tâm linh tín ngưỡng tôn giáo còn có tác dụng
động viên, khuyến khích nhân dân lao động sản xuất, vui chơi giải trí sau những
ngày lao động mệt nhọc. Do vậy, cần bảo tồn, phát triển các mặt tích cực cho
phù hợp với các giá trị văn hóa mới, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng nền văn hóa
tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà
nước ta.
Bảo Tàng Tổng Hợp Đồng Tháp
